NSƯT Vũ Phương Thúy với niềm đam mê nghệ thuật chèo

NSƯT, Thượng tá Vũ Phương Thúy, Đoàn trưởng Đoàn diễn 1 thuộc Nhà hát Chèo Quân đội mang trong mình niềm đam mê với nghệ thuật hát chèo từ nhỏ. NSƯT Vũ Phương Thúy đã dành thời gian chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử về tình yêu với bộ môn nghệ thuật mà chị rất yêu thích và dành cả đời để theo đuổi.

Phóng viên (PV): Chị bắt đầu hoạt động nghệ thuật từ khi nào?

NSƯT Phương Thúy: Có thể nói cái duyên được hoạt động nghệ thuật đến với tôi từ rất sớm. Khi còn nhỏ, tôi thường theo cha đến gánh hát chèo (thôn Tuyển Cử, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương), chính tại đây, những điệu chèo trầm bổng, gần gũi đã nhen nhóm trong tôi một sự say mê đến kỳ lạ. Năm 14 tuổi mang trong mình niềm đam mê với nghệ thuật hát chèo, tôi rời xa gia đình, xa lũy tre làng, theo học tại Trường Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Còn nhớ lúc ấy, không như bây giờ trường chỉ yêu cầu học hết cấp 2 là có thể dự thi và theo học. Sau 5 năm vừa học văn hóa vừa học nghề tại trường (từ năm 1986 - 1991), tôi tốt nghiệp, rồi về làm tại Đoàn Kịch nói thuộc Tổng cục Chính trị, nhưng cái duyên cũng không được gắn bó với kịch lâu. Đến năm 1993, tôi chuyển công tác sang Đoàn Chèo Tổng cục Hậu cần, nay là Nhà hát Chèo Quân Đội – nơi tôi đã từng có rất nhiều kỷ niệm khi thực tập trước tốt nghiệp.

PV: Mỗi nghệ sĩ đều có những vai diễn để đời, đối với chị, vai diễn nào để lại ấn tượng nhất?

NSƯT Phương Thúy: Đối với tôi ấn tượng nhất có lẽ là vai diễn Lụa trong vở “Nước mắt bà chúa kho”. Đây cũng là vai diễn đầu đời của tôi khi mới bước chân vào công tác tại Đoàn Chèo Tổng cục Hậu cần. Khi nhận vai diễn này, tôi rất lo lắng nhưng với sự giúp đỡ, góp ý của các anh chị, cô chú đi trước đã giúp tôi thể hiện thành công vai diễn. Có một chi tiết có lẽ suốt cả cuộc đời làm nghề tôi chẳng thể nào quên được, đó là khi tôi diễn đoạn nhân vật Lụa gặp người yêu sau đó chia xa, anh người yêu ra chiến trường rồi hy sinh, đó là lần đầu tiên tôi cất câu hát “Đau lòng em lắm chàng ơi, nhớ thương nay đã gặp nhau rồi còn đâu”. Cảm xúc lúc ấy chân thật đến nỗi những diễn viên đóng vai quần chúng, đồng nghiệp và khán giả đều khóc. Vai diễn để đời này của tôi đã để lại ấn tượng sâu sắc với khán giả, có những người sau nhiều năm gặp lại vẫn còn nhớ vai diễn này và gọi tôi bằng tên trong vở “Nước mắt bà chúa kho”. Tôi cảm động vô cùng bởi trong cuộc đời làm nghệ thuật mà có những vai diễn khắc sâu trong lòng khán giả thì đó là tấm huy chương danh giá nhất.

 NSƯT, Thượng tá Vũ Phương Thúy.

NSƯT, Thượng tá Vũ Phương Thúy.

PV: Công việc nào cũng có những khó khăn riêng, trong suốt quá trình hoạt động nghệ thuật của mình chị có gặp trở ngại không?

NSƯT Phương Thúy: Công việc nào cũng có những khó khăn riêng, bản thân tôi khi hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật cũng vậy. Tôi không biết với mọi người như thế nào nhưng ngọn lửa đam mê với nghệ thuật trong tôi chưa bao giờ tắt. Có những thời điểm vô cùng khó khăn, người nghệ sĩ phải đối mặt với nỗi lo cơm áo gạo tiền, lương thấp, nhiều khi sau giờ tập, một số anh chị em phải đi làm thêm mới đủ lo trang trải kinh tế cho gia đình. Nếu như không có cái tâm, lòng yêu nghề thì chúng tôi không bao giờ vượt qua khó khăn của cuộc sống thường nhật và gắn bó được với môn nghệ thuật chèo cho đến ngày hôm nay. Cũng chính sự say mê và tình yêu nghề ấy đã khiến cho tôi và nghệ sĩ trong đơn vị có thêm động lực vượt qua tất cả.

PV:Để thể hiện thành công các vai diễn gắn với những nhân vật lịch sử là cả một quá trình tìm hiểu, nghiên cứu kỹ lưỡng từ kịch bản đến tư liệu lịch sử, chị đã có những phương pháp gì để có thể hiểu và truyền đạt một cách chân thực nhất nội tâm nhân vật trong mỗi vở diễn?

NSƯT Phương Thúy: Đã là nghệ sĩ, khi nhận được bất cứ vai diễn nào thì trước hết chúng tôi bao giờ cũng đặt và tìm hiểu lý lịch của nhân vật, nhân vật ấy xuất phát từ đâu, lứa tuổi, hoàn cảnh như thế nào. Khi đã tìm hiểu kỹ nhân vật, diễn viên sẽ rất dễ thể hiện, hóa thân vào nhân vật đó. Nhưng để có thể hiểu hay cảm nhận trọn vẹn một nhân vật trong vở diễn, có những lúc, chúng tôi không quản ngại đường xa đi hàng trăm cây số đến nơi gắn với sự tích của nhân vật để nghe và cảm nhận kỹ hơn nữa.

PV:Theo chị là người diễn viên chèo ngoài yêu cầu kỹ năng chuyên môn tốt thì cần thêm yếu tố gì?

NSƯT Phương Thúy: Đã là một diễn viên nói chung, ngoài có lòng đam mê, kỹ năng chuyên môn tốt còn phải có sự tận tâm với nghề thì mới có thể vượt qua những khó khăn để gắn bó. Ngoài việc là người nghệ sĩ trên sân khấu, chúng tôi còn tự hào là những chiến sĩ được sinh hoạt, rèn luyện trong môi trường quân đội. Vì vậy, sự tận tâm, trách nhiệm, quy tắc, tác phong luôn được đặt lên hàng đầu để xứng đáng là nghệ sĩ, chiến sĩ Bộ đội Cụ Hồ.

PV: Chị có thể chia sẻ với độc giả về những thành tích đạt được trong quá trình hoạt động nghệ thuật?

NSƯT Phương Thúy: Cuộc đời làm nghệ thuật của tôi hình như là do có duyên. Điều may mắn, thành công đối với mỗi người nghệ sĩ nói chung là thể hiện được chỗ đứng của mình qua các vai diễn, sự ghi nhận và đánh giá từ khán giả. Bên cạnh đó, chinh phục các sân khấu lớn, mang về những tấm huy chương tại các cuộc thi, hội diễn cũng là niềm mơ ước nói chung. Năm 1995 là thời điểm rất thành công đối với cuộc đời hoạt động nghệ thuật của tôi. Khi đó, tôi đã đoạt huy chương Vàng trong Hội diễn nghệ thuật sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc tại Hà Nội với vai Tuấn Khanh trong vở “Nữ tú tài”; huy chương Vàng tại Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân với vai diễn bà Mùi trong vở “Người tử tù mất tích”. Không chỉ được thử sức với những vai diễn chính diện và phản diện, tôi còn được Ban giám đốc tin tưởng phân cho những vai diễn hài, năm 2005, tôi tham gia hội diễn tài năng trẻ với vai hề già trong vở “Bài ca giữ nước” và đoạt giải Nhì. Những thành quả ấy đối với tôi là cả một quá trình phấn đấu và sự may mắn.

PV: Trân trọng cảm ơn NSƯT Vũ Phương Thúy. Chúc chị đạt được nhiều thành công hơn nữa trên con đường nghệ thuật của mình.

LAN ANH (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/nsut-vu-phuong-thuy-voi-niem-dam-me-nghe-thuat-cheo-581586