NSƯT Lê Ngô Thắng: Khát khao 'tác phẩm xiếc' chất lượng cao
Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam đã giành được 7 giải thưởng tại Cuộc thi Tài năng xiếc toàn quốc 2024. Trong đó, NSƯT Lê Ngô Thắng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam, được trao giải Đạo diễn xuất sắc
.Phóng viên: Trường Trung cấp Nghệ thuật xiếc và Tạp kỹ Việt Nam đã giành được 7 giải thưởng, trong đó có 1 giải nhất, 2 giải nhì và cá nhân ông được trao giải Đạo diễn xuất sắc, ông chia sẻ gì về thành tích này?
- NSƯT NGÔ LÊ THẮNG: Trước hết đó là niềm vui của tập thể, của nhà trường bởi cuộc thi quy tụ nhiều diễn viên gạo cội của các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp trên toàn quốc, trong khi thí sinh dự thi từ trường xiếc đều là các em có tuổi nghề rất trẻ. Điều hạnh phúc hơn khi đoạt nhiều giải thưởng lớn đã chứng minh một chân lý, đó là muốn tranh tài bất kỳ cuộc thi nào thì phải nỗ lực luyện tập, chấp nhận vất vả và hết mình vì nghệ thuật để gặt hái quả ngọt.
.Tham gia cuộc thi và đoạt giải "Đạo diễn xuất sắc", cá nhân ông đã có sự chuẩn bị như thế nào?
- Với vai trò đạo diễn, tôi luôn khát khao đổi mới cách dàn dựng để phần trình diễn thật sự là "tác phẩm nghệ thuật" xiếc chứ không đơn thuần là "tiết mục xiếc". Bất kỳ tiết mục nào, tôi cũng chăm chút từng chi tiết nhỏ như âm nhạc, âm thanh, ánh sáng, trang phục, nội dung tư tưởng, chủ đề, kỹ năng biểu diễn... để tạo nên nét tổng hòa tốt nhất cho tác phẩm xiếc.
Tiết mục đạp trống "Tiếng vọng miền sơn cước" đoạt giải nhất tại cuộc thi, chúng tôi đã chuẩn bị rất kỹ mọi khâu, thậm chí đặt nhạc sĩ viết nhạc dành riêng cho tiết mục, để có thể truyền tải hết thông điệp của nội dung tác phẩm. Ngày nay, khán giả tinh tế lắm, nếu đầu tư không hiệu quả, chất lượng kém là họ sẽ nhận ra ngay.
.Điều gì khiến ông trăn trở nhất trong lĩnh vực xiếc?
- Công tác đào tạo tuyển sinh của trường xiếc hiện nay ngày càng khó khăn, nhiều bạn trẻ có đam mê nhưng thấy ngành xiếc cực nhọc quá nên không hào hứng đăng ký theo học như trước nữa. Để thuyết phục khán giả đi xem và ủng hộ nghệ thuật xiếc thì các tiết mục trình diễn bắt buộc phải hay, độc đáo và mới lạ. Xây dựng một tiết mục xiếc xuất sắc, có tuổi thọ cao là điều không dễ dàng, bởi đòi hỏi cá nhân nghệ sĩ và đơn vị nghệ thuật phải có thực lực, có niềm đam mê nghề nghiệp và khát vọng dấn thân. Chúng tôi sẽ cố gắng vượt qua những khó khăn, sẽ nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ cung cấp nguồn nhân lực cho ngành xiếc.
.Trước thực trạng của ngành xiếc, ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về những khó khăn trong công tác tuyển sinh của trường?
- Đào tạo nghệ thuật xiếc rất cần sự thông cảm hơn bao giờ hết. Chúng tôi cần sự chia sẻ và thấu hiểu của toàn xã hội và cả với những bậc phụ huynh cho con em mình theo nghề diễn viên xiếc. Hiện nay, mỗi thí sinh đăng ký vào học, chúng tôi phải trao đổi rất kỹ với phụ huynh. Vì các em mới 11, 12 tuổi nên trường phải có chế độ bảo mẫu 24/7 để chăm lo tốt nhất cho các em.
Để hoàn thành nhiệm vụ cung cấp nguồn nhân lực kế thừa cho ngành xiếc. Nhiều năm nay, trường phải liên tục đi tuyển sinh ở nhiều tỉnh, thành khác nhau. Những em có niềm đam mê và có tư chất theo nghiệp xiếc, chúng tôi phải ra sức thuyết phục các bậc phụ huynh. Bởi đa số phụ huynh ngại cho con theo học ngành xiếc vì sợ nghề này nguy hiểm (té ngã, gãy tay, trật chân, chấn thương khi biểu diễn).
Với những nỗ lực trên, mùa tuyển sinh năm nay, trường tuyển được 48 học viên (chỉ tiêu trung bình khoảng 35 học viên). Đây là con số đáng mừng, cho thấy cách nhìn của cộng đồng với nghề xiếc đã thoáng hơn.
Trường Trung cấp Nghệ thuật xiếc và Tạp kỹ Việt Nam là đơn vị duy nhất ở Việt Nam đào tạo diễn viên biểu diễn nghệ thuật xiếc và tạp kỹ, khoảng 90% số lượng diễn viên xiếc đang hoạt động trên cả nước hiện nay được đào tạo tại trường.
.Công tác tuyển sinh đã khó, quá trình đào tạo cũng không đơn giản. Ông có đề xuất gì để giảm bớt khó khăn của trường trong công tác đào tạo?
- Tại các cuộc tọa đàm, hội thảo chuyên ngành, những khó khăn và cả bất cập liên quan tới việc đào tạo chuyên ngành xiếc đã được nhắc nhiều. Thời gian đào tạo của trường xiếc là 5 năm (so với 18 tháng như nhiều trường trung cấp) nhưng diễn viên xiếc lại có tuổi nghề ngắn. Với tấm bằng trung cấp khi ra trường, các diễn viên xiếc chỉ được xét là diễn viên hạng 4, quy định này quả là thiệt thòi vì để trở thành một diễn viên xiếc, đòi hỏi học viên phải có năng khiếu, tài năng và cả sự dấn thân.
Hiện nay, các cơ sở đào tạo nghệ thuật đã kiến nghị các bộ - ban - ngành cùng vào cuộc với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch nghiên cứu, quan tâm tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các cơ sở đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực nghệ thuật xiếc. Phải có cơ chế đặc thù với các quy định, chế độ đãi ngộ phù hợp cho lĩnh vực đào tạo nghệ thuật xiếc.
NSƯT Lê Ngô Thắng báo tin vui, sau một thời gian tích cực chuẩn bị, trường đã trình Đề án nâng cấp từ trung cấp lên bậc cao đẳng. Đề án đã trình Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt. "Khi nâng cấp bậc cao đẳng sẽ giúp cho các học sinh có đủ hành trang, kiến thức và đặt hết niềm tin vào sự dấn thân trên con đường nghệ thuật, góp phần tạo thương hiệu vững mạnh cho ngành xiếc của Việt Nam" - NSƯT Lê Ngô Thắng tâm huyết.