NSND Mỹ Uyên: Trọn vẹn hành trình phụng hiến nghệ thuật
Ngày 6/3 vừa qua nghệ sĩ Mỹ Uyên vinh dự được phong tặng NSND trong niềm hạnh phúc vô bờ. Nhắc đến cô đào tài sắc Mỹ Uyên, giới mộ điệu luôn dành một tình cảm ưu ái bởi những đóng góp hết sức tâm huyết của chị cho nghệ thuật, nhất là đối với kịch nghệ và Nhà hát Kịch sân khấu nhỏ TP Hồ Chí Minh.
Vừa là diễn viên, vừa là giám đốc, vừa là thầy của bao thế hệ diễn viên trẻ của sân khấu này, một tay lèo lái sân khấu kịch đi qua nhiều thăng trầm, NSND Mỹ Uyên vẫn luôn cố gắng giữ sân khấu sáng đèn giữa thời buổi văn hóa giải trí chịu nhiều tác động của kinh tế, xã hội lẫn sự phát triển ồ ạt của những nền tảng giải trí mạng.
Cô đào chuyên vai diễn số phận
Tôi vẫn nhớ như in cảm xúc mình lặng người cay xè sống mũi khi xem NSND Mỹ Uyên hóa thân vào bé Ba, một người vợ cam chịu, đè nén mang đầy tâm lý phức tạp. Sự vỡ tung ẩn ức vào cuối của vở kịch “Tình lá diêu bông” cho thấy một Mỹ Uyên đầy bản lĩnh và nội lực. Chị điều tiết cảm xúc khán giả từ đầu buổi cho đến cuối cùng. Khán giả như được chị dẫn dắt vào câu chuyện, có lúc bức bối vì cô gái quá yêu thương người chồng mà giấu nhẹm một chuyện tày đình khiến duyên phận người chị mình lỡ làng. Cũng có lúc bé Ba khiến khán giả mủi lòng bởi tình yêu da diết dành cho người chồng bị tâm thần phân liệt. Hy sinh và hạnh phúc, đau thương và đẹp đẽ, lý trí và con tim, Mỹ Uyên để lại một vai diễn nặng kí mà ít diễn viên nào dám thể hiện lại.
Gần 30 năm dấn thân vào con đường nghệ thuật, lửa nghề như vẫn cháy ngùn ngụt trong cô đào có nét đẹp sắc lạnh và buồn thương này. Dễ chừng ai gặp Mỹ Uyên ngoài đời cũng ngỡ ngàng bởi ở cái tuổi 48 của chị. Mỹ Uyên vẫn trẻ trung và đầy năng lượng. So với thời mới vào nghề, Mỹ Uyên ngày càng đẹp mặn mà, nét mặt lạnh lùng với đôi mắt buồn như mộng nước của cô vẫn vậy. Dường như nhan sắc đó đóng mác cho cô những vai diễn mang đầy số phận lênh đênh. Đến giờ, Mỹ Uyên chẳng thể nhớ hết các vai đã diễn trên chặng đường nghệ thuật của mình, nhưng có lẽ chỉ cần một vai diễn có cá tính mạnh mẽ sau những gieo neo dâu bể của cuộc người, đạo diễn sẽ tìm ngay đến chị, và vừa vặn thay, Mỹ Uyên sẽ khiến công chúng nhớ đến vai diễn ấy ngay.
Một trong những vai diễn trên sân khấu kịch khiến người xem khóc cười cùng Mỹ Uyên đó chính là vai Phương, trong vở “Chuyện tình nữ phạm nhân”. Xuyên suốt vở là cuộc đấu tranh khốc liệt giữa kẻ phạm tội Phương với Đào (nghệ sĩ Lê Vinh thủ diễn). Đào là sĩ quan áp giải Phương, một cô gái chai lì phạm tội buôn bán ma túy. Cuộc chạm trán bất ngờ của những người yêu nhau thuộc hai chiến tuyến. Khán phòng thấp thỏm theo từng nét diễn tung hứng của cặp đôi, rồi lại lẳng lặng rơi nước mắt trước hoàn cảnh đáng thương của Phương. Cuộc hội ngộ đầy da diết, khắc khoải của Phương và chàng Công an Đào. Nhưng, để bảo vệ cái tốt, diệt trừ cái xấu, và thực hiện đúng trách nhiệm của người chiến sĩ Công an, Đào đã phải chấp nhận hy sinh.
Cặp đôi đã lấy đi nước mắt của khá nhiều khán giả bởi tài diễn xuất nhịp nhàng và đẩy được cao trào về phía khán giả. Nhà hát Kịch sân khấu nhỏ TP Hồ Chí Minh tận dụng tối đa không gian ấm cúng để tạo ra sự tương tác với khán giả. Chính khán giả là những người trợ diễn song hành cùng đẩy cảm xúc với diễn viên. Tận dụng ưu thế đó, Mỹ Uyên đã thể hiện một nội lực đầy đặn để khán giả luôn nhớ mãi Phương với nghịch cảnh éo le của một thân phận trong vòng xoáy ma lực tình-tiền. Nhưng trên hết, đó là một số phận dẫu cạn cùng vẫn lấp lánh một hy vọng của sự thiện lương, của yêu thương và mong mỏi sống bình yên trong cuộc người của mình.
Không chỉ khiến khán giả nhớ đến mình trên sân khấu kịch, Mỹ Uyên cũng có cho mình những vai diễn trên màn ảnh lẫn phim truyền hình chinh phục khán giả toàn quốc. Năm 2023, Mỹ Uyên xuất hiện với vai bà Thảo trong bộ phim “Đừng nói khi yêu”, phát sóng trên VTV3, do VFC sản xuất. Mặc dù chỉ góp mặt vào các tập cuối, nhưng lối diễn xuất sắc đã thể hiện sự hà khắc của bà mẹ với con mình ngay lập tức tạo một “làn sóng” trong cộng đồng yêu thích bộ phim này. Thậm chí người xem tức tối và ghét luôn nhân vật bà Thảo.
Để chỉ trong một thời lượng ngắn mà chinh phục cảm xúc người xem thì chỉ có thể là một diễn viên thực lực và dày dạn kinh nghiệm mới làm được điều này. Thậm chí khi tập phim cuối kết thúc, các diễn đàn mạng lẫn người mộ điệu vẫn ấn tượng cuộc đối đầu khắc khẩu của hai bà thông gia là bà Thảo và bà Phượng do NSƯT Tú Oanh thủ diễn. Sự hóa thân trọn vẹn cho nhân vật luôn là tâm niệm của NSND Mỹ Uyên khi nhận lời tham gia bất cứ vở kịch, hay bộ phim nào. Dù vai diễn lớn, hay nhỏ, thậm chí chỉ xuất hiện vài phân đoạn thì với Mỹ Uyên vẫn trong tâm thế tận hiến hết mình cho nghệ thuật.
Và phụng hiến cho thánh đường nghệ thuật
Rời màn ảnh, sân khấu, khán giả lại thấy một bà bầu Mỹ Uyên gồng gánh Nhà hát sân khấu nhỏ TP Hồ Chí Minh, một trong những sân khấu kịch lâu đời tại Sài Gòn. Từ việc kinh doanh bán vé, cho đến tìm kịch bản, rồi tạo dựng thế hệ trẻ và mang vở diễn đi các hội thi để cọ xát, học hỏi. Tất cả một mình NSND Mỹ Uyên phải ngược xuôi. Có những thời điểm Nhà hát đứng trước nguy cơ khó khăn thiếu thốn nhiều mặt, cô đào này phải dốc hết của cải của mình ra để giữ cho sân khấu sáng đèn.
Sống và chết với nghề, dường như điều này đúng với NSND Mỹ Uyên. Nếu chỉ làm diễn viên, Mỹ Uyên sẽ sống khá ổn với thu nhập mình kiếm được. Nhưng, khi mang trên vai trọng trách gánh vác cả một nhà hát đó lại là câu chuyện cơm áo gạo tiền. Hơn hết, để các diễn viên, nhân viên trong nhà hát sống được giữa thời buổi kinh tế khó khăn, kịch nói không còn là món ăn tinh thần quyến rũ được công chúng giữa những hình thức giải trí khác đang phát triển rầm rộ, đòi hỏi Mỹ Uyên phải có tài, có tâm và có tầm.
Dễ thấy ở Mỹ Uyên trong vai trò lãnh đạo là một người năng động và luôn sáng tạo. Nhà hát Kịch sân khấu nhỏ TP Hồ Chí Minh vẫn sáng đèn hằng tuần với 2 đến 3 đêm diễn là một nỗ lực trong thời buổi các sân khấu kịch tại Sài Gòn dần thoái trào. Có đoàn kịch phải diễn theo mùa, có nhà hát chỉ diễn cuối tuần, và thậm chí có nhà hát không thể dựng nổi vở mới bởi gánh nặng chi phí. Nhưng, tại địa chỉ 5B Võ Văn Tần vẫn luôn thu hút công chúng yêu kịch bởi sự thay đổi thức thời bằng loạt kịch gia đình, xã hội và cả kịch thiếu nhi.
Mùa kịch Tết Giáp Thìn vừa rồi, Mỹ Uyên và nhà hát của mình đã tung ra loạt kịch thiếu nhi “Thế giới đồ chơi”, “Cậu bé rồng”. Song song đó vẫn giữ nhịp kịch dành cho người lớn với “Mặt đối mặt”. Hai vở kịch thiếu nhi thắng lớn với việc ký kết được hợp đồng với các trường học, trở thành tiết học ngoại khóa cho các em thiếu nhi. Tương tự vậy, Mỹ Uyên cũng tất bật cho vở kịch “Ái tình ngoài hôn nhân” hiện đang công diễn và xuất nào cũng kín rạp hát.
Liên tiếp tạo ra các vở mới, đánh trúng thị hiếu công chúng và luôn giữ lửa cho thế hệ trẻ, hỏi Mỹ Uyên có mệt không, cô chỉ cười nhẹ nhàng sau suất diễn với mồ hôi vẫn còn rịn trên gương mặt. Trong hậu trường là một Mỹ Uyên đau đáu với nghề. Mệt mỏi thì chắc chắn ai cũng phải có. Nhưng đã đi qua giai đoạn khởi nghiệp đầy bấp bênh từ những năm 1990, cho đến nay, ngồi nhìn lại, Mỹ Uyên thấy ơn Tổ cho mình những giây phút tỏa sáng, khán giả cho mình được sự ghi nhận đó chính là động lực để Mỹ Uyên cố gắng đi trọn vẹn hành trình làm nghề của mình.
Mỹ Uyên là của nghệ thuật, của những vai diễn và của thế hệ đàn em chị đang dìu dắt. Sau danh hiệu NSND, vẫn là một Mỹ Uyên phụng hiến cho thánh đường nghệ thuật. Danh hiệu là niềm vui của người làm nghề, nhưng hành trình sống với nghệ thuật mới chính là điều tiên quyết khiến khán giả luôn nhớ đến Mỹ Uyên.