NSƯT Thanh Loan 'Biệt động Sài Gòn': Nếu có kiếp sau, tôi sẽ không làm diễn viên
Nghệ sĩ Thanh Loan - giai nhân tuyệt sắc của điện ảnh thập niên 70-80 đã để lại cho đời sống điện ảnh một vai diễn để đời là ni cô Huyền Trang trong Biệt động Sài Gòn. Thế nhưng nhìn nhận lại, bà nói rằng nếu có kiếp sau sẽ không làm diễn viên nữa.
Nghệ sĩ Thanh Loan sinh năm 1951 tại Hà Nội, là con thứ 5 trong gia đình có 8 anh em. Tuổi thơ của bà gắn bó với những con phố, vừa cổ kính vừa là nơi kinh doanh buôn bán sầm uất. Thế nhưng cả đời bà lại không biết kinh doanh buôn bán gì, chỉ làm một nghề duy nhất là nghệ thuật. "Các anh em trong gia đình tôi nhiều người thừa hưởng vẻ đẹp từ bố mẹ nhưng không hiểu sao chỉ mình tôi bén duyên nghệ thuật. May hơn khôn chứ mình có phải con nhà nòi đâu", nghệ sĩ Thanh Loan dí dỏm nói.
15 tuổi, cô thiếu nữ Hà Nội gốc có vẻ đẹp trong sáng, thánh thiện ấy đã nổi tiếng khắp khu phố. Khuôn mặt với các đường nét như tạc vẽ: mắt đen to tròn, sống mũi cao thẳng và đôi môi như cánh hồng nhung mới hé. "Nhưng các cụ bảo, hai cánh mũi phải to thì mới giàu, chứ sống mũi cao, cánh mũi thon như của tôi thì chỉ đẹp thôi", bà cười khi nhận được lời khen ngợi về nhan sắc.
16 tuổi, bà vào trường Nghệ thuật Quân đội theo học lớp diễn viên, sau đó về công tác tại Đoàn kịch nói Tổng cục Chính trị. Nếu không học diễn viên, có lẽ với vẻ đẹp trời phú ấy, bà cũng khó mà thoát khỏi "mắt xanh" của các đạo diễn, như cách mà Hà Xuyên, Thúy An – những bạn diễn nổi tiếng trong phim Biệt động Sài Gòn – bén duyên với nghề vì được đạo diễn phát hiện.
Hà Xuyên trước khi bén duyên điện ảnh là diễn viên múa của đoàn Thái Bình. Vai diễn đầu tiên là Xa và gần, nữ nghệ sĩ đã đoạt giải Diễn viên xuất sắc tại Liên Hoan phim Việt Nam lần thứ 8.
Còn Thúy An, từ cô gái bán nước mía ở Sài Gòn, nhờ NSND Hồng Sến phát hiện mà tỏa sáng thành sao với nhiều vai diễn nổi tiếng như Cánh đồng hoang, Biệt động Sài Gòn, Mùa gió chướng, Mùa nước nổi, Vùng gió xoáy...
Lứa diễn viên ngày ấy dù ngoại đạo hay chính quy, khi đã làm nghề là xả thân, gan ruột với vai diễn. Mỗi hóa thân là như sống với nhân vật, mang đến cảm xúc chân thật cho người xem. Thế nên, Biệt động Sài Gòn thành công không chỉ vì đạo diễn Long Vân dày công tìm kiếm dàn diễn viên toàn giai nhân tài tử, mà còn bởi họ đã minh chứng rõ nét cho chữ tài - sắc song hành, bổ trợ cho nhau.
Xinh đẹp, được nhiều người tán tỉnh nhưng cuối cùng bà lại nên duyên qua mai mối. Là bà thím của chồng, đạo diễn cải lương ở đài phát thanh, thấy Thanh Loan đẹp người, nhanh nhẹn lại đoan trang nên đã giới thiệu cho cháu trai khi đó vừa du học chuyên ngành Toán Tin mới về nước. Cô gái trẻ Thanh Loan vốn không muốn đi theo "lối mòn" văn công gắn với bộ đội, nên gặp được người ngoài ngành, lại vừa "đi Tây" về thì đúng là "điểm 10 chất lượng".
"Người ta nói ‘gái ham tài, trai ham sắc’ quả không sai. Chúng tôi được mai mối nhưng gặp là cảm nhau từ lần đầu tiên. Anh không chỉ giỏi mà còn đẹp trai nữa", nữ nghệ sĩ kể về kỷ niệm thủa thanh xuân.
Quen nhau chừng hơn 1 năm thì bà lên xe hoa vào tháng 12/1974. Lúc này, chiến tranh đang ở giai đoạn ác liệt nên đám cưới cũng mang không khí thời chiến, đơn sơ nhưng ấm áp. Cô râu chú rể đèo nhau bằng xe đạp – cũng là khá giả so với thời đó. Khách mời đa phần là anh chị em văn công lại càng thêm vui. Quà tặng là những vật dụng mà thời nay nhiều người sẽ phì cười nhưng lại rất hữu dụng ở thời đó, là nồi niêu xoong chảo, bếp dầu, chậu nhựa, phích nước… đủ cho sinh hoạt cơ bản của gia đình trẻ. Nên cưới nhau xong hai vợ chồng bà chỉ việc ở, không phải mua sắm thêm gì.
Có chồng "đi Tây" nhưng thực tế, hoàn cảnh khi đó chi phối nên bà không được nhờ vả nhiều, cả trong công việc lẫn cuộc sống, chăm sóc con cái. Do tính chất đặc thù của nghiên cứu khoa học nên chồng bà phải dành thời gian nghiên cứu, rồi đi công tác, sau đó học lên tiến sĩ ở nước ngoài. Thế nhưng bà không lấy đó làm điều. Có lẽ bà hiểu và cảm thông cho đam mê của chồng, cũng như chồng và gia đình bên nội đã không khắt khe khi bà dành trọn tuổi xuân cho nghề. Hơn nữa, sống trong thời bao cấp, con người quen với khó khăn vất vả, thành ra bà không mấy khi than thở, so đo. Trái lại, bà thấy mình vẫn còn may mắn hơn nhiều người. "Nếu không có gia đình bên chồng đỡ đần, tôi khó mà trọn vẹn cả nghề lẫn làm vợ, làm mẹ", bà nói với sự biết ơn, trân trọng.
Vì được nhờ bên nhà chồng mà nghệ sĩ Thanh Loan mới đủ sức theo đuổi 4 năm làm phim Biệt động Sài Gòn. Khi đó, do đã lập gia đình, con còn nhỏ, chồng còn bận học tiến sĩ nên bà rời Đoàn kịch Tổng cục hậu cần sang làm phát thanh viên Truyền hình quân đội, rồi đến Truyền hình an ninh. Sự chuyển hướng này giúp bà có điều kiện làm phim nhiều hơn vì Truyền hình an ninh hay làm phim truyện nên có sự hợp tác với Hãng phim truyện Việt Nam. Ngoài làm phát thanh viên, bà thường xuyên được đạo diễn gạo cội mời làm phim điện ảnh.
Lúc nhận lời làm "Biệt động Sài Gòn", nghệ sĩ Thanh Loan không nghĩ phim quay đằng đẵng 4 năm trời mới xong. Ngày ấy làm phim vất vả vô cùng, phải ăn ngủ tại đoàn trong suốt thời gian quay. Trong lúc chờ quay thì đi thực tế để tìm hiểu vai diễn chứ không có chuyện ra trường quay mới đọc kịch bản như không ít diễn viên bây giờ. Để hóa thân thành ni cô, bà đã xin vào chùa tu tập một tuần để học các nhà sư cách sinh hoạt, đi đứng, nói năng, tụng kinh, gõ mõ... Tập thể hiện cảnh bị tra tấn bằng điện, rồi tập chèo ghe, học cách giao tiếp như người Nam bộ. Bà cũng phải hi sinh bộ tóc dài ngang lưng thành đầu tém để ra khí chất của chiến sĩ biệt động mạnh mẽ, mưu trí.
Đó là năm 1985 nhà nước đổi tiền, khi đó bà đang ở Sài Gòn mà ruột gan như lửa đốt. "Cả cửa nhà dành dụm được mấy trăm đồng, ngày ấy mua được vé tàu xe đâu có dễ dàng gì. Tôi đánh điện về cho mẹ chồng chỉ chỗ cất tiền để mang đổi nhưng hiềm nỗi bà không tìm được. Bao nhiêu năm ăn dè hà tiện thế là thành mất trắng".
Nói về vai diễn để đời trong Biệt động Sài Gòn, nghệ sĩ Thanh Loan nói rằng khán giả cứ hay nhắc đến vai đó chứ thực ra trong cuộc đời nghệ thuật, tôi có nhiều vai diễn ấn tượng hơn vai ni cô Huyền Trang. Với tôi, vai đó chỉ đẹp và lạ thôi. Có lẽ đó là phim màu, lại được chiếu rạp; phim có màu sắc tình báo, đấu trí gay cấn, gắn với tình cảm lâm ly nên dễ hấp dẫn khán giả hơn.
Nhưng nói về chất nghề, chiều sâu nhân vật thì tôi không thích bằng vai cô Riêng trong "Người về đồng cói", tác giả Lê Lựu, đạo diễn cố NSND Bạch Diệp; kỹ sư Khuê trong "Bản đề án bị bỏ quên" của đạo diễn Nông Ích Đạt; vai Lê trong "Bài ca ra trận" của cố NSND Trần Đắc làm về Anh hùng Lê Mã Lương. Phim đó còn có Như Quỳnh, Dũng Nhi từ sân khấu sang, lần đầu bén duyên điện ảnh, còn tôi là phim thứ 2. Đây là phim nhựa đen trắng, làm từ năm 1971 nên ít được biết rộng rãi như Biệt động Sài Gòn nhưng là phim mà tôi rất thích.
Lẽ ra, nghệ sĩ Thanh Loan còn đóng góp ở hai phim nổi tiếng nữa là "Chị Nhung" (đồng đạo diễn là Nguyễn Đức Hinh và Đặng Nhật Minh) năm 1970 và "Không nơi ẩn nấp" của cố đạo diễn Phạm Kỳ Nam năm 1971. "Hồi đó tôi đang ở Đoàn kịch Tổng cục chính trị, đoàn giữ người quá không cho đi, đạo diễn đành phải tìm diễn viên khác. Tiếc nhất là phim Không nơi ẩn nấp, quay phim – cố NSND Nguyễn Đăng Bảy đã quay thử vai The và chọn tôi rồi nhưng rất tiếc vì nhiều lý do mà tôi không thể tham gia. Sau đó, Ái Vân được chọn cho vai chị Nhung, Kim Anh vai The".
Về sân khấu, nghệ sĩ Thanh Loan nói rằng bà ghi dấu ấn với vai bé Mai trong vở kịch "Nổi gió" của Đào Hồng Cẩm’ vai cô Thơm trong "Câu chuyện gia đình tôi" của tác giả Nguyễn Vượng, đạo diễn Thành Ngọc Căn và Vũ Minh; vai bác sĩ Nga trong vở kịch sân khấu nổi tiếng "Đôi mắt".
"Hồi đó dường như cả nước dựng vở "Đôi mắt". NSND Đình Nghi - con cụ Thế Lữ bảo, trong tất cả các đoàn dựng "Đôi mắt" thì bác sĩ Nga của Thanh Loan đoàn kịch Tổng cục chính trị là hay nhất, đáng yêu nhất. Chắc hồi đó mình xinh hay sao ấy! (cười). Sau này tôi đóng vai chính nổi tiếng nữa là vai chị Nhàn trong vở kịch "Chị Nhàn" của tác giả Đào Hồng Cẩm. Ông có những vở kinh điển như: Nổi gió, Chị Nhàn, Đại đội trưởng của tôi là 3 vở mà hầu như các đoàn kịch trong cả nước đều dựng. Sau này, Nổi gió, Chị Nhàn còn được dựng thành tác phẩm điện ảnh cũng rất nổi tiếng", nghệ sĩ Thanh Loan nhớ lại.
Ngày trước, 8 anh chị em chỉ mình bà theo nghệ thuật, bà từng nghĩ, chắc do kiếp trước mình tu nhân tích đức nên kiếp này mới được làm diễn viên. Khi lập gia đình, các con trưởng thành nhưng cả 2 đều không theo nghề của mẹ, bà lại nhủ thầm: "Chắc vẫn do mình tu nhân tích đức".
"Nghề này đòi hỏi phải có thanh sắc, nếu không cả đời chỉ đóng vai quần chúng cầm cờ chạy qua sân khấu thôi. Lứa diễn viên ngày xưa, chung quy lại cũng chỉ được nhớ đến vài cái tên như, khóa 1 có NSND Trà Giang, Ngọc Lan, Minh Đức… Khóa 2 có nhiều hơn là Thanh Quý, Minh Châu, Diệu Thuần… Cùng thời có thêm Như Quỳnh nhưng là của đoàn cải lương Chuông Vàng sang. Tôi ngẫm mà thấy may các con không ai theo nghệ thuật, không lại vất vả như mẹ. Làm nghệ thuật tuổi đời ngắn lắm, già vẫn diễn có được mấy người đâu. Chưa kể gia đình thiệt thòi vô cùng, nhất là lúc con cái còn nhỏ", nữ nghệ sĩ trải lòng.
Hỏi nghệ sĩ Thanh Loan, nhìn lại những năm tháng đã qua có điều gì khiến bà hối tiếc không? Bà nói: Với bản thân thì tôi không có gì phải hối tiếc. Vì với nghề, tôi đã được khán giả nhớ mặt nhớ tên, được làm vai chính của những bộ phim nổi tiếng lúc bấy giờ. Về hưu với 43 tuổi quân, hưởng lương Đại tá, cao hơn rất nhiều bạn nghề rồi nên tiêu pha dư dả, còn hỗ trợ được con cái khi cần. Đến tuổi hưu vẫn hoạt động ở Hội, giữ chức Phó chủ tịch hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, Phó chủ tịch phụ trách Hội Điện ảnh Hà Nội…
Nhưng ở khía cạnh gia đình thì cũng thiệt thòi. Lúc trẻ, vì đất nước còn khó khăn, ai cũng phải lo bươn trải, tôi cứ đi suốt nên con cái phải nhờ ông bà đã đành, chồng tôi lúc đó cũng không ở Việt Nam. Anh nghiên cứu sinh ở nước ngoài, lúc về, gia tài mang theo chỉ sách là sách. Cũng may tôi được nhờ bố mẹ chồng, thông cảm cho nghề nghiệp của diễn viên nay đây mai đó, lại làm trong ngành giáo dục nên rất hiểu chuyện và chăm lo cho các cháu được chu toàn.
Giờ đây, các con đều đã trưởng thành, có gia đình riêng, cháu ngoại học ở Úc nên thỉnh thoảng, bà lại cùng con cái sang thăm kết hợp du lịch. Bà khoe Tết vừa rồi ở New Zealand 2 tháng, sắp tới lại sang để dự lễ tốt nghiệp của cháu ngoại.
Có cuộc sống may mắn hơn dàn nghệ sĩ trong Biệt động Sài Gòn nhưng trong câu chuyện với chúng tôi, nghệ sĩ Thanh Loan chia sẻ rằng nếu được chọn lại thì tôi sẽ không làm nghề này nữa, dù mình cũng được gọi là được tổ nghề ưu ái, có chút thành công, được khán giả biết mặt biết tên. Nhưng nhìn rộng ra, tôi thấy nghề này ngắn lắm, cũng bạc nữa. Tôi may mắn vì chuyển sang làm đạo diễn nên vẫn duy trì được nghề lâu dài. Đến tuổi hưu thì tham gia công tác hội để được giao lưu với bạn bè, có thêm niềm vui tuổi già. Có thế mới không trì trệ, sống vui sống khỏe không làm phiền con cháu.
Nhưng làm nghề 43 năm, mang lon đại tá mà về già không có tài sản gì đáng giá. Lúc về hưu, hai vợ chồng ngỡ ngàng nhìn nhau vì chồng là PGS.TSKH, vợ là nghệ sĩ nổi tiếng mà chả có cái sổ tiết kiệm nào ra tấm ra món. Ngẫm thấy thời của mình trong sáng quá, đến nỗi được phân nhà còn trả lại, nghĩ cũng tiếc thật. Nếu cứ nhận thì cũng chả sao. Tích cóp mãi xây được cái nhà ở Kim Mã Thượng (P.Liễu Giai, Q.Ba Đình) đi lại thì tiện nhưng có tuổi rồi leo trèo với dọn dẹp cũng mệt lắm. Vì thế, chúng tôi bàn nhau bán đi để mua căn hộ chung cư ở Ciputra, vừa đỡ khoản leo trèo, vừa để hai ông bà có khoản tiết kiệm gửi ngân hàng có thêm đồng ra đồng vào, không phụ thuộc vào con cái.
Dù kinh tế không dư dả, giàu có nhưng ngẫm ra, ở tuổi ngoài 70 nghệ sĩ Thanh Loan thấy mình vẫn còn hơn nhiều đồng nghiệp. Rộng ra nữa là nghệ sĩ miền Bắc còn đỡ hơn nghệ sĩ miền Nam" vì phần lớn đều là biên chế nhà nước nên về già còn có đồng lương. Nhà cửa được phân chia, họ cũng biết tích cóp, dành dụm phòng khi cơ nhỡ, còn miền Nam, do tính cách, vùng miền nên kiếm được 10 thì tiêu hết cả 10. Nếu không có chỗ dựa từ gia đình thì đến 70% là sống nghèo. Về già còn khổ nữa vì không có lương, sức khỏe suy giảm, nhiều nghệ sĩ phải tìm đến viện dưỡng lão là vì thế.
Nói về tình cảnh của nghệ sĩ Thương Tín hiện nay - bạn diễn trong Biệt động Sài Gòn, bà chia sẻ: "Tội của Thương Tín là đẹp trai quá nên nhiều cô mê, chủ động bao bọc cho cậu ấy nên cứ thế hưởng thụ, chẳng lo tích cóp, cũng chả nghĩ đến chuyện vun vén để có gia đình ổn định. Có tiền cũng không nghĩ mua nhà cửa hay giữ gìn cho về già như dân Bắc mình đâu. Làm nghệ thuật lại hay sống theo cảm xúc, không lý trí được như ngành khác, thành ra càng thêm lận đận. Đó là cái khổ của đời nghệ sĩ, được trời phú cho chút tài sắc nhưng đổi lại là sự thiệt thòi về cuộc sống riêng.
Không chỉ Thương Tín, các vai diễn chính trong phim Biệt động Sài Gòn phần lớn đều lận đận. Như nghệ sĩ Hà Xuyên, kết hôn từ năm 20 tuổi nhưng sau đó tình cảm rạn nứt, bà quyết định ly hôn. Một mình gồng gánh nuôi 2 đứa con khôn lớn trưởng thành. Cũng may về già, nghệ sĩ Hà Xuyên được tận hưởng những ngày an nhàn, con cái thành đạt. Có cuộc sống đầy đủ, thoải mái về vật chất lẫn tinh thần, thỉnh thoảng bà làm thiện nguyện và đi du lịch cùng bạn bè.
Còn nghệ sĩ Thúy An cũng là cảnh hồng nhan bạc phận. Sau cú sốc ra đi của chồng là NSND Hồng Sến, bà suy sụp đến mức bỏ nghề và sang Lào làm ăn. Tại đây, nghệ sĩ Thúy An gặp và nên duyên với Việt kiều đang sinh sống ở Đức. Sau đó, bà và con gái sang trời Âu định cư. Mãi sau này, khi ổn định cuộc sống Thúy An về nước, bà mới tiết lộ, bà đang có cuộc sống bình yên bên chồng con. Con gái bà kinh doanh nhà hàng và cũng đã có gia đình riêng. Mỗi năm, bà đều về Việt Nam một lần nhưng chỉ để gặp gỡ người thân chứ không liên lạc với các đồng nghiệp.
Nghệ sĩ Quang Thái – vai tình báo Tư Chung cũng hai đời vợ, tuổi già tưởng nhàn hạ bên con cháu thì lại tai biến không còn nhận biết được gì. Ông qua đời năm 2019 ở tuổi 83. Đạo diễn Long Vân có cuộc sống gia đình sung túc hơn nhưng hiện tại cũng đang phải đối diện với bệnh tật tuổi già.
"Nhìn xung quanh rồi tự ngẫm mình, dù kinh tế không mấy dư dả nhưng may mắn là đến giờ phút này mình vẫn được đi đây đi đó, sinh hoạt nghề nghiệp với anh chị em nghệ sĩ; không trở thành gánh nặng cho con cháu. Cuộc sống thì biết thế nào là đủ, mình cứ biết bằng lòng, sống vui vẻ là hạnh phúc rồi", nữ biệt động thành thủa nào nói.