NSƯT Hoài Anh: Trọn tình yêu với múa và nghệ thuật truyền thống

Sinh ra trong môi trường thấm đẫm văn hóa dân gian, từ nhỏ NSƯT Hoài Anh đã gắn bó với múa và luôn muốn cống hiến cho nghệ thuật nước nhà, góp công sức để lan tỏa những giá trị nhân văn của múa và nghệ thuật truyền thống.

 NSƯT Hoài Anh

NSƯT Hoài Anh

Dấu ấn năm 2024

Sau khi được trao danh hiệu NSƯT hồi tháng 3/2024, Hoài Anh bận rộn với nhiều công việc. Thời gian qua, cô tham gia dàn dựng nhiều chương trình nghệ thuật để chào mừng những ngày lễ trọng đại như: Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, chào mừng Kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2/9...

Nhìn lại năm vừa qua, biên đạo múa Hoài Anh không giấu được sự tự hào. "Năm 2024 là một năm đầy ý nghĩa đối với tôi trong hành trình nghệ thuật. Tôi rất vinh dự khi nhận được danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, một thành quả lớn lao mà tôi luôn hướng tới trong suốt sự nghiệp. Đặc biệt, tôi cảm thấy tự hào vì một số vở diễn mà tôi tham gia với vai trò biên đạo múa đã nhận được những giải thưởng cao".

Trong năm qua, vở diễn "Đại tướng Võ Nguyên Giáp" của Nhà hát Chèo Quân đội do Hoài Anh dàn dựng đã giành được Huy chương Vàng tại Liên hoan Sân khấu Hà Nội mở rộng 2024. Vở chèo "Nữ sĩ Hồ Xuân Hương" của Đoàn Chèo Hải Phòng do cô biên đạo cũng đã đạt Huy chương Bạc tại Liên hoan Sân khấu Hà Nội mở rộng 2024.

NSƯT Hoài Anh xem đây là minh chứng cho sự cống hiến không ngừng của cô và êkíp cho nghệ thuật dân tộc. "Đây không chỉ là vinh quang cá nhân mà còn là kết quả của sự hợp tác, sáng tạo và đam mê của toàn bộ êkíp nghệ sĩ. Tôi rất mong muốn tiếp tục cống hiến cho nghệ thuật và sẽ không ngừng phấn đấu để mang đến những tác phẩm mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần nâng cao giá trị nghệ thuật truyền thống", NSƯT nói.

Hơn 3 thập kỳ cống hiến cho nghệ thuật múa, ngọn lửa nghề của Hoài Anh chưa bao giờ ngừng cháy. Ngược lại, mỗi khi được đứng trên sân khấu, cô vẫn luôn thăng hoa và đắm chìm vào "thánh đường nghệ thuật", được là chính mình, gửi gắm những tâm tư, tình cảm, ước vọng của mình vào bài múa để lan tỏa thông điệp nhân văn đến công chúng.

"Tôi vẫn cố gắng hoàn thiện mình hơn mỗi ngày để mang tới cái đẹp và sự thư thái trong tâm hồn đến với khán giả giữa những bộn bề cuộc sống. Bên cạnh trau dồi chuyên môn, tôi dành thời gian để nghiên cứu sâu hơn về múa trong các tác phẩm sân khấu truyền thống vừa nhằm nâng cao hiểu biết vừa tìm cảm hứng, có thể từ đó tìm ra hướng sáng tác độc đáo, mang giá trị truyền thống", Hoài Anh chia sẻ.

NSƯT Hoài Anh

NSƯT Hoài Anh

Tết là dịp để dành thời gian cho bản thân, gia đình

Sau 1 năm bận rộn cống hiến cho nền nghệ thuật dân tộc, NSƯT Hoài Anh dự định Tết năm nay sẽ dành thời gian bên gia đình nhiều hơn cũng như nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng cho chính bản thân. "Bận rộn cả năm nên ngày Tết là lúc tôi muốn tạo những kỷ niệm đẹp cùng gia đình hay đơn giản là tận hưởng không gian yên bình bên những người thân yêu. Tết cũng là dịp tôi dành thời gian cho bản thân, để nạp năng lượng chuẩn bị cho một năm tiếp theo với thật nhiều điều tích cực, để lan tỏa, để truyền cảm hứng đến những người xung quanh".

32 năm trong nghề, Hoài Anh thấy điều khiến cô phải cố gắng hơn cả là cân bằng được giữa gia đình và công việc. Nghề biên đạo múa yêu cầu cô thường xuyên phải đi các tỉnh để dàn dựng những vở diễn. Khác với các biên đạo nam có thể ở lại địa phương vài ngày thậm chí nửa tháng, Hoài Anh thường chọn cách đi về trong ngày để quán xuyến công việc gia đình. Chính vì vậy, ngày Tết luôn là lúc Hoài Anh muốn thu xếp chu toàn công việc để có nhiều thời gian ở bên và "bù đắp" cho gia đình nhỏ của mình. Cô cũng cho biết gia đình chính là hậu phương vững chắc, là nơi tiếp thêm động lực cho bản thân để hoàn thành tốt công việc cũng như có sức sáng tạo, đóng góp công sức nhỏ bé vào việc phát triển nghệ thuật múa, đặc biệt là múa truyền thống, dân gian.

Nói về những kế hoạch, dự định trong năm mới 2025, Hoài Anh chia sẻ, cô sẽ tiếp tục cống hiến cho nghệ thuật nước nhà, góp công sức vào việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật múa dân gian.

Nguyễn Thị Hoài Anh sinh năm 1982 trong gia đình có truyền thống nghệ thuật. Ông ngoại cô là NSND Mạnh Tuấn, bác là NSND Minh Thu, các cậu là biên đạo múa NSƯT Tuấn Khôi, NSƯT Tuấn Kha. Cô thi đỗ Học viện Múa Việt Nam hệ 7 năm khi 11 tuổi. Năm 2006, Hoài Anh đỗ khoa Múa của trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, sau đó tốt nghiệp thủ khoa và vào biên chế Nhà hát Chèo Hà Nội từ 2010 đến nay. Năm 2018, cô tốt nghiệp thạc sĩ ngành Nghệ thuật Sân khấu tại trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội.

Trải qua 32 năm làm nghề, Hoài Anh đã biểu diễn hàng chục tiết mục, dàn dựng hàng trăm tác phẩm múa từ sân khấu nhà hát đến các sân khấu quảng trường rộng lớn, trong đó có chương trình lớn tầm cỡ quốc gia như: Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Lễ hội Hoa anh đào, Chương trình kỷ niệm Hà Nội - Thành phố vì hòa bình, Chương trình chào đón Giao thừa hàng năm, Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô... Cô cũng dàn dựng nhiều vở diễn được khán giả đón nhận và hội đồng đánh giá cao về chất lượng như vở chèo "Đại tướng Võ Nguyên Giáp", "Nữ sĩ Hồ Xuân Hương", "Vòng đời duyên nợ"...

Nghệ Nhi - Ảnh: Hoàng Bá Khánh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nsut-hoai-anh-tron-tinh-yeu-voi-mua-va-nghe-thuat-truyen-thong-20250121152958015.htm