Nữ Bí thư Chi bộ ở bản Nùng

Trên con đường bê tông trải dài về thôn Ngòi Trườn, xã Minh Thanh (Sơn Dương), màu xanh của rừng keo bạt ngàn, thấp thoáng khói bếp vương trên những mái nhà người Nùng tạo nên một nhịp sống yên bình, đầm ấm. Trong câu chuyện vui về sự đổi thay của bản làng, người dân nơi đây còn bày tỏ niềm tự hào về 'thủ lĩnh' Chu Thị Thanh Nga - nữ Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn đầu tiên của Ngòi Trườn.

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Thoạt gặp, mọi người đều cảm nhận được ở Bí thư Chi bộ Chu Thị Thanh Nga (sinh năm 1981) sự cởi mở, vui vẻ, chân thành. Có lẽ vì thế mà chi bộ và chị em trong thôn đã “chọn mặt gửi vàng”, bầu chị làm Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn từ năm 2000.

Đến năm 2017, Chi bộ đã tín nhiệm bầu chị Nga làm Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Ngòi Trườn. Đối diện với những khó khăn, áp lực kể cả những định kiến ở vùng nông thôn khi phụ nữ làm lãnh đạo, chị đã phấn đấu vượt qua bằng bản lĩnh, sự tận tâm vì lợi ích của nhân dân. “Mình được bà con tin tưởng giao phó thì cố gắng làm hết mình. Nếu các Bí thư Chi bộ là nam giới phấn đấu một, thì giờ mình phải phấn đấu làm ba, có như vậy mới hoàn thành được công việc của dân bản”, chị Nga bộc bạch.

Ngòi Trườn là thôn đặc biệt khó khăn của xã Minh Thanh, với 38 hộ, 202 nhân khẩu, 97% là người dân tộc Nùng. Trước đây, nhận thức của một số người dân thôn Ngòi Trườn còn nhiều hạn chế nên trong thôn vẫn xảy ra tình trạng mê tín dị đoan, hủ tục ma chay, cưới xin lạc hậu; nhiều người dân không coi trọng việc học hành nên không cho con em mình đến trường; đời sống sinh hoạt, nếp sống văn hóa còn nhiều hạn chế, thói quen nuôi trâu bò, lợn, gà dưới gầm sàn gây mất vệ sinh, dịch bệnh cho người dân...

Chị Nga rất thích mặc những bộ trang phục của người Nùng trong thôn.

Chị Nga rất thích mặc những bộ trang phục của người Nùng trong thôn.

Để nhân dân thay đổi quan niệm đã ăn sâu trong suy nghĩ, trong tập tục lâu đời, Bí thư Chi bộ Chu Thị Thanh Nga đã có cách làm riêng, linh hoạt và hiệu quả. Trước hết chị sâu sát trong quần chúng, thấu hiểu nhân dân, nắm bắt hoàn cảnh, đặc điểm của từng hộ gia đình. Sau đó phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu của đảng viên trong chi bộ, huy động sự vào cuộc của trưởng dòng họ và người có uy tín trong thôn. Để người dân hiểu và thay đổi, chị Nga còn đến từng hộ dân tuyên truyền về xây dựng đời sống mới, văn minh, vận động bà con tích cực lao động sản xuất, trồng rừng, chè và vay vốn chính sách để sản xuất, từng bước nâng cao thu nhập, xóa nghèo.

Nhờ đó, đến nay, 100% trẻ em ở Ngòi Trườn đã đi học đúng độ tuổi; nhiều hủ tục như cúng ma gà, thách cưới đã được xóa bỏ; việc cưới, việc tang tổ chức văn minh, tiết kiệm. Nhiều năm qua, Ngòi Trườn không xảy ra kiện tụng, tranh chấp. Thôn có hơn 96% hộ đạt gia đình văn hóa. Chi bộ nhiều năm đạt Chi bộ trong sạch, vững mạnh.

Khi được hỏi bí quyết để bà con nghe và tin theo chủ trương, đường lối của chi bộ, nữ thủ lĩnh Chu Thị Thanh Nga cười hiền: “Cứ “người thật, việc thật, hiệu quả thật’’ thì dân bản tin thôi, muốn vậy thì cán bộ, đảng viên và gia đình phải gương mẫu đi đầu!”.

Chả thế mà, để phát triển kinh tế ngoài trồng lúa, chăn nuôi trâu, dê, bồ câu, chị Nga còn là người đầu tiên ở Ngòi Trườn nhận liên doanh với lâm trường để trồng, chăm sóc 3 ha rừng. Chu kỳ khai thác đầu tiên, chị có lãi 60 triệu đồng/ha. Cầm số tiền lớn trong tay, chị liền nghĩ ngay đến việc phải vận động bà con trong thôn cùng làm theo.

Sau đó, chị tiếp tục nhận mở rộng diện tích rừng liên doanh. Đến nay, diện tích gia đình chị liên doanh với lâm trường lên tới 12 ha. Nghe theo chị Nga và các đảng viên trong chi bộ vận động trồng rừng và liên doanh trồng rừng, đến nay, ở ngòi Trườn đã có 7 hộ có diện tích rừng liên doanh. Ngoài ra, nhà nào cũng có rừng với tổng diện tích rừng trồng sản xuất của nhân dân lên tới gần 40 ha.

Thắp lửa phong trào xây dựng nông thôn mới

Không chỉ giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, gánh trọng trách nặng nề trên vai, chị Nga luôn trăn trở làm thế nào để người dân đoàn kết tham gia xây dựng nông thôn mới (NTM).

Chị Nga nhớ lại: Ban đầu, khi địa phương bắt đầu triển khai xây dựng NTM, bà con chưa hiểu được những giá trị của NTM. Họ chưa hiểu được sự cần thiết của hệ thống giao thông thôn bản, của những giá trị văn hóa tinh thần phục vụ cuộc sống. Vậy nên, những ngày đầu vận động để mọi người chung sức xây dựng vô cùng gian nan.

Bí thư Chi bộ Chu Thị Thanh Nga (thứ 3 từ phải qua trái) trao đổi về tình hình thôn bản.

Bí thư Chi bộ Chu Thị Thanh Nga (thứ 3 từ phải qua trái) trao đổi về tình hình thôn bản.

“Khó khăn nhất ở thời điểm đó là vận động người dân hiến đất, hiến cây làm đường giao thông nông thôn” - chị Nga bộc bạch. Với phương châm “cán bộ phải là người nêu gương”, chị đã tiên phong đóng góp hơn 2 triệu đồng làm tuyến đường sản xuất tập trung. Đối với những gia đình chưa đồng thuận, chị Nga âm thầm đến từng nhà, tỉ tê phân tích, vận động, và rồi “mưa dầm thấm lâu” dần dần, tất thảy mọi người đã sẵn sàng hiến đất, hiến cây, hiến tài sản, đóng góp tiền của, tham gia ngày công để làm đường, dọn dẹp cảnh quan, xây dựng các công trình phúc lợi thiết yếu.

Bằng sự kiên trì, nhẫn nại và tận tâm, nhiều hộ dân từ việc không đồng thuận, nay đã tự nguyện hiến hàng trăm mét đất để mở đường xây dựng NTM như: ông Tải Văn Trà, Hoàng Văn Lương, Tráng Văn Lương… Từ năm 2023 đến nay, hàng chục hộ dân trong thôn đã tự nguyện hiến trên 1.000 m2 đất, đóng góp hơn 1.000 ngày công và hơn 400 triệu đồng xây dựng đường giao thông, xây dựng khuôn viên nhà văn hóa, hỗ trợ hộ nghèo xóa nhà tạm, nhà dột nát…

Gia đình ông Tải Văn Trà là một trong những hộ dân đi đầu trong việc hiến đất mở đường xây dựng NTM. Ông Trà chia sẻ: “Nhờ sự phân tích vận động của cán bộ thôn và Bí thư Chi bộ, chúng tôi hiểu được lợi ích của việc mở đường rộng rãi. Gia đình tôi đã tự nguyện hiến hơn 200 m2 đất sản xuất và hàng rào, cây xanh để bàn giao mặt bằng cho thôn làm đường. Không chỉ gia đình tôi mà nhiều hộ dân khác cũng hăng hái hiến đất, mở đường để xây dựng NTM”.

Từ những đổi thay của Ngòi Trườn có thể thấy rõ nhất thông qua việc đời sống kinh tế của người dân được nâng lên. Mức thu nhập bình quân đạt gần 38 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 60% so với năm 2017. Tỷ lệ hộ nghèo của thôn từ 70% (năm 2017) giảm xuống còn 31% (năm 2023). Đặc biệt, ý thức của người dân địa phương trong việc xây dựng NTM, sự đồng thuận lên đến 100%. Từ những con đường đất chỉ rộng 2m, đường thôn nay đã rộng 5m, trải bê tông rộng rãi, sạch đẹp…

Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Ngọc Hứa nhận xét, trong suốt những năm làm cán bộ cơ sở, đồng chí Nga luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà cấp trên giao phó. Với đặc thù là địa bàn khó khăn nhất của xã, đồng chí đã phát huy vai trò trách nhiệm và kinh nghiệm của mình để đoàn kết bà con, thực hiện nhiệm vụ của địa phương, xây dựng khối đại đoàn kết.

Lý Thu

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/nu-bi-thu-chi-bo-o-ban-nung-193070.html