NSND Trung Hiếu: 'Có vợ tôi bớt những cuộc vui đến tận đêm'
NSND Trung Hiếu cho biết, vợ là người khắt khe nên từ khi lấy vợ anh bớt bia rượu đi nhiều và lấy đó là tự hào, hợp lý chứ không hề khó chịu.
- 2019 là năm thành công của Nhà hát Kịch Hà Nội – nơi mà các diễn viên của Nhà hát đều rất ‘bung lụa’ trên sân khấu kịch và ‘đổ bộ’ cả phim truyền hình?
Thật lòng, nếu không có Nhà hát Kịch Hà Nội không có Trung Hiếu ngày hôm nay. 60 năm kể từ ngày thành lập, tôi có thể tự hào rằng Nhà hát Kịch Hà Nội là thánh đường nghệ thuật với rất nhiều tinh hoa hội tụ. Nơi đây xây dựng và bồi dưỡng của thế hệ nghệ sĩ vàng và hiện nay còn sở hữu nhiều lớp diễn viên trẻ đầy triển vọng, được khán giả yêu thích trên sân khấu và truyền hình.
Để có được những thành công đó tất cả là nhờ những ngọn lửa truyền nghề đầy đam mê và không bao giờ lụi tắt các bậc tiền bối cha anh đã truyền lại, cùng tình yêu dành cho mái nhà chung Kịch Hà Nội của thế hệ nghệ sĩ, diễn viên luôn sẵn sàng vượt qua những thử thách và khó khăn để tiếp tục tỏa sáng và viết tiếp những trang lịch sử đáng tự hào của Kịch Hà Nội trong những năm tháng tiếp theo.
Bây giờ ở Nhà hát chúng tôi có một loạt “ngôi sao màn ảnh” như: Hồng Đăng, Chí Nhân, Thanh Hương, Trọng Hưng, Thùy Dương, Ngọc Quỳnh… Người ta cứ đùa bây giờ thời của phim Nhà hát Kịch Hà Nội. Tôi vẫn thường động viên anh em, công việc ở Nhà hát luôn phải chuẩn mực, có việc phải về làm nhiệm vụ.
Còn không có việc mọi người có thể đi làm phim vì đó cũng là một cách để quảng bá cho Nhà hát. Việc để anh em ra ngoài cũng giúp họ có nhiều cơ hội để cọ xát, va chạm và trau dồi kỹ năng làm nghề. Nghệ sĩ đã nghèo nên tạo điều kiện cho anh em có thêm đồng ra đồng vào là việc chính đáng.
Với nghệ sĩ, chúng tôi không bao giờ tự nhận mình đã thành công. Cái đó là do đánh giá từ khán giả, chúng tôi chỉ biết bảo nhau làm tốt nghề của mình.
- Nhận chức Giám đốc đúng lúc Nhà nước có cơ chế mới để các Nhà hát tự chủ và phải đối mặt vô vàn thách thức, anh làm như thế nào để vượt qua?
Trong giai đoạn phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin, các hình thức giải trí - nghệ thuật vô cùng đa dạng và phong phú, đây là giai đoạn thử thách mới đầy cam go không chỉ dành riêng cho Nhà hát Kịch Hà Nội mà còn cho các đơn vị nghệ thuật khác trong cả nước.
Ở đó, sân khấu kịch đòi hỏi phải làm mới, khắt khe với chính mình để khán giả không quay lưng lại. Bởi mình khắt khe với nghề mọi người mới không khắt khe với mình. Quan trọng nhất trong nghề là phải tránh được sự nhàm chán, luôn làm mới bản thân, luôn buộc bản thân phải thay đổi. Bản thân tôi trong thời gian qua cũng thử sức với nhiệm vụ hoàn mới là làm đạo diễn. Vở nào hay tôi sẽ làm. Hiện tại tôi vẫn muốn trau dồi thêm nghề đạo diễn để nó chín hơn. Với tôi, dù làm đạo diễn hay diễn viên, cái gì cực thích mới làm. Chỉ thấy hơi thích hoặc thấy cũng được được tốt nhất dừng lại. Mình không thấy hay khán giả sao thấy hay?
- Thời đại 4.0, anh làm thế nào để sân khấu chuyển mình bắt kịp xu thế?
Với một đơn vị nghệ thuật biểu diễn mọi “guồng máy” dù đã vận hành trơn tru vẫn phải thay đổi để có thể đáp ứng được thị hiếu, nhu cầu của khán giả. Điều đầu tiên phải kể đến trong năm 2019 đó là việc rạp Công Nhân được tiến hành sửa chữa. Sân khấu cũ được dỡ bỏ và thay thế lắp đặt hệ thống sân khấu quay và nâng hiện đại.
Tháng 11/2019, Nhà hát Kịch Hà Nội đã nghiệm thu sân khấu mới trên tầng 2 tại rạp Công Nhân. Sân khấu mới là bước đầu tiên để khởi động và xây dựng những dự án mới trong tương lai của Nhà hát. Đặc biệt, vở diễn “Hà thành chính khí”, công trình nghệ thuật chào mừng Kỷ niệm 60 năm thành lập Nhà hát Kịch Hà Nội (1959-2019), chào mừng Đại lễ 1010 năm Thăng Long - Hà Nội (2020) đã được biểu diễn trên sân khấu với hệ thống quay và nâng hiện đại.
Có thể nói, Nhà hát Kịch Hà Nội đang rất tự hào khi đang sở hữu một sân khấu hiện đại. Không chỉ dừng lại ở đó, nhân Kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập, chúng tôi cũng đã cho ra mắt bộ nhận diện thương hiệu, website chính thức mới cùng các cổng thông tin điện tử. Hy vọng với những công cụ mới này sẽ tạo điểm nhấn và dấu ấn riêng, giúp thương hiệu Kịch Hà Nội sẽ đến gần hơn với khán giả trong nước và quốc tế. Định hướng của Nhà hát Kịch Hà Nội trong tương lai chính là phấn đấu trở thành một nhà hát đa năng lấy kịch nói làm trung tâm.
- Vì đâu anh ‘rủ rê’ NSƯT Quang Thắng về Nhà hát?
Có được anh Thắng nhà hát như “hổ thêm cánh”, rất tuyệt vời. Anh ấy là một người nghiêm túc, đầy trách nhiệm, sống với anh em rất chan hòa và gần gũi. Cách làm việc của anh ấy cũng rất chỉn chu, mạch lạc và đáng để học hỏi. Bao giờ cũng thế, nếu hẹn anh Thắng 9 giờ đến Nhà hát tập vở thì 9 giờ kém 15 đến đã thấy đang ngồi đọc kịch bản ở đó rồi.
Dù đã có tuổi nhưng tôi chưa thấy ai chăm chỉ, mẫu mực về nghề nghiệp như thế. Anh em trong nhà hát ai cũng yêu quý anh Thắng vì làm việc với anh ấy rất dễ chịu. Còn Vân Dung nữa, chúng tôi cũng đang muốn mời cô ấy về Nhà hát của mình.
- Cuộc sống hôn nhân của anh có gì mới?
Tôi thấy cuộc sống của tôi hiện đang rất viên mãn. Nhờ có vợ tôi bớt nhậu nhẹt và tụ tập hơn. Mọi ngày, người thân, bạn bè, đồng nghiệp, đối tác… rủ không tìm được lý do nào mà từ chối cả. Bây giờ có vợ cũng có lý do chính đáng để anh em “tha” cho. Nhờ thế tôi cũng bớt được những cuộc chén chú chén anh đến tận đêm.
- Vợ anh có khắt khe?
Khắt khe cũng được, cứ mọi thứ đều hợp lý là được. Trước khi về sống với nhau, chúng tôi cũng đã phải thống nhất quan điểm rõ ràng. Tất nhiên, tôi bây giờ vẫn tự do nhưng trong khuôn khổ của người đã có gia đình. Vợ tôi vừa mới bảo vệ xong luận văn Thạc sĩ ngành Quản trị kinh doanh. Tuy nhiên, cô ấy tự nguyện ở nhà để chăm sóc và vun vén gia đình.
Ngày xưa còn là “lính phòng không” thế nào cũng được, bây giờ phải lo bên nội - bên ngoại. Tôi bận bịu việc Nhà hát, nếu cô ấy không khắt khe lo cho chắc tôi cũng chẳng yên tâm mà làm việc.
- Vợ chồng anh đã có kế hoạch sinh em bé chưa?
Kế hoạch là năm tới chúng tôi sẽ sinh em bé. Nhưng mà, cái đó cũng chẳng nói trước được. Con cái là của Trời cho.