NSND Quốc Hưng: 'Tôi nghèo bởi đắm đuối với âm nhạc'

Là nghệ sĩ, cứ có khoản tiền nào đó dành dụm được, NSND Quốc Hưng sẽ dồn hết vào âm nhạc, ra các sản phẩm mới để thỏa mãn đam mê, đáp ứng công chúng thưởng thức.

Tiến sĩ âm nhạc, NSND Quốc Hưng, sinh năm 1970 tại Đông Anh, Hà Nội, là một trong những giọng opera hàng đầu Việt Nam. Anh sở hữu giọng bass đặc biệt và cũng thể hiện tốt các tác phẩm dành cho giọng nam trung và nam cao.

Hồi đầu tháng 5, NSND Quốc Hưng nhận nhiệm vụ Phó Giám đốc phụ trách Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Sau 3 tháng phụ trách, NSND Quốc Hưng trải lòng với PV VietNamNet về hành trình đã qua.

NSND Quốc Hưng

NSND Quốc Hưng

- Anh thay đổi như thế nào từ khi đảm nhiệm vị trí Phó Giám đốc phụ trách Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam?

Trước kia, tôi chỉ quản lý chuyên môn một mảng đào tạo, công việc nhẹ nhàng hơn vì đã quen. Khi đảm nhận nhiệm vụ phụ trách chung, tôi phải quan tâm nhiều lĩnh vực hơn và mọi hoạt động của học viện, từ giảng dạy, cơ sở vật chất đến nghiên cứu khoa học… Vì thế, lúc đầu tôi phải dành nhiều thời gian cho công việc điều hành, thậm chí không có cả thời gian đi hát.

Sau 1 tháng bắt nhịp với công việc, mọi thứ đi vào ổn định, tôi biết sắp xếp làm cái gì trước, cái gì sau và có thể đi diễn trở lại.

- Từ nghệ sĩ biểu diễn và giảng dạy thanh nhạc, lên làm quản lý về đào tạo âm nhạc, nhân sinh quan của anh ở lĩnh vực này có thay đổi theo?

Sự thay đổi này khiến tôi nhìn tổng quan và cụ thể hơn. Tức là nhìn ở cả hai góc độ, một là đặt mình trong mối quan hệ với tổng thể và hai là đặt mình trong thanh nhạc, trong dòng nhạc sở trường.

Nhìn chung, không có nhiều thay đổi bởi với tôi, cái cơ bản vẫn là âm nhạc, tài năng và cách thể hiện của người nghệ sĩ phải được đặt lên hàng đầu. Đó là trong đào tạo, còn khi ra cuộc sống, ngoài những thứ đó ra, còn cần thêm khán giả.

Người nghệ sĩ phải tìm ra cái riêng, chưa có hoặc còn đang thiếu, mới đáp ứng được nhu cầu của khán giả; mới góp phần làm phong phú hơn cho ngôi nhà chung vốn đã hết sức đa dạng, đa màu sắc.

Và một yếu tố rất cần nữa của nghệ sĩ, ca sĩ, đó là tâm hồn. Phải hát bằng trái tim, phải khiến con tim của mình thổn thức, rung động với giai điệu âm nhạc và lời ca của tác phẩm, khi đó mới có cơ hội “tiếp cận” tâm hồn người nghe.

- Đó có phải là lý do 1 năm trước anh chuyển sang hát nhạc tình?

Tôi đã hát nhạc tình rất lâu rồi, khi còn là một thanh niên trẻ tràn đầy ước mơ âm nhạc, từ lúc là nghệ sĩ chèo đã có vị trí vững vàng, quyết tâm chuyển sang thanh nhạc.

Trong những năm theo học ở Nhạc viện Hà Nội, tôi thường xuyên đi hát các ca khúc trữ tình lãng mạn ở các phòng trà ở Hà Nội vì hợp với không gian Hà Nội vào ban đêm và những người giàu tình cảm, thiên về nội tâm như tôi.

Tuy nhiên, chắc chắn tôi không chuyển sang nhạc tình, chỉ hát thêm vì thấy tâm hồn mình cần được giãi bày, chia sẻ thông qua những khúc nhạc lãng mạn. Hát nhạc tình rất cần sự tinh tế, rung động từ trái tim, làm sao chuyển tải cảm xúc vào trong tác phẩm.

Với nghệ sĩ từng hát dòng nhạc thính phòng, biểu diễn một tác phẩm trữ tình hay bolero sẽ có cách thể hiện khác so với nghệ sĩ chuyên hát dòng nhạc đó. Điều này góp thêm sự phong phú và nhiều màu sắc cho tác phẩm, đồng thời người thưởng thức có thêm lựa chọn và đương nhiên tạo thuận lợi cho chính nghệ sĩ tiếp cận đa dạng khán giả.

Theo NSND Quốc Hưng, chọn theo đuổi nghệ thuật, âm nhạc và thanh nhạc, điều quan trọng nhất là phải thực sự đam mê.

Theo NSND Quốc Hưng, chọn theo đuổi nghệ thuật, âm nhạc và thanh nhạc, điều quan trọng nhất là phải thực sự đam mê.

- Anh từng than mình là nghệ sĩ rất nghèo, song năm nào cũng đầu tư ra mắt sản phẩm âm nhạc mới, đầu tư rất bài bản, phải chăng vì thế anh mãi nghèo?

Nghèo là bởi tôi cứ đắm đuối vào nghệ thuật, âm nhạc và các sản phẩm. Khi có một khoản kinh phí nào đó, nhiều người sẽ tìm cách đầu tư, kinh doanh..., còn nghệ sĩ chúng tôi chỉ muốn dồn vào làm sản phẩm để thỏa niềm đam mê, đáp ứng nhu cầu của công chúng vốn đã yêu và gắn bó với mình.

Xin thú thật, tôi có chút lợi thế khi may mắn khi có nhiều anh em, bạn bè làm trong các lĩnh vực liên quan đến âm nhạc. Họ có kinh nghiệm trong nghề, quý mến, trân trọng nhau nên nhiều khi chỉ lấy cát-sê tượng trưng. Như MV Thiên hùng ca bất tử mới ra mắt, hợp tác với nhạc sĩ Kiên Ninh, sẽ tốn rất nhiều tiền. Sự đồng hành hết lòng của mọi người khiến tôi trân trọng và muốn ra mắt thêm nhiều sản phẩm để không phụ lòng họ.

- Ai là người hỗ trợ anh trong nghề nhiều nhất?

Để có Quốc Hưng ngày hôm nay, tôi biết ơn NSND Quý Dương đã khuyên tôi nên thi vào trường nhạc vì thấy có giọng rất đặc biệt, NSND Trần Hiếu đã giảng dạy và dìu dắt suốt 9 năm, từ khi bước chân vào trường cho tới hết hệ đại học.

Tôi biết ơn sự quyết tâm của mẹ, người đã tiếp ngọn lửa thực hiện đam mê và thôi thúc tôi phải thành công. Tôi cũng biết ơn những thầy, cô, anh chị và khán giả đã chắp cánh cho tôi có được ngày hôm nay.

- Từ trường hợp của mình, anh muốn truyền thông điệp gì tới người trẻ đang theo đuổi nghệ thuật?

Theo đuổi nghệ thuật, âm nhạc và thanh nhạc, điều quan trọng nhất phải thực sự đam mê, nếu chỉ yêu và thích thôi thì không đủ. Khi đã có đam mê, cần phải quyết tâm thực hiện, sáng suốt chọn cho mình con đường trên hành trình biến ước mơ thành hiện thực và cần kiên trì, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn trở ngại.

Khi đã trở thành người nghệ sĩ, vẫn luôn trong tâm thế cống hiến, tận hiến cho nghệ thuật, có tinh thần học hỏi tiếp thu cái mới song song với việc kiên định con đường đã chọn. Ngoài ra, dù có thành công đến đâu, người nghệ sĩ không được phép quên lòng biết ơn với đấng sinh thành, với thầy cô và cả khán giả.

NSND Quốc Hưng thể hiện ca khúc "Thiên hùng ca bất tử":

Ảnh: NVCC

Tình Lê

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nsnd-quoc-hung-toi-ngheo-boi-dam-duoi-voi-am-nhac-2309233.html