Hé lộ bí mật giữ kín hơn 60 năm của NSND Trà Giang

Trong chương trình 'Cine 7 - Ký ức phim Việt', NSND Trà Giang lần đầu chia sẻ nhiều kỷ niệm về quá trình đóng phim 'Chị Tư Hậu'.

Từ trang sách đến màn bạc

Chị Tư Hậu được chuyển thể từ tác phẩm văn học Một chuyện chép ở bệnh viện của nhà văn Bùi Đức Ái viết năm 1958. Dưới sự chỉ đạo của đạo diễn Phạm Kỳ Nam, câu chuyện về người phụ nữ kiên cường trong thời chiến được đưa lên màn ảnh một cách sống động và xúc động.

Nhân vật nguyên mẫu của chị Tư Hậu là bà Nguyễn Thị Huỳnh, một cán bộ lão thành cách mạng quê ở Khánh Hòa, đã qua đời năm 2003. Trong quá trình hoạt động cách mạng, bà từng bị giặc bắt, tra tấn nhưng vẫn kiên cường cùng chồng là ông Mai Dương hoạt động cho đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng.

Năm 1962, khi mới 20 tuổi và vừa tốt nghiệp Trường Điện ảnh Việt Nam, Trà Giang được chọn vào vai chính. Trước đó, khi còn là học sinh miền Nam Trà Giang được đọc tác phẩm gốc và đặc biệt ấn tượng với phân cảnh chị Tư Hậu bị cưỡng hiếp trong trại cá.

Đạo diễn Phạm Kỳ Nam phải thực hiện một hành trình dài, đi khắp miền Bắc tìm kiếm gương mặt phù hợp với hình tượng người phụ nữ Nam Bộ. Cuối cùng, sau khi xem thử phim Một ngày đầu thu - tác phẩm đầu tay của Trà Giang, ông quyết định giao vai cho cô gái trẻ.

"Đó là áp lực lớn, tôi 20 tuổi đóng vai lớn hơn tuổi lại trong thời kháng chiến chống Pháp", NSND Trà Giang hồi tưởng.

Tuy nhiên, chính những trải nghiệm từ thuở thiếu thời giúp cô gái trẻ khi ấy hóa thân nhân vật một cách chân thực và sâu sắc. "Trong những ngày kháng chiến, tôi sống trong vùng chịu nhiều sự tàn phá, mẹ cũng bị bắt đi tù. Những đau thương từ trong gia đình và xã hội mà từ bé đã được chứng kiến, là một trong những yếu tố để tôi dễ dàng vào nhân vật chị Tư Hậu", bà chia sẻ.

Trong đoàn làm phim, ngoài đạo diễn Phạm Kỳ Nam, đa phần các thành viên là người miền Nam. Điều này hỗ trợ cho nữ diễn viên trẻ trong việc nắm bắt tính cách và đặc trưng của nhân vật. "Tôi may mắn được học bài bản nên phân tích nhân vật rất kỹ", bà nhớ lại.

Để xây dựng những phân cảnh đầy cảm xúc của một người mẹ, dù chưa từng trải qua, Trà Giang dựa vào những quan sát và trải nghiệm từ cuộc sống. "Từ bé có những lúc tôi sống xa cha mẹ, từng chứng kiến những cảnh Tây bắn chết người, cảnh phụ nữ mất chồng, mất con. Những hình ảnh chân thực đó 'đánh' vào tim và tôi đã đưa vào vai diễn".

"Cặp mắt vô địch" và kỷ niệm đáng nhớ

Một trong những điểm đặc biệt của Trà Giang là khả năng diễn xuất qua ánh mắt, đến nỗi bà được mệnh danh là "đôi mắt biết nói của điện ảnh Việt Nam". Chia sẻ về điều này, nữ nghệ sĩ kể lại kỷ niệm tại buổi giao lưu ở Viện Tư liệu phim Hà Nội năm 2012, khi có mặt cùng NSND Bạch Diệp và NSND Hải Ninh. Sau khi xem phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm và một số phim, khán giả đã vỗ tay tán thưởng, NSND Bạch Diệp bất ngờ gọi đó là "cặp mắt vô địch".

"Người có trách nhiệm với nghề luôn phải không ngừng tìm tòi, khám phá và sáng tạo. Tất cả những điều đó sẽ ánh lên trong đôi mắt", bà chia sẻ.

 NSND Trà Giang ở tuổi 83.

NSND Trà Giang ở tuổi 83.

Trong chương trình, NSND Trà Giang lần đầu tiên tiết lộ một kỷ niệm đặc biệt về cảnh quay với nghệ sĩ Trần Phương - người đóng vai chồng của chị Tư Hậu. Khi thực hiện cảnh gặp lại vợ sau biến cố, đạo diễn Phạm Kỳ Nam chỉ trao đổi riêng với nam diễn viên về việc sẽ có cảnh hôn mà không thông báo trước với Trà Giang.

"Đạo diễn Phạm Kỳ Nam chỉ nói với anh Trần Phương phải hôn vợ để coi như bỏ qua những đau khổ trong lòng người đàn ông. Có lẽ đạo diễn sợ tôi là diễn viên trẻ không chấp nhận việc đó nên không nói", nữ nghệ sĩ kể lại.

Không được thông báo, Trà Giang vẫn thể hiện vai diễn một cách chuyên nghiệp. "Khi anh Khoa chồng của chị Tư Hậu ôm vợ hôn, tôi cũng diễn đàng hoàng là được chồng âu yếm tha thứ". Tuy nhiên, sau cảnh quay đó bà giận đạo diễn mấy ngày liền không nói chuyện, ra trường quay mạnh ai nấy làm. Tôi tự ái vì diễn viên làm việc với nhau phải có bàn bạc, chứ không phải giấu diếm nhau như vậy", bà chia sẻ.

Trà Giang tiết lộ kỷ niệm đóng "Chị Tư Hậu":

Di sản và ảnh hưởng đến điện ảnh Việt Nam

Chị Tư Hậu đã đạt những thành công vang dội, với giải Bông Sen Vàng trong nước và Huy chương Bạc tại Liên hoan Phim Quốc tế Moscow năm 1963. Đặc biệt, bộ phim được đạo diễn Phạm Kỳ Nam sử dụng ít lời thoại, thay vào đó là khả năng diễn xuất của dàn diễn viên. Hiện nay, bộ phim vẫn được sử dụng làm tài liệu giảng dạy tại Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội và nhiều cơ sở đào tạo diễn xuất khác.

Khi được hỏi về lời khuyên dành cho thế hệ diễn viên trẻ đang lấy bà làm hình mẫu, NSND sinh năm 1942 chia sẻ: "Các em không cần áp lực gì hết. Mỗi thời đại có một nhu cầu, cách làm việc khác nhau. Nhưng với nghề diễn viên, luôn luôn phải đặt mình vào hoàn cảnh nhân vật để tìm hiểu, khám phá và sáng tạo. Với nghệ thuật điện ảnh, chân thật là điều kiện số một".

Ảnh, video: VTV

Thanh Trúc

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nsnd-tra-giang-va-chi-tu-hau-bi-mat-hon-60-nam-duoc-he-lo-2374137.html