NSƯT Xuân Bắc ủng hộ tiền rồi xin vai diễn 'Chén thuốc độc'
Với những người theo nghiệp sân khấu thì được đi diễn là hạnh phúc, được diễn trong vở kịch kỷ niệm 100 năm sân khấu kịch là niềm tự hào và Xuân Bắc cũng không ngoại lệ.
Ngày 1/10, tại Nhà hát Kịch Việt Nam đã diễn ra lễ khởi công vở kịch Chén thuốc độc của tác giả Vũ Đình Long (1896-1960). Đây là vở kịch đánh dấu sự ra đời chính thức và phát triển của kịch nói Việt Nam, vở kịch mang dấu ấn hiện đại hóa rất rõ nét. Chính vì thế, Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam quyết định chọn vở này để diễn nhân dịp kỷ niệm 100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu kịch nói Việt Nam (1921-2021).
NSƯT Như Lai - đạo diễn của vở chia sẻ: "Với sự ra đời của vở Chén thuốc độc, nền văn học Việt Nam đã đánh dấu mốc quan trọng cho việc ra đời của thể loại kịch nói. Mang đặc trưng của thể loại, vở kịch đã phản ánh hiện thực xã hội đương thời một cách sâu sắc và chân thực qua nghệ thuật kịch ảnh hưởng phương Tây.
Vấn đề hiện đại hóa đã được thể hiện qua thể loại, nội dung và hình thức, mở đường cho sự phát triển của loại hình kịch nói hiện đại sau này. Qua tác phẩm Chén thuốc độc, Vũ Đình Long là người đặt viên gạch đầu tiên xây dựng nền móng cho sự ra đời của sân khấu kịch nói và góp phần quan trọng trong quá trình hiện đại hóa văn học phát triển song song với hiện đại hóa xã hội".
Nam đạo diễn bày tỏ áp lực khi dàn dựng vở này bởi trong lúc dịch bệnh khó khăn đủ bề. Tuy nhiên anh cũng tự tin với phong cách dàn dựng đặc trưng của mình sẽ không làm khán giả thất vọng.
Trong bảng phân vai ban đầu không có tên NSƯT Xuân Bắc nhưng vì là vở kịch kỷ niệm 100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu kịch nói Việt Nam nên Xuân Bắc chủ động xin vai ngay tại lễ khởi công. "Đối với những người theo nghiệp sân khấu thì được xuất hiện vài giây trong vở kịch này là niềm tự hào. Thế nên cho tôi xin một vai trong vở này, dù chạy qua sân khấu thôi cũng được", NSƯT Xuân Bắc chia sẻ.
Tại lễ khởi công, NSƯT Xuân Bắc cùng NSND Tự Long cũng ủng hộ 20 triệu đồng để dựng vở diễn này.
Kịch Chén thuốc độc kể về gia đình thầy Thông Thu - một công chức khá giả trong xã hội đương thời. Trước những tác động của xã hội, mỗi thành viên trong gia đình thầy hư hỏng theo mỗi cách khác nhau. Mẹ và vợ thì nhiễm thói đồng bóng, chỉ ham mê buôn thần bán thánh, chăm lo lễ lạt, chầu ngự; em thì hư hỏng, chửa hoang; bản thân thầy thì đam mê hát xướng, thường xuyên lui tới "xóm Bình Khang", lại thêm bọn du đãng bợ đỡ, nịnh hót, dắt díu vào các cuộc chơi bời...
Nền nếp gia đình đảo lộn, nợ nần chồng chất ngày một nhiều; gia phong bại hoại. Khi sực tỉnh, nhận ra thảm kịch đó thì cơ sự đã muộn, gia sản bị tịch thu. Trong cơn bế tắc, thầy Thông Thu không biết làm gì khác hơn là tìm đến chén thuốc độc để giải thoát. Kết cục bi đát sắp diễn ra thì may sao, có người mang thư và giấy mời nhận tiền đến. Đó là món quà của người em lưu lạc sang Lào đã biệt tích từ lâu, nay khá giả gửi tiền về biếu mẹ và anh. Có được món tiền, thầy Thông Thu qua được cái chết, trả được nợ, cứu vãn được gia đình và từ đó tu tỉnh bản thân.
Câu chuyện đơn giản và kết thúc một cách ngẫu nhiên, tình cờ nhưng ý nghĩa của nó lại rất thực, rất hợp với xã hội Việt Nam đương thời nên nó được công chúng đón nhận và dư luận đánh giá cao.
Vở diễn có sự tham gia của các nghệ sĩ tới từ nhiều nhà hát khác nhau như NSND Lê Khanh, NSND Trung Hiếu, NSƯT Xuân Bắc, NSƯT Quang Thắng, Vân Dung...