NSƯT Hữu Quốc và câu chuyện nhân văn về tình yêu đồng tính
NSƯT Hữu Quốc là 'người của cải lương' nhưng kể từ khi thử thách mình trong lĩnh vực thoại kịch, anh đã để lại một dấu ấn đặc biệt. Tía ơi, con lấy chồng là một vở kịch do anh viết và dựng vừa ra mắt tại sân khấu 5B Võ Văn Tần một lần nữa đưa khán giả qua nhiều cung bậc cảm xúc.
Dấu ấn của Hữu Quốc
Thế mạnh của cải lương là chất trữ tình buồn. Có lẽ vì thế mà vở diễn nào do NSƯT Hữu Quốc viết và dựng đều toát lên yếu tố này. Nếu trước đây trong vở Diều ơi! Hữu Quốc đã khiến cho khán giả không cầm được nước mắt trước tình mẫu tử, thì ở Tía ơi con lấy chồng cái tình đó vẫn phảng phất qua một sắc thái khác. Không dừng lại ở đó, anh còn gửi đi thông điệp giàu tính thời sự. Đó là thái độ của cộng đồng dành cho tình yêu đồng giới.
Tía ơi, con lấy chồng có bối cảnh là hai gia đình của ông Năm (NSƯT Hữu Quốc) và bà Sáu ( Tô Thiên Kiều) tại một miền quê. Ông Năm có cô con gái lớn tên Gái (NSƯT Mỹ Uyên) là một phụ nữ có con mà không chồng. Bà Sáu thì có con trai tên Vũ (Vũ Trần) tầm tuổi Gái nhưng chưa vợ. Vũ và Gái yêu nhau nhưng bà Sáu phản đối vì không chấp nhận trai tân lấy gái một chồng.
Một tư tưởng cổ hủ đậm chất Á Đông. Riêng tình yêu này cũng đã tạo nên kịch tính cho câu chuyện. Nhưng tác giả Quốc Nguyễn (tức Hữu Quốc) chưa dừng lại ở đó. Ông Năm còn có một đứa con trai lớn lên cùng với Vũ và Gái. Thanh niên này, vào tuổi trưởng thành, đã lên Sài Gòn mưu sinh rời xa vòng tay gia đình. Đến một ngày, chàng thanh niên ấy thú thật với cha rằng anh là người đồng tính.
Dĩ nhiên ông Năm phản đối gay gắt. Thái độ kỳ thị giới tính của ông Năm còn thể hiện qua những ngôn từ, hành động làm tổn thương Nụ, một cô bóng chuyển giới. Với suy nghĩ của một người đàn ông nhà quê, ông cấm cản không cho người nhà tiếp xúc với Nụ vì sợ bị " lây bịnh bóng".
Cái đoạn ông Năm tát thẳng vào mặt Nụ trong đám giỗ chồng bà Sáu là khoảnh khắc gây tác động mạnh vào cảm xúc người xem. Đó là một cú tát vào nỗi khát khao được thừa nhận giới tính của con người trót sinh ra đã thuộc về giới tính thứ ba.
Sau những xung đột, tác giả Quốc Nguyễn đã có cách xử lý để những ai còn nặng định kiến giới tính, còn quá nặng nề xét nét về tình cảm trai gái sẽ phải suy nghĩ nhiều. Cái kết của câu chuyện là một dấu chấm hết có hậu giúp người ta biết sống thông cảm và bao dung.
Dấu ấn của diễn viên
Có nhiều điều để nói thêm về Tía ơi, con lấy chồng. NSƯT Mỹ Uyên, trong vai trò giám đốc nhà hát kịch 5B chị đã nỗ lực hết mình để sân khấu sáng đèn trong tình trạng kịch nói đang gặp nhiều khó khăn. Những loại hình giải trí không mất tiền trên tivi thực sự là một đối thủ cạnh tranh quá ghê gớm khiến sức sống sân khấu kịch dần kiệt quệ. Dựng kịch có yếu tố đồng tính chính là một sự tìm kiếm, tạo sự đa dạng cho gu thưởng thức người xem là một trong những cách mà Mỹ Uyên muốn giữ khán giả ở lại sân khấu.
Quốc Thịnh là một nhân tố phải nhắc đến trong Tía ơi, con lấy chồng. Từ rất lâu rồi Quốc Thịnh đã được báo giới lẫn khán giả thừa nhận cái duyên hài đặc biệt. Quốc Thịnh có thế mạnh ở cách nhấn nhá trong âm điệu giọng nói tạo nên tiếng cười bất ngờ. Điều này được thấy trong vai cô bóng kín tên Nghi trong vở diễn. Hễ Quốc Thịnh mở miệng thoại là gây tiếng cười. Cái câu: "Đây là lần đầu tiên và sẽ là hoài hoài" của Quốc Thịnh sẽ là câu nói để khán giả nhớ đến anh.
Diễn viên đóng vai Nụ, một cô bóng lộ, dẫu là người mới nhưng vô cùng tự nhiên trong vai bóng. Nụ đã cùng với Quốc Thịnh tạo nên tiếng cười hóm hỉnh. Nghinh Lộc không có nhiều đất diễn nhưng sự có mặt của nữ diễn viên trẻ này tạo nên sự tròn trịa cho các tuyến nhân vật. Tô Thiên Kiều từ lâu đã chứng minh bản lĩnh sân khấu và cái duyên hài. Chị cũng là một cây hài trong câu chuyện nhiều tình tiết...
Tía ơi con lấy chồng, nhìn chung là một vở diễn hài hước và thấm đẫm tình người. Vở diễn sẽ tái ngộ khán giả vào mồng 3 và mồng 6 tết âm lịch 2020.