NSND Thúy Cải: 'Quan họ là tình yêu, là hơi thở của tôi'
Cùng người bạn đời của mình đã trở về quê nhà ở chân núi Bất Lự (xã Hoàn Sơn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) sống an nhàn tuổi già, NSND Thúy Cải vẫn thường xuyên đi diễn trong các chương trình nghệ thuật ở địa phương. Với bà, được dân quý, dân thương là niềm hạnh phúc của người nghệ sĩ.
+ Sau gần 20 năm rời nhiệm sở, trở về thôn quê sinh sống, bà có còn gắn bó với các làn điệu Quan họ?
- Quan họ là tình yêu, là hơi thở của tôi. Cũng bởi vậy, dù ở tuổi hưu, tôi vẫn thường xuyên lên sân khấu, mang lời ca tiếng hát của mình phục vụ khán giả. Tôi đi diễn trong các chương trình nghệ thuật của tỉnh Bắc Ninh, những sự kiện của làng, của xã.
Để lan tỏa tình yêu với câu Quan họ, vài năm trước, tôi còn dạy Quan họ cho các em nhỏ, tổ chức tại chùa Phật Tích. Nói chung, đã là nghệ sĩ thì bất cứ ở đâu, khi nào, tôi đều tâm niệm mình phải chia sẻ và cống hiến.
+ Ít người biết chồng bà từng phụ trách âm thanh, ánh sáng trong Đoàn Dân ca Quan họ Bắc Ninh. Ông chắc hẳn đã cùng bà "chia ngọt sẻ bùi" không chỉ trong cuộc sống?
- Tôi thấy mình may mắn bởi luôn có sự đồng hành, chia sẻ của người bạn đời. Nếu không có ông ấy làm hậu phương, trông nom con cái, vun vén công việc của hai bên bốn họ, đã không có một Thúy Cải hôm nay.
Trong nửa thế kỷ gắn bó với Quan họ, ngoài công việc ca hát, làm Trưởng đoàn Dân ca Quan họ Bắc Ninh, tôi còn là Đại biểu Quốc hội khóa 9 (1992-1997) - đại diện tiếng nói của cử tri tỉnh Hà Bắc khi ấy. Nếu chồng không giúp sức, tôi không thể đảm đương vẹn toàn trách nhiệm.
Là chồng của nghệ sĩ nổi tiếng cũng áp lực lắm. Tôi hiểu và thông cảm với ông ấy về điều này. Ông ấy ít nói, hiền lành, thật thà và rất mực yêu vợ, thương con. Những ngày còn bao cấp khó khăn, ông ấy không yên tâm để vợ đi một mình nên chở tôi bằng xe đạp, đưa tôi đi diễn rồi chờ ở ngoài, đợi vợ diễn xong lại chở về.
+ Được biết, con gái lớn của ông bà cũng theo nghiệp mẹ, trở thành người chắp cánh cho những "mầm non" Quan họ?
- Đúng vậy! Cháu là nhạc sĩ Lê Ngọc Lương, từng tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội và có bằng Thạc sĩ quản lý văn hóa, hiện là Trưởng phòng Nghệ thuật quần chúng, Trung tâm Văn hóa tỉnh Bắc Ninh.
Hàng năm, Lương đều đứng ra tổ chức mở 4-5 lớp học hát dân ca Quan họ tại cộng đồng cũng như hướng dẫn hoạt động cho trên 500 câu lạc bộ Quan họ trong tỉnh.
Lương còn là thành viên hội đồng nghệ thuật của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, tác giả của nhiều ca khúc mới dựa trên chất liệu Quan họ được người dân trong và ngoài tỉnh yêu thích như: "Về Kinh Bắc", "Người ơi thương nhớ", "Trẩy hội xuân"…
Hiện nay, tôi thường xuyên được Lương mời đi diễn, giảng dạy ở các làng quê. Tôi vui vì giúp được cháu và cũng mong muốn thông qua các hoạt động của mình sẽ giúp con có thêm niềm tin, động lực gắn bó với Quan họ hơn.
+ Không ít bộ môn nghệ thuật truyền thống đang bị mai một. Với Quan họ, môn nghệ thuật không chỉ đẹp trong lời ca, tiếng hát mà còn trong lối sống, bà đánh giá thế nào về công việc bảo tồn hiện nay?
- Tôi nghĩ tỉnh Bắc Ninh đang làm rất tốt việc này. Các ngày cuối tuần, những nghệ sĩ ở Nhà hát Quan họ Bắc Ninh thường biểu diễn ở hồ Nguyên Phi Ỷ Lan (TP Bắc Ninh). Ở những làng quê, phong trào học Quan họ trong các bà, các mẹ rất phát triển.
Không chỉ vậy, Quan họ còn lan tỏa đến các địa phương khác, như nghệ sĩ Quý Thăng cùng CLB "Mười Nhớ" của mình đã đưa câu Quan họ nở rộ trên đất phương Nam. Điều đó cho thấy Quan họ vẫn có sức sống mãnh liệt trong đời sống, được người dân yêu thương và trân trọng.
+ Không ít người bày tỏ sự tiếc nuối khi một số người trẻ ở Bắc Ninh không thể thuộc một câu ca Quan họ, dù đây là di sản của quê hương?
- Tôi cũng rất hy vọng các em, các cháu đều thuộc ít nhất một làn điệu, nhờ thế có thể ra ngoài và tự hào nói rằng: Mình là người đến từ mảnh đất Kinh Bắc giàu truyền thống.
Quan họ đẹp lắm, dịu dàng, đằm thắm, là kết tinh trong nếp sống sinh hoạt của ông cha từ hàng nghìn năm. Tôi mong mỗi người trẻ, những chủ nhân tương lai của Bắc Ninh, hãy trân trọng di sản văn hóa này!
+ Xin trân trọng cảm ơn bà!
NSND Nguyễn Thúy Cải sinh năm 1953 tại xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Năm Thúy Cải 16 tuổi, khi Đoàn dân ca Quan họ Bắc Ninh được thành lập, bà là lứa nghệ sĩ đầu tiên tham gia. Năm 1988, nghệ sĩ Thúy Cải được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú trong đợt phong tặng đầu tiên. Từ năm 1996 đến 2008, nghệ sĩ Thúy Cải làm Trưởng đoàn Dân ca Quan họ Bắc Ninh. Đến năm 2015, bà được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.