NSƯT Thanh Thúy: Đột phá dễ bị cho là làm hỏng cải lương
Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM Nguyễn Thị Thanh Thúy, Trưởng Ban Tổ chức, cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu Cải lương Trần Hữu Trang 2022 có những chia sẻ về cải lương trong xã hội ngày nay.
Chị cảm thấy đêm chung kết đầu tiên của Giải Trần Hữu Trang 2022 có những điểm sáng nào?
Theo tôi, điểm sáng đầu tiên chính là nội lực của các thí sinh. Qua mỗi phần thi, một số thí sinh đã cho thấy năng lực, kinh nghiệm, sự nỗ lực, nghiêm túc, kỹ lưỡng trong đầu tư dàn dựng tác phẩm dự thi. Một số phần thi của họ đã thể hiện được những điều đó.
Một phần quan trọng, điểm sáng của các phần thi cũng đến từ một yếu tố đó là tài năng của đạo diễn. Dàn dựng chặt chẽ, mạch lạc, tổ chức sân khấu tốt sẽ giúp cho phần thi của thí sinh được lột tả một cách trọn vẹn nhất bên cạnh việc lựa chọn kịch bản. Chọn cho mình người đạo diễn như thế nào để gửi gắm niềm tin vào phần dàn dựng cũng là một phần rất quan trọng.
Những năm gần đây, đối tượng khán giả xem cải lương đang bị già hóa. Khi tổ chức cuộc thi năm nay, ban tổ chức có định hướng cho thí sinh đổi mới, trẻ hóa các tác phẩm dàn dựng để có thể tạo tiếng vang đến những người trẻ?
Thí sinh có toàn quyền chọn lựa kịch bản trong kho dữ liệu kịch bản sân khấu cải lương đã được phổ biến. Các thí sinh có xu hướng chọn những kịch bản mà các bạn yêu thích, những vai diễn mà các bạn muốn chinh phục. Khi các bạn đăng ký tác phẩm dự thi cho ban tổ chức thì các chuyên gia là những nghệ sĩ tên tuổi, có kinh nghiệm sẽ góp ý, tư vấn thêm cho thí sinh trong việc lựa chọn kịch bản phù hợp. Nhưng việc định hướng về phong cách dàn dựng hay quyết định chọn lựa kịch bản thì vẫn phụ thuộc vào chính các nghệ sĩ hoặc đơn vị cử các nghệ sĩ đi thi. Năm nay, cũng có nhiều bạn thí sinh đã lựa chọn các trích đoạn dự thi mang tính hiện đại, phản ánh nhiều vấn đề nóng của xã hội.
Vì sao Ban tổ chức không giới hạn độ tuổi thí sinh cũng như cho phép nghệ sĩ ở nhiều thế hệ, đẳng cấp cùng thi đấu trên một sàn diễn?
Cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu Cải lương Trần Hữu Trang là cuộc thi của những nghệ sĩ chuyên nghiệp khát khao được cống hiến. Ban Tổ chức cuộc thi mong rằng cuộc thi sẽ tạo cơ hội cho những nghệ sĩ thường đóng vai phụ, ít có điều kiện được đứng trên những sân khấu lớn, những vở diễn được đầu tư để thỏa sức với nghề. Có nhiều nghệ sĩ âm thầm hoạt động và ít có khi nào được vào những tuyến nhân vật trọng điểm thì cuộc thi này sẽ mở rộng cơ hội thử sức cho tất cả các bạn. Quy chế cuộc thi là nghệ sĩ đã hoạt động nghề chuyên nghiệp 5 năm, có thể đăng ký dự thi, không giới hạn tuổi tác.
Gần đây, sự kết hợp giữa rap và cải lương trong một sản phẩm MV đã tạo nên cơn sốt lớn. Liệu ban tổ chức sẽ cho phép nếu thí sinh mong muốn đột phá trong tiết mục dự thi theo hơi hướng như thế?
Hiện tại vẫn chưa có sự đột phá nào như vậy trong khuôn khổ cuộc thi này. Để kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật đương đại với cải lương trong một trích đoạn hay một vở tuồng cải lương cần sự cẩn trọng. Với một ca khúc, ta có thể rap một phần, có thể phối vào đó chất liệu, âm hưởng của dân ca, đờn ca tài tử…
Nhưng với một tuồng cải lương, mọi thứ sẽ phức tạp hơn nhiều, mặc dù cải lương là bộ môn nghệ thuật tổng hợp và luôn đổi mới theo tiến trình phát triển của nó. Khi những nhà sáng tạo nghệ thuật như soạn giả, đạo diễn hay là dàn dựng âm nhạc cho cải lương đặt vào những loại hình nghệ thuật đương đại mang tính chất đột phá thì cần phải được cân nhắc kĩ lưỡng để mọi thứ không bị đối lập quá giới hạn cho phép.
Các hình thức nghệ thuật đưa vào trong sân khấu cải lương phải thực sự chuyên nghiệp, phải hài hòa với cải lương.
Khán giả cải lương phần lớn là khán giả đã trung thành với những điều quen thuộc. Nếu tìm cái mới mà nó quá gai góc hay quá sốc thì rất dễ thấy rằng chúng ta không hiểu và không trân trọng cải lương. Nhưng tôi nghĩ rằng trong khuynh hướng xã hội đương đại, việc tìm kiếm những chất liệu mới cho sân khấu cải lương là một xu hướng đúng và là trách nhiệm của những người làm nghề trong việc luôn đổi mới, sáng tạo, để cải lương được tiếp cận rộng rãi hơn với công chúng trẻ. Nhưng chọn lọc như thế nào thì phải nghiên cứu trên tinh thần hiểu và trân trọng cải lương đúng mức, phối hợp sao cho hài hòa để khán giả tiếp nhận được. Nếu không sẽ dễ bị cho là phá, là làm hỏng cải lương.
Thập niên 1990, Thanh Thúy nổi lên như một trong những ca sĩ thành công ở dòng nhạc đỏ. Chị tham gia vào Đoàn văn công Quân khu 7 (còn gọi là Đoàn Nghệ thuật Quân khu 7) từ năm 18 tuổi. Đến năm 1994, Thanh Thúy theo đuổi ca hát chuyên nghiệp với giải nhất Tiếng hát Truyền hình TP HCM qua ca khúc "Biết ơn chị Võ Thị Sáu" (sáng tác: Nguyễn Đức Toàn). Ba năm sau, chị tiếp tục đoạt giải nhất cuộc thi Tiếng hát Truyền hình toàn quốc.
Những năm gần đây, Thanh Thúy ngừng hoạt động nghệ thuật, tập trung vào công việc quản lý văn hóa. Cuối năm 2017, chị được bổ nhiệm Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM.