NSƯT Đỗ Kỷ: 'Dùng quá nhiều kỹ thuật diễn sẽ không hấp dẫn được người xem'
NSƯT Đỗ Kỷ chia sẻ thêm về kỹ thuật biểu diễn, cách xây dựng nhân vật qua vai diễn ông Kình trong phim 'Nơi giấc mơ tìm về'.
NSƯT Đỗ Kỷ trở lại màn ảnh nhỏ với vai diễn ông Kình trong bộ phim “Nơi giấc mơ tìm về” đang phát sóng giờ vàng trên VTV. Phim nhận được nhiều lời khen bởi kịch bản chắc tay, cuốn hút, gia giảm yếu tố “drama” hợp lý, dàn diễn viên diễn xuất tốt, có sự hài hòa giữa các diễn viên gạo gội và diễn viên trẻ.
Phim kể về cuộc sống gia đình ngột ngạt, đầy mâu thuẫn giữa bà nội tổng giám đốc Lan (NSND Lê Khanh) và cậu cháu bướng bỉnh Gia An (Lãnh Thanh). Mâu thuẫn về tư tưởng của 2 thế hệ cộng thêm những ân oán trong quá khứ khiến 2 bà cháu luôn ở thế "đối đầu" tạo nên nhiều nút thắt cho kịch bản. Trong phim, vai diễn của NSƯT Đỗ Kỷ nằm ở tuyến phụ, ông Kình là người điềm tĩnh, trung thành, hỗ trợ, hết lòng giúp Gia An kế nghiệp công ty. Ông Kình từng có vợ nhưng vợ đã bỏ đi, và đến cuối đời, ông mới biết mình còn có một cô con gái.
NSƯT Đỗ Kỷ xuất thân là diễn viên Khóa 1 của Nhà hát Kịch Việt Nam, từng giữ chức Phó Giám đốc Nhà hát những năm 2001-2008. Ông từng dàn dựng một số vở kịch tiêu biểu của Nhà hát, như: "Hoa cúc xanh trên đầm lầy", "Đi tìm điều không mất", "Chuyện vặt người lính"...
Ở địa hạt phim truyền hình, ông ghi dấu ấn với “Bản di chúc bí ẩn”, “Gia phả của đất”, “Trái tim có nắng”, “Nếp nhà”, “Ngõ lổ thủng”…, và gần đây là “Người phán xử”, “Đấu trí”... Ở tuổi về hưu, ông vẫn thi thoảng xuất hiện trên các dự án phim truyền hình. Ông bảo: “Ở tầm tuổi tôi, không có gì khắt khe với việc chọn kịch bản phim cả. Tôi về hưu rồi, đi làm còn là niềm đam mê, niềm vui. Giai đoạn “kén cá chọn canh”, lựa chọn kịch bản không còn, cơ hội đối với mình không còn nhiều. Ngoài ra, đó còn là vấn đề tuổi tác, bởi đến lúc chọn được kịch bản hay thì sức khỏe mình lại không tốt thì sao?”.
NSƯT Đỗ Kỷ chia sẻ thêm về kỹ thuật biểu diễn, cách xây dựng nhân vật: “Nếu mình sử dụng quá nhiều kỹ thuật sẽ không hấp dẫn được người xem. Với ống kính quay phim, càng dùng kỹ thuật sẽ càng bị lộ. Khi đọc một kịch bản, nhận một vai diễn, đầu tiên người diễn viên phải tự trả lời các câu hỏi: tôi là ai, tôi làm gì. Cũng giống như đi từng bước lên cầu thang ấy, bước từng bước một. Đó là bài đầu tiên, từ đó mới ra cái biểu cảm. Nhân vật trên sân khấu cũng thế, bước ra là phải khiến khán giả biết mình là ai”.
“Trong lứa diễn viên hiện nay, tôi thấy bạn nào cũng tốt vì mỗi người có một nét khác nhau. Các bạn đã thoát khỏi căn bệnh cố hữu của người Á đông là không dám bộc lộ hết khả năng của mình. Ngày trước, thế hệ tôi đứng trước đám đông không dám nói, không dám diễn. Bây giờ các bạn có năng lực bộc lộ bản thân rất mạnh mẽ. Đó là cái xu thế, cho nên tạo được cái thật, cái hấp dẫn cho người xem”, NSƯT Đỗ Kỷ nhận xét về lớp diễn viên hiện tại.