NSND Trung Anh: Vợ tôi hy sinh tất cả để đóng góp 90% thành công của chồng

Năm 37 tuổi, NSND Trung Anh mới kết hôn. Người bạn đời của anh tên Minh Hiếu, kém anh 10 tuổi và làm công việc kế toán. Vợ chồng anh có với nhau 1 trai 1 gái, cậu con trai cả Tiến Việt đang du học nước ngoài, còn cô con gái út Thục Anh năm nay 17 tuổi, chuẩn bị tốt nghiệp cấp 3. Dù không làm cùng nghề và cả 2 cách nhau nhiều tuổi, nhưng NSND Trung Anh vẫn tìm thấy tiếng nói chung ở 'một nửa' của mình để xây đắp tổ ấm hạnh phúc viên mãn.

NSND Trung Anh hạnh phúc bên vợ và 2 con

NSND Trung Anh hạnh phúc bên vợ và 2 con

Tôi muốn dành mọi thứ đang có cho vợ

- Phóng viên: Được biết, anh mất mẹ từ sớm nên sống với bố là chủ yếu. Vậy bố là người như thế nào đối với anh?

- NSND Trung Anh: Bố tôi là người hiền lành và đức độ. Ngay cả khi tôi thi tuyển vào Nhà hát Kịch, ông cũng chỉ nói một câu: “Đi theo nghệ thuật khó lắm con ạ, không yêu nó thì tốt nhất là đừng lựa chọn nó”. Bố tôi trước cũng công tác ở Nhà hát Kịch Việt Nam, nhìn thấy những gì các đồng nghiệp đã trải qua nên bố khuyên tôi như thế cũng là phải nhẽ. Ông cũng có phần lo lắng khi một “thằng con lông bông” vào đây mà không làm ra gì thì sẽ rất xấu hổ với bạn bè, đồng nghiệp.Tuy nhiên, chính câu nói của ông đã làm tôi thay đổi về mặt tính cách. Trước khi được tuyển vào Nhà hát Kịch Việt Nam thì đúng là tôi cũng lông bông và có nhiều chuyện thật.

- Rất yêu thương bố nhưng tại sao anh lại không sống cùng bố?

- Tôi sống cùng bố tôi cho đến tận năm 1995 mới ra ở riêng. Tôi có nhiều tính cách khác ông lắm, ví dụ như khá hiền lành nhưng rất nóng tính. Ngay cả trong công việc ở Nhà hát, cái gì tôi không thích thì tôi không thể làm. Bảo tôi đóng vai kiểu này mà không đúng ý tôi, sau khi bàn bạc nhưng vẫn không thống nhất được là một bên thôi, một bên làm. Tất nhiên bên thôi thường là tôi. Tôi quan niệm, làm mà thỏa hiệp, làm cho có thì rất… khó làm.

- Tài năng và nổi tiếng, anh còn có một gia đình hạnh phúc, anh có thể chia sẻ nhiều hơn về bà xã của mình?

- Vợ đóng góp 90% thành công của tôi. Vì thế tôi muốn dành tất cả những gì tốt nhất cho cô ấy. Vợ tôi hy sinh tất cả để đứng đằng sau chồng, làm vô số việc không tên để chồng yên tâm theo đuổi nghệ thuật. Cô ấy dù không sống trong môi trường nghệ thuật, chỉ làm kế toán nhưng có hiểu biết sâu sắc về nghệ thuật, đồng cảm với công việc của tôi. Ngày xưa, chúng tôi đến với nhau không có gì ngoài những vai diễn lận lưng, nhưng cô ấy luôn hết lòng vì gia đình. Tôi thường xuyên đi đêm về hôm, có những đợt vắng nhà đến vài tháng. Thế nhưng cô ấy vẫn vui vẻ, giúp tôi lo toan chuyện nhà cửa, chăm sóc con cái. Những đợt con ôn thi đại học, chuyển cấp, cô ấy rất vất vả, cả ngày đi lại nhiều lượt đưa đón 2 đứa đi học thêm. Chuyện bếp núc tôi cũng không biết làm, việc vun vén gia đình cũng không phải nghĩ đến.

- Bà xã thường góp ý thế nào cho anh trong công việc?

- Những người khác thường khen tôi diễn hay, không cần sửa gì. Thế nhưng vợ theo dõi các phim của tôi rất chăm chú, nhìn ra một số tật của chồng. Chẳng hạn, cô ấy từng bảo, khi nói nhiều lúc miệng của anh bị uốn quá, trông hơi điệu. Tôi xem lại và thấy đúng như thế thật. Những lúc nói to, thoại dài, tôi thường mắc tật đó. Tôi không cần nghe nhiều lời khen mà cần một người chỉ ra những lỗi như vậy. Tôi rất hạnh phúc vì điều đó và luôn trân trọng các ý kiến của bà xã.

- Không chỉ trân trọng khi nhắc về vợ, anh còn không giấu đi yêu thương và sự lo lắng cho con gái?

- Tôi hay nói vui, con gái như bình rượu quý của mình. Dù tôi không biết uống rượu (cười). Tôi cứ mải mê thời gian trên phim, và khi về nhà nhìn con giật mình thấy nó đã quá lớn. Tôi nghĩ, ông bố bà mẹ nào cũng vậy, dù con lớn nhưng trong lòng mình thì con vẫn còn ngây thơ, dại khờ. Tôi cũng không mưu cầu con cái mình những điều quá cao siêu, con rể tôi sau này không nhất định phải là người giàu có, nhưng tôi mong con gái sẽ gặp được người có ý chí, cố gắng và chỉ mong con có cuộc đời bình yên.

NSND Trung Anh biến hóa trong các vai diễn khác nhau

NSND Trung Anh biến hóa trong các vai diễn khác nhau

Đóng phim dễ nổi tiếng hơn đóng kịch

- Anh là thế hệ nghệ sĩ được đào tạo tại Nhà hát Kịch Việt Nam, được học tập và làm việc với những “cây đa, cây đề” của làng sân khấu, anh cảm thấy thế nào?

- Tôi thấy mình may mắn khi là một trong số những nghệ sĩ của Nhà hát Kịch Việt Nam, may mắn được học tập rồi sau đó lại công tác tại đây. Trong quá trình đó, khi được tiếp xúc với các cô chú đi trước, tôi học được nhiều nhất là sự nghiêm túc với nghề. Ngoài ra, dạy học sinh ngành nghệ thuật, việc truyền nghề cũng quan trọng nhưng việc truyền lửa còn quan trọng hơn. Đó là tình yêu nghệ thuật, tình yêu nghề được trao truyền bởi các nghệ sĩ đi trước.

- Thời điểm đó, ai là người đã dìu dắt và có ảnh hưởng tới anh nhiều nhất?

- Thực ra, thời đó các cô chú không dạy trực tiếp. Việc dạy thời đó do các thầy cô ở các nơi khác về. Nhưng được đóng những vai quần chúng hoặc được ngồi bên cánh gà quan sát các cô chú tập, diễn, bản thân tôi học được rất nhiều thứ. Những chỗ nào mình chưa hiểu lại có thể hỏi trực tiếp các cô chú. Ngay cả các cô chú ở Nhà hát Kịch Việt Nam cũng có những cách tiếp cận và cách sáng tạo nhân vật khác nhau. Chẳng hạn như chú Trọng Khôi và chú Đoàn Dũng cùng đóng một nhân vật Erostrat trong “Vụ án người đốt đền”, nhưng 2 người có 2 cách tiếp cận nhân vật và cách diễn khác nhau. Chúng tôi xem cảm thấy vô cùng ấn tượng và học hỏi được rất nhiều. Cùng là một nhân vật ấy, nhưng khi xem chú Đoàn Dũng diễn thì thấy lý lịch nhân vật, tính cách nhân vật có khác một chút, mặc dù thông điệp nhân vật đưa đến vẫn thế. Đến lượt xem chú Trọng Khôi diễn lại có những thú vị rất riêng. Xem một người diễn đã học tập được nhiều. nhưng xem tới 2 người diễn lại cảm thấy mở mang ra được thêm bao nhiêu thứ khác.

- Đồng hành cùng Nhà hát Kịch Việt Nam từ lúc hoàng kim cho đến thời trầm lắng, anh cảm thấy tiếc nuối nhất là thời điểm nào?

- Tôi nghĩ rằng, bắt đầu từ thời điểm Nhà nước mở cửa, không chỉ riêng Nhà hát Kịch Việt Nam mà cả ngành sân khấu nói chung cũng không giữ được vị thế “hai duy nhất”. Đó là phim chiếu ở các rạp công và kịch ở sân khấu Nhà nước. Tôi nghĩ, điều đó cũng hợp nhẽ thôi bởi theo quy luật phát triển của kinh tế thị trường, các đơn vị tư nhân sẽ có nhiều điều kiện hơn để tạo ra những sự cạnh tranh mới. Nhưng có một điều là kể cả khi nằm ở đáy của hình sin thì Nhà hát vẫn có nhiều tác phẩm tốt. Nó không được lan rộng, không được nhân lên thôi… chứ thời kỳ nào cũng có những tác phẩm tốt.

- Gắn bó với sân khấu kịch, nhưng anh lại được biết đến nhiều khi tham gia phim truyền hình. Anh thấy sao về điều này?

- Tôi thấy điều này thường xảy ra ở nhiều quốc gia, không riêng gì Việt Nam. Diễn viên phim điện ảnh, truyền hình luôn dễ dàng nổi tiếng hơn nghệ sĩ kịch nói. Tôi nghĩ đó là nỗi đau chung với những người yêu sân khấu. Sân khấu Việt Nam đang ở giai đoạn thoái trào. Thời kỳ này kéo dài quá lâu, khoảng hơn 20 năm nay. Diễn viên như chúng tôi bất lực trước tình trạng khán giả quay lưng, thờ ơ với sân khấu.

- Thế hệ của anh phần lớn đều ở ngưỡng về hưu. Anh nghĩ sao về việc sân khấu, phim ảnh sẽ dần vắng bóng những gương mặt gạo cội?

- Chúng tôi về hưu trên giấy tờ ở các nhà hát. Ở mảng phim ảnh, chúng tôi vẫn hoạt động bình thường nếu có lời mời. Tất nhiên, sân khấu, phim ảnh luôn hướng tới lớp trẻ, thường giao các tuyến chính cho họ. Tuy nhiên, tác phẩm nào cũng có vai này vai kia. Tôi nghĩ cơ hội của chúng tôi vẫn như vậy.

- Cảm ơn NSND Trung Anh về những chia sẻ!

Dạy học sinh ngành nghệ thuật, việc truyền nghề cũng quan trọng nhưng việc truyền lửa còn quan trọng hơn. Đó là tình yêu nghệ thuật, tình yêu nghề được trao truyền bởi các nghệ sĩ đi trước.

NSND Trung Anh

Lan Tường (Thực hiện)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/giai-tri/nsnd-trung-anh-vo-toi-hy-sinh-tat-ca-de-dong-gop-90-thanh-cong-cua-chong/858529.antd