NSND Quốc Hưng 'phiêu' với âm nhạc vì có hậu phương vững chắc
NSND Quốc Hưng sinh năm 1970, từng công tác tại Đoàn chèo Hà Nội, hiện đang đảm nhận vị trí Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.
“Tôi theo con đường hát nhạc kịch nhiều năm, muốn phiêu theo âm nhạc cũng tùy ý nhưng đến khi lập gia đình, có vợ con thì tôi buộc phải tìm một cách khác để kiếm tiền. Ví dụ như tôi bắt đầu bước vào showbiz, thay vì cổ điển, opera thì tôi hát các ca khúc biểu diễn trong các chương trình lớn của Nhà nước hay các hội nghị,... Cát xê khá cao nên đời sống không vất vả nữa”, NSND Quốc Hưng bộc bạch.
Thù lao khiêm tốn
NSND Quốc Hưng sinh năm 1970, từng công tác tại Đoàn chèo Hà Nội, sau đó chuyển hướng sang học opera tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và hiện đang đảm nhận vị trí Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.
Ông sở hữu giọng bass quý và trầm nhất Việt Nam, là gương mặt quen thuộc trong các chương trình hòa nhạc lớn cả nước suốt nhiều năm qua.
Cách đây không lâu, khi ngồi ghế giám khảo cuộc thi hát Thính phòng - Nhạc kịch - Hợp xướng toàn quốc năm 2023, NSND Quốc Hưng từng khiến nảy sinh nghi vấn về tính công bằng cuộc thi bởi năm nay nhiều học trò của ông dự thi và giành giải nhất.
Thẳng thắn, nam nghệ sĩ cho biết hoàn toàn không lo ngại điều này, bởi theo đúng quy định của BTC cuộc thi thì những thầy cô làm giám khảo có học sinh, sinh viên tham gia sẽ không được bàn luận, chấm điểm để đảm bảo tính công bằng.
“Mùa năm nay, tôi có 4 học trò dự thi. Tôi cũng như các giám khảo khác đều không được bàn luận, chấm điểm những thí sinh đó. Vì thế tôi tự tin rằng kết quả chung kết là hoàn toàn công tâm, công bằng nhất với các thí sinh”, NSND Quốc Hưng bày tỏ.
Cũng từ cuộc thi, nam nghệ sĩ bày tỏ mong muốn, Bộ VH,TT&DL, Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ có những kế hoạch dài hơi để đầu tư bồi dưỡng, đào tạo những tài năng biểu diễn âm nhạc thính phòng; có kế hoạch sắp xếp lịch thi hợp lý hơn; đưa quy chế tổ chức chấm thi theo chuẩn mực quốc tế.
Và hơn nữa, chúng ta cần có thêm những cuộc thi Âm nhạc mùa Thu, Hát thính phòng - Nhạc kịch - Hợp xướng mở rộng với yếu tố quốc tế để sự nghiệp chăm sóc, đào tạo tài năng âm nhạc cổ điển Việt Nam cập nhật theo trình độ thế giới.
Có một thực tế rằng, thí sinh nào bước ra từ những cuộc thi hàn lâm thế này đều mang trong mình đam mê và tham vọng rất lớn với opera. Sau này, thực tế cuộc sống khó khăn sẽ không mấy người theo đuổi đến cùng.
Chia sẻ về thắc mắc này, “giọng bass quý hiếm” cho biết: “Đất nước phát triển kéo theo đời sống tinh thần của mọi người được nâng cao, nhu cầu thưởng thức nghệ thuật cao hơn và nhạc thính phòng, nhạc kịch cổ điển cũng phát triển theo.
Đặc biệt là các nhà hát ngoài Bắc như: Nhạc vũ kịch Việt Nam, các dàn nhạc giao hưởng hay Học viện Âm nhạc quốc gia cũng có từng tốp nhỏ thành lập CLB cổ điển thính phòng. Đấy là tín hiệu đáng mừng cho những người làm âm nhạc, đặc biệt là nghệ thuật chuyên nghiệp, cổ điển thính phòng”.
“Còn nói về thực tế cuộc sống khiến nghệ sĩ không theo đuổi opera đến cùng thì như tôi cũng từng chia sẻ, đó là điều khó tránh. Cá nhân tôi trước đây chỉ hát opera, đời sống kinh tế hay sự nổi tiếng rất hạn chế. Tập một vở opera rất vất vả, có khi mất vài tháng mới xong, nhưng thù lao chỉ từ 5 - 10 triệu đồng. Tôi thường nói vui, phải yêu lắm mới theo được bộ môn này.
Khi lập gia đình, tôi vẫn tha thiết yêu opera, nhưng cần lựa chọn con đường thực tế hơn. Sống đời nghệ sĩ, nếu thể hiện những tác phẩm theo thị hiếu, dễ được đón nhận thì kinh tế hay sự nổi tiếng cũng tăng lên. Tôi chuyển hướng hát nhạc Việt và may mắn được công chúng yêu mến. Giờ đi hát hai bài thôi, thù lao cũng kha khá rồi”, nam nghệ sĩ chia sẻ.
Cân bằng học thuật và cảm xúc
Cuối năm 2022, ông đột ngột chuyển hướng sang hát nhạc tình, đánh dấu bằng một album 10 ca khúc tình ca. Trong khi nhiều người cho rằng đó là lựa chọn mạo hiểm thì theo nghệ sĩ Quốc Hưng, ông chỉ thay đổi thể loại thôi chứ không nghĩ đang mạo hiểm.
“Hát nhạc tình hay nhạc thính phòng thì người nghệ sĩ đều cần cân bằng giữa học thuật và cảm xúc. Nhiều ca khúc nhạc tình rất giàu nhạc tính và chất liệu nghệ thuật ẩn chứa trong đó rất cao nên thể hiện ra chất những tác phẩm này không hề đơn giản, đòi hỏi người hát phải có cảm xúc âm nhạc tràn đầy, phải có tâm hồn lãng mạn, phải biết biến âm nhạc thành một cuộc rong chơi do chính mình chủ động.
Thật ra tôi đã hát nhạc trữ tình từ thời học sinh tại các phòng trà ở Hà Nội. Tôi cũng rất thành công, kiếm đủ tiền trang trải học phí cho bản thân. Tuy nhiên, khi lên tới đại học, tôi tập trung vào nhạc thính phòng hơn, vì tôi xác định, đam mê của mình là opera và nhạc thính phòng cổ điển”, nam nghệ sĩ tâm sự.
Nhiều nghệ sĩ tâm sự, có hậu phương vững chắc mới có sức “phiêu” với âm nhạc, với ông điều này đúng - sai thế nào? Nam nghệ sĩ không ngần ngại thừa nhận, hậu phương vững chắc là điều chắc chắn: “Tôi may mắn khi có vợ cùng nghề. Chúng tôi học cùng nhiều năm, yêu nhau từ trường nhạc 8 năm rồi kết hôn nên tôi lựa chọn âm nhạc thế nào hay làm bất cứ điều gì đều được vợ dõi theo ủng hộ. Đó là điều tuyệt vời”.
NSND Quốc Hưng chia sẻ rằng vợ ông không thuộc tuýp hay ghen tuông với quá khứ của chồng. Tuy nhiên, khi nghe một số bài hát vợ ông cũng trêu: “Chắc lại yêu… lại nhớ em nào đó nên mới hát nức nở thế kia chứ”.
“Khi đó tôi bảo: Đây chỉ là cách thể hiện của người nghệ sĩ thôi chứ ai hát những bài này mà nức nở một chút lại nghĩ rằng họ đang nhớ người này, người kia… thì làm sao mà sống nổi. Nhưng thực ra thì đúng là khi hát một số ca khúc, tôi cũng đặt mình vào trong đó. Những mất mát của yêu đương ngày xưa cũng là chất xúc tác giúp mình làm đầy cảm xúc hơn”, NSND Quốc Hưng vui vẻ nói.
Đặt câu hỏi, liệu ông có dự định với một dự án tình ca hoặc một sản phẩm nào để “nịnh” hậu phương của mình không? NSND Quốc Hưng cười: “Tôi vẫn còn 3 album nhạc tình (gồm 30 ca khúc) nữa đang đợi thời điểm hợp lý sẽ phát hành”.