NSƯT Hữu Châu: Trĩu nặng tiếng cười

Đi tròn một hoa giáp, ông lặng lẽ ngồi xuống nhìn lại đời mình. Cuốn bút ký chân dung 'Hữu Châu - Chiếc nôi vàng giông bão' (Phanbook phát hành tháng 7) là cuộn phim quay chậm để ông thương nhớ một đời đã qua, những người đã xa. Dĩ vãng đứt gãy, rạc rời mà in đậm thuở vàng son rực rỡ với bao biến thiên thăng trầm của chính ông và gia tộc - một gia tộc nghệ sĩ lẫy lừng...

Có một thời, nhắc đến Hữu Châu, người ta hay gắn cụm từ danh hài vào trước tên ông. Bởi, cái thuở ban đầu vào nghề, tiếng cười thế nhân là miếng cơm manh áo của cậu công tử Sài Gòn - cháu nội bà bầu Thơ. À mà quên, tháng năm lăn lộn mưu sinh ấy, Hữu Châu đâu còn là cậu công tử ngông nghênh, quậy “dàn trời mây” của đoàn cải lương Thanh Minh - Thanh Nga nức tiếng miền Nam.

Đoạn đầu sự nghiệp của Hữu Châu chính là đoạn cuối bi tráng của gánh hát gia tộc. Những biến thiên thời cuộc đã khiến đoàn cải lương hàng đầu của miền Nam chính thức nói lời từ biệt khán giả vào năm 1985, sau 35 năm tung hoành dưới ánh đèn màu. Những vở “Tiếng trống Mê Linh”, “Người vợ không bao giờ cưới”, “Sân khấu về khuya”, “Bên cầu dệt lụa”, “Mưa rừng”... với giọng ca Thanh Nga, Hữu Phước, Thành Được, Út Bạch Lan, Thanh Lệ... chỉ còn là huyền thoại huy hoàng.

NSƯT Hữu Châu.

NSƯT Hữu Châu.

Đó là chiếc nôi vàng êm ấm của tuổi thơ ông, nơi nuôi dưỡng máu huyết nghệ sĩ và cũng là nơi quay cuồng trong cơn dông bão thời cuộc, để rồi hất ông vào cuộc sống khắc nghiệt, đớn đau. Nơi ấy, từng có người cô Thanh Nga đẹp như tiên giáng trần mà hiền hậu, âu yếm với Châu biết chừng nào. Châu gọi Thanh Nga là má Ba.

Ông bồi hồi nhắc lại trong bút ký: “Hồi nhỏ, công tử Châu tôi được cả nhà cưng, ai cũng chiều chuộng nên “chướng” lắm. Tôi gần như muốn chi thì được nấy. Chuyện gì tôi không thích thì dù có đúng, có phải lẽ, cũng không ai được làm trái ý tôi. Trí óc non nớt của tôi ngông nghênh. Tôi tung hoành qua lại giữa hai nơi quen thuộc là ngôi nhà cao rộng thênh thang của bà nội và những cái rạp lớp khu Trần Hưng Đạo, Nguyễn Cư Trinh..., nơi đoàn hát đóng quân. Tôi chỉ sợ bà nội và thương má Ba. Khi gần gũi hai người đó, tôi hiền lại, ngoan hơn, thích lắng nghe những lời êm mượt như nhung từ đôi môi trái tim xinh đẹp của má Ba. Tôi đặc biệt ưa ngồi cánh gà coi má Ba diễn. Đó là niềm say mê vô tận của tôi”.

Không khí nghệ thuật của đại gia đình nói chung và chính những vai diễn hút hồn của má Ba đã hun đúc tình yêu nghệ thuật trong tâm hồn cậu bé Hữu Châu. Thế nên khi Thanh Nga đột ngột ra đi ở tuổi 36, gần như tuổi thơ hồn nhiên của cậu bé 12 tuổi cũng hạ màn theo. Từ một đứa trẻ hiếu động, nghịch ngợm, cậu hóa ra đứa trẻ u buồn, biết nhói lòng khi nhìn theo đôi vai gầy run run của bà nội.

Nỗi đau này chưa kịp lên da non thì nỗi đau khác đã về làm rớm máu. Lần lượt anh trai Thanh Hải rồi người cha đáng kính - nghệ sĩ Hữu Thình - qua đời. Năm cha ông mất cũng là năm bà nội buông gánh hát rồi trở bệnh nặng. Gia đình khánh kiệt đến nỗi ngôi nhà lớn trên đường Trần Hưng Đạo phải bán đi để lo cơm áo, nợ nần, thuốc men. Đó cũng là năm Châu sắp tốt nghiệp lớp Diễn viên kịch nói, Trường Nghệ thuật - Sân khấu 2 (nay là Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP Hồ Chí Minh).

Cái nghèo, cái đói cùng cực ập tới. Châu cùng mẹ và các em trôi dạt đến căn nhà lá xiêu vẹo, dột nát ở một con hẻm ổ chuột trên đường Nguyễn Trãi. Cái đói thúc giục ông phải lăn xả vào đời, lăn lóc kiếm tiền phụ mẹ nuôi bầy em nhỏ. Sáng ông đi bán báo, sách cũ; chiều quệt mồ hôi bơm vá xe; tối về đi tấu hài. Phố lên đèn, hai anh em Hữu Châu - Hữu Lộc son phấn quẹt quẹt rồi đạp xe ra các tụ điểm sân khấu. Anh tung, em hứng, ăn nói cà tưng, cứ vậy mà chọc cười khán giả.

Sau này, Hữu Châu tái hợp với Hữu Nghĩa - cậu bạn cùng lớp, làm nên kiểu hài song tấu mang tên “Tấu hài Hữu Châu - Hữu Nghĩa”. Một anh cao nhòng, ốm nhách như Hữu Châu với một anh tròn ủm mà làm nên bộ đôi chọc cười nức tiếng. “Hai thằng tôi, vừa nghèo thiệt, cũng lo cơm áo cho gia đình thiệt nhưng cũng vừa ham chơi, ham kiếm tiền, chạy show tối tăm mặt mũi, miệng mồm không ngớt tuôn ra những câu chọc cười thành quen, điệu bộ lăng xăng, suýt thành cố tật” - ông kể.

Nói về cậu học trò cưng của mình, nhà văn, đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc kể: “Hồi đi học, Hữu Châu thường đạt điểm cao môn Kỹ thuật biểu diễn nhờ thông minh và có độ nhạy cảm của người được sống trong không khí nghệ thuật từ nhỏ. Cạnh đó, Hữu Châu có một tiếng cười vang, to, rõ như có gắn ampli cỡ đại trong người. Hữu Châu đi coi lớp khác thi, có thầy cô nghi là cô Ngọc “đặc phái” Hữu Châu sang xem rồi cười để phá hỏng không khí thi cử. Hữu Châu đi coi phim, cười lớn tới độ Công an tới hỏi thẻ sinh viên. Tên Hữu Châu gắn với mấy chữ: Hữu Châu - tiếng cười sân khấu. Sau này tôi mới hiểu phần nào đằng sau tiếng cười đó là một nỗi lòng nặng trĩu khi mất Thanh Nga, người cô thân thiết mà Châu gọi là má Ba; mất cha mình - nghệ sĩ Hữu Thình; mất bà nội mình - tức bà bầu Thơ nổi danh bầu của các ông bà bầu; rồi mất em ruột Hữu Lộc”.

Ngày nhận tin em trai mất cũng như ngày ông nhận tin cha qua đời. Tin buồn đến vào lúc mặt đương giặm phấn thoa son mà mua vui cho tha nhân, khác nào một Kép Tư Bền. “Hôm Hữu Lộc mất, tôi đang diễn chương trình “Ngày xửa ngày xưa”. Dĩ nhiên là tôi đã bất an vô cùng, thậm chí chuẩn bị tinh thần từ trước, nhưng tin dữ về trong một suất diễn làm hề cho trẻ thơ, trong lúc tôi đang nhảy cà tưng cà tưng chọc cười con nít khiến nhiều bạn diễn nao lòng giùm tôi. Dĩ nhiên, tôi vẫn tròn vai, tiếp tục cười giỡn, cà tưng, hù dọa quý vị khán giả đang háo hức, mặt mũi trong veo kia”.

Bút ký chân dung “Hữu Châu - Chiếc nôi vàng giông bão”.

Bút ký chân dung “Hữu Châu - Chiếc nôi vàng giông bão”.

Hữu Châu cười trong tiếng khóc, giấu buồn vào vui. Để rồi một ngày nỗi buồn ấy đàng hoàng bước ra sàn diễn khi ông gật đầu nhận lời người anh chí thân - nghệ sĩ Thành Lộc - để nhận vai Nguyễn Trãi trong vở chính kịch “Bí mật vườn Lệ Chi”. Thành Lộc rủ: “Anh đóng vai Tạ Thanh, em Nguyễn Trãi, nhưng lâu lâu mình đổi vai cho sinh động nha”.

Bấy lâu nay, diễn hài với ông là cần câu cơm, còn chính kịch - kịch dài là niềm mơ ước nên ông gật đầu cái rụp. Vậy là hai anh em thành ông Nguyễn Trãi, Tạ Thanh với hàng loạt suất diễn “cháy vé” nhưng chẳng hề có sự đổi vai nào. Hình như, vai đã chọn người.

Và, với Hữu Châu, vai Nguyễn Trãi trở thành bước ngoặt. Ông tâm sự: “Trước đây, tôi được mặc định là một nghệ sĩ hài. Sau Nguyễn Trãi, tôi chính thức bước vào thế giới của chính kịch với những thăng trầm khác, những cột mốc khác. Đó là niềm ao ước lặng thầm của tôi trong nghề nghiệp”. Từ đây, những vai diễn bi có, ác có vây quanh Hữu Châu như bộ sưu tập những bậc trưởng lão: Lý Đạo Thành, Tô Định, Nguyễn Quốc Công, Võ Công, ông Năm...

Tiếng cười, tiếng khóc của ông đã diễn trước bao khán giả, trẻ có già có. Nhưng, mãi mãi có một vị khán giả mà ông ao ước nhất lại vĩnh viễn không bao giờ xuất hiện dưới khán đài, dù chỉ một lần... Vậy mà má Ba đã về trong một thoáng chiêm bao khi cánh màn nhung khép lại vở “Giáng Hương” (tên mới của vở “Sân khấu về khuya”), khi ông lặng lẽ xả vai ông Ba Hoài, tay mân mê bản thảo cuốn sách “Hữu Châu - Chiếc nôi vàng giông bão”.

Xen kẽ những phần do tác giả Thanh Thủy chấp bút là lời tự sự của riêng Hữu Châu. Một cuộc tự tình giữa người ngoài cuộc và người trong cuộc, giữa hình và chữ, giữa thực và mơ để vẽ nên hành trình hơn 40 năm làm nghề của ông. Cuốn sách ấy không tuân theo trình tự thời gian như một cuốn hồi ký thông thường mà có vẻ giật cục, rời rạc, với những mảnh ký ức không đầu không cuối.

Hai người kể chuyện, ai thích gì thì kể nấy. Vì thế, “Hữu Châu - Chiếc nôi vàng giông bão” không phải là bản tổng kết sự nghiệp, cũng không phải hồi ký khẳng định tên tuổi. Nó như một lời thủ thỉ sau cánh gà, nơi người nghệ sĩ từng cười, từng khóc, từng mất mát nhưng vẫn chọn bước tiếp bằng một trái tim vẹn nguyên tha thiết với ánh đèn màu. Cuốn sách như nén tâm hương ông dâng lên anh linh đóa hoa sắc hương Thanh Nga. Để lòng ông vọng mãi lời dặn dò của má Ba khi người tan vào cõi mộng: “Châu, ở lại đi hết con đường nghệ sĩ nha con. Con đường đặc biệt của cả nhà mình...”.

Mai Quỳnh Nga

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/nsut-huu-chau-triu-nang-tieng-cuoi-i775938/