NSND Quốc Hưng: Tôi đã bắt đầu đi vào showbiz

Xuất thân từ sân khấu chèo, từng rong ruổi hát nhạc tình trên không biết bao sân khấu lớn nhỏ, rồi sau cùng bén duyên với nhạc thính phòng cổ điển và trở thành nghệ sĩ Opera giọng bass hàng đầu Việt Nam, đó là những điều thú vị mà NSND Quốc Hưng từng trải qua trong suốt mấy chục năm gắn bó với nghệ thuật. Tới giờ, nam nghệ sĩ đã trở thành 'người lái đò' dìu dắt rất nhiều thế hệ ca sĩ thành danh trên con đường âm nhạc. Bản thân anh cũng đang đảm nhiệm vị trí Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. NSND Quốc Hưng đã có cuộc trò chuyện cởi mở cùng An ninh Thủ đô Cuối tuần.

“Duyên phận phải chiều”

- Phóng viên: Chào NSND Quốc Hưng, nhắc lại một chút về một dấu mốc có lẽ là rất quan trọng trong sự nghiệp hoạt động nghệ thuật của anh, đó là việc chuyển từ hát chèo sang thanh nhạc. Điều gì đã đưa đẩy anh đến với sự rẽ ngang thú vị này?

- NSND Quốc Hưng: Quả thật đó là một bước ngoặt lớn với tôi. Thời ấy, sau 3 năm theo học thì tôi được gọi về làm việc ở Đoàn Chèo Hà Nội giữa lúc đoàn đang tìm kiếm gương mặt có thể đóng kép chính. Nhưng không may cho tôi là lúc bấy giờ sân khấu chèo lại đang trong cảnh đìu hiu. Có đêm chỉ vài khách nước ngoài mua vé, nhưng cả đoàn vẫn diễn, nhà hát vẫn sáng đèn phục vụ khán giả. Nhiều hôm diễn xong, mọi người trong đoàn chỉ biết nhìn nhau thở dài.

Rồi một hôm, sau buổi diễn tôi cùng người bạn lang thang ngoài phố, qua Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô tình cờ nghe thấy tiếng hát nên tò mò vào xem, thì ra có lớp dạy thanh nhạc trong ấy. Chẳng hiểu sao lúc đó tôi lại nảy ra ý định xin vào học. Thầy giáo bảo tôi hát thử 1 bài, tôi hăng đến mức hát hẳn 2 bài liền. Nghe xong, thầy nhận xét tôi có chất giọng đặc biệt, nếu không học thanh nhạc thì cũng phí và khuyên tôi thử thi vào Nhạc viện Hà Nội. Vì kỳ thi diễn ra vào đúng hôm sau nên thầy còn cẩn thận viết một lá thư tay bảo tôi tìm cô giáo Diệu Thúy để gửi cho kịp đăng ký dự thi. Ngay hôm sau tôi tìm đến đúng cô giáo như thầy dặn và được hội đồng tuyển chọn đặc cách cho vào thi cuối buổi. Lúc thi, tôi hát đúng 2 bài đã hát cho thầy nghe hôm trước. Ít lâu sau, tôi nhận được giấy báo trúng tuyển và quyết định chuyển từ chèo sang học thanh nhạc. Sau này tôi mới biết người thầy giúp đỡ mình chính là NSND Quý Dương.

- Quãng thời gian theo học thanh nhạc, nghe nói anh rất “đắt sô” hát nhạc tình ở khắp các tụ điểm âm nhạc, nhưng sau đó vì lý do nào đó mà anh đã… không dám hát nữa?

- Thú thực, quãng thời gian là sinh viên trường nhạc tôi cũng nghèo nên đi hát để có tiền trang trải cuộc sống. Khi ấy hát thì cứ hát thôi, chứ chưa từng trải nên chẳng thẩm thấu được để hát một cách lắng đọng và sâu sắc. Nhờ việc đi hát này mà tôi có tiền để tự lo cho bản thân. Nhưng đúng là lúc đó các thầy của tôi không hài lòng với việc tôi “chạy sô” vì lo ngại sẽ ảnh hưởng đến giọng hát lẫn kỹ thuật thanh nhạc mà tôi được đào tạo trong trường.

Tất nhiên các thầy không nói hẳn ra, nhưng tôi hiểu ý tứ sâu xa và lo ngại chính đáng của các thầy. Ai cũng muốn những điều tốt nhất cho học trò của mình, cũng muốn chúng tôi nắm chắc được hết kiến thức cơ bản rồi mới đi hát. Vả lại, dù đứng trên sân khấu nào cũng phải thể hiện và phát huy được những yếu tố kỹ thuật, sự chuẩn mực trong giọng hát. Tôi hiểu được điều đó, dần dần tôi cũng không đi hát nữa mà tập trung học âm nhạc thính phòng cổ điển.

Cố gắng chạm tới cảm xúc khán giả

- Cách đây không lâu anh cũng bất ngờ phát hành album về dòng nhạc này, điều gì khiến anh đang ở vị trí đỉnh cao của nhạc Opera lại quay về hát nhạc tình vậy?

- Thực tế là tôi đã hát nhạc tình khá lâu trước khi học nhạc cổ điển thính phòng. Từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước tôi đã đi hát thể loại nhạc này rồi. Tôi nghĩ chất giọng của mình cũng phù hợp với dòng nhạc này vì mang tính tự sự, sâu lắng, đầy đặn, vạm vỡ của một giọng nam. Mọi người cũng bảo cách hát của tôi rất tình, có lẽ vì vậy mà tôi được khán giả đón nhận khi đứng trên sân khấu. Bẵng đi một thời gian dài, tôi tập trung học nhạc cổ điển, sau đó được giữ lại làm giảng viên ở trường và không hát dòng nhạc này nữa.

Hơn 20 năm sau, một số bạn bè, đồng nghiệp khuyên tôi thử làm một album nhạc tình, tôi thấy hào hứng nên làm thôi (cười). Tiết lộ một chút là lúc đầu tôi định ra album gồm 40 bài nhạc tình, nhưng nhiều người khuyên nên làm album khoảng 10 bài thôi. Thế nên dù tôi đã thu xong hết cả 40 bài rồi nhưng chưa cho ra mắt hết, vẫn còn lại 30 bài để dành, chờ khi nào thích hợp thì sẽ giới thiệu tới mọi người.

- Lâu không hát nhạc tình, chỉ quen với Opera kinh điển, anh có khó khăn gì trong việc tìm lại cách hát lẫn cảm xúc khi thể hiện không?

- Tôi nghĩ là không. Tôi quan niệm đã là nghệ sĩ thì khi hát dòng nhạc nào cũng cần phải có sự cân bằng, song hành giữa cảm xúc và kỹ thuật thanh nhạc. Bản thân tôi cũng luôn thể hiện các ca khúc bằng cảm xúc từ trái tim. Tôi cũng luôn cố gắng tìm hiểu những gửi gắm, ý tứ của nhạc sĩ vào trong tác phẩm để từ đó thể hiện sao cho chạm tới cảm xúc người nghe. Riêng với dòng nhạc tình thì tôi hát một cách tự nhiên, giống như đang kể câu chuyện của mình bằng âm nhạc vậy.

- Gần đây khán giả thấy anh xuất hiện nhiều hơn trên sân khấu. Có vẻ dù bận rộn với vai trò giảng dạy và quản lý, anh vẫn không bỏ quên niềm đam mê ca hát?

- Các cụ vẫn nói “có thực mới vực được đạo”, suốt nhiều năm tôi tập trung học và hát nhạc thính phòng cổ điển, mải mê theo đuổi nghề nghiệp, đến khi có vợ con rồi thì phải lo kinh tế gia đình. Thế nên tôi vẫn nhận lời đi hát để có thêm thu nhập. Mọi người vẫn nói vui là Quốc Hưng đã bắt đầu đi vào showbiz (cười). Cũng may là trong quá trình học, điểm chuyên ngành khi hát các ca khúc thính phòng Việt Nam của tôi bao giờ cũng cao nhất, từ trung cấp, đại học, đến cao học. Bởi vậy mà khi đi hát các ca khúc Việt Nam, tôi may mắn vẫn được khán giả yêu mến, từ cách hát đến cách phát âm, nhả chữ, rồi thể hiện tình cảm ca khúc. Vì thế mà đời sống cũng không đến nỗi vất vả quá nhiều.

Rất hiếm để tìm ra được giọng bass cho người châu Á

- Trở lại với dòng nhạc thính phòng cổ điển, khi đã dìu dắt rất nhiều giọng ca thành danh, anh đã tìm thấy giọng bass nào thật sự quý hiếm để có thể nối gót các “cao nhân” trong dòng nhạc này chưa?

- Thật ra trong rất nhiều năm, từ ngày NSND Trung Hiếu phát hiện ra tôi và dạy cho nhiều kỹ thuật đặc biệt, tôi đã nắm chắc các kỹ thuật của giọng trầm. Khi tôi dạy học cũng có nhiều học trò có giọng bass xuống rất thấp, ví dụ nốt đồ rê quãng dưới 3 gạch thì xuống tới nốt đố được, nhưng xuống để vẫn có đủ độ đầm, dày và có sức nặng thì hiện tại tôi vẫn chưa thấy. Thật sự rất hiếm để tìm ra được giọng bass cho người châu Á mình.

- Vậy anh đánh giá thế nào về tiềm năng và xu hướng phát triển của dòng nhạc thính phòng cổ điển ở Việt Nam hiện nay?

- Thực tế là khi đất nước mở cửa, nền kinh tế phát triển thì song song với đó là nền nghệ thuật hát nhạc thính phòng, nhạc kịch cổ điển cũng phát triển theo. Ở ngoài Bắc thì Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, thậm chí là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam cũng có nhiều tốp nhỏ thành lập các câu lạc bộ hát cổ điển thính phòng. Đó là tín hiệu rất đáng mừng.

Ở trong TP.HCM, tôi thấy Nhà hát Nhạc vũ kịch TP.HCM lên sẵn lịch làm việc các chương trình từ mấy tháng trước. Rõ ràng đời sống văn hóa văn nghệ, nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật của mọi người cũng ngày càng cao hơn nên âm nhạc cổ điển thính phòng, nhạc kịch mấy năm nay cũng có cơ hội phát triển mạnh hơn. Đây thật sự là dấu hiệu vô cùng đáng mừng của những người làm âm nhạc như tôi, đặc biệt là nghệ thuật chuyên nghiệp về âm nhạc cổ điển.

- Xin cảm ơn những chia sẻ của NSND Quốc Hưng!

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nsnd-quoc-hung-toi-da-bat-dau-di-vao-showbiz-post562131.antd