NSND Phương Hoa: Nghệ thuật là không theo lối mòn

Đạo diễn Christophe Thiry: Truyện Kiều cho tôi du hành qua nhiều nền văn hóa

(HNMCT) - NSND Phương Hoa là con gái của đạo diễn - NSND Trần Vũ và đạo diễn, diễn viên Đức Hoàn. Là con nhà nòi, không khó hiểu khi chị theo đuổi sự nghiệp làm phim, chỉ có khác, thay vì phim truyện thì chị dành tình yêu và đam mê cho hoạt hình. Và với nó, chị đã được nếm trải những dư vị ngọt ngào của tình yêu, hạnh phúc, sự thăng hoa trong sự nghiệp cùng những nốt trầm của cuộc sống.

Phim Xe đạp.

1. Sinh ra trong gia đình có truyền thống hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh, NSND Phương Hoa chịu ảnh hưởng lớn từ bố mình, đạo diễn điện ảnh Trần Vũ. Sinh thời ông là người rất yêu thích hội họa, theo lời Phương Hoa kể lại, cụ thường nói nếu có điều kiện sẽ đi theo ngành hội họa trước khi làm đạo diễn. NSND Phương Hoa cũng chia sẻ, bản thân chị có niềm đam mê vẽ từ nhỏ và luôn được bố khích lệ. Cuộc sống thời chiến vốn đầy khó khăn, thiếu thốn nhưng chị luôn được bố tạo điều kiện để phát huy tối đa năng lực và đam mê. Từ việc mua màu, bút, giấy tới việc cho con gái đi học ở đâu... đều một tay bố sắp xếp.

Nói về cơ duyên của mình với hoạt hình, chị kể, khi đã thi đỗ vào Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, chị vẫn chưa nghĩ mình sẽ làm phim hoạt hình mà chỉ xác định đi theo con đường hội họa. Đến tận khi ghi danh đăng ký tuyển chọn sinh viên đi học tại Liên Xô (cũ), chị vẫn nghĩ việc đi học nước ngoài cũng là dịp tốt để mở mang kiến thức và sự hiểu biết về hội họa. Kết quả, chị là một trong hai sinh viên Việt Nam theo học chuyên ngành Họa cho phim tại Trường Đại học Điện ảnh quốc gia toàn Liên bang Xô viết (VGIK).

Chị kể, thường các sinh viên nước ngoài khi sang đều phải học dự bị tiếng 1 năm, học chuyên ngành 4 năm, tổng cộng là 5 năm, thế nhưng hai chuyên ngành cùng có chữ sĩ là Họa sĩ và Bác sĩ phải học tới 7 năm. Ngẫm thấy quá lâu, tận 7 năm, mà bản thân đã học vẽ trước, nên chị và bạn đồng môn quyết tâm xin được học thẳng luôn mà không qua dự bị một năm học tiếng. Sau khi qua vòng kiểm tra, đôi bạn được chấp nhận.

“Mình đăng ký học Thiết kế mỹ thuật cho phim vì quan niệm nghề đó gần với hội họa hơn, nhưng khi được khuyên nên chọn Họa sĩ thiết kế trang phục hoặc Họa sĩ hoạt hình, mình quyết định chọn hoạt hình. Mới đầu chưa thích lắm bởi đó chỉ là lựa chọn mang tính tình thế nhưng càng được học, được xem nhiều, tiếp xúc với hoạt hình thế giới, mình càng bị chinh phục và chẳng biết yêu nó từ lúc nào”, chị tâm sự.

Vốn là con nhà nòi, Phương Hoa không cảm thấy bỡ ngỡ khi tiếp xúc với các kiến thức về phim. Những bài tập như vẽ storyboard cho phim hay tạo hình phim chị đều nắm bắt nhanh và khá tốt, cộng với quá trình học hành được các giáo sư đánh giá cao nên “tâm trạng rất phấn khởi”, và quan trọng nhất, như chị kể, là được xem rất nhiều phim. 5 năm ròng rã tại VGIK chỉ để luyện kỹ năng cơ bản về hội họa, có thể nói, Phương Hoa là một trong số ít các họa sĩ hoạt hình được đào tạo kỹ và bài bản về chuyên môn hiện nay.

Phim Xe đạp và ô tô.

2. NSND Phương Hoa nói, “Nếu tiếp xúc với mình đủ lâu, có thể thấy bề ngoài mình tương đối nhẹ nhàng nhưng trong công việc thì khá cứng rắn, một khi đã quyết định là sẽ làm đến cùng... Theo đuổi nghệ thuật, nhất lại là phụ nữ, nếu mềm mại quá sẽ khó mà trụ được. Đa số những người thành công đều là những người khá quyết liệt trong công việc. Bởi để chỉ huy nhóm làm phim hoạt hình ít nhất 4 - 5 người, nếu không thuyết phục được họ theo ý mình thì sẽ không thể ra được tác phẩm như ý”.

Tiếp xúc nhiều với NSND Phương Hoa, sẽ nhận ra một điều, mọi thứ với chị đều đơn giản, nhẹ nhàng. Cuộc hôn nhân đầu tiên tan vỡ với lý do... nó cần phải thế để tốt cho những người liên quan. Chính chị là cầu nối để cậu con trai “bình thường hóa quan hệ” với bố đẻ. Sau này, khi chứng kiến chị đồng hành cùng NSND Minh Trí trong công việc và trong các chuyến đi gồm cả đi “phượt”, đi họp, đi dự Liên hoan phim, trao giải Cánh diều, tham gia trại sáng tác..., tôi đã nghĩ họ là một nửa đúng và chuẩn của nhau.

“Anh Trí là Mr Right (người đàn ông đích thực) của chị đấy”, nghe tôi nói vậy, chị cười lớn: “Thế mà lần đầu tiên làm việc chung, cãi nhau to tới mức không muốn nhìn mặt”. Chị kể: “Khi vừa tốt nghiệp và bắt đầu làm việc ở Hãng, anh Trí mời mình làm họa sĩ chính cho bộ phim đầu tiên của anh - Chuyện cổ thành ốc. Lúc đó, con mình mới được 6 tháng, bị phân tán nhiều chuyện nên nhiều lúc không đáp ứng được kỳ vọng của đạo diễn. Đáng lẽ hẹn hôm nay phải cho xem phác thảo nhưng mình lại chưa hoàn thành. Anh Trí sốt ruột nên khi họp có phàn nàn, mình tranh luận dẫn đến hai bên cãi nhau tới mức anh tuyên bố với tổ chức: “Không nhận cô này vào phim của tôi nữa”. Dĩ nhiên, sau khi được giảng hòa, hai người vẫn tiếp tục làm việc chung.

Nói về kỷ niệm đẹp với người bây giờ là chồng và là bạn nghề của mình, Phương Hoa chân thành: “Cũng may là do người ta khó khăn và khắt khe như vậy thì mình mới nỗ lực phấn đấu để làm việc tốt hơn”. Và với bộ phim này chị được nhận giải thưởng đầu tiên trong sự nghiệp - Giải Họa sĩ xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Việt Nam năm 1987 tổ chức tại Đà Nẵng. Đây được xem như tấm giấy thông hành để chị tiếp cận được nhiều cơ hội hợp tác làm việc. Sau 13 năm trong vai trò họa sĩ từ năm 1985 tới năm 1997 với 4 giải thưởng Họa sĩ xuất sắc nhất, Phương Hoa mới nhận bộ phim đầu tiên làm đạo diễn, như chị nói là “để được thoải mái vùng vẫy sáng tạo”.

3. Trên cương vị mới, được sự khích lệ và động viên của các nghệ sĩ tên tuổi như NSND Trương Qua, NSND Ngô Mạnh Lân, họa sĩ Mai Long... Phương Hoa đã thỏa sức sáng tạo nghệ thuật với quan điểm không theo lối mòn và làm lại những thứ đã cũ. Cách làm của Phương Hoa, có thể nói là “đến bây giờ, những người trẻ cũng không làm” nhưng chị vẫn mạnh dạn theo đuổi, vì thế dù đã gần 20 năm nhưng bộ phim Xe đạp và ô tô với cách dàn dựng độc đáo vẫn được các thế hệ làm phim trẻ tham khảo. Cho đến khi làm bộ phim Chuyện những đôi giầy, chị vẫn muốn “làm những cái có thể thoát ra khỏi cái thông thường một chút, vì trước tiên bản thân mình cho thế là hay, sau đó nếu may mắn sẽ được mọi người ủng hộ đón nhận”.

Bề ngoài NSND Phương Hoa không có vẻ gì bụi bặm phong trần của dân hội họa hay giới làm phim, nhưng thực ra chị là con người khá cá tính và thoáng, trong suy nghĩ và quan điểm về danh vọng và tiền bạc. “Giải thưởng thời trẻ là sự khích lệ, còn đến tuổi này thực sự mình không cần nữa mà chỉ nghĩ làm được gì thì làm và làm cho vui, kể cả việc góp ý cho các bạn trẻ khi họ tìm đến nhà nhờ góp ý cho phim mới”. Chị cũng thẳng thắn cho biết chưa bao giờ sống được bằng nghề hoạt hình, say sưa là thế nhưng thực ra là phải làm những việc... vớ vẩn để sống, chẳng hạn như... vẽ mẫu thêu. “Cũng có lúc bỏ, chán hoạt hình sang Nhà xuất bản Giáo dục một năm nhưng cuối cùng lại không thích, lại bỏ, quay về chỗ lương không cao. Và vẫn khoái mỗi lần vào phim mới, lại cảm giác mới mẻ thích thú, lại bao nhiêu thứ suy nghĩ tìm tòi...”.

Hiện tại, dù đã là bà nội của một bé gái hơn 3 tuổi rất đáng yêu, NSND Phương Hoa vẫn đang thực hiện một dự án phim hoạt hình “made in Vietnam” cùng với một vài bạn trẻ để phát trên internet. “Mình không dư tiền để làm từ thiện thì sẽ lấy sức lao động của mình để làm ra các bộ phim xinh xắn cho các cháu xem. Hy vọng từ giờ đến Tết sẽ có vài tập xinh xinh ra đời”. Và tôi tin với niềm đam mê, yêu nghề và nhiệt huyết đến thế, chị sẽ tiếp tục thành công!

NSND, đạo diễn, họa sĩ Phương Hoa tên đầy đủ là Nguyễn Phương Hoa sinh năm 1957. Tốt nghiệp Đại học Điện ảnh quốc gia toàn Liên bang Xô viết (VGIK), chị về công tác tại Hãng phim Hoạt hình Việt Nam cho đến khi nghỉ hưu. Một số bộ phim tiêu biểu do chị làm đạo diễn: Xe đạp (Bông sen Vàng Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 13), Quái vật hồ sen (Cánh diều Vàng phim Hoạt hình xuất sắc nhất 2012), Chuyện về những đôi giầy (Cánh diều Vàng phim Hoạt hình xuất sắc nhất 2004), Xe đạp và ô tô (Cánh diều Vàng phim Hoạt hình xuất sắc nhất 2003), Lá cây và lông vũ (Cánh diều Vàng cho Đạo diễn phim Hoạt hình xuất sắc nhất 2006), Truyền thuyết chiếc khăn Piêu (Họa sĩ thiết kế xuất sắc nhất phim Hoạt hình, Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20).

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/952714/nsnd-phuong-hoa-nghe-thuat-la-khong-theo-loi-mon