NSND Xuân Bắc lo ngại mặt trái của cách mạng công nghiệp 4.0 tác động tiêu cực đến văn hóa
Tham gia Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, NSND Xuân Bắc - Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam bày tỏ sự lo ngại về những mặt trái của cách mạng 4.0 tác động tiêu cực đến văn hóa.
NSND Xuân Bắc cho rằng cách mạng công nghiệp 4.0 đem lại nhiều thành tựu khoa học và sự hỗ trợ phát triển đáp ứng nhu cầu đời sống con người nhưng cũng tạo ra những mặt trái, tác động tiêu cực tới văn hóa.
Cụ thể, có nhiều trang nặc danh, giả mạo, cố tình gây hiểu nhầm tạo dự luận, đánh tráo khái niệm nhằm định hướng và kích động những người nhẹ dạ, thiếu hiểu biết.
Trước những vấn đề nóng của xã hội, nhiều cư dân mạng sẵn sàng bộc lộ quan điểm, nhận thức của mình một cách vội vàng, thiếu kiểm chứng, sẵn sàng phán xét hay chụp mũ. Cũng theo NSND Xuân Bắc, nhiều cư dân mạng không có ý xấu mà họ chỉ muốn bày tỏ quan điểm, chống lại cái tiêu cực nhưng cách bộc lộ quan điểm, dùng ngôn ngữ chưa được phù hợp.
"Nếu chúng ta cứ để tình hình này diễn ra thì không khéo sẽ tạo ra một nét văn hóa con người Việt Nam trong tình hình mới là văn hóa phán xét, chụp mũ, a dua. Điều này thực sự quá nguy hiểm. Bất kỳ ai trong xã hội, nghệ sĩ hay ngay cả thứ trưởng, bộ trưởng cũng có thể trở thành nạn nhân bị tấn công trên mạng xã hội", NSND Xuân Bắc phát biểu.
Theo NSND Xuân Bắc, khi mạng xã hội phát triển bùng nổ, thông tin được lan truyền theo cấp số mũ, những thông tin xấu độc hại, thiếu chính xác cần phải được đính chính, chỉnh lý, giải thích kịp thời để tránh nghi ngờ lây lan.
Do đó, NSND Xuân Bắc cho rằng, luôn cần có ý thức bảo vệ biên cương văn hóa, tư tưởng nhằm đáp ứng nhu cầu xây dựng văn hóa con người Việt Nam trong tình hình mới.
NSND Xuân Bắc cho biết thêm, Nhà hát Kịch Việt Nam luôn chủ động chuyển mình để quảng cáo truyền thông trên nền tảng 4.0. Theo đó, nhà hát chú trọng việc xây dựng website, fanpage để xây dựng thương hiệu. Khán giả có thể quét QR code để truy cập dễ dàng, tìm thông tin của nhà hát. Nhà hát Kịch Việt Nam cũng xác định công tác truyền thông không chỉ là nhiệm vụ của bộ phận truyền thông mà còn là của các nghệ sĩ.
"Chúng tôi xác định công tác truyền thông không chỉ của bộ phận truyền thông mà còn là của các nghệ sĩ. Số lượng người theo dõi các nghệ sĩ trong nhà hát trên các nền tảng khoảng 6 - 7 triệu người. Bên cạnh đó, còn kết hợp tạo điều kiện cho các nghệ sĩ đi làm phim, thu đài, từ đó tạo gương mặt nghệ sĩ tiêu biểu. Chúng tôi hiện có một kho phục trang phong phú với các kiểu trang phục của Việt Nam và thế giới. Ngoài công tác lưu giữ để biểu diễn, đây còn là một cơ sở để nghiên cứu đối chiếu trong công việc liên quan đến văn hóa Việt Nam và thế giới qua các thời kỳ", NSND Xuân Bắc nhấn mạnh.
Tại hội nghị, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đề nghị Chính phủ, Thủ tướng bổ sung kinh phí đầu tư và định mức kinh phí từ các nguồn chương trình mục tiêu quốc gia để tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, nhất là đối với các tỉnh khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo.
Bộ Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng đề nghị Thủ tướng, Chính phủ xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chủ động triển khai các giải pháp liên quan nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong ngành du lịch, thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, với phương châm: "Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện".