NSƯT Đức Long: Người hát lên những bản tình ca đẹp về đời sống
40 năm theo nghề, lần đầu tiên, NSƯT Đức Long có một liveshow đúng nghĩa cho riêng mình, trong thời điểm Hà Nội vẫn đang căng mình vì dịch bệnh. Nhưng Đức Long nói, hơn lúc nào hết, âm nhạc cần được cất lên. Anh chia sẻ: 'Âm nhạc là một cách cứu rỗi tâm hồn người nghệ sĩ, nhất là khi dư chấn của đại dịch COVID - 19 đã để lại nhiều hệ lụy gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý, đến đời sống dân sinh, mà người làm nghề như Đức Long muốn hát để tri ân khán giả trong thời khắc khó khăn này'.
Một người bạn của tôi khi xem live show “Đức Long hát” đã viết rằng: “Đến một lúc, khi nghe Đức Long hát điều đọng lại sau cùng vẫn là một sự cảm động. Cảm động vì anh vẫn ở đó và còn hát. Và dẫu cho ta không còn trẻ nữa, thì vẫn thấy ở đó những tiếng hát gợi lên một miền xanh thẳm tình tự. Vì thế, kỉ niệm không già nua, người hát không già nua, những bản tình ca không nói lời giã từ cuộc sống. Lòng ta vẫn đang còn đẹp nữa”.
Những “Thời hoa đỏ”, “Có một ngày”, “Chuyển bến”... chất đầy kỷ niệm và gợi nhớ qua tiếng hát trầm ấm của anh. Những bản tình ca Đức Long hát vẫn còn mãi trong dòng chảy âm nhạc Việt Nam, nó đẹp không chỉ vì giai điệu mà vì cả tâm hồn người hát. Đức Long được bạn bè trong giới gọi là “Quý ông hát tình ca”. Anh hát bằng cảm xúc và những trải nghiệm của cuộc đời nhiều vất vả, nhọc nhằn. Vì thế, âm nhạc của Đức Long không màu mè, nó chân thành và đầy cảm xúc.
NSƯT Đức Long.
Khi tiếng hát Đức Long cất lên, ấm áp và gợi nhớ nhiều kỷ niệm, một tiếng hát nguyên sơ, không phai màu vì năm tháng và thời gian, càng không bị pha tạp trong thời buổi phát triển mạnh mẽ của công nghệ. Anh chung thủy với âm nhạc, với con đường mình theo đuổi, dù ngoài kia đời sống đã thay đổi và xô bồ hơn, nhưng âm nhạc trong tâm hồn anh vẫn là một thứ âm nhạc thuần khiết, trong trẻo và đầy cảm xúc.
Anh nói: Người nghệ sĩ “trắng tay” vì hát mà giàu có cũng vì hát. Vì âm nhạc không mang lại cho anh tiền bạc, bao nhiêu năm, Đức Long vẫn sống giản dị trong căn nhà vỏn vẹn 18 mét vuông ở phố Lê Duẩn, cuộc sống giản tiện, đơn sơ, không có xế hộp hay bất cứ thứ gì sang trọng. Nhưng anh tự hào mình giàu có vì bạn bè, học trò khắp năm châu bốn biển, có khán giả yêu thương. Lần này, nếu không có sự hỗ trợ của học trò, anh cũng không thể tổ chức liveshow. Đó là liveshow của những mối tình tri kỷ, tri ân mà anh nhận được từ bạn bè, học trò của mình.
NSƯT Đức Long sinh năm 1960 tại Quảng Ninh. Anh trải qua một tuổi thơ cơ cực, mồ côi cả cha lẫn mẹ từ năm lên 8 tuổi. Cậu bé Đức Long gầy gò, gương mặt khắc khổ đã từng phải làm đủ nghề để kiếm sống như đóng gạch thuê, kéo xe bò, bốc vác... Cuộc sống vất vả và nỗi đau mất bố mẹ đã không làm Đức Long ngã quỵ, anh cố gắng vươn lên một cách mạnh mẽ và tự tin.
Nghệ sĩ Đức Long đến với âm nhạc từ phong trào văn nghệ quần chúng khi anh làm công nhân xí nghiệp than Hòn Gai. Nói là làm công nhân nhưng công việc của anh là quanh năm đi biểu diễn phục vụ công nhân vùng mỏ, hát để động viên, khích lệ công nhân hoàn thành chỉ tiêu xí nghiệp giao phó. Nhưng giấc mơ của anh không dừng lại ở đó, trong anh có một khát vọng mãnh liệt hơn, được đi ra, được tự do ở những chân trời rộng mở hơn.
Năm 1982, anh quyết định lên Hà Nội, công tác tại Đoàn Ca múa nhạc Phòng không Không quân, đồng thời theo học nhạc tại Học Viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Thời gian này anh vừa học vừa tham gia những chuyến lưu diễn phục vụ nhân dân, bộ đội từ Vị Xuyên đến miền Trung, Tây Nguyên... Đến giờ, khi hồi tưởng lại cuộc đời đi hát, Đức Long chia sẻ: Đó vẫn là khoảng thời gian đáng nhớ nhất của anh.
NSƯT Đức Long trong liveshow riêng của mình.
“Điều tiếc nuối nhất là nhiều năm nữa, chúng tôi không thể tìm lại được thời đi hát ở biên giới, hát cho cán bộ, chiến sĩ, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa. Có khi đoàn chuẩn bị biểu diễn, bà con đi cả nửa ngày đường đến nghe, khi chúng tôi hát xong họ lại lên nương, tiếc là chúng tôi không còn nhiều thời gian để cống hiến như thế nữa”.
Sau đó, Đức Long đầu quân cho Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng. Nhưng môi trường quân đội dường như vẫn chưa đủ cho cánh chim khát vọng tự do trong Đức Long thỏa mãn. Anh dừng chân ở nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam. Năm 1995, trong Cuộc thi hát Opera Thính phòng toàn quốc - lần thứ nhất, nghệ sĩ Đức Long đoạt Giải thưởng “Người hát ca khúc Việt Nam hay nhất” với tác phẩm: “Trường ca sông Lô”. Năm 1999, anh tiếp tục đoạt Huy chương Vàng Hội diễn Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc ở dòng nhạc dân gian.
Bên cạnh công việc biểu diễn, anh còn giảng dạy thanh nhạc tại nhiều trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Thủ đô như: Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội, Đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương, Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội... Tâm huyết, luôn thể hiện trách nhiệm với sự nghiệp “trồng người”, anh đã góp phần đào tạo nhiều thế hệ ca sĩ đầy triển vọng cho đất nước như Tùng Dương, Minh Thu, Ánh Tuyết...
Nghệ sĩ Đức Long thuộc típ người hoài cổ, anh sống giản dị, mộc mạc nhưng ẩn sâu là một tâm hồn đa cảm. Và âm nhạc anh theo đuổi là thứ âm nhạc thuần khiết, được hát lên từ những trải nghiệm của cá nhân. Anh chia sẻ: “Tôi hát bằng chính những nỗi buồn, những mất mát mà mình từng trải qua trong cuộc đời, những năm tháng mưu sinh nhọc nhằn, cô độc. Nhưng tôi luôn muốn mang đến cho khán giả một không gian âm nhạc thuần khiết, đẹp ngay cả khi buồn để mang đến cho công chúng một thế giới trong trẻo, đẹp đẽ nhất”.
Tôi gặp anh nhiều lần, lúc ở quán cà phê gần nhà hát, lúc chạy xe vào con ngõ ngoằn nghèo nơi anh ở. Căn nhà bé nhỏ, nhưng ấm cúng và luôn đầy ắp tiếng cười của bạn bè, học sinh. Đức Long dạy học ở đó, tụ bạ bạn bè cũng ở đó. Một mình nhưng không cô đơn vì xung quanh Đức Long luôn có tình yêu của học trò, công chúng. Tôi hỏi Đức Long có bao giờ anh thấy lạc lõng trong đời sống âm nhạc hôm nay. Anh cười: Âm nhạc là cuộc đời anh, anh hát bằng tất cả trái tim mình, không quá bận tâm đến những ồn ào, xu hướng.
Nhà phê bình âm nhạc Trần Lệ Chiến đã viết về anh: “Có thể thấy, trong suốt 4 thập niên ca hát, Đức Long luôn giữ được cột hơi thẳng và trường hơi để anh thỏa sức phiêu mà không bao giờ khiến người nghe phải hụt hẫng khi rơi vào sự cố về sức khỏe hay thời tiết làm ảnh hưởng tới giọng hát. Cũng chính bởi đã đạt ở đỉnh cao của kỹ thuật thanh nhạc nên việc anh chuyển hóa những kỹ thuật kinh điển để thể hiện những ca khúc thuộc dòng tân nhạc thời kỳ đầu hay những sáng tác mới mang phong cách trữ tình luôn khiến người nghe thấy nhẹ nhàng, thoải mái - Hát mà như “chơi” không bị bó buộc hay lệ thuộc vào bất cứ điều gì, mà chỉ “phiêu” cùng những thanh âm”. Vì thế, nhiều năm đi qua, tiếng hát của anh vẫn giữ được sự trong trẻo thuần khiết ấy.
Nghệ sĩ Đức Long quan niệm: “Làm nghệ thuật, bên cạnh đam mê, người nghệ sĩ phải nỗ lực, hy sinh bản thân để dấn thân cho nghệ thuật, không toan tính, mưu cầu danh lợi. Đó là hành trình dài của sự khổ luyện, dấn thân”. Dù hát ở những thánh đường sân khấu hay đơn giản chỉ là một quán cà phê, anh đều “rút ruột nhả tơ”, nghiêm túc và hết lòng, bởi đó là tiếng lòng của chính mình. Anh tôn trọng khán giả và đó cũng là cách anh tôn trọng chính mình.