NSND Thế Anh bén duyên nghiệp diễn từ một lần chê bạn
Ngày 29/9, công chúng bàng hoàng khi biết tin NSND Thế Anh đã qua đời vào 5h30 sáng cùng ngày vì một cơn nhồi máu cơ tim, hưởng thọ 81 tuổi.
Theo thông tin từ người nhà NSND Thế Anh, từ 4 tháng năm nay ông phải nhập viện vì bị tai biến và đến sáng 29/9 NSND Thế Anh bị một cơn nhồi máu cơ tim. Dù đã được các y bác sĩ và gia đình tận tình cứu chữa nhưng do tuổi cao sức yếu nên ông đã không qua khỏi. Sự ra đi của ông là một mất mát lớn với nền điện ảnh và nghệ thuật nước nhà.
NSND Thế Anh (1938 – 2019) tên thật Nguyễn Thế Anh, sinh tại Hà Nội. Ông là con thứ ba trong một gia đình khá giả, với mẹ là một tiểu thương, cha là một học giả đỗ đạt cao.
Khi NSND Thế Anh còn nhỏ, cha ông được học bổng sang Pháp học bác sĩ và không quay về từ đó. Mẹ ông phải một mình nuôi dạy hai anh em ông (người anh trai thứ hai qua đời sớm). Sau này, qua ông Xuân Thủy, NSND Thế Anh đã liên lạc được với người cha của mình. Tuy nhiên cho đến khi cha ông mất, hai cha con vẫn không gặp mặt nhau.
Từ bé, NSND Thế Anh đã học rất giỏi, đặc biệt là môn Toán, ông cũng chưa thực sự đam mê nghệ thuật. Nghiệp diễn đến với ông rất tình cờ, trong một lần buột miệng chê một người bạn cùng trường diễn dở tại buổi văn nghệ.
Vì lời chê đó mà ông bị phạt phải diễn thế vai người bạn. Và thật bất ngờ, dù không hề có sự chuẩn bị cũng như mới lần đầu bước chân lên sân khấu, nhưng ông đã diễn xuất vô cùng tự nhiên, có hồn, đạt cảm xúc tốt, thể hiện được năng khiếu thiên bẩm của mình. Vở kịch do ông thế vai đã dành huy chương vàng trong hội thi năm đó.
Năm 1961, ông trúng tuyển vào Khoa Toán Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Mới nhập học được 4 tháng, ông cảm thấy chán nghề gõ đầu trẻ, nên quyết định bỏ ngang, ghi tên và trúng tuyển lớp diễn viên của Trường Nghệ thuật Sân khấu, dù không nhận được sự ủng hộ từ gia đình.
NSND Thế Anh học cùng khóa với Ngọc Hiền, Trần Tiến, Cao Khương, Đoàn Dũng, Trọng Khôi, Thanh Tú, Mỹ Dung... ông tốt nghiệp loại ưu khóa diễn viên sân khấu chính quy đầu tiên năm 1964 với vai nhân vật sĩ quan Mỹ bị vây trong lô cốt ở vở kịch Đêm đen (trong bộ ba vở kịch ngắn Nửa đất nước trong đêm của tác giả Ngô Y Linh), NSND Thế Anh sau đó về công tác tại Đoàn Kịch nói Trung ương.
Năm 1964, NSND Thế Anh vào vai trung úy Phương trong bộ phim Nổi gió. Ông là người thử vai thứ 13 và được nhận ngay lập tức. Vai diễn xuất sắc này lập tức đem đến vinh quang đầu tiên cho sự nghiệp điện ảnh của ông.
Từ Trung úy Phương, NSND Thế Anh nhanh chóng nổi tiếng và đóng hàng loạt vai diễn trong các bộ phim, vở kịch sau đó.
Trên sân khấu, NSND Thế Anh để lại ấn tượng với những vai diễn như: tên gián điệp Đức lịch lãm Stavinsky trong Nila - Cô bé đánh trống trận, bác sĩ Hải trong Đôi mắt, chàng thủy thủ Rubakov trong Chuông đồng hồ điện Kremlin, cố vấn Mỹ trong Anh Trỗi, sĩ quan tình báo trong Hoa anh túc và những vai khác trong Âm mưu và tình yêu, Khúc thứ ba bi tráng, Vụ án Eroxtrat, Đại đội trưởng của tôi, Othello, Bài ca Điện Biên, Người cha thô bạo, Hòn đảo thần Vệ Nữ...
Ở lĩnh vực điện ảnh, NSND Thế Anh cũng để lại nhiều ấn tượng với hàng loạt vai diễn thành công như Ba Duy trong Mối tình đầu, Dư trong Đường về quê mẹ, tiểu đoàn trưởng pháo binh trong Em bé Hà Nội…
Trong đó, tài tình nhất là vai Ba Duy trong Mối tình đầu. Năm đó, NSND Thế Anh đã 40 tuổi, nhưng vẫn hóa thân được vào chàng sinh viên mới hai mươi tuổi yếu đuối, nghiện ngập một cách vô cùng tự nhiên, khiến ai cũng phải trầm trồ.
Bộ phim này đã giành được sự đón nhận của khán giả, đặc biệt ở Hà Nội, và mang lại cho NSND Thế Anh giải Nam diễn viên xuất sắc nhất trong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ V năm 1980.
Trong suốt sự nghiệp của mình, NSND Thế Anh đóng hơn 60 bộ phim điện ảnh và phim truyền hình của cả miền Bắc lẫn miền Nam (sau 1975).
Đây là một con số vô cùng lớn, mà không phải diễn viên nào cũng có được, giúp ông trở thành cây đại thụ của nền phim ảnh và sân khấu Việt, khiến ai cũng nể phục.
Điều tạo nên dấu ấn riêng của NSND Thế Anh với nhiều diễn viên khác là khả năng chuyển biến tâm lý nhân vật vô cùng tài tình. Ông có thể diễn như không diễn, cười, khóc, giận dữ đều tự nhiên, chân thành như chính con người mình. Rất ít diễn viên có thể đạt tới đẳng cấp diễn xuất như vậy.
NSND Thế Anh từng chia sẻ: “Tôi sẵn sàng xả thân vì vai diễn, luôn biết trung hòa giữa cái tôi của nhân vật và cái tôi của mình. Nghệ thuật là nơi đón nhận những gì tinh túy nhất, nên không thể chấp nhận những cảm hứng tùy tiện, dễ dãi”.
Trong một lần trò chuyện với báo chí, khi được hỏi giờ nhìn lại thời tuổi trẻ sôi nổi với sự nổi tiếng khiến nhiều người mơ ước, ông thấy cuộc đời mình thế nào?. NSND Thế Anh tâm sự: “Đời tôi, đằng sau sự nổi tiếng của những vai diễn điện ảnh là cuộc sống thực tế và giản đơn. Tôi không phải lo lắng nhiều về tiền bạc, cứ vậy sống ung dung thong thả như chờ đợi những vai diễn mới. Tôi bước vào điện ảnh với tất cả nỗi đam mê, dâng hiến, mà không phải tất tả lo cơm áo như những nghệ sĩ cùng thời.
Ngày nhỏ, tôi là đứa trẻ thiếu thốn tình cảm người cha. Tôi lớn lên không có cha bên cạnh dìu dắt nâng đỡ, nhưng về vật chất lại chưa bao giờ phải khổ, thiếu thốn, hay tất bật trong mưu sinh bởi mẹ tôi là người tháo vát. Bà đã nuôi hai anh em tôi trong điều kiện kinh tế khá giả”.
Nhờ tài năng và đóng góp của mình, năm 1984, Thế Anh được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú và tới năm 2001 được phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân. Ông được công chúng mến mộ gọi là Hoàng tử điện ảnh.
Trong suốt thập niên 1980-1990, NSND Thế Anh vẫn tiếp tục công việc diễn xuất và gây dấu ấn với khán giả trẻ như phim Giao thời, Dốc tình, Hoa dã quỳ, Xin lỗi tình yêu, Tiếng cuốc đêm khuya...
Ở tuổi xế chiều và tới gần lúc mất, ông vẫn miệt mài diễn xuất trên sân khấu kịch, với vai phản diện Trần Luận trong Người thi hành án tử (đạo diễn Khánh Hoàng).
Quốc Tiệp (tổng hợp)