NSND Trần Hạnh: Tấm gương sáng của lòng tận tụy với nghề

Dù ở tuổi 91, sức khỏe có phần giảm sút, mắt mờ, chân chậm, tay run nhưng NSND Trần Hạnh vẫn mong muốn có thêm được một số vai diễn ngắn để cống hiến sức diễn cho khán giả. Đó là lời chia sẻ xúc động của NSND Trần Hạnh trên sân khấu vinh danh danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 9 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Lần gặp gần đây với NSND Trần Hạnh, tôi bất ngờ trước gương mặt gầy gò, đôi mắt trũng sâu và gần như ông chỉ nhìn thấy hình bóng người mà không rõ mặt. Đúng là con người dù thế nào vẫn khó tránh khỏi sự lão hóa của tuổi tác. NSND Trần Hạnh bảo, bây giờ ông chỉ mong ước có đôi mắt sáng và sức khỏe trở lại để có thể đi đóng phim. Chia sẻ cảm xúc được trao danh hiệu NSND lần thứ 9, NSND Trần Hạnh nói: “Tôi cảm thấy hạnh phúc vì được phong tặng danh hiệu NSND nhưng đó không phải mục đích của tôi, tôi đến với sân khấu vì tình yêu, vì sự đam mê. Mỗi khi được giao vai diễn nào tôi đều cố gắng làm hết sức mình để không phụ lòng của khán giả”.

Trước ý kiến về việc nghệ sĩ Trần Hạnh có cảm thấy chạnh lòng khi được trao danh hiệu muộn màng, khi ông nghỉ hưu hơn 30 năm nay, NSND Trần Hạnh bày tỏ quan điểm: “Cũng là muộn. Nhưng muộn còn hơn không. Tôi năm nay đã 91 tuổi rồi. Trước đây, tôi nghĩ giá như được ghi nhận sớm, trở thành NSND khi 60 tuổi thì tốt biết mấy. Như vậy, mình sẽ có động lực cống hiến. Thế nhưng sau nhiều năm, tôi không còn đặt nặng vấn đề này, chỉ mong có vai diễn để được làm nghề. Giờ đây, khi được Nhà nước, công chúng ghi nhận, tôi thấy được an ủi phần nào vì ít ra mình vẫn còn sống. Tôi tiếc nuối cho nhiều đồng nghiệp ra đi khi chưa kịp nhận danh hiệu”.

NSND Trần Hạnh. Ảnh: M.Miên

NSND Trần Hạnh. Ảnh: M.Miên

Cách đây 2 năm, sau lần bị đánh “trượt” danh hiệu NSND, ông từng có cảm giác chạnh lòng. Nhưng, nhớ đến vai diễn ghi dấu ấn trong lòng khán giả, ông cảm thấy được an ủi phần nào. Thế nên, mới đây được nhận giấy mời đến trao tặng danh hiệu NSND, ông đón nhận tin vui rất bình thản. Thậm chí, tin ông được phong tặng NSND cũng được nghe từ cô con dâu đọc báo cho biết.

Gần đây, sức khỏe của ông xuống dốc. các bác sĩ chẩn đoán mắt phải của ông hỏng hoàn toàn, thị lực mắt trái chỉ còn 3/10. Tay, chân yếu dần khiến ông phải từ bỏ việc đi xe máy. Dù di chuyển chậm chạp, khó khăn hơn trước, nghệ sĩ cố gắng tự lo mọi sinh hoạt hàng ngày. Ông sống cùng với vợ chồng con trai ở căn nhà trên phố Trần Quý Cáp. Có những ngày sức khỏe ổn định, ông được con cái dìu ra ngoài ngõ phố để hàn huyên chuyện đời với bà con khu phố.

Góp nhặt trong nhiều bộ phim truyền hình nhưng khán giả chỉ thấy ông mãi đóng đinh duy nhất vai lão nông dân hay những vai chính diện với tính cách thật thà, chân chất. “NSƯT Trần Hạnh là dân Hà Nội gốc thứ thiệt, nhưng nhiều người sẽ nhầm ông là một lão nông dân chứ không phải trai Hà thành. Đôi khi ông cũng lấy làm vui, bởi cái quý giá nhất của đời diễn viên là làm sao khán giả nhớ đến mình” – nghệ sĩ Trần Hạnh vui vẻ.

Ngược dòng thời gian, ông kể chuyện ngày trước, năm 1959, ông vào đoàn kịch Hà Nội nhưng đến 1961, sau khi nhận được huy chương mới được biên chế. Và khán giả biết đến ông nhiều hơn là vào năm 1989, khi đến tuổi nghỉ hưu ông bắt đầu nghề diễn viên truyền hình và suốt 30 năm nay ông vẫn chỉ đóng đinh mỗi thể loại vai chính diện nhiều nhất là vai nông dân, vai khắc khổ.

Nhiều khán giả phong tặng cho ông danh xưng “diễn viên có gương mặt khắc khổ nhất Việt Nam”. Ông nói rằng, nhận xét đó cũng đúng, bởi, cuộc sống ngoài đời của ông còn khổ hơn trong phim. Gắn bó với nghề diễn đã nhiều năm, nhưng cuộc sống của lão nông này vẫn còn nhiều khó khăn như “chính danh” của ông vậy. Hàng tháng, ông nhận khoản trợ cấp lương hưu khoảng gần 3 triệu đồng, cũng gọi là đủ ăn và có tiền mua thuốc thang...

Nói về tiền cát sê trong mỗi vai diễn, giọng ông trùng xuống: “Bây giờ, ông già rồi, vai diễn phụ nên số tiền cát sê cũng ít. Có phim ông được đóng vai chính hẳn hoi như “Chiếc bình tiền kiếp”, hơn một tháng trời ở Hưng Yên, thế mà cát sê được có 600 nghìn. Cách đây vài năm, khi ông làm “Vệt nắng cuối trời” lại được trả đến bốn mươi mấy triệu. Từ khi đi diễn cho đến bây giờ, đó là cát sê cao nhất mà ông nhận được. Bây giờ mới xuất hiện các hãng phim tư nhân, diễn viên mới được kha khá, chứ ngày xưa cực lắm.

Trước đây, khi sức khỏe ổn định, ông vẫn tự lái chiếc xe Honda 82 đến Đài Truyền hình Việt Nam ở Nguyễn Chí Thanh rồi lên xe khách cùng đi với đoàn. Phim truyền hình gần nhất nghệ sĩ tham gia là “Bão qua làng (2014) của đạo diễn Quốc Trọng. Sau đó, ông đóng một số tiểu phẩm hài và nhận một vai nhỏ trong phim điện ảnh “Cha cõng con” (2017) của đạo diễn Lương Đình Dũng.

Kể từ sau khi nghỉ hưu năm 1989, NSND Trần Hạnh tiếp tục hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, tham gia nhiều phim truyện nhựa và truyền hình. Ở tuổi 91, sức khỏe giảm sút nhưng NSND Trần Hạnh vẫn mong muốn gắn bó với nghề. Hàng ngày, ông vẫn thường nhờ cô con dâu đọc kịch bản phim cho nghe cho đỡ nhớ nghề. “Tôi mong sức khỏe ổn định để được đi diễn, nhưng chỉ mong nhận được những vai diễn ngắn vì vai diễn dài sợ ông không đủ sức khỏe để làm được”, NSND Trần Hạnh chia sẻ.

NSƯT Trần Hạnh SN 1929 ở Hà Nội. Ông được công chúng yêu mến qua nhiều vai diễn gắn với hình ảnh người nông dân chất phác. Các vai diễn quen thuộc được khán giả nhớ nhất là: Vai bí thư đảng ủy của “Làng nổi”, bố An trong “Truyện cổ tích tuổi 17”, bố Lài trong “Tướng về hưu”, ông Khiển trong “Người cầu may”, ông Lâm trong “Chiếc bình tiền kiếp”, bố Mai trong “Hãy tha thứ cho em”... Nghệ sĩ Trần Hạnh được phong tặng danh hiệu NSƯT ngày 25-1-1994. Năm 1996, ông giành giải Nam diễn viên xuất sắc trong phim truyện “Nước mắt đàn bà” tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 11. Tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 2010, ông nhận giải Cống hiến cho vai ông Thống trong phim “Ngõ lỗ thủng” của đạo diễn Quốc Trọng. Trên sân khấu kịch, điển hình là vai Nguyễn Trãi trong vở kịch thơ “Lam Sơn tụ nghĩa”. Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ từng dành cho Trần Hạnh lời khen: “Bốn, năm người đóng vai Nguyễn Trãi, riêng Trần Hạnh có phong thái hào hoa của người Hà Nội”. Ngày 29-8, nghệ sĩ Trần Hạnh được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao danh hiệu NSND lần thứ 9 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Mộc Miên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nsnd-tran-hanh-tam-guong-sang-cua-long-tan-tuy-voi-nghe-160842.html