NSND Tiến Đạt: Vào vai đểu thành công nhờ… thấp bé nhẹ cân
Khán giả thoáng thấy gương mặt NSND Tiến Đạt đã nhận ra: tay Tony Nguyễn nham hiểm trong loạt phim 'Cảnh sát hình sự', lão Tống Đại xảo trá trong vở 'Cát Bụi' hay gần đây nhất là tay Tài cáo già trong phim 'Cô gái nhà người ta', … Thật thú vị khi NSND Tiến Đạt tiết lộ: vì thấp bé nhẹ cân mà ông đã làm thật sắc nét những vai phản diện và thành công với thể loại vai này.
Nếu ai quan sát sẽ nhận ra: dù ở dạng vai phản diện, không nham hiểm, thâm độc thì cũng mưu mô xảo trá, cáo già nhưng lúc nào NSND Tiến Đạt cũng rất phong cách và ăn mặc đẹp với ngoại hình mà như ông tự nhận là chẳng mấy chuẩn chỉnh. Dù trên sân khấu hay trong phim ảnh, ông luôn “nhập đồng” vào nhân vật, như đó chính là con người ông nên dễ khiến khán giả hút vào các tình tiết và “phát ghét lên được” cái bản mặt đểu giả ấy.
Gặp ông ngoài đời thường, cũng vẫn vóc dáng và phong cách ăn mặc lịch lãm, khéo léo nhưng NSND Tiến Đạt lại là một con người khác hẳn: Chỉn chu, thẳng thật, chăm chỉ và chịu khó tới mức “vật vã” với sự nghiệp của mình.
Một NSND Tiến Đạt khác biệt đến ngỡ ngàng trong đời sống
Khác với những vai diễn cường hào - ác bá, gian ngoan xảo quyệt - đểu cáng trên sân khấu hay phim ảnh, ở ngoài đời sống, NSND Tiến Đạt hồ hởi, lịch lãm và chuẩn xác về giờ giấc. Có lẽ vậy mà nghệ sĩ nhiều người trễ giờ, còn NSND Tiến Đạt thì không và ông được anh chị em Nhà hát Kịch Hà Nội, nơi ông làm việc trước đây gọi vui là… cái đồng hồ.
NSND Tiến Đạt.
Ở NSND Tiến Đạt có gì đó thật đặc biệt, cách nói chuyện của ông chân thành, đầy nhiệt huyết và sự hài hước không phải nhờ khiếu tiếu lâm hay khả năng châm chọc mà tự ở sự thật thà trong con người ông mà ra. Điều này lại mang đến những bất ngờ thú vị bởi con người ông trong đời sống khác hoàn toàn với một Tiến Đạt trong các vai diễn được mệnh danh là Đểu - mà Đểu cũng không phải dạng xoàng - Đểu đạt tới mức… lỗi lạc.
Bất ngờ nhất trong cuộc nói chuyện với VietTimes đến từ việc ông tiết lộ: “Mình cực kỳ ghét những loại người đểu cáng, ghét vô cùng và vì ghét như thế nên phải làm cho ra chất, làm cho thật khủng khiếp, cho sắc nét, cho bõ ghét!”.
Cũng như vậy, trong đời sống ông quan niệm: “Ở mặt khác, xã hội phải có những phản biện, bởi có phản biện thì cuộc sống mới thú vị, rõ ràng xấu- tốt, hay- dở được. Vì thế, phản diện chính là một phần trong đời sống. Chấp nhận nó, lột tả nó đến nỗi người ta phát ghét lên, chứ nếu thằng đểu cũng làng nhàng, lờ nhờ, nhợt nhạt thì làm sao tôn lên cái tốt, làm sao cho cái tốt có đất để phô diễn, làm sao phân định rạch ròi những giá trị đời sống.
Thằng xấu là phải thật nổi bật, phải có sức nặng ngang ngửa với người tốt- khi mình làm nổi bật được tính cách nhân vật phản diện thì nhân vật chính diện mới được tôn lên, sắc nét hơn.
Trong các cuộc nói chuyện mà chúng ta gặp một người nói 10 câu cả 10 câu người ta cứ: “Vàng - Vàng - Vàng!” – tức là “Vâng - Vâng - Vâng” mà nói cho xong, chẳng ý kiến gì, chẳng phản biện gì theo cái kiểu “im lặng là vàng” thì chán chết đi được”.
Một Tiến Đạt nhìn... phát ghét trên phim ảnh
Trong các tác phẩm, NSND Tiến Đạt càng bị khán giả chửi rủa, căm phẫn và cứ nhìn thấy cái bản mặt là phát ghét lên được bao nhiêu thì anh em bạn nghề và đông đảo công chúng lại ngưỡng mộ, khâm phục và ca ngợi ông bấy nhiêu. Để có được thành công trong sự nghiệp, NSND Tiến Đạt luôn chăm chỉ cần mẫn mà nếu nói theo kiểu bóng đá là “ăn bóng đá- ngủ bóng đá” cũng chưa phải. Ông yêu nghề và vật vã với nghề trong từng khoảnh khắc của đời sống. Bởi ông quan niệm, để thành công với những vai đểu cũng cần phải có tài năng và sự chuyên nghiệp.
Gương mặt phát ghét trên phim ảnh.
Cái đểu, cùng với sự phát triển của đời sống đã tinh vi và “biến thiên vạn hóa” hơn rất nhiều, vì thế khi đi vào nghệ thuật, cái đểu cũng thay đổi. Ví như ngày xưa, tên chỉ điểm trong nghệ thuật luôn định hình với cái mũ phớt, đôi mắt gian xảo, ngó nghiêng lấc láo thì bây giờ tên chỉ điểm được che đậy bằng sự ranh ma mà thoạt nhìn không thể phát hiện ra được.
Cái tiêu cực trong đời sống cũng mỗi ngày mỗi khác nên khi hóa thân vào ông Phán thì khác, mà nhập vai một tên đểu hiện đại lại khác, cái đểu ở thành thị khác cái đểu ở nông thôn. Nên khi thể hiện nhân vật phản diện, NSND Tiến Đạt luôn phải nghiên cứu rất kỹ. Bên cạnh những chi tiết phụ họa để làm cho sắc nét nhân vật như cái cổ áo, màu sắc của trang phục, điệu bộ, cử chỉ thì việc diễn xuất nội tâm nhân vật bám sát vào tình huống, số phận nhân vật để cho cái đểu đó vỡ òa ra sau sự tinh vi là điểm được NSND Tiến Đạt khai thác triệt để.
NSND Tiến Đạt cho rằng sự đam mê công việc khiến ông bền bỉ, chịu khó và chăm chỉ để làm thật tốt công việc mà mình thực hiện. Muốn làm tốt được thì tính chuyên nghiệp phải rất cao. Cùng với những kiến thức được trang bị từ trường lớp ông luôn chắt chiu vốn sống thực tế. Không tỉ mẩn ghi ghi, chép chép nhưng mỗi một quan sát từ người thực, việc thực trong cuộc sống hay qua các kênh thông tin, qua các tác phẩm ông xem ông đều sàng lọc và cất giữ vào “kho” riêng để xây dựng một “thư viện” kiến thức thực tế cho mình, khi cần ông sẽ lấy ra.
Biến những bất lợi của bản thân thành lợi thế
Ở thời điểm NSND Tiến Đạt mới vào nghề, người ta quan niệm hình tượng nghệ thuật cho nhân vật chính diện phải cao lớn, đẹp đẽ. “Bởi vậy, với thân hình quá nhỏ, thấp bé, nhẹ cân nên chàng sinh viên Tiến Đạt chỉ có thể làm vai tính cách. Nói cách khác, kiểu gì những vai tính cách cũng đến tay mình và những vai đó thường rơi vào vai phản diện. Nếu mình không “độn” cái nọ, “sửa” cái kia để mà lấp liếm những nhược điểm của bản thân thì mình không thể có những vai mình thích” - NSND Tiến Đạt chia sẻ.
Với 46 năm trong nghề, ở linh vực nghệ thuật, có lẽ, duy nhất NSND Tiến Đạt chuyên đóng vai… đểu. Những vai phản diện ông thể hiện quá nhiều tới nỗi ông không thể nhớ được con số là bao nhiêu. Nhưng để biến những bất lợi về ngoại hình và quan niệm trong nghệ thuật thời bấy giờ, NSND Tiến Đạt đã chuyên tâm làm thật tốt những vai mình đảm nhận, biến nó như sở trưởng của mình.
Phải đọc và nghiên cứu kịch bản là điều chẳng mấy thích thú với nghệ sĩ nhưng nếu không đọc kỹ, không thuộc tính cách nhân vật, những câu thoại sẽ không thể hiện tốt nhiệm vụ của mình. NSND Tiến Đạt đã biến mỗi tác phẩm ông nhận trở thành nguồn cảm hứng thôi thúc ông sáng tạo. Ông luôn tìm hiểu và phân tích nhân vật: tại sao mình thích, mình thích vì điều gì, nếu mình biến nhân vật này thành hình hài, bằng xương, bằng thịt thì cần phải làm thế nào? Ông không cho phép các nhân vật của mình được giống nhau ở bất kỳ điểm nào, không cho phép bản thân chỉ lợi dụng vào bản năng vốn có. “Nếu mình cứ làm mãi, dùng mãi cái bản năng nghề nghiệp vốn có cho các nhân vật phản diện thì sẽ dẫn tới việc nhàm chán, các vai diễn cứ na ná nhau, không mang tới sự khác biệt”- NSND Tiến Đạt cho biết.
Bây giờ, ở độ tuổi 67, sau 46 năm làm nghề, NSND đã thể hiện không biết bao nhiêu vai phản diện, cả trên sân khấu kịch, phim truyền hình, phim điện ảnh và các tiểu phẩm nhưng niềm đam mê và sự tận tụy trong công việc vẫn nguyên vẹn trong ông. Mỗi vai diễn ông đều chăm chút cho từng nếp áo, đôi giày và hóa thân như “nhập đồng” vào mỗi thân phận, tính cách để tạo ra những tên đểu sắc nét, cho người đời bị hút vào và chăm chăm đi tới cùng để xem cái kẻ “khốn kiếp” ấy sẽ bị “xử” thế nào…