Nữ anh hùng Ngô Thị Tuyển và một thời khói lửa
Câu chuyện của cô dân quân Ngô Thị Tuyển, tiểu khu Nam Ngạn, thuộc thị xã Thanh Hóa năm nào, đến nay, sau 58 năm mỗi khi nhắc lại vẫn như một huyền thoại. Cô gái 19 tuổi, cao hơn 1,4m, nặng 42kg vác cùng một lúc hai hòm đạn nặng 98kg, góp phần vào chiến thắng của quân và dân Hàm Rồng – Nam Ngạn trong ngày đầu tiên đối đầu với sức mạnh không lực Hoa Kỳ… Chỉ có sự anh dũng, trung kiên, chỉ có khát khao đánh Mỹ mới khiến cô gái ấy tập trung tất cả sức mạnh của mình để làm những việc như thế.
Ngôi nhà số 310 là ngôi nhà hiếm hoi trên đường Trường Thi (phường Trường Thi, TP Thanh Hóa) không bán hàng, không cho ai thuê, chỉ với một lý do: Nhiều người thường xuyên đến chơi, người ở xa đến thăm và cả khách Tây, khách Mỹ đến Thanh Hóa tìm hiểu về mảnh đất bom rơi lửa đạn đều ghé qua.
Tôi đến thăm bà Ngô Thị Tuyển đúng lúc bà vừa tham dự lễ mít tinh kỷ niệm ngày chiến thắng Hàm Rồng ở phường Nam Ngạn và đến thắp hương hai người đồng chí cùng đại đội dân quân Nam Ngạn về.
Ngược dòng thời gian 58 năm trước, trong hai ngày 3 và 4-4-1965, đế quốc Mỹ đã cho nhiều tốp máy bay đến bắn phá ác liệt khu vực Nam Ngạn - Hàm Rồng. Ngày 4-4-1965, vừa làm xong nhiệm vụ truy lùng bọn giặc lái Mỹ nhảy dù, nữ dân quân Ngô Thị Tuyển gặp 1 chiếc tàu hải quân ta yêu cầu dân quân giúp vận chuyển vỏ đạn lên bờ và tiếp tế đạn xuống tàu. Gặp phải 2 hòm đạn đai sắt móc chặt vào nhau, anh em dùng thuổng bật ra để vác nhưng chưa được. Sợ chậm trễ ảnh hưởng đến chiến đấu, Ngô Thị Tuyển ghé vai vác luôn 2 hòm đạn nặng 98kg vượt qua đê, chuyển ra bờ sông tiếp viện kịp thời cho anh em bộ đội chiến đấu.
Sau sự kiện chiến thắng Hàm Rồng và câu chuyện của Ngô Thị Tuyển, nhiều người đã đặt câu hỏi: Liệu tất cả những điều đó có phải là sự thật?. Và để trả lời câu hỏi ấy, chính Ngô Thị Tuyển lại phải qua kỳ “sát hạch” của một số phóng viên nước ngoài đề nghị thao tác lại việc vác hòm đạn nặng trước mắt họ, để họ tin là chuyện đó có thật. Bà cười nói: Thời khắc dữ dội, đạn bom mù trời, chúng ta đang đối diện giữa cái sống và cái chết, giữa cái tự do và bị chiếm đóng thì ai cũng hừng hực khí thế. Nhưng đứng trước yêu cầu đó, tôi chỉ nghĩ, nếu không làm được, chắc chắn họ sẽ coi sự việc trước kia là không có thực mà nhằm mục đích tuyên truyền khác đi... Điều đó nếu xảy ra, thì danh dự không chỉ của bản thân, của đơn vị mà còn là thể diện quốc gia sẽ bị tổn thương. Và bằng tất cả sức mạnh, lòng tự trọng, tôi đã vác trên vai 1 bì gạo 50kg và bì khoai tây 50kg. Lúc đó, không chỉ tôi mà mọi người đều vui, còn các phóng viên phương Tây thì tung hô tôi và nói: Bà đã khiến chúng tôi tin rằng chiến tranh Nhân dân ở Việt Nam thật tuyệt vời. Sau đó, họ tặng tôi sách và bút kim tinh mà tôi vẫn giữ đến ngày nay.
Sau chiến thắng Hàm Rồng, bà vẫn tiếp tục công việc là đội trưởng đội rau muống của HTX Nam Ngạn lúc ấy. Công việc của bà là cấy rau xanh gánh lên các đơn vị bộ đội. “Có lần gánh lên gần trận địa Đồi C4 là máy bay ném bom xối xả, tôi phải chạy vội vào nơi trú ẩn. Không chỉ có làm rau, tôi còn là dân quân trực tiếp chiến đấu, bảo vệ xóm làng, hướng dẫn các gia đình sơ tán… nói chung không quản một việc gì”. Bà cũng là một trong những đồng chí được kết nạp Đảng ngay tại trận đánh ngày 26-5-1965.
Với thành tích chiến đấu xuất sắc, ngày 1-1-1967, khi chỉ mới 21 tuổi, cô gái Ngô Thị Tuyển đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân; 2 lần được nhận Huân chương hạng Ba, được tặng thưởng Huy hiệu Bác Hồ và 6 lần nhận bằng khen, giấy khen...
Sau những năm chiến tranh ác liệt, bà tham gia Ban Chấp hành Tỉnh đoàn, rồi công tác tại thị đội (nay là Ban Chỉ huy Quân sự TP Thanh Hóa) và về nghỉ chế độ bảo hiểm xã hội sau nhiều năm công tác ở Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh vào năm 2000. Khi về địa phương, bà đã tham gia Hội Cựu chiến binh phường Trường Thi và là Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh đường Trường Thi. 20 năm công tác ở địa phương, bà luôn được nhận giấy khen của các cấp và là đảng viên tiêu biểu.
Nếu ai đã từng tiếp xúc với bà chắc sẽ cùng cảm giác với tôi. Một người vui vẻ, ánh mắt luôn sáng, tràn đầy năng lượng, sự tự tin. Nếu trong chiến tranh, sức mạnh của người phụ nữ 42kg là động lực, quyết tâm để tiêu diệt kẻ thù thì khi trở về đời thường, bà lại luôn nỗ lực hết sức để hoàn thành mọi nhiệm vụ.
Những ngày tháng chiến đấu bên cây cầu Hàm Rồng cho đến ngày nay vẫn in đậm trong trí nhớ của anh hùng Ngô Thị Tuyển. Đó là niềm vui, hạnh phúc khi bảo vệ được cây cầu huyền thoại, giữ gìn sự bình yên quê hương nhưng cũng là niềm đau, nỗi buồn khi tận mắt chứng kiến đồng đội hy sinh.
Giờ đây với bệnh tiểu đường biến chứng, một bên mắt của bà đã mờ, tay phải tê cứng nhưng ngày nào cũng đều đặn bà đi đạp xe buổi sáng, rồi đi chợ, chuẩn bị thức ăn cho cả ngày và chăm sóc người chồng đã ở tuổi 90. “Tối đến, mấy đứa cháu thay phiên nhau lên xoa bóp, bấm huyệt cho tôi, chứ không tôi đã liệt rồi", bà Tuyển nói.
Chuyện đời bà hẳn nhiều người đã biết. 8 ngày làm vợ và 10 năm chờ chồng, bà cưới ông Bùi Xuân Thu hôm 28 tết năm 1966 thì mùng 2 ông nhận được lệnh sang Lào chiến đấu. Và sau này, bà được bố trí gặp chồng 3 ngày ở Xiêng Khoảng (Lào). Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi để rồi biền biệt 10 năm trời, không một tin tức. Khi có được thông tin về chồng cũng chính là tin buồn đau nhất trong cuộc đời: đồng chí Bùi Xuân Thu đã hy sinh khi làm nhiệm vụ ở đường số 7...”.
Lần nào cũng vậy, cứ kể chuyện là mắt bà ngân ngấn nước. “Anh Thu hy sinh được 10 năm tôi mới đi bước nữa với anh Nụ. Hoàn cảnh anh Nụ lúc đó cũng thương lắm. Vợ mất vì bệnh nặng nhưng anh thì vẫn biền biệt chiến đấu. Con cái vẫn ở Hưng Yên với ông bà. Sau này, các con anh đã lớn nên chúng tôi thống nhất xây dựng cuộc sống mới ở đây, nơi được anh coi là quê hương thứ hai của mình”.
“Cuộc đời mà con, được mất cũng là lẽ thường và chúng ta phải chấp nhận để sống. Vì thế cuộc đời dù nhiều đau thương nhưng chỉ nghĩ về những người đồng đội, người thân của mình mà tôi luôn phải sống tốt đẹp, sống hết mình”. Bà chia sẻ thêm: Điều vinh dự và hạnh phúc nhất của đời tôi là có 3 lần được gặp Bác Hồ. Lần đầu tiên tôi gặp Bác trong Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 1966, Bác vỗ vai tôi và hỏi tình hình sức khỏe của các thành viên đại đội dân quân Nam Ngạn. Sau đó tôi còn vinh dự được gặp Bác thêm 2 lần nữa, lúc bị ốm và khi sắp ra đi. Bà nói thêm: “Thời kỳ đó, tôi thường xuyên ngất phải nhập viện. Chỉ nghĩ đến Bác Hồ là tôi lại khóc. Nhà tôi lúc nào cũng thờ Bác, khi mệt mỏi, ốm đau, thắp nén hương lên bàn thờ cho Bác là tôi cảm nhận khỏe hơn nhiều”.
Khi tôi hỏi: Còn điều gì làm bà tiếc nuối không? Bà cười nói: Tôi chỉ tiếc mình không còn sức khỏe để phục vụ Đảng và Nhân dân. Cả đời tôi tâm niệm, tôi là con cháu Bác Hồ thì phải giữ gìn bản chất Bộ đội Cụ Hồ. Ngày nay cùng với truyền thống tốt đẹp của dân tộc, kinh tế đang phát triển từng ngày, khoa học - kỹ thuật ngày càng cao, tôi tin rằng thế hệ trẻ sẽ bảo vệ thành quả tốt đẹp của ông cha để lại, để giữ cho đất nước được bình yên.
Năm nay, ông Nụ - chồng bà tròn 90 năm tuổi đời và cũng vừa vinh dự được nhận Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng. Còn bà, bà hy vọng sẽ sống khỏe để được đón nhận 60 năm tuổi Đảng đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm Hàm Rồng chiến thắng.
“Người phụ nữ khỏe nhất Việt Nam” thủa nào, hiện nay ở tuổi 77 đang ngày ngày phải nhờ đến các bác sĩ và các loại thuốc điều trị căn bệnh thoái hóa khớp, tiểu đường. Tuy vậy, những ngày kỷ niệm chiến thắng Hàm Rồng bà vẫn dành thời gian thăm những đồng đội còn sống và tới thắp nén hương để tri ân những người đã hy sinh thân mình vì Tổ quốc, dân tộc. Thời gian có thể qua đi, nhưng câu chuyện về cô dân quân Ngô Thị Tuyển năm nào mãi là huyền thoại của một thời khói lửa.