NSƯT Thành Lộc xưng hô mày - tao, hỏi Lê Khanh: 'Mày có thấy xứng đáng với lời khen đó không?'
'Tôi muốn xem Lê Khanh nghĩ có giống mình hay không vì đôi khi tôi cũng được khen lố như vậy nên cũng hoang mang', NSƯT Thành Lộc cùng NSND Lê Khanh chia sẻ chuyện nghề.
Những ngày qua, NSƯT Thành Lộc được công chúng quan tâm bởi hơn 50 năm cống hiến cho nghệ thuật tỏa sáng ở cả vị trí diễn viên, đạo diễn với những vai diễn kinh điển như: Dạ cổ hoài lang, Tấm Cám, Ngôi nhà không có đàn ông... nhưng từ năm 2001, anh nhận NSƯT cho đến nay vẫn chưa được phong tặng NSND. Việc hạn chế tham gia các hội diễn sân khấu, chưa có cơ hội cạnh tranh huy chương khiến NSƯT Thành Lộc gặp khó nếu anh nộp hồ sơ xét tặng danh hiệu NSND. Tuy nhiên giới nghệ sĩ đều biết Thành Lộc không mặn mà với chuyện xét tặng danh hiệu.
Bỏ qua chuyện danh hiệu, mới đây, tại chương trình Kịch và Nghệ, NSƯT Thành Lộc đã chia sẻ thú vị về quan điểm nghề nghiệp.
"Vào thời chúng tôi còn trẻ, thật sự đó là một áp lực. Đôi khi chúng tôi cũng hoang mang không biết mình có tài thật hay không.
Đôi khi báo chí viết bài khen chúng tôi trong một vai diễn nào đó mà mình đọc còn thấy lố. Chúng tôi không biết do họ ưu ái mình quá nên viết lố hay không. Có những thành tựu của mình trong một vai diễn nào đó được người ta khen, đẩy đến mức hàn lâm luôn, khiến mình cảm thấy hoang mang, không biết mình có hàn lâm đến vậy hay không.
Bản thân tôi chỉ suy nghĩ về nhân vật đó theo kiểu của tôi, không ngờ lại được nhiều người thích quá rồi đẩy lên tầm nào đó, tôi đọc mà hoang mang quá", nghệ sĩ Thành Lộc tâm sự.
Anh kể: "Tôi không được xem Lê Khanh diễn nhân vật kinh điển của sân khấu cổ điển Pháp là Nàng Jeanne d'Arc nhưng có đọc một bài viết ca ngợi Lê Khanh trên một tạp chí, họ khen Lê Khanh hết lời.
Khen Lê Khanh thì là thường nhưng tôi đọc xong phải thốt lên, ôi má ơi, kiểu khen như vậy là ngoài Lê Khanh ra sẽ không còn ai đóng vai này hay được nữa. Người ta khen Lê Khanh tới mức chạm tới đỉnh của đỉnh, hàn lâm lắm rồi. Tôi không biết Lê Khanh có hoang mang khi đọc những bài viết như vậy hay không.
Sau đó, tôi có dịp đóng chung với Lê Khanh phim điện ảnh Có một tình yêu như thế. Tôi có hỏi Lê Khanh: "Ê Khanh, tao hỏi thiệt mày. Tao rất tò mò, mày có thấy mày xứng đáng với lời khen đó không?".
"Tất nhiên, phải thân lắm tôi mới dám hỏi như vậy vì động vào chuyện nghề nghiệp rất tế nhị. Hơn nữa, nghệ sĩ trong Nam và ngoài Bắc ở thời điểm đó chưa chắc ai đã thừa nhận ai đâu, có một khoảng cách đó. Tôi muốn xem Lê Khanh nghĩ có giống mình hay không vì đôi khi tôi cũng được khen lố như vậy nên cũng hoang mang.
Lê Khanh cũng bảo tôi rằng: Lúc đó tao nghĩ sao thì diễn như vậy thôi, tao cũng chả biết nó hay đến như vậy", nam nghệ sĩ vui vẻ kể lại.
Xuất hiện trong chương trình, NSND Lê Khanh đã tâm sự về tính cách của mình và những nỗ lực với nghề. NSND Lê Khanh tâm sự: "Thực ra trong sâu thẳm con người tôi, tôi rất tự ti, luôn cảm thấy không yên tâm về mình. Ngoài Bắc ngày đó có một đạo diễn tài danh là NSND Nguyễn Đình Nghi. Mọi người bảo lời ông nói không ai cần nghi ngờ, vậy mà tôi vẫn nghi ngờ.
Khi ấy tôi diễn vở "Rừng trúc" do NSND Nguyễn Đình Nghi đạo diễn. Suốt lúc tập cụ chẳng nói gì, làm tôi lo lắng vì sắp tới ngày tổng duyệt rồi. Tôi hỏi thì cụ chỉ bảo được rồi. Nhưng tôi vẫn hoang mang lắm, còn phải nhờ cô bạn mình là NSND Ngọc Huyền đi xem hộ. Cụ biết được liền bảo: "A, không tin tôi à". Tôi luôn hoài nghi về bản thân mình.
Ngay cả vở diễn Romeo và Julliet (vở diễn thành công của Lê Khanh ở Sài Gòn), phải mấy năm sau tôi mới yên tâm. Cả cuộc đời làm nghề của tôi, tôi luôn trong tâm trạng đó".
NSND Lê Khanh chia sẻ: "Tôi cũng tiếc lắm, có những vai diễn, vở diễn tôi tiếc vô cùng vì khán giả miền Nam, khán giả ngày nay không được xem nữa. Có những vở diễn làm thay đổi cả một quan niệm. Ví dụ, vở Nàng Jeanne d'Arc làm thay đổi quan niệm về diễn anh hùng.
Ở sân khấu Việt Nam trước giờ, vai anh hùng không làm mọi người rung động, cứ có một khoảng cách, giả giả. Bài học Nàng Jeanne d'Arc là như thế. Tôi có một bài học sâu sắc cho cả sân khấu lẫn điện ảnh về việc sáng tạo một nhân vật anh hùng".
NSND Lê Khanh tiết lộ bản thân là một trong số ít nghệ sĩ "luôn cảm thấy cái khó và giới hạn của mình". "Lắm lúc bị stress, tôi phải chạy trốn khỏi Hà Nội vào Sài Gòn để túm lấy những nghệ sĩ như Thành Lộc rồi học từ họ, đó mới là học thật sự.
Nếu tôi nói với đồng nghiệp 'tao cần học mày', 'tớ cần học cậu' thì nhiều người không tin, cứ bảo tôi giả vờ khiêm tốn, nhưng không phải vậy, tôi cần học thật. Đó là khi tôi cảm thấy thiếu năng lượng, thiếu cái gì đó mới mẻ. Tôi không đi du học được, không biết ngoại ngữ. Đó là cái tự ti của tôi so với thế hệ trẻ ngày nay, khi các bạn được đi nước ngoài du học.
Thôi thì không du học nước ngoài, tôi du học trong nước, từ Bắc vào Nam để học những nghệ sĩ như Thành Lộc. Các nghệ sĩ sân khấu miền Nam thực sự đã giúp tôi lấp đầy những khoảng trống bế tắc về bản thân. Nếu cảm thấy mình bị cũ là tôi đi ngay. Chị tôi cũng khuyên tôi phải Nam tiến tự thân từ rất sớm chứ không phải Nam tiến theo đoàn hát. Tôi toàn tự đi một mình.
Được cái, gia đình và lãnh đạo Nhà hát tôi ngoài Hà Nội đều rất hiểu tôi cần cái gì cho nghệ thuật nên tạo điều kiện cho tôi đi. Có thời gian tôi ở sân khấu Idecaf của Thành Lộc đến 6 tháng, có thêm năng lượng mới.
Tôi học ở nghệ sĩ miền Nam thực sự vì sân khấu miền Nam có một phong cách khác. Tôi cứ vào Nam mỗi khi thấy thiếu gì đó, giống như đói thì phải đi. Mỗi lần đi về, tôi đều có vai diễn mới", nữ nghệ sĩ kể.
Tiếp đó, NSND Lê Khánh chia sẻ về một vở diễn thành công đầu tiên trong sự nghiệp của mình: "Vở kịch Romeo vag Julliet là vở kịch tốt nghiệp hệ trung cấp của tôi, có đem vào Sài Gòn diễn, không thể ngờ rằng diễn xong lại chấn động như thế.
Mới đầu, tôi cũng không tự tin lắm nhưng không ngờ lại thành công rực rỡ. Chỉ một vở diễn mà diễn suốt 4 năm trời, tái diễn đi diễn lại ở các thành phố trên toàn quốc".
Được biết, năm 2001, Lê Khanh được phong danh hiệu NSND khi mới bước sang tuổi 38. Tính tới thời điểm hiện tại, nữ nghệ sĩ là diễn viên sân khấu trẻ tuổi nhất được phong tặng danh hiệu cao quý này.