NSND Trung Đức: 'Tôi dạy ai hát thì người đó phải hát rất hay'
Là biểu tượng 'vàng' của nhạc đỏ, NSND Trung Đức tiết lộ, ông từ một người lính lái xe ở Trường Sơn rẽ ngang sang ca hát và gắn bó với nghệ thuật đến nay...
NSND Trung Đức được biết đến là một giọng ca nổi tiếng với các ca khúc truyền thống, các ca khúc viết về Trường Sơn một thời cùng với chất giọng cao, trầm ấm, đầy truyền cảm. Tên tuổi của ông đã gắn với những bài hát cách mạng nổi tiếng như: Lá đỏ, Tổ quốc gọi tên mình, Vui mở đường, Nhịp cầu nối những bờ vui, Trai anh hùng gái đảm đang, Rặng trâm bầu.. Ở ông toát ra sự điềm đạm, nhiều năng lượng, vào tuổi U70, ông vẫn đi hát và sống an nhiên với những gì mình có.
Chia sẻ với Người Đưa Tin, ông cho hay: "Vào những dịp đất nước có những ngày kỷ niệm lớn của đất nước, tôi đều rất xúc động và đợi chờ được hát những bài hát đi cùng năm tháng. Dịp đó, tôi có nhiều show biểu diễn, nếu không diễn ở Hà Nội, tôi lại đi diễn ở các thành phố khác nhưng ở nơi nào tôi đều có cảm xúc.
Tôi xuất thân từ một người lính lái xe, thời đó rất vất vả vì tận mắt thấy sự khốc liệt của chiến tranh, sự anh hùng của những người lính cách mạng. Tôi là con một nhưng vẫn tình nguyện viết đơn đi bộ đội. Sau những ngày tháng trực tiếp đi chiến trường, tôi được đào tạo ở Nhạc viện Hà Nội (Học viện Âm nhạc Quốc gia). Sau này khi đứng bất kỳ sân khấu nào hát nhạc cách mạng, tôi đều có những cảm xúc mãnh liệt".
Nói về những người trẻ hát nhạc cách mạng hiện nay, NSND Trung Đức cho hay: "Tôi thấy nhiều người hát chưa đạt, chỉ được một vài người được như: Trọng Tấn, Đăng Dương, Việt Hoàn... Hiện tại, cuộc sống của tôi rất tốt và rất vui. Ngoài tham gia biểu diễn, tôi còn tham gia công tác giảng dạy ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Đại học Văn hóa – Nghệ thuật Quân đội và dạy ngoài cho một số em yêu thích ca hát. Bạn trẻ nào yêu thích ca hát và muốn hát được hay thì tìm đến tôi truyền dạy cho, dạy không lấy tiền, hoàn toàn miễn phí. Tôi dạy ai hát thì người đó phải hát rất hay. Hát phải có tâm hồn và xúc cảm thì mới hay được".
NSND Trung Đức năm nay 72 tuổi, ông đang sống ở Hà Đông (Hà Nội) cùng cô con gái mới ở Đức về. Ông có một cuộc sống thảnh thơi và thỏa sức đam mê với âm nhạc.
"Tôi có 4 người con, 3 trai, 1 gái. Tôi rất hài lòng với cuộc sống hiện tại. Mặc dù con cháu cũng biếu đồng quà tấm bánh nhưng ngoài đồng lương hưu, tôi còn kiếm được cát - xê biểu diễn. Nói chung là tôi sống vui, sống thoải mái từ những đồng tiền mà tôi kiếm được, chưa phải phiền đến con cháu. Ngày nào tôi cũng dậy từ 4 giờ sáng và 6 giờ là đi ăn sáng – cà phê với bạn bè.
Tôi vẫn tập thể thao hàng ngày. Mỗi lần tập là hơn 1 tiếng, có thể là bài thể dục cũng có thể là bài quyền. Tôi vẫn luyện thanh đều đặn ngày hơn 30 phút không hề mệt. Giọng của tôi ở thời điểm hiện tại vẫn rất tốt, lên những nốt cao vẫn ổn lắm và bạn bè nghe hát ai cũng ngạc nhiên. Vì thế, tôi vẫn được mời khá nhiều vào các chương trình ca nhạc kỷ niệm những ngày lễ lớn của dân tộc", NSND Trung Đức cho hay.
Ông cho biết, sắp tới mình sẽ tham gia vào chương trình Bài ca đi cùng năm tháng sắp diễn ra tại Cung văn hóa Hữu nghị Việt – Xô vào ngày 13/8 tới đây. NSND Trung Đức tỏ ra vui mừng bởi đây là cơ hội để ông cùng với nhiều thế hệ khán giả ôn lại những âm vang ký ức về một thời hoa lửa.
"Tôi nghĩ rằng những bài hát trong chương trình này sẽ được nhiều người thích và khán giả trẻ cũng thích. Bởi cách đây khoảng 1 năm khi tôi được mời vào TP. HCM quay chương trình Ký ức vui vẻ, trong đó các thanh niên rất trẻ, họ không biết tôi, nhưng họ tò mò không biết tôi hát gì ở chương trình. Tôi dặn dò các cháu lát nữa nhớ theo dõi xem mình hát.
Sau khi tôi hát bài Chào em, cô gái lam hồng thì cả hội trường đứng dậy vỗ tay, gào thét. Lúc đấy, tôi thấy sướng. Kết thúc chương trình tôi di chuyển vào phòng thay trang phục, các cháu sinh viên, khán giả chạy vào xin tôi hát thêm. Lúc ấy, tôi nhớ tôi hát Đường Trường Sơn anh qua, tôi vừa hát xong thì được yêu cầu hát tiếp, nhưng từ chối vì lý do sức khỏe. Chứng tỏ các bạn trẻ cũng rất thích nghe những bài hát cách mạng này mà chưa có cơ hội thưởng thức..." - NSND Trung Đức kể lại.
Tác giả kịch bản chương trình Bài ca đi cùng năm tháng - Thạc sĩ Lê Thế Song cho biết, ông mời NSND Trung Đức vì quý mến giọng hát của người nghệ sĩ tài hoa này, ông chia sẻ, chương trình sẽ là sự kiện âm nhạc đặc biệt, gợi nhớ về một thời hoa lửa, đất nước còn chiến tranh nhưng khát vọng và tình yêu, niềm kiêu hãnh và sức sống mãnh liệt vẫn luôn rực cháy trong muôn triệu trái tim người dân đất Việt.
"Chương trình nghệ thuật này gồm 3 chương gồm: Một thời hoa lửa, Miền ký ức, Khát vọng tình yêu... Thông qua các chương, ê -kíp sáng tạo mong muốn dàn dựng chương trình là một câu chuyện âm nhạc với những mạch diễn từ đó tạo điểm nhấn cho chương trình cũng như mang đến cho khán giả một câu chuyện âm nhạc với những mạch diễn đầy ước lệ, chỉn chu… Chúng tôi sẽ kể những câu chuyện về chiến tranh với những hình ảnh xúc động như những người phụ nữ chờ đợi mòn mỏi người chồng trở về, hay hình ảnh về các trận chiến khốc liệt... Và âm nhạc vang lên sẽ kết nối, đồng cảm với khán giả" - Nhà viết kịch Lê Thế Song cho hay.
Bên cạnh NSND Trung Đức, chương trình Bài ca đi cùng năm tháng quy tụ các giọng ca vàng như: NSND Quang Thọ, NSND Thanh Hoa, NSND Thái Bảo, NSƯT Việt Hoàn, nghệ sĩ Thanh Thanh Hiền…
Dự kiến, sau 2 đêm diễn vào ngày 13 và 14/8 tại Hà Nội, Ban tổ chức sẽ đưa chương trình đến với khán giả nhiều tỉnh, thành trên cả nước trong thời gian tới.