NSƯT Linh Hiền cống hiến trọn đời cho nghệ thuật hát bội

Hát bội là loại hình nghệ thuật thu hút đông khán giả ở mọi lứa tuổi, nhất là vào những năm 1950. Ngày nay, cùng với sự phát triển của nhiều loại hình giải trí mới, thị hiếu người dân cũng dần thay đổi nên hát bội không còn có được sự ưu ái của các tầng lớp nhân dân như trước. Vì vậy, nghệ sĩ hát bội cũng rất vất vả mới giữ được nghề. Khó khăn là vậy nhưng nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Linh Hiền, tên thật là Trịnh Công Danh (SN 1965), Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP. Hồ Chí Minh vẫn miệt mài cống hiến và tâm huyết với nghề. Lòng yêu nghề của nghệ sĩ Linh Hiền chính là yếu tố để 'Dấu ấn tài hoa' của Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước chọn làm nhân vật giao lưu với khán giả, độc giả trên địa bàn tỉnh.

Là loại hình sân khấu truyền thống rất độc đáo của Việt Nam, hát bội được người xem dễ dàng nhận biết và phân biệt với các loại hình khác vì nghệ sĩ hát bội mang trên người các trang phục, trang sức và trang điểm vô cùng cầu kỳ. Đặc biệt, ở hát bội người xem chỉ cần nhìn vào nhân vật (cách trang điểm, tô vẽ trên khuôn mặt, màu sắc trang phục, điệu bộ, cử chỉ) là biết diễn viên sẽ diễn vai gì...

Không “dễ sống” với hát bội

Theo lời NSƯT Linh Hiền, ông là chắt nội của ông bầu gánh hát miền Tây Trịnh Văn Ký và là cháu nội của ông Trịnh Minh Tốt, bầu gánh hát ở Sài Gòn; còn ba ông là NSƯT Trịnh Văn Khanh, bầu gánh hát ở Sài Gòn, Tây Ninh... sau đó công tác tại Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP. Hồ Chí Minh. Ở thế hệ thứ 4, gia đình có ông và người em gái là ca sĩ tự do Trịnh Kim Liên đang theo nghề hát bội.

Nghệ sĩ ưu tú Linh Hiền

“Sinh ra và lớn lên trong gia đình hát bội nên tôi như có sẵn nghề trong máu. Vì sớm làm quen với hát bội nên lúc 7-8 tuổi, tôi được lên sân khấu biểu diễn. Lên sân khấu, được bà nội nhắc tuồng bằng cách... nhéo vào người là những bài học đầu đời dẫn tôi vào nghề không thể nào quên” - NSƯT Linh Hiền chia sẻ. Vào nghề theo truyền thống gia đình nên ban đầu nghệ sĩ Linh Hiền chưa có bước đột phá nào. Đến năm 14 tuổi, ông được ba động viên theo học lớp hát bội do các nghệ sĩ có tên tuổi như Đinh Bằng Phi, Thành Tôn, Châu Kỷ, Năm Đồ... Từ đây, ông được rèn giũa thêm và tỏa sáng với những vai diễn lớn như Trịnh Ấn (Nữ tướng Đào Tam Xuân), Tiết Quỳ (Tiết giao đoạn ngọc), Lôi Lã Hổ (Ngũ biến báo phu cừu)...

Do cuộc sống nên năm 1984, nghệ sĩ Linh Hiền chuyển sang hát cải lương. Ông cho biết: Lúc đó, cải lương rất được nhiều người yêu thích, trong khi đó, bản thân đã trải nghiệm sân khấu đủ lâu nên chuyển sang dễ dàng và được giới chuyên môn đánh giá cao, nhiều đoàn cải lương mời cộng tác. Tuy có ánh hào quang ở sân khấu cải lương, nhưng vẫn không làm cho tôi “cháy hết mình” nên 10 năm sau, tôi quyết định trở về với hát bội, dù biết chắc sẽ gặp nhiều khó khăn.

Nỗ lực để cống hiến nhiều hơn

Nghệ sĩ Linh Hiền nhận ra rằng, để cống hiến và giữ gìn nghệ thuật hát bội là việc hết sức gian nan. Vì vậy, ông vừa nỗ lực tham gia các vở diễn ở Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP. Hồ Chí Minh vừa tham gia học tập để nâng cao trình độ. Chính nhờ ý thức tự học, tự rèn, ông liên tục gặt hái được những thành công rực rỡ.

Năm 1995, nghệ sĩ Linh Hiền đoạt huy chương bạc tại hội diễn sân khấu chuyên nghiệp (vở Chất ngọc không tan); huy chương bạc hội diễn sân khấu ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 1999-2000 (vở Tiếng hát nàng Huyền Cơ); huy chương vàng hội diễn sân khấu tuồng và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc năm 2005 (vở Lửa thiêng). Ông vinh dự được tặng danh hiệu NSƯT vào năm 2007. “Danh hiệu NSƯT là món quà báo hiếu của tôi dành cho ba mình. Ở môn nghệ thuật hát bội, hiếm gia đình nào có 2 đời liên tục nghệ sĩ đạt danh hiệu này (ông Trịnh Văn Khanh đạt danh hiệu NSƯT năm 1993) nên chúng tôi rất vinh dự và tự hào” - nghệ sĩ Linh Hiền cho hay.

Ông còn đoạt giải A diễn viên xuất sắc năm 2012 (vở Đại La Thành), huy chương bạc cuộc thi nghệ thuật sân khấu tuồng và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc năm 2013 (vở Tử hình không án trạng); huy chương vàng liên hoan nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp tuồng, bài chòi và dân ca kịch toàn quốc năm 2018 (vở Lê Công kỳ án); huy chương bạc liên hoan tuồng và dân ca kịch toàn quốc năm 2019 (vở Vụ án Lệ Chi Viên)...

Nghệ thuật hát bội đang dần bị mai một nên NSƯT Linh Hiền rất trăn trở về việc bảo lưu giá trị nghệ thuật hát bội. Đó cũng chính là động lực thúc đẩy ông theo học lớp đạo diễn để chuyển sang dàn dựng và đào tạo thế hệ nghệ sĩ trẻ. “Thế hệ trẻ hiện nay ít có người mê hát bội vì loại hình này đòi hỏi phải có lòng đam mê, năng khiếu, cần cù lao động. Hơn nữa, thể loại nghệ thuật này có thu nhập hạn chế. Trong khi đó, nếu hát bội không bám vào những giá trị ông cha để lại, chạy theo thị hiếu nhất thời sẽ không thể giữ được khuôn mẫu cho thế hệ diễn viên trẻ noi theo” - NSƯT Linh Hiền chia sẻ.

Trải qua 41 năm làm nghề hát bội, tuy gặt hái được nhiều thành công và cũng không ít khó khăn nhưng niềm hạnh phúc nhất đối với NSƯT Linh Hiền là được cống hiến suốt đời vì nghệ thuật, bảo lưu những giá trị đặc sắc của hát bội và nỗ lực truyền nghề cho thế hệ sau.

Phương Dung

Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/nsut-linh-hien-cong-hien-tron-doi-cho-nghe-thuat-hat-boi-101211