NSƯT Quế Trân: 'Hào quang rực rỡ nhất đến với tôi từ năm 18 tuổi'
Dù cố NSND Thanh Tòng đã ra đi hơn 6 năm, song mỗi lần nhắc đến ba hay gia tài nghệ thuật đồ sộ mà gia tộc để lại, NSƯT Quế Trân lại rưng rưng nước mắt.
Nhắc đến NSƯT Quế Trân là nhắc đến hình ảnh một người nghệ sĩ cải lương luôn say sưa, cần mẫn với nghề. Không chỉ thỏa đam mê với sân khấu, nhiều năm qua, NSƯT Quế Trân đã truyền lửa cho nhiều thế hệ trẻ để tiếp nối môn nghệ thuật cải lương, vốn đã bước qua thời hoàng kim.
Trong buổi phỏng vấn với SAOstar mới đây, NSƯT Quế Trân đã có những trải lòng về quá trình làm nghề, những may mắn nhưng đi kèm với đó là áp lực vô hình mà NSƯT Quế Trân phải gánh vác trên vai khi vốn đã được khán giả mặc định là con gái cố NSND Thanh Tòng hay truyền nhân đời thứ 5 của gia tộc cải lương Bầu Thắng - Minh Tơ.
Đúng là thời gian qua tôi rất hạn chế nhận lời phỏng vấn vì cuộc sống của tôi đơn giản lắm, cũng bình thường như mọi người. Thế nên tôi nghĩ không có điều gì mới mẻ để chia sẻ, nếu có chương trình nào đặc biệt hoặc dự án mới thì tôi mới thấy hứng thú, cảm thấy là có nhiều điều, câu chuyển để chia sẻ đến khán giả.
- Dù ít xuất hiện trên truyền thông, song quan sát chị trên mạng xã hội, dễ dàng nhận thấy khán giả vẫn dành sự yêu thương cho NSƯT Quế Trân, bằng chứng là thông qua các con số trên mạng xã hội. Theo chị tình yêu này đến từ đâu?
Theo tôi thì đối với những nghệ sĩ cải lương, dường như họ có lượng khán giả rất chung thủy. Có nhiều cô chú đã 50, 60 hay thậm chí 70 tuổi vẫn có lượng khán giả đông đảo, họ dõi theo từng bước chân nghệ thuật của những nghệ sĩ này, và tôi cũng vậy. Tôi đi hát từ nhỏ nên khán giả yêu mến tôi từ đó. Có những người biết tôi từ khi tôi còn rất nhỏ, khoảng 18 - 20 tuổi cho đến nay.
Mỗi khi tôi xuất hiện trên sân khấu, khán giả vẫn ủng hộ, cổ vũ và động viên tôi. Thế nên đôi khi những hình ảnh đời thường của tôi, khán giả rất muốn được biết và xem. Tôi nghĩ bên cạnh hoạt động nghệ thuật, những hoạt động sinh hoạt gần gũi như vậy cũng sẽ khiến khán giả cảm thấy yêu mến mình hơn.
Tôi nghĩ ai cũng có ưu điểm và hạn chế, thế nhưng nhiều khi khán giả yêu thương tôi thì họ sẽ nhìn vào ưu điểm của tôi nhiều hơn. Về mặt hạn chế bản thân tôi sẽ nhận ra, hoặc người yêu mến tôi có thể góp ý để tôi ngày càng hoàn thiện hơn. Chính điều đó giúp tôi cố gắng từng ngày để không phụ lòng khán giả. Tôi nghĩ cứ sống đúng với bản thân, cống hiến hết mình cho niềm đam mê với nghệ thuật là được!
- Ai cũng nhìn thấy con đường hoạt động nghệ thuật của NSƯT Quế Trân có khá nhiều thuận lợi, đặc biệt là nền tảng gia đình. Song có bao giờ chính thuận lợi ấy lại vô tình trở thành rào cản, khiến chị gặp áp lực hay không?
Bản thân tôi thấy rất may mắn khi được sinh ra và lớn lên trong gia tộc có nhiều đời làm nghệ thuật. Tôi được thừa hưởng dòng máu nghệ thuật ngay từ nhỏ, được đi theo ba và chứng kiến tất cả mọi thứ, từ sân khấu và hậu trường của các nghệ sĩ như thế nào. Việc được đi theo những chuyến lưu diễn như thế đã hình thành cho tôi những ký ức rất đẹp về nghệ thuật sân khấu cải lương.
Tôi tthấy may mắn nhưng cũng áp lực không hề nhỏ khi sinh ra và lớn lên trong một gia tộc cải lương lừng lẫy, có ba là người nổi tiếng, là “cây đa”, “cây đề” trong nghề. Vì vậy tôi phải làm như thế nào để cho xứng đáng với điều đó. Mỗi khi làm gì, tôi rất sợ bị soi là: “Con của NSND Thanh Tòng thì phải làm sao cho được!”. Tôi luôn ở trong tư thế phải cố gắng nhiều hơn, ba tôi cũng nói đối với "con nhà nòi", người ta sẽ có cái nhìn khắt khe hơn. Có thể tôi làm tốt nhiều, nhưng người ta sẽ nghĩ là "con nhà nòi" thì đó là chuyện bình thường. Vậy nên tôi cũng có những áp lực riêng cho bản thân.
- Thời điểm trước và sau khi ba qua đời, nhân sinh quan của chị đã thay đổi như thế nào?
Lúc có ba tôi cảm thấy cuộc sống rất đầy đủ về mặt tinh thần, lúc bấy giờ tôi được sống trong một gia đình có đủ tình thương của ba, mẹ, anh trai và bà con khán giả. Đến mức tôi cảm thấy quá đầy đủ, không thiếu bất cứ thứ gì cả. Khi tôi đã lớn lên và bắt đầu đi hát thì ba cũng đã lớn tuổi, không còn đi hát nhiều với tôi như trước đây. Tuy nhiên ba vẫn theo dõi những chương trình mà tôi tham gia, hoặc có lúc tôi đi về khuya, ba tôi vẫn thức và chờ đến khi con gái về nhà an toàn mới yên tâm đi ngủ. Chính vì những điều đó đã khiến tôi cảm thấy bản thân quá hạnh phúc khi có một người vừa là ba, vừa là thầy, vừa là thần tượng.
Cho đến khi ba tôi mất đến nay là hơn 6 năm, mỗi khi nhắc đến ba, tôi thật đã cố gắng kiềm chế nước mắt nhưng vẫn không thể ngăn cản cảm xúc của bản thân. Khoảng thời gian sau khi ba mất, tôi cảm thấy hụt hẫng và mất mát rất nhiều. Trước đó ba tôi từng phải chống chọi với bệnh tật, thì người trong nhà cũng chuẩn bị tâm lý rằng sức khỏe của ba đang yếu dần, nhưng sự mất mát đó không thể một sớm một chiều mà vượt qua. Tuy nhiên ba vẫn mong tôi làm được gì thì làm cho gia đình, cho nghề nghiệp. Ba tôi không hề áp đặt hay mong cầu điều gì lớn lao ở con gái, tôi nghĩ ba đã để lại gia tài nghề rất lớn dành cho tôi và gia tộc. Trách nhiệm của tôi chính là thay ba chăm sóc cho mẹ, và tôi luôn dành thời gian cho mẹ và gia đình. Ở trong thời điêm tôi có nhiều show, tôi đã bị cuốn theo cho nên tôi thường vắng nhà, tôi đi suốt vì ngày nào cũng có show diễn dù ở gần hay xa tận trăm, nghìn km tôi cũng đi. Lúc đó tôi không có nhiều thời gian dành cho ba, sau này tôi rất quý những thời gian dành cho gia đình, nhất là mẹ tôi bây giờ cũng đã lớn tuổi. Vì vậy tôi dành thời gian cho mẹ nhiều hơn.
Tôi vẫn cố gắng giới thiệu, lưu truyền cải lương đến với khán giả trẻ lúc nào hay lúc đó thông qua những tác phẩm, bài hát của tôi, hoặc các chương trình mà tôi tham gia cùng các đơn vị nghệ thuật. Nhưng về tuổi đời và sự lựa chọn của tôi đối với các chương trình mà tôi xuất hiện có phần kỹ lưỡng hơn. Tôi cũng hiểu về sức khỏe của bản thân nên đối với những chương trình tôi cảm thấy có thể làm tốt thì tôi mới dám nhận lời. Bên cạnh đó những chương trình thật sự ý nghĩa, như tôi nói có thể tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, bộ môn cải lương thì tôi sẵn sàng tham gia.
Những năm vừa qua, có chương trình Kỷ niệm 100 năm Hình thành và Phát triển Nghệ thuật Sân khấu Cải lương thì tôi cũng tham gia với vai diễn Ái Hoa trong vở Thầy Ba Đợi, vở đó là vinh danh một vị tổ sư của ngành hát về đờn ca tài tử của cải lương, đó là thầy Nguyễn Quang Đại. Và có cả chương trình Trăm năm nguồn cội nhằm vực dậy và giới thiệu đến với đông đảo khán giả. Còn đối với tôi, những tiết mục mà tôi cảm thấy yêu thích tâm đắc thì tôi làm lại trên hệ thống YouTube của mình. Qua những nhân vật, vở cải lương theo thời gian cũng có những tiết mục mới nó mang hơi thở của thời đại, gần gũi hơn với khán giả.
- NSƯT Quế Trân có bị áp lực khi phải cố gắng thăng hoa chứ không thể làm lu mờ những danh vị, hào quang mà gia tộc đã từng sở hữu?
Có chứ, tôi tâm niệm phải luôn cùng các anh chị trong thế hệ phải làm được điều đó. Nhưng thật sự thì bằng tất cả khả năng tôi có được, và những cái mong muốn của tôi thôi chứ trong gia đình tôi thế hệ cha, chú vẫn còn dượng, cô vẫn tâm huyết lắm mặc dù ai cũng trên 70 rồi nhưng vẫn truyền dạy cho con cháu được chút nào là cố gắng hết từ hình thức biểu diễn, đến động tác vũ đạo, những vai diễn kinh điển. Và đến bây giờ khi họ bước lên sân khấu, họ vẫn tỏa sáng và dốc hết tâm sức, thậm chí có thể chết trên sân khấu họ vẫn sẵn sàng luôn. Chính những điều đó đã truyền ngọn lửa rất lớn cho thế hệ con cháu và tôi, dù sân khấu cũng ngày càng khó khăn rồi không được như thời hoàng kim.
Tôi cũng cố gắng hết sức bằng khả năng để tốt nhất có thể, tôi thấy có nhiều bạn trẻ thích và hát được cải lương, thậm chí các bạn còn tổ chức ra những nhóm hát góp phần đưa loại hình này đến nhiều đối tượng khán giả hơn. Tôi nghĩ cứ lan tỏa được những điều tốt đẹp thì cải lương sẽ không mất đi. Không chỉ tôi và người thân trong gia đình, mà tất cả những người yêu cải lương làm được điều đó sẽ tạo ra một làn sóng rất lớn. Tôi cũng có niềm tin lạc quan, mặc dù rất khó khăn nhưng tôi sẽ không bỏ cuộc.
Tôi cũng mong như vậy, hiện nay tôi thấy các sân khấu cải lương cũng sáng đèn hơn lúc xưa. Với những đơn vị nghệ thuật được thành lập và được tạo điều kiện bởi Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM và nhà hát Trần Hữu Trang cũng tạo điều kiện có địa điểm biểu diễn thì cũng có tích tuồng, vở mới. Cứ thay phiên như thế thì đoàn lâu năm, hay những đoàn mới thành lập đều có những sản phẩm mới lạ mang đến khán giả. Cải lương vẫn có một số đông khán giả riêng, khi họ đến mua từng tấm vé để vào xem.
- Khi một diễn viên hóa thân vài vai diễn đã mất rất nhiều thời gian, và khi thoát vai cũng cần một quá trình nhất định. Việc nhập tâm cảm xúc trong vai diễn có khi nào khiến NSƯT Quế Trân rung động với bạn diễn?
Tôi nghĩ khi một nghệ sĩ diễn thường xuyên mà gần như chuyên nghiệp sẽ phân biệt được trên sân khấu và ở ngoài đời, để không có sự lẫn lộn và nhập nhằng. Thậm chí khi nhận được một vai diễn tâm đắc người ta có thể mất ăn mất ngủ, sống chết với vai diễn đó. Nhưng ai cũng có cuộc sống riêng, nhất là nghề của tôi có thể hôm nay hát với người nghệ sĩ này, nhưng chương trình ngày mai lại gặp người nghệ sĩ khác. Cho nên tôi phải hết sức tỉnh táo, vì điều đó sẽ khiến nhân vật của tôi luôn mới, và khi diễn cùng bạn diễn sẽ đem lại cảm giác mới mẻ.
- Trước đó khi nhắc về NSND Thanh Tòng, khán giả vốn chỉ biết ông là nghệ sĩ gạo cội trong bộ môn cải lương. Tuy nhiên chị có thể chia sẻ thêm về ba với khía cạnh là người cha trong gia đình?
Người ta thường nói nghệ sĩ là đào hoa nhưng ba luôn giữ gìn cho gia đình hết sức vững vàng. Đối với tôi, ba là người chồng, người cha hết sức mẫu mực là hình mẫu để tôi tin vào cuộc sống này.
- Trong nhiều năm làm nghề, đối với chị thời điểm "hào quang rực rỡ nhất" là khi nào?
Hào quang rực rỡ nhất của tôi chắc là cột mốc, bước ngoặt quan trọng nhất khi làm nghệ thuật đến vào lúc năm tôi 18 tuổi, khi tôi đậu giải Trần Hữu Trang vì đó là giải thưởng lớn của cải lương lúc bấy giờ. Tiếp nối theo các thế hệ cô, chú đi trước như cố NSƯT Vũ Linh, nghệ sĩ Tài Linh, NSƯT Kim Tử Long… đã đậu giải trước đó và tới những anh chị của tôi ở thế hệ sau. Lúc đó tôi cảm giác mọi thứ như vỡ òa trong cảm xúc và cuộc đời nghệ thuật bởi vì ngay thời điểm tôi thi ba đang làm giám khảo. Ba tôi cũng rất ngại vì con gái đang thi mà ngồi như thế sợ có những lời ra tiếng vào không có hay, ba mới nói thôi đến phần thi của tôi ba sẽ không chấm cho con ruột. Mọi người mới động viên vì ai cũng biết ba là người hết sức “công tư phân minh”, ngay cả trước ba cũng chấm cho các cháu nhưng ghi nhận chính xác thành quả thi của họ. Tôi nhớ khi trả lời phỏng vấn khi diễn xong thì có thêm câu hỏi như thi Hoa hậu, sau khi tôi trả lời thì nhận được 9, 10 điểm nhưng ba chỉ cho tôi 8 điểm mà thôi. Khán giả lúc đó đều rần rần phản đối vì ai cũng nghĩ phải được điểm tuyệt đối.
Sau khi lắng nghe những nhận xét, ba tôi đã khóc và tôi cũng khóc theo. Vì lúc đó tôi còn rất nhỏ, 18 tuổi mà không phải đi hát thường xuyên mà vừa đi học, vừa đi hát cho nên thời gian luyện tập cho tiết mục không có nhiều. Nhưng ba tôi nói: “Thôi thì cứ thi, không thành công cũng thành nhân. Chủ yếu là học hỏi để có thêm kinh nghiệm, rồi đến với giải thưởng lớn được học hỏi anh em, bạn bè đồng nghiệp với nhau” để tôi không có áp lực. Nên khi đoạt giải tôi đã nghĩ không hề làm ba thất vọng, mặc dù ba không hề đặt ra tiêu chí hay yêu cầu gì. Nhưng tôi nghĩ ba rất mong con gái sẽ thành công, nên bằng khả năng có thế nào tôi làm như vậy. Sau giải thưởng đó tôi đi hát rất nhiều, lúc bấy giờ báo chí đều mời tôi chụp hình để lên trang bìa. Tại vì đêm chung kết cuộc thi đó được truyền hình trực tiếp và thu hút sự chú ý, tập trung của nhiều người. Nhờ đó hình ảnh, tên tuổi của tôi mới được đông đảo khán giả biết đến.
Hồi xưa ba cũng từng có dạy khi đi ra ngoài hoặc về phải vái ông bà nội, ông bà ngoại, ăn cơm cũng mời thì thành một thói quen. Bây giờ tôi nhìn lên bàn thờ thì có thêm hình của ba, thì tôi cũng thưa gửi như thế như một cái nếp phải như vậy.
- Dường như ông Trời đã cho chị rất nhiều thứ, đặc biệt là về mặt kết nối nội tâm sâu sắc với ba. Liệu có phải khi ba còn sống, NSƯT Quế Trân thường thân với ba hơn mẹ?
Tại vì ba thương con gái, và con gái lại gần gũi với ba nhiều hơn. Bên cạnh đó là còn vì nghề nghiệp nữa thành ra mọi thứ dễ tâm sự, hỏi ý của ba về vai diễn, các chương trình hoặc ba xem rồi ba cũng góp ý, hướng dẫn và dạy dỗ. Giữa tôi và ba có sự gắn kết rất lớn.
- Khi nhìn lại quá trình bên cạnh ba, có điều gì nếu cho chọn lại chị tuyệt đối sẽ không bao giờ làm?
Dù đúng là rất thân, nhưng tôi với ba lại rất khắc khẩu. Có những vấn đề nhiều khi nói tới nói lui là tranh luận và ai cũng giữ quan điểm của bản thân. Trước đây tôi còn nhỏ, có nhiều suy nghĩ và muốn được trình bày, ra sức bảo vệ quan điểm của bản thân. Ba tôi thì cứ để tôi làm những gì tôi muốn, ngay cả những vai diễn khi tôi nhận nhiều người nghĩ ba sẽ sửa, tập luyện cho tôi để khi ra sản phẩm nó sẽ hoàn hảo. Nhưng thực tế thì ngược lại, ba lại muốn tôi tự động suy nghĩ hết mọi thứ và tự làm vai diễn. Để khi ra mắt và tôi sẽ nhận được nhiều đóng góp, ý kiến khen chê, ba sẽ phân tích cho tôi được điểm nào.
Tôi hài lòng, thật ra gia đình tôi sống rất đơn giản, kể cả ba tôi cũng vậy. Ngày xưa ba tôi giản dị lắm, ra đường không hề phô trương, khoe khoang và cuộc sống gia đình rất khép kín. Đến tôi cũng vậy, tôi đã quen với nếp nhà và mẹ tôi cũng sống rất bình dị. Tôi cảm thấy hài lòng với những gì tôi có và sống lạc quan hơn.
Thường tôi sẽ tâm sự với mẹ, và tôi cũng có gia đình, anh em, bạn bè có thể cùng nhau nấu những món ăn ngon, hoặc đi ra ngoài ăn uống, xem phim, xem kịch, đọc vài trang sách. Khi thời điểm Covid-19 bùng nổ, tôi cũng khá buồn, tôi có nấu ăn và đọc vài quyển sách, thiền... Lúc đó tôi mới có ý định làm sách nói, đọc vài trang sách vì bản thân đã từng làm MC. Điều đó tôi thấy cũng hay và rất thích.
- Sau khi đại dịch Covid-19 đi qua, nhân sinh quan của chị đã thay đổi như thế nào?
Tôi thấy không chỉ riêng tôi, mà mọi người sau cơn biến cố đều trân quý từng giây từng phút hiện diện trong cuộc sống này, đặc biệt là mọi người dành thời gian cho gia đình. Tôi thấy mọi người giờ sống và vui được ngày nào hay ngày đó, tôi cũng vậy, luôn cố gắng làm cho gia đình và mọi người luôn vui vẻ, hạnh phúc. Tôi tự tiếp cho bản thân nguồn năng lượng tích cực hơn và cảm thấy trân quý những tình cảm bên cạnh.
- Trong những ngày tháng thời thơ ấu, NSƯT Quế Trân có kỷ niệm đặc biệt gì với ông bà nội không?
Ông nội tôi mất khi 63 tuổi và vào năm 1984, khi đó tôi mới 3 tuổi. Nhưng tôi được nghe tất cả mọi thứ về ông từ ba, vì ba cũng rất thần tượng ông nội. Nhiều khi tôi cảm thấy tôi giống ba, bởi mỗi khi kể về ba tôi có niềm tự hào như thế nào thì ba tôi cũng y như vậy, đặc biệt là khi kể về gia tộc, ông nội ba tôi tự hào lắm. Ba tôi luôn nói: “Ông nội giỏi lắm, ba là không bằng một góc ông nội đâu”. Vì ông nội cũng viết tuồng, dàn dựng, ba tôi cũng làm điều đó và nhiều thứ khác. Ba rất ngưỡng mộ ông nội và các chú ở trong gia đình, những người làm nghệ thuật. Ba luôn trân trọng, biết ơn và dạy tôi điều đó.
- Có khi nào ba chia sẻ với chị về lý do đặt tên con gái là Quế Trân không?
Tại vì ba nói đó là một cái tên đẹp, “Trân” là trân châu, sự trân quý, “Quế” là một hương thơm, hương liệu quý. Tôi nghĩ chắc ba muốn con gái có một cái tên nhẹ nhàng, và sự mong cầu có điều gì thanh thoát, tốt đẹp nhất. Ngày xưa ba tôi có làm hai câu tặng tôi là: “Quế ngọc hương bát ngát, Trân châu sắc lung linh”. Đó là điều ba muốn con gái được như thế. Hồi xưa tôi đi học không có bị trùng tên, nhưng sau này dần dần tên này trở nên phổ biến hơn. Thậm chí có khán giả nói với tôi: “Trời ơi chị mê em quá, chị đặt tên con chị là NSƯT Quế Trân luôn”, rất nhiều trường hợp như thế.
Tôi cũng mong vậy, tôi nghĩ ở thời điểm đó ba tôi cũng đỡ lo phần nào cho tôi và biết tính tôi rất hiền. Ngày xưa ba sống rất trực tính, cho nên đôi khi không được lòng nhiều người nên ba sợ sau này có gì con gái sẽ bị bắt nạt. Nói chung ba cũng nghĩ xa như thế, nhưng thật ra thì tôi thấy trong cuộc sống này khi vui vẻ với mọi người, hòa đồng và sống đúng với con người thì mọi người cũng thương, ủng hộ. Ba tôi rất chu đáo, tỉ mỉ trong từng chi tiết.
- Để trở thành một người nghệ sĩ cải lương không hề dễ, hiện những “cây đa”, “cây đề” đã có công gây dựng và cải cách, đưa bộ môn nghệ thuật cải lương phát triển hơn lại có đời sống rất khó khăn. Dưới góc độ là một người đã trưởng thành trong nôi của cải lương, gia tộc và ăn cơm Tổ bao đời khi chị thấy những người nghệ sĩ đã dày công như vậy, ở tuổi xế chiều lại sống chật vật, chị có chạnh lòng?
Tôi nghĩ mỗi người sẽ có những phước phần, duyên nợ, duyên số khác nhau. Đúng là nghệ sĩ những lúc tỏa sáng thì đã nhận được rất nhiều tình cảm của mọi người dành cho, và tạo được cuộc sống từ những việc ca hát đó. Nhưng đối với người nghệ sĩ, thì tinh thần nhiều hơn chứ đời sống vật chất cũng không có được đủ đầy. Tôi thấy những người đi hát, hát được ngày nào thì họ sống trôi qua được những ngày đó. Niềm an ủi của họ chính là giá trị tinh thần, cho nên về sau cuộc sống của họ khó khăn và chật vật hơn là vì thế.
Ví dụ như khi đi làm, mình đi làm tháng nào thì ăn lương tháng đó. Nhưng khi đến tuổi lớn, mình không có được nhiều show diễn và ít thu nhập, thì chắc chắn cuộc sống của mình sẽ gặp khó khăn. Tôi cảm thấy điều đó rất thương và quý, cho nên là thế hệ nghệ sĩ cùng tôi sống rất có tâm và có đức. Hoàn cảnh đó tôi thấy rất nhiều, anh chị em đã vận động để ủng hộ, giúp đỡ trong khả năng để chia sẻ với hoàn cảnh đó. Đặc biệt các nghệ sĩ với nhau rất yêu thương, đùm bọc nhau, đó là văn hóa tôi thấy có trong giới nghệ thuật.
- Khi nói về phước phần, dường như NSƯT Quế Trân đang đề cập đến sự vô thường trong cuộc sống. Đã bao giờ chị đã ngồi suy nghĩ về sự vô thường để chuẩn bị cho những biến cố có thể xảy ra trong sự nghiệp của bản thân?
Đó là một quy luật trong cuộc sống rồi, bản thân tôi nghĩ trong lúc có thể thì luôn cố gắng làm những điều tốt. Bởi vì nghệ sĩ cũng rất tin vào đạo, luật nhân quả hoặc phần phước. Cho nên tôi sống tốt, chia sẻ được cho mọi người thì đó cũng là điều tôi tích lũy các đức, cái phước cho bản thân về sau. Tôi cũng chăm lo cho được cuộc sống và bản thân, mọi thứ tôi cũng thuận theo tự nhiên. Tôi cứ làm tốt việc của tôi, suy nghĩ và sống tốt.
Đúng là từ xưa đến giờ ba luôn nhắc tôi đem những phần quà cho các cô chú nghệ sĩ ở TP HCM hoặc những nghệ sĩ có hoàn cảnh khó khăn neo đơn, già yếu, hay là dành một số suất học bổng cho các con em nghệ sĩ hiếu học. Thời gian qua tôi vẫn làm những điều đó, và có tổ chức những buổi đến thăm các cô chú, ông bà trong khu dưỡng lão nghệ sĩ. Bên cạnh đó tôi thấy những nghệ sĩ nào đột ngột có những căn bệnh nan y thì cũng sẽ chia sẻ với những hoàn cảnh đó. Tôi cũng không muốn kể ra hết những gì tôi đã làm, tôi thấy làm thì cảm thấy vui và làm được điều gì đó cho riêng tôi.
- Không có mưu cầu hạnh phúc riêng cho bản thân, mà lại dành mong muốn ấp ủ cho sự nghiệp của gia tộc. Dễ dàng nhận thấy NSƯT Quế Trân là một người rất yêu cải lương, tuy nhiên việc truyền tải bộ môn cải lương đến khán giả trẻ dường như ngày càng trở nên cấp bách khi các nghệ sĩ gạo cội có thể đào tạo đang lần lượt ra đi, trong khi thế hệ tiếp nối còn đang rất non nớt?
Thật sự khi đến thời điểm này, tôi đã chứng kiến sự ra đi của các ông bà, cô chú gạo cội, tài danh, lừng lẫy và đóng góp rất nhiều cho bộ môn cải lương. Tôi cảm thấy đau xót và hoang mang, chơi vơi vì không biết thế hệ trẻ có đủ sức làm những điều đó không? Trong khi tình hình đời sống sân khấu ngày càng khó khăn, thật sự đây là một áp lực rất lớn đối với thế hệ trẻ. Nhưng bằng cả sự đam mê, yêu thích và tấm lòng thì tôi thấy mọi người cứ việc sống với đam mê, cứ việc hát và tới đâu hay tới đó. Góp được một viên gạch nào, hay một chút xíu nào đó thì vẫn sẽ không bỏ cuộc và không buông. Ít nhiều đó cũng là hành động hun đúc cho nhau ngọn lửa rất lớn. Chúng ta cùng nắm tay, chung tay góp sức, cùng làm, làm ra như thế nào thì hoàn toàn hạnh phúc với điều đó.
Mỗi khi tôi thấy những chương trình mà do gia đình tôi thực hiện, thì tôi thấy đã hội tụ lại những gương mặt còn lại trong gia tộc. Khi nhìn mọi người lăn xả trên sân khấu, tôi thấy xúc động lắm. Nhiều khi ở trong cánh gà xem mà rưng rưng nước mắt không có cầm được. Vì các bác, các cô chú đã lớn tuổi lắm rồi, đều hơn 60 - 70 tuổi hết rồi mà vẫn còn tâm huyết và lửa nghề bừng bừng như vậy, bước ra là khán giả rần rần ủng hộ. Trong khi loại hình nghệ thuật cải lương tuồng cổ rất tổn sức, từ những động tác rồi những bộ trang phục nặng ký mà với sức khỏe như vậy họ vẫn cống hiến với các trường đoạn như nhảy ghế, hay đứng trên bục cao, xoay người… Thậm chí có những giây phút họ bị trượt chân, vấp ngã, tôi cảm thấy xót xa vô cùng, tôi sợ không biết một lúc nào đó lại mất thêm những người thân thương, trụ cột, gạo cội của gia đình trong nghề.
Nhưng quy luật của cuộc đời tôi không thể cãi lại được, mọi việc tới đâu hay tới đó, khi nhìn lại tất cả mọi thứ tôi thấy đây là điều xứng đáng, đây là nghiệp Tổ mà gia đình tôi đã theo đuổi và ăn cơm Tổ, nuôi nấng cả nhà lớn khôn cho đến ngày nay. Tôi nghĩ mọi người cũng cảm thấy rất vui vẻ, mãn nguyện khi được cống hiến hết mình trên sân khấu.
Từ trước đến nay, gia đình tôi luôn “Tôn sư trọng đạo”, tin tưởng về Tổ nghiệp và ông bà, cha mẹ. Trong những bữa ăn hoặc các buổi biểu diễn, luôn có những cuộc khấn nguyện như thế. Và tôi tin Tổ nghiệp rất linh thiêng, tôi đã nghe nhiều người trong nghề nói về huyền thoại ông Tổ. Những người nào theo nghề hát phần lớn đều tin vào điều đó để làm điểm tựa, tôi cũng không ngoại lệ. Tôi mong sự hiển linh đó luôn phù trợ cho những người tâm huyết theo đuổi con đường nghệ thuật này.
- Ngoài các thành viên trong gia tộc, NSƯT Quế Trân hay các ông, bà, cô chú, anh, chị vẫn truyền nghề cho người ngoài chứ?
Có chứ, thật ra cũng không phân biệt gia đình hay người ngoài hết, chỉ là những ai thật sự có đam mê, khả năng và yêu nghề tôi thấy cô chú, anh chị trong gia đình đều rút ruột truyền dạy hết. Ngay cả khi tôi làm vai trò huấn luyện viên trong một số chương trình, thấy các bạn có khả năng và giọng ca tốt, chịu học hỏi thì tôi biết gì sẽ chia sẻ điều đó. Còn các bạn có thể tiếp thu, hiểu đến đâu là do các bạn và tôi cũng chỉ biết động viên để các bạn làm những điều hay nhất cho vai diễn.
- Tuy nhiên NSƯT Quế Trân vẫn chưa tìm thấy những nhân tố thật sự đủ lực?
Rất khó, nhưng thời gian qua tôi thấy cũng có nhiều nhân tố rất giỏi. Cơ bản họ đã có giọng ca tốt rồi, biết diễn, chịu khó học và làm được đó. Dường như họ vẫn chưa có vận may hoặc duyên nên họ chưa được tỏa sáng. Nghề này cũng lạ lắm, nhiều khi mình ca cũng rất hay, diễn rất giỏi nhưng nếu không có may mắn và không có duyên sân khấu thì khán giả lại không đón nhận, rất khó tỏa sáng và bật lên.
- 12 năm sau khi được trao danh hiệu NSƯT, không biết cột mốc NSND có phải là điều chị hướng tới?
Đối với tôi, tôi luôn cố gắng hết mình với những cuộc thi, vai diễn khi có điều kiện được tham gia. Thời gian vừa qua tôi cũng có những vai diễn đến với cuộc thi, hội diễn toàn quốc và đạt được Huy chương Vàng. Khi tích lũy lại thì đó cũng là một hành trình nghệ thuật của tôi, tôi rất trân quý điều đó. Còn sự ghi nhận, đánh giá là của các hội đồng vì còn phải xét nhiều. Tôi nghĩ mình cứ làm tốt điều bản thân mong muốn và công việc của bản thân, thì thành quả nhận được sẽ là phần thưởng xứng đáng cho sự nỗ lực. Chuyện này thì tới đâu hay tới đó, tôi cũng không thể biết được.
Đúng rồi, cho nên những năm về sau này tôi từng thấy có những cuộc đặc cách cho các nghệ sĩ gạo cội. Tức là không phải có những giải thưởng, nhưng họ có sự cống hiến rất lớn, được khán giả đón nhận rất nhiều và họ ghi nhận những thành quả đó thì họ cũng được xét, và rất xứng đáng. Cho nên tôi nghĩ mọi người sẽ không bỏ quên những trường hợp đã cống hiến như thế, chắc chắn sẽ được ghi nhận.
- Chị có từng nghĩ đã hoạt động nghệ thuật nhiều đời, ăn cơm Tổ nhiều thế hệ thì thành quả lớn nhất vẫn là hạnh phúc dành cho khán giả, chứ không phải danh hiệu trên giấy?
Chính xác, chung quy lại tất cả mọi điều mà nghệ sĩ sống cảm thấy được yêu thương, có tinh thần mà quan trọng nhất là tình cảm khán giả dành cho mình. Bởi vì mình nếu có là ai đi nữa mà không có được sự yêu thương, đón nhận của khán giả thì thật sự là thiếu sót rất lớn.
- Cảm ơn những chia sẻ của NSƯT Quế Trân về buổi phỏng vấn!