Nữ bí thư chi bộ đi đầu phát triển kinh tế tập thể trên quê lúa

Chị Phạm Thị Oanh (thôn Liên Phương, xã Gia Viễn, Cát Tiên) được biết đến không chỉ là một đảng viên, Bí thư Chi bộ thôn năng động, giỏi làm kinh tế mà còn là Giám đốc hợp tác xã (HTX) đi đầu phát triển kinh tế tập thể, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất bền vững.

Chị Phạm Thị Oanh - Bí thư Chi bộ thôn Liên Phương, xã Gia Viễn (Cát Tiên), Giám đốc HTX Trung Thành

Chị Phạm Thị Oanh - Bí thư Chi bộ thôn Liên Phương, xã Gia Viễn (Cát Tiên), Giám đốc HTX Trung Thành

Nói đi đôi với làm

Ấn tượng đầu tiên khi gặp chị Phạm Thị Oanh là nước da bánh mật rắn rỏi nhễ nhại mồ hôi với dáng vẻ tất bật của người phụ nữ đảm đang, tháo vát. Năm 1986, mới 10 tuổi chị Oanh theo cha mẹ từ quê Ninh Bình đến xã Gia Viễn, huyện Cát Tiên lập nghiệp. Cây lúa theo chị lớn lên cùng quyết tâm làm giàu trên chính đồng đất ở quê mới lắm nắng, nhiều mưa. Tích cực trong phong trào tuổi trẻ nông thôn, năm 2007, ở vào tuổi 31, chị vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng, năm 2010 chị được tín nhiệm làm Phó Bí thư Chi bộ thôn Liên Phương, đến năm 2019 thì được bầu làm Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn.

Cả thôn Liên Phương có 97 hộ gia đình đều chủ yếu là trồng lúa nước; chi bộ có 14 đảng viên phát huy tốt vai trò là hạt nhân chính trị. Ở cương vị Bí thư Chi bộ, chị Oanh luôn hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu, thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương với tinh thần “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”; đẩy mạnh các phong trào xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường. Chị luôn nỗ lực học hỏi, trau dồi trình độ, gần gũi để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân trong thôn. Nhờ đó, khi triển khai công việc đều được đảng viên và người dân đồng tình hưởng ứng và thực hiện tốt.

Cách đây gần 2 năm, chị Oanh tiếp quản làm Giám đốc HTX Trung Thành từ cha mình khi ông qua đời. HTX được thành lập từ năm 2013, chuyên sản xuất lúa giống, nay tiếp tục được dẫn dắt quản lý bởi một “đầu tàu” trẻ, khỏe, năng động, nói đi đôi với làm đã ngày một ăn nên làm ra. Với 12 thành viên hộ gia đình có tổng diện tích 63 ha (trong đó, gia đình chị Oanh 10 ha), nhiều năm qua HTX đã liên kết với Công ty Đông Nam chuyên sản xuất lúa giống chất lượng. Mỗi vụ, HTX được công ty này cung cấp nguồn giống nguyên chủng các giống lúa: Khang dân, OM5451, OM6162; mỗi vụ sản xuất một loại giống khác nhau.

Cứ vậy, mỗi năm HTX sản xuất 2 vụ được 700 - 800 tấn lúa giống, xuất bán cho công ty mang về doanh thu cho các hộ thành viên gần chục tỷ đồng.

Không lo đầu ra, sản phẩm làm ra được bao tiêu, giá cả hợp lý, gần gấp đôi giá lúa thịt, không sợ thương lái ép giá, trong quá trình sản xuất được sử dụng giống lúa chất lượng, được hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ khoa học… đó là những gì mà các thành viên HTX Trung Thành có được khi tham gia vào chuỗi liên kết. Nhưng bù lại, phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất lúa giống theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật như: thực hiện đồng trà đồng vụ, từ khâu làm đất, gieo trồng, thu hoạch đến khâu kiểm soát khử tạp, khử lẫn; chất lượng giống phải bảo đảm theo yêu cầu của đơn vị thu mua. Vì vậy, ngoài cung ứng giống, Công ty Đông Nam cử cán bộ kỹ thuật phối hợp với HTX hướng dẫn từng thành viên từ khâu làm đất, gieo sạ, bón phân, phun thuốc trừ sâu, khử lẫn…

Xây dựng chuỗi liên kết vững bền mang lại lợi ích cho nông dân

Để lúa giống đạt chất lượng theo đúng tiêu chuẩn, chị Oanh luôn tuân thủ quy trình, đồng thời theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc sản xuất của các thành viên. Chị luôn giải thích để mọi thành viên hiểu được sự quan trọng của việc sản xuất lúa giống, chị đi đầu làm mẫu để xã viên làm theo, đảm bảo giống sản xuất ra thuần chủng, giữ nguyên những ưu điểm như: thời gian sinh trưởng ngắn, sinh trưởng, phát triển tốt, khả năng kháng bệnh cao, tỷ lệ hạt lép thấp, năng suất cao. Hộ ông Bùi Phú Bằng (5 ha), hộ ông Tạ Xuân Thùy (6 ha) cho biết: Nhờ canh tác, chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, lại được thu mua lúa giống tươi tại ruộng với giá cao gần gấp đôi so với lúa thịt, hiệu quả kinh tế thấy rõ. So sánh, trên cùng một diện tích canh tác thì lợi nhuận thu được từ sản xuất lúa giống cao hơn nhiều so với lúa thương phẩm. Tham gia liên kết sản xuất lúa giống, các thành viên HTX còn có điều kiện tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trên đồng ruộng, nâng cao hiệu quả sản xuất, lại có giám đốc trẻ tận tụy, năng động điều hành, tạo mối liên kết ngày càng chặt chẽ, nên các hộ nông dân rất vui.

Từ chuỗi liên kết sản xuất lúa giống của HTX Trung Thành đã hình thành nên cánh đồng một giống lúa ở Gia Viễn, tạo thuận lợi trong việc chăm sóc và thu hoạch. Chị Oanh cho biết: Cánh đồng một giống lúa đáp ứng những yêu cầu khắt khe của sản xuất lúa giống, đặc biệt trong khâu khử lẫn, khử tạp. Thời gian sinh trưởng và thu hoạch đồng loạt nên chỉ cần một máy gặt có thể gặt cả khu đồng trong 1 - 2 ngày, từng hộ không mất thời gian. Đáng nói, giai đoạn lúa làm đòng, trổ bông cùng thời điểm nên lúa thụ phấn tốt hơn, không bị hiện tượng lẫn giống do hạt phấn phát tán bởi gió, không xảy ra sự thụ phấn chéo giữa các giống lúa khác nhau, ngăn chặn thoái hóa giống. Từ đó, HTX sản xuất ra lúa giống gốc chất lượng tốt có khả năng kháng bệnh cao, tạo nên uy tín cho HTX, làm cho chuỗi liên kết thêm chặt chẽ, mang lại lợi ích lâu bền cho các thành viên. Trong thời gian tới, chị Oanh sẽ tiếp tục liên kết với một số hộ dân ở gần có diện tích liền kề kết hợp sản xuất để nhiều người nông dân đều được hưởng lợi từ chuỗi liên kết.

Riêng hộ gia đình chị Oanh với diện tích 10 ha nhiều nhất HTX, chị sản xuất 2 vụ/năm, mỗi năm thu 130 tấn lúa giống. Để việc sản xuất được cơ giới hóa hoàn toàn như hiện nay, chị đã đầu tư mua các loại máy cày, máy phay, máy bừa, máy gặt đập liên hoàn vừa để làm ruộng nhà, vừa phục vụ các hộ thành viên thực hiện đồng trà, đồng vụ. Bên cạnh đó, cửa hàng dịch vụ nông nghiệp của chị với các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón mang thương hiệu uy tín, có chất lượng được chị chọn giới thiệu, cung ứng cho các thành viên để cùng nhau sản xuất lúa giống đồng đều. Thêm nhà máy xay xát công suất lớn phục vụ chà lúa cho thương hiệu “Lúa gạo Cát Tiên” và bà con trong vùng; mỗi năm gia đình chị thu về lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng từ tất cả các hoạt động sản xuất và dịch vụ nông nghiệp.

Tâm huyết với việc làng việc nước, nắm tay cùng các hộ nông dân làm giàu chính đáng, nỗ lực xây dựng HTX phát triển bền vững, Bí thư Chi bộ Phạm Thị Oanh là tấm gương điển hình trên quê lúa, được bà con nhân dân tin yêu, mến phục.

QUỲNH UYỂN

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202008/nu-bi-thu-chi-bo-di-dau-phat-trien-kinh-te-tap-the-tren-que-lua-3019494/