Nữ bệnh nhân 17 tuổi suýt tử vong vì sốc sốt xuất huyết
Một bệnh nhân bị sốc sốt xuất huyết đã được đưa đi cấp cứu kịp thời tại Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Hà Nội, nhờ đó đã thoát được cửa tử.
Thông tin từ Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Hà Nội mới đây cho biết, bệnh nhân Linh (17 tuổi, tên bệnh nhân đã được thay đổi), sau ba ngày sốt cao bị đau mỏi toàn thân, buồn nôn, choáng ngã do tụt huyết áp được bác sĩ cấp cứu chẩn đoán sốc sốt xuất huyết.
ThS.BS Nguyễn Thị Thúy Hậu, khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết bệnh nhân nhập viện còn tỉnh nhưng mệt, mạch yếu, đầu chi lạnh, không có nước tiểu trong 6 giờ.
Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân sốc do sốt xuất huyết Dengue, mạch máu của bệnh nhân bị tổn thương, giãn mạch gây thoát huyết tương nặng, dẫn đến tụt huyết áp. Tình trạng này làm giảm tưới máu các cơ quan gây sốc, khiến bệnh nhân choáng ngã.
Sốc là biến chứng nguy hiểm của sốt xuất huyết. Người bị sốc sốt xuất huyết trong 24-48 giờ có thể nguy kịch do suy đa tạng, tử vong nếu không được chữa trị. Người bệnh may mắn vì đến viện kịp thời được bác sĩ điều trị bằng phác đồ bù lượng dịch theo tốc độ 15 ml/kg/giờ trong giờ đầu, giảm xuống trong các giờ tiếp theo, duy trì 1,5 ml/kg/giờ trong 10-12 giờ.
Bác sĩ Hậu khuyến cáo người bị sốt cao 39-40 độ sang ngày thứ 2-3 không rõ nguyên nhân cần được làm các xét nghiệm loại trừ sốt xuất huyết. Người bệnh sốt kèm trạng thái mệt mỏi, li bì, nhức người, đau cơ khớp, nhức mắt là dấu hiệu của sốt xuất huyết, cần khám ngay.
Người bệnh cần truyền dịch đúng đủ về liều lượng và tốc độ theo đúng chỉ định của bác sĩ. Truyền quá nhiều dịch có thể gây phù phổi, suy hô hấp. Nếu có dấu hiệu cô đặc máu không truyền dịch đúng, đủ có thể tụt huyết áp, giảm tưới máu đến các cơ quan, gây sốc.
Bác sĩ Hậu lưu ý giai đoạn nguy hiểm thường diễn ra ngày 3-7, thông thường người bệnh giảm sốt nên chủ quan. Lúc này tiểu cầu vẫn tiếp tục giảm nhiều và xuất hiện cô đặc máu, cần được theo dõi sát.
Để phòng sốc sốt xuất huyết sau khi hết sốt, người bệnh cần theo dõi thêm một tuần và lưu ý dấu hiệu như xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, chảy máu cam, ra máu kinh bất thường ở phụ nữ, li bì hoặc khó thở. Hiện, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ điều trị triệu chứng. Người bệnh cần bù nước bằng oresol, nước hoa quả, nước lọc, nước dừa.
Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hà Nội tuần qua ghi nhận thêm 1.669 ca sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã, tăng 540 trường hợp so với tuần trước đó. Như vậy, từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận 8.362 ca sốt xuất huyết, ba ca tử vong. So với cùng kỳ năm ngoái, số bệnh nhân tăng gấp 4 lần, số tử vong tương đương. Dự báo, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp trong các tuần tới.