Nữ bệnh nhân 2 lần mạnh mẽ vượt qua ung thư
Các bác sĩ của Bệnh viện K đã 'hóa giải' thành công ca bệnh u tủy cổ phức tạp, giúp nữ bệnh nhân ung thư phổi thoát khỏi nguy cơ liệt vận động...
Các triệu chứng u tủy sống thường kéo dài, có thể nhầm lẫn với các cơn đau bình thường
Khoa Ngoại Thần kinh - Bệnh viện K đã phẫu thuật thành công trường hợp người bệnh có khối u tủy cổ cao, tiền sử đã điều trị ung thư phổi ổn định 13 năm.
Các bác sĩ cho biết đây là một trong những ca bệnh u tủy cổ phức tạp, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến nguy cơ liệt tứ chi, liệt hô hấp, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người bệnh.
Người bệnh là bà Võ Thị Q., 62 tuổi, trú tại xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh gặp tình trạng đau cổ, đau tê bì chân, tay khoảng 1 năm nay đã điều trị bằng thuốc và châm cứu có lúc giảm bệnh, gần đây chị cảm thấy đi lại khó khăn hơn, gia đình động viên đưa bà Q. tới Bệnh viện K thăm khám và phát hiện nguyên nhân là khối u ở cổ cao tại đốt sống cổ cao, C2-C4, có kích thước lớn đã đè đẩy tủy cổ sang bên đối diện.
TS.BS Nguyễn Đức Liên, Trưởng khoa Ngoại thần kinh cho biết: U màng tủy cổ cao là một bệnh lý hiếm gặp và khó khăn trong phẫu thuật. Tủy cổ cao có các bó sợi thần kinh vận đông cảm giác chạy qua, còn có các dây thần kinh chi phối cho chức năng thở, chức năng của các cơ hô hấp.
"Vì vậy, khi tiến hành cắt bỏ khối u phải bảo vệ tuyệt đối an toàn cho tủy sống để tránh biến chứng liệt hoàn toàn cũng như phải thở máy sau này, cần thực hiện với các trang thiết bị hiện đại như kính vi phẫu, dao hút u siêu âm, và phẫu thuật viên có nhiều kinh nghiệm"- TS.BS Đức Liên nói.
Cũng theo chuyên gia, do các triệu chứng ở giai đoạn đầu không quá rõ rệt, chủ yếu là cơn đau, khó chịu vùng cổ, lưng và một số khó khăn trong vận động nên nhiều người thường chủ quan, nên với những trường hợp đau cổ kéo dài hoặc điều trị bằng thuốc không hiệu quả, cần thiết như chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ để phát hiện bệnh sớm. Các triệu chứng u tủy sống thường kéo dài trong nhiều tháng và có thể nhầm lẫn với các cơn đau bình thường khác.
Ứng dụng hệ thống cảnh báo thần kinh trong phẫu thuật
Ngày 7/12, bệnh nhân được các bác sĩ Khoa Ngoại Thần kinh thực hiện phẫu thuật vi phẫu để lấy toàn bộ khối u chèn ép tủy cổ nguy hiểm, trong mổ có sử dụng các trang thiết bị hiện đại như hệ thống cảnh báo thần kinh trong mổ, kính vi phẫu, dao hút u siêu âm… sau 5 tiếng, các bác sĩ đã lấy trọn khối u mà không làm tổn thương tới tủy sống và dây thần kinh lân cận.
Việc ứng dụng hệ thống cảnh báo dây thần kinh trong mổ giúp cảnh báo sớm, làm hạn chế tối đa các tổn thương tủy sống, dây thần kinh trong mổ, giúp người bệnh phục hồi sớm sau mổ.
Đến nay, tình trạng sức khỏe người bệnh đã phục hồi tốt, chân tay có cảm giác rõ ràng hơn, bắt đầu tập đi lại trở lại.
Con bệnh nhân Q. cho biết bệnh nhân đã có thể cử động chân tay bình thường, ăn uống bình thường ngay hôm sau phẫu thuật. Dự kiến bệnh nhân có thể tập vật lý trị liệu vận động và xuất viện trong vài ngày tới.
Được biết, trước khi điều trị u tủy cổ kích thước lớn, bệnh nhân Võ Thị Q. cũng đã từng có giai đoạn điều trị ung thư phổi giai đoạn sớm tại Bệnh viện K.
Thời gian đó bệnh nhân đã được phẫu thuật, sau đó xạ trị để duy trì sức khỏe. Từ đó tới nay, bệnh nhân Q. vẫn luôn đều đặn di chuyển từ Hà Tĩnh đến Hà Nội thăm khám.
Bệnh nhân chia sẻ: 'Đã hai lần mắc ung thư và được các bác sĩ Bệnh viện K điều trị. Từ khi được phẫu thuật, xạ trị ung thư phổi vào năm 2011, đến giờ là phẫu thuật u tủy cổ, tôi thật sự rất biết ơn các bác sĩ bệnh viện K', bệnh nhân Q. nói.