NSƯT Vũ Thành Vinh: Tuổi 48 là CEO, sống trong tòa nhà 9 tầng cùng vợ giám đốc

Dịp ra mắt phim 'Hai Muối', đạo diễn, NSƯT Vũ Thành Vinh chia sẻ về tác phẩm tâm huyết và lần hiếm hoi 'bật mí' về cuộc đời thăng trầm trước khi đi đến thành công, viên mãn.

Giấc mơ lớn sau 25 năm

- Ý tưởng về bộ phim "Hai Muối" ra đời trong hoàn cảnh nào, thưa anh?

Tôi luôn ấp ủ làm phim về cha mình cho đến khi xem phóng sự về một cô bé mồ côi mẹ phải dậy vào 4h sáng mỗi ngày, băng qua những cánh đồng muối để bắt chuyến tàu sớm từ ấp đảo Thiềng Liềng ra xã đảo Thạnh An học.

Sau này, cô ấy có được thành công từ những giọt mồ hôi của cha đổ xuống cánh đồng muối.

Hành trình của người vượt khỏi nơi mình sống để tìm đến tri thức khiến tôi cảm động, thôi thúc bản thân tìm đến ấp đảo Thiềng Liềng. Tới đây, tôi mới biết, hóa ra Sài Gòn mình cũng có đảo, có muối!

Những dòng kịch bản đầu tiên ra đời từ mùa dịch rảnh rỗi. Tôi cứ viết từng đoạn rồi để đó, đến nay có đâu đó 20 bản trước khi ra được kịch bản Hai Muối cuối cùng.

- Một nhà sản xuất, đạo diễn truyền hình bất ngờ "nhảy" sang mảng điện ảnh đầy rủi ro, anh bị hoài nghi hẳn có cơ sở?

Khoe một chút thôi: tôi tốt nghiệp 2 chuyên ngành quay phim và đạo diễn trường điện ảnh. Phim tốt nghiệp Giáng sinh đoạt giải Liên hoan phim ngắn toàn quốc 1999. Phim truyền hình đầu tay Xe lăn đoạt HCV Liên hoan phim truyền hình toàn quốc 2002 và Đạo diễn được yêu thích nhất của giải Mai vàng 2003.

Tôi hiểu những nghi ngờ vì mình thành công trong lĩnh vực sản xuất chương trình truyền hình, quá lâu không dính dáng gì đến điện ảnh.

Ở tuổi 48 vẫn được gọi là tân binh của điện ảnh và bị hoài nghi cũng thú vị mà, đúng không? (cười)

Nghệ sĩ Công Ninh, Quyền Linh và đạo diễn Vũ Thành Vinh trên phim trường "Hai Muối". Ảnh: NVCC

Nghệ sĩ Công Ninh, Quyền Linh và đạo diễn Vũ Thành Vinh trên phim trường "Hai Muối". Ảnh: NVCC

- Một mình kiêm nhiệm đạo diễn, sản xuất lẫn biên kịch, anh có "độc tài"?

Tôi tổ chức và quản trị mọi thứ, sau đó giao việc cho cộng sự làm. Dưới tôi có 1 phó đạo diễn, 3 trợ lý, ê-kíp 50 đến 100 người tùy ngày quay.

Với lợi thế của người đi sau, tôi đã tìm hiểu, hỏi kỹ người đi trước để rút kinh nghiệm. Tôi không cho phép phát sinh những vấn đề như đến phim trường còn tranh cãi cách quay, diễn viên chưa thuộc thoại... Dù là phim đầu tay, chúng tôi chưa từng phải họp đoàn hay quay lại cảnh nào.

Có tư duy quản trị là rất tốt nhưng nếu quá lý trí, cảm xúc trong phim sẽ bị "khô". Vì vậy, tôi ý thức việc điều tiết và cân bằng, biết khi nào cần lý trí, khi nào thả cho cảm xúc bay bổng.

- Làm phim này, người ta mới biết anh không chỉ giàu mà còn có quan hệ "khủng", đơn cử việc được Cục trưởng Vi Kiến Thành khen phim?

Nói thật, trước khi làm phim này, tôi chưa từng tiếp xúc anh Thành nên không thể gọi đây là mối quan hệ. Sau khi duyệt phim, tôi được hội đồng động viên vì tác phẩm đầu tay mà đầu tư, làm chỉn chu lại có giá trị nhân văn, chỉ vậy thôi. Tôi tin khi mình cầu thị, chịu khó, làm gì cũng hết cái tâm sẽ được người khác ghi nhận.

Đạo diễn Vũ Thành Vinh nói về vai diễn của Quyền Linh

- Vì sao anh theo đuổi điện ảnh ở tuổi U50?

Điện ảnh là sân chơi không dành cho tay mơ. Làm điện ảnh cần số tiền rất lớn, có khi là cả gia tài; còn là danh dự, là cái người ta để đời. Một bộ phim tốt có thể mang câu chuyện của người đạo diễn đi rất xa, thậm chí khắp thế giới.

Truyền hình Việt Nam bây giờ, muốn bán một format cho nước ngoài gần như không tưởng nhưng điện ảnh có thể. Tôi khát khao lớn mới dấn thân vào điện ảnh.

Thời sinh viên, tôi học trường điện ảnh ở đường Hải Thượng Lãn Ông. Khi đó, đạo diễn Trần Anh Hùng quay phim Xích lô trước Bưu điện Chợ Lớn, chúng tôi đứng xem ngây người ra như một giấc mơ khủng khiếp. Nhưng sau đó, hiện thực là chúng tôi rất khó có điều kiện để làm phim. Tôi vì phải chống chọi với cuộc sống mưu sinh nên tìm một công việc khác.

Lớp đạo diễn điện ảnh của tôi có 24 người, hiện chỉ còn vài người theo nghề: Nguyễn Quang Dũng, Vũ Ngọc Đãng, Quyền Linh, Phương Điền... Bạn thấy khắc nghiệt không?

Từ hồi thành lập công ty, tôi đã nghĩ đến làm phim điện ảnh nên dành riêng một khoản tiền cho cuộc chơi này. Nếu đơn giản, tôi đâu "núp" đến tận bây giờ.

Từ cậu bé nghèo đến ông chủ tập đoàn

- Trong phim "Hai Muối", anh sử dụng chất liệu nào từ cuộc đời mình?

Hồi nhỏ, tôi ở ấp Ba Rinh, xã Đại Hải, (huyện Kế Sách, Sóc Trăng), học hết cấp 2 phải lên Ngã Bảy (Phụng Hiệp, Hậu Giang) mới có trường cấp 3 để học.

Vũ Thành Vinh bên dàn máy móc đắt tiền, có thiết bị nhập mua từ nước ngoài. Ảnh: NVCC

Vũ Thành Vinh bên dàn máy móc đắt tiền, có thiết bị nhập mua từ nước ngoài. Ảnh: NVCC

Ba tôi làm nông, mẹ bán gia vị. Khi đi học tiện lên thị trấn ở Hậu Giang, tôi được mẹ giao mua gia vị về chia thành nhiều gói nhỏ để mang ra chợ bán từ 4-5h mỗi ngày. Đó là lần đầu tiên tôi ấn tượng về cách người ta gia công muối thô và cảm nhận vị mặn của nó.

Nhà rất nghèo lại có đến 9 người con, tôi thứ 7. Chúng tôi chưa kịp lớn đã phải đi làm kiếm tiền phụ gia đình, ngoài tôi ra không ai học hết lớp 12.

Thời đó làm gì có máy gặt, phải đập lúa, phơi lúa bằng tay. Một tuần mưa bão, cả nhà thẫn thờ nhìn lúa mọc mộng (nảy mầm - PV) trắng hết, chỉ có thể đem cho gia súc ăn.

Việc tôi được lên thị trấn học cấp 3 gần như là kỳ tích, cả nhà đều hãnh diện. Mỗi ngày, tôi đạp xe 15km đến trường. Đó là vì sao tôi thấy hình ảnh mình trong cô bé ở ấp đảo Thiềng Liềng.

Học xong cấp 3, tôi xin ba mẹ cho lên Sài Gòn, ở nhờ nhà chị gái, tiếp tục đạp xe đi học hơn 15km từ Thủ Đức đến Hải Thượng Lãn Ông (Quận 5).

Suốt những năm tháng sinh viên, tôi làm đủ thứ nghề như bơm ga hộp quẹt, tiếp thị, in túi ni lông... Có những lúc, đời tôi mặn cả hơn muối. Sau này, tôi "nâng cấp" bản thân từ chân cầm đèn lên quay phim đám cưới.

Hồi học quay phim, tôi làm phim tốt nghiệp về mẹ đạt loại giỏi, từ lúc đó đã ấp ủ làm phim về ba rồi. Ba cũng từng nói muốn xem phim tôi làm, tôi để trong lòng nhưng chưa thể làm.

Ba mất 7 năm, tôi mới thực hiện được lời hứa đó. Bộ phim không chỉ có hình ảnh của ba tôi mà rất nhiều người cha khác ở Việt Nam.

- Điều gì đưa anh từ cậu sinh viên nghèo đến vị trí một CEO?

Tốt nghiệp đạo diễn điện ảnh, tôi về Đài Bình Dương làm việc, sau 6 tháng thấy không có hướng phát triển nên trở về TPHCM xin vào làm ở HTV.

Từ hồi sinh viên, tôi chưa bao giờ là kiểu mơ màng, không biết nên làm gì. Mỗi công việc, tôi cho phép bản thân làm một thời gian nhất định, nếu không có hướng phát triển sẽ dừng lại.

Sau 15 năm ở HTV, tôi có được vị trí tốt, ổn định nhưng cảm nhận không thể phát triển thêm nên xin nghỉ, ra ngoài thành lập công ty.

Qua chặng đường gần 10 năm, đạt một số thành tựu trong lĩnh vực sản xuất chương trình truyền hình, bộ phim điện ảnh đầu tay ra đời đánh dấu một hành trình mới.

Bạn nhìn cuộc đời tôi sẽ thấy tất cả đều có lộ trình được sắp xếp, chuẩn bị cẩn thận, không có cái gì tự nhiên hết.

- Không nhiều người biết ngoài phim trường, anh còn sở hữu 1 tòa nhà 9 tầng - dù cũng chỉ là "bề nổi của tảng băng chìm". Vì sao anh quyết giấu nhẹm?

Tôi tự hào thành quả từ quá trình làm lụng, tích lũy và xây dựng hệ sinh thái nhưng đây không phải chuyện đáng kể. Với những gì đã tích lũy, tôi có thể về hưu non. (cười) Vợ cũng kêu đừng làm gì nữa nhưng tôi không ngồi yên được vì bị thôi thúc mãnh liệt bởi điện ảnh.

Vũ Thành Vinh là "cha đẻ" của loạt chương trình ăn khách về bolero. Ảnh: NSX

Vũ Thành Vinh là "cha đẻ" của loạt chương trình ăn khách về bolero. Ảnh: NSX

Thành công lớn nhất là cưới được bà xã

- Đợt bệnh suýt chết, anh nói sống lại sẽ ngơi việc mà giờ vẫn làm việc hăng say?

Trước đây tôi làm dùng sức nhiều, giờ chỉ ra ý tưởng, quản trị... ở phim trường có một thế hệ kế thừa triển khai. Vì kiểu làm bán mạng, khi bệnh tật ập tới, tôi đổ gục.

Giờ tôi làm việc trong hạnh phúc, vui mà vừa sức, mệt thì nghỉ. Nơi tôi và bạn đang ngồi trò chuyện cũng ra đời sau lần chết lâm sàng đó.

Việc trang hoàng nhà cửa là cách tôi cho phép bản thân hưởng thụ, góp phần tái tạo sức làm việc. Các tầng giữa được cho thuê, mang lại nguồn thu nhập nuôi nghệ thuật. Tôi không giỏi tính toán mấy chuyện này, may có vợ lo hết.

- Vợ anh - chị Nga, giám đốc công ty - có ý nghĩa thế nào trong đời của đạo diễn?

Nga dặn tôi đừng nói gì về cô ấy. Một câu ngắn gọn nhưng rất thật: Thành công nhất của tôi đến giờ là có Nga! Năm 2006, chúng tôi bắt đầu cuộc sống vợ chồng trong căn nhà thuê.

Cả đời tôi chưa từng thôi cố gắng nhưng khi hành trình có Nga đi cùng, từ công việc đến đời sống đều thay đổi. Có vợ lo hết phần mình không giỏi, tôi cứ vậy tập trung vào phần mạnh nhất.

Tổ ấm hạnh phúc của vợ chồng Vũ Thành Vinh. Ảnh: Tư liệu

Tổ ấm hạnh phúc của vợ chồng Vũ Thành Vinh. Ảnh: Tư liệu

- Một người viên mãn như anh muốn nhắn nhủ điều gì tới người trẻ?

Không phải đến bây giờ, lúc nghèo khó tôi vẫn là người hạnh phúc, cực khổ nhưng không đau khổ. Tôi đạp xe mỏi nhừ chân vẫn hát bolero rất yêu đời.

Khi còn trẻ, đừng phung phí thời gian vào những điều vô bổ, phải trong tâm thế được làm việc là hạnh phúc, không làm gì mới là bi kịch. Đến giờ, tôi biết ơn vì mình làm đúng.

Tôi tự hào làm ở đâu cũng được người ta thương. Tôi đi làm không xác định kiếm tiền bằng mọi cách, cứ tập trung làm việc hết mình, tiền sẽ tự tới. Thời trẻ, tôi chưa từng nghĩ sẽ có hôm nay. Nhưng để có hôm nay, chắc chắn phải bắt đầu từ lao động chăm chỉ.

Tuổi này, phương châm của tôi gói gọn trong câu: Sống có tình và làm việc hết mình. Tôi làm phim về "muối", phim chưa ra rạp đã nhận lại quá nhiều "vị ngọt" khiến tôi rất hạnh phúc.

Đến giờ, tôi vẫn sống như vậy. Để viên mãn thực sự, tôi vẫn đang cố gắng từng ngày. Việc sắp tới của tôi là đầu tư cho các con thật tốt.

Gia Bảo

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nsut-vu-thanh-vinh-tuoi-48-la-ceo-song-trong-toa-nha-9-tang-cung-vo-giam-doc-2315052.html