NSND Nguyễn Hải: 'Giờ tôi đóng vai chính diện chẳng ai tin'
NSND Nguyễn Hải thành công với vai phản diện có lẽ không chỉ đến từ 'giao diện' trời phú, mà phần nhiều đến từ chính nỗ lực, đam mê nghề...
NSND Nguyễn Hải là gương mặt quen thuộc với khán giả xem truyền hình, “đóng đinh” với những vai “ông trùm” sừng sỏ hoặc những vai “gian”, “đểu”.
Quá khứ cơ cực của “ông trùm”
Hiếm có ai như NSND Nguyễn Hải khi “sa” vào vòng xoáy điện ảnh nhờ hai chữ tình cờ. Xuất phát điểm là kỹ sư hầm lò bước ra từ trường Đại học Mỏ Địa chất, nhưng nghề kỹ sư chỉ gắn với ông chưa đầy 8 tháng, trong thời gian làm việc ở Quảng Ninh.
Ngay sau đó, chàng kỹ sư 23 tuổi, với hai bàn tay trắng, quyết theo học Sân khấu Điện ảnh trong sự giận dữ của bố mẹ.
Bị bố mẹ cắt hết viện trợ, nam nghệ sĩ từng phải tiết kiệm đến từng xu lẻ để vừa đi học vừa trang trải cuộc sống.
Đến giờ, những ngày không còn cả tiền mua vé xe buýt, phải đi bộ ròng rã 5, 6 tiếng đồng hồ từ Mai Dịch đến tận Cung Thiếu nhi Hà Nội để xem kịch vẫn như những thước phim quay chậm trong ký ức NSND Nguyễn Hải.
Thậm chí, đến khi lấy vợ rồi ôm mộng kinh doanh đủ thứ nghề như mở quán phở, buôn bát đĩa… để nuôi sống gia đình mà đam mê diễn xuất, cái nghèo vẫn đeo đuổi ông.
“Ngày mới tốt nghiệp, tôi chỉ được nhận vai quần chúng, những vai cầm cờ, chạy vụt qua sân khấu một lát, được trả 5.000 đồng, trong khi bán một bát phở được 7.000 đồng. Nhưng khi hạch toán, kinh doanh vẫn thua lỗ vì không biết thái thịt, bốc bánh thế nào.
Những hôm trời mưa, hai vợ chồng phải ăn phở cả ngày. Nhiều lúc, tôi định bỏ về quê làm ruộng, nhưng vợ không chịu. Tôi buộc phải nỗ lực vươn lên nếu muốn trụ lại”, ông kể.
Đến bây giờ, ở tuổi 60, kinh qua hàng chục vai diễn từ sân khấu đến màn ảnh nhỏ, mỗi lần nhớ lại, ông vẫn luôn dành sự trân trọng đặc biệt với những năm tháng gian khó ấy.
Với ông, cuộc sống khó khăn thiếu thốn chính là chất liệu để bản thân trải nghiệm, hóa thân trọn vẹn vào từng vai diễn.
Phản diện nhưng không nhàm chán
Trong sự nghiệp diễn xuất của mình, NSND Nguyễn Hải từng đóng nhiều vai chính diện như Trung tá Hoàng Đàm trong vở “Khoảnh khắc mong manh” của nhà văn Hữu Ước, đoạt Huy chương bạc Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1999; vai Đại tá tình báo Lê Đức Duy trong vở “Sống trong cô đơn”, giúp ông đoạt Huy chương Vàng cuộc thi Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 2012…
“
Với vai diễn nào tôi cũng đầu tư như một công trình khoa học, nên phải nghiên cứu kỹ để diễn sao cho hay nhất. Như vai phản diện trong “Bão ngầm” khiến tôi dằn vặt nhiều đêm.
Với nhân vật này tôi phải căn từng câu, từng chữ để làm sao cho đúng tính cách. Khi mặc quần áo công an thì Như Tuất phải nói nhẹ nhàng, nhưng khi mặc áo quần áo dân thường, làm ăn phi pháp giọng phải “chợ giời” hơn.
NSND Nguyễn Hải
”
Tuy nhiên, nhìn chung thì số lượng vai diễn “đểu”, “tàn ác đến tận cùng” vẫn áp đảo! Đến nỗi, trong mắt khán giả, ông là “gương mặt điển hình” cho những nhân vật kiểu trí thức lưu manh, mưu mô, nham hiểm, những vai gián điệp phản động, phản bội Tổ quốc…
Đến mức, NSND Trần Nhượng cũng phải thừa nhận: “Với những vai phản diện, Hải có cần phải diễn đâu, cứ nhìn là đã ra chất “đểu” rồi!”.
“Nhưng chất “đểu” trong phim của anh Hải lạ lắm! Không kiểu “đểu” nào giống nhau. Cùng là phản diện, mỗi vai anh lại mang đến một màu sắc khác nhau, không bao giờ lặp lại những thành công trước đó.
Đó cũng là lý do mà anh Nguyễn Hải “đóng đinh” với vai phản diện nhưng không khiến khán giả nhàm chán, tẻ nhạt”, nhà văn - TS. Đào Trung Hiếu - “cha đẻ” phim “Bão ngầm”, một người em, người đồng nghiệp thân thiết của Nguyễn Hải nhận định.
Quả vậy, các vai phản diện do NSND Nguyễn Hải đóng đều không thể lẫn vào đâu, từ Trịnh Khả trong “Chuyện làng Nhô”, Minh “hói” trong “Cổ cồn trắng”, tướng cướp Hoàng Đạo trong “Cái chết của con thiên nga”, vai lão Cấn tàn bạo, máu lạnh trong “Quỳnh búp bê” và gần đây nhất là Thượng tá công an biến chất Trần Như Tuất trong “Bão ngầm”.
Trên sân khấu kịch, Nguyễn Hải cũng tái hiện những nhân vật phản diện “đời” không kém trên màn ảnh. Chẳng hạn, với “Quả báo”, Nguyễn Hải như một bản sao của trùm giang hồ Khánh “trắng”. Ở “Vòng xoáy”, đồng nghiệp cũng xuýt xoa, khen anh trông chẳng khác... “ông trùm” tội phạm khét tiếng Năm Cam.
Nhưng có một sự thật, NSND Nguyễn Hải thành công với vai phản diện có lẽ không chỉ đến từ “giao diện” trời phú, mà phần nhiều đến từ chính nỗ lực, đam mê nghề của bản thân nam nghệ sĩ.
“Với mỗi vai diễn, anh đều nghiên cứu và dò dẫm mổ xẻ tâm lý nhân vật bằng những kiến thức vốn có của mình. Anh tốt nghiệp Đại học Luật tại chức và một khóa ngắn về tâm lý học tội phạm”, TS. Đào Trung Hiếu chia sẻ.
Một cuộc sống khác ngoài đời
Khi tiếp xúc với NSND Nguyễn Hải ở ngoài đời, rất nhiều người sẽ ngạc nhiên bởi khác xa những vai “kẻ xấu”, gian, đểu kinh điển trên màn ảnh, ông lại là người cởi mở, cực kỳ dễ gần.
TS. Đào Trung Hiếu kể, vốn thân thiết nên anh thường gọi NSND Nguyễn Hải là “đại ca”. Từ một người lính, chuyên gia tội phạm học “lấn sân” sang công việc biên kịch, đạo diễn, TS. Đào Trung Hiếu nói rằng ông học hỏi rất nhiều kiến thức về điện ảnh từ NSND Nguyễn Hải.
“Ngoài đời, anh Hải rất hay, cực tốt bụng và hào sảng, thậm chí rất hiền lành. Anh em tôi hợp nhau và có rất nhiều sở thích, quan điểm chung”, “cha đẻ” của phim “Bão ngầm” tâm sự.
Từng có dịp hợp tác với NSND Nguyễn Hải (vai ông Cấn) trong “Quỳnh búp bê”, diễn viên trẻ Trọng Lân (vai Phong) cũng phải ngả mũ trước thái độ làm việc chuyên nghiệp và sự tận tâm với nghề của nam nghệ sĩ gạo cội.
“Hai “bố con” diễn đôi với nhau ngay từ lần đầu tiên đã rất ăn khớp. Chú Hải là một nghệ sĩ thuộc hàng “cây đa cây đề” nhưng lúc nào cũng sẵn lòng hỗ trợ, giúp đỡ diễn viên trẻ. Khoảng thời gian làm việc với chú, tôi tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm”, Trọng Lân nhớ lại.
Bây giờ, gặp NSND Nguyễn Hải ngoài đời, vẫn không ít khán giả gọi anh là “ông Cấn” hay “lão Tuất”, Nguyễn Hải cười và cám ơn họ, để lúc rỗi lại than thở với bạn bè rằng: “Giờ tôi có đóng vai chính diện cũng chẳng ai tin!”.
“Ở tuổi 60, vừa về hưu, song tôi chưa một ngày nghỉ ngơi. Dường như, lúc nào cũng di chuyển, bận rộn với những dự án phim, làm luật sư trợ giúp pháp lý miễn phí, giúp những người lao động có hoàn cảnh khó khăn…”, ông chia sẻ.
Đại tá công an, NSND Nguyễn Hải sinh năm 1958, từng là Phó trưởng Đoàn Kịch nói CAND. Hơn 30 năm làm nghề, nam diễn viên chuyên trị hình tượng “ông trùm” sừng sỏ, máu lạnh và ác đến tận cùng. Trịnh Khả trong “Chuyện làng Nhô”, Lê Thanh trong “Chạy án”, lão Cấn trong “Quỳnh búp bê”... là những vai diễn phản diện “để đời” của ông.
Vợ ông là bà Lê Thúy Hằng, bạn học ở trường Sân khấu Điện ảnh. Cả hai có 2 người con. Con trai cả tên Nguyễn Khánh từng nhận được học bổng du học tại Anh và con gái út tên Mai Linh được biết đến với nghệ danh Yoohee - dancer của nhóm nhảy cover K-Pop nổi tiếng hàng đầu Việt Nam ST.319.