Nữ bộ đội Trường Sơn người Pa Kô ngày ấy, bây giờ…

Con đường trải nhựa chạy thẳng vào khối 6, thị trấn Khe Sanh đưa chúng tôi đến ngôi nhà của bà Kăn Chòng, nữ bộ đội Trường Sơn người Pa Kô gan dạ tiếp lương, tải đạn thời đánh Mỹ cứu nước ngày nào. Trong ngôi nhà sàn đơn sơ nhưng sạch sẽ, gọn gàng, bên những kỉ vật chiến tranh đi cùng năm tháng được gói gém cẩn thận, Kăn Chòng nở nụ cười hiền hậu đón khách đến thăm nhà. Chuyện trò với bà, chúng tôi được trở về với một thời được sống, chiến đấu hết mình của người phụ nữ Pa Kô ấy, cảm nhận ngọn đuốc cách mạng trong bà luôn soi sáng cho thế hệ trẻ của quê hương học tập và noi theo.

 Bà Kăn Chòng ôn lại kỉ niệm thời tiếp lương, tải đạn đánh Mỹ

Bà Kăn Chòng ôn lại kỉ niệm thời tiếp lương, tải đạn đánh Mỹ

Dành cả tuổi xuân để đánh giặc

Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng ở xã Đồng Sơn, huyện A Lưới, tỉnh Thừa ThiênHuế, từ nhỏ Kăn Chòng đã ước mơ được cùng đồng bào mình tham gia chiến đấu chống Mỹ, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Vì thế, năm 1959 người con gái Pa Kô này vừa tròn 15 tuổi đã thoát li, làm người dẫn đường cho cán bộ cách mạng nằm vùng. Đến năm 1962, Kăn Chòng chính thức được nhận công tác tại đơn vị C3 thuộc Đoàn Bắc Sơn, Quân khu 4. Từ năm 1967 - 1968, trên lưng người con gái bé nhỏ này lúc nào cũng thường trực từ 60 -70 kg đạn dược, lương thực, thực phẩm, áo quần… vận chuyển tiếp tế cho đơn vị đến nhiều nơi hoạt động bí mật ở Huế, dọc đường 9 Nam Lào và qua cả một số bản biên giới thuộc nước bạn Lào.

Năm 1964, Kăn Chòng được đơn vị cử đi học lớp cấp tốc y tá chuyên về châm cứu và sơ cứu 3 tháng tại bản Tà Ổi, huyện Tù Muồi (Lào). Sau lớp học này, cùng với tiếp lương, tải đạn, bà kiêm thêm sơ cứu, châm cứu cho đồng đội lúc ốm đau hoặc bị thương dọc đường làm nhiệm vụ. Năm 1968, trong một lần gùi đạn băng qua cánh rừng thuộc địa phận huyện Mường Noòng (Lào), tiểu đội của bà bị địch phục kích, Kăn Chòng bị thương, mất máu nhiều rồi bất tỉnh. Bà được đồng đội băng bó vết thương và chuyển đi điều trị hơn 1 tháng. Sau khi xuất viện, dù sức khỏe không được như trước đây nhưng bà xin đơn vị tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tiếp lương, tải đạn. Sau thắng lợi của Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh vào năm 1968, bà Kăn Chòng chuyển đến công tác tại đơn vị D700 thuộc Khu ủy Bình - Trị - Thiên chuyên sản xuất cải thiện đời sống. Bà bồi hồi nhớ lại: “Ngày ấy, để đảm bảo các điều kiện chiến đấu một cách kịp thời, đơn vị quy định việc gùi đạn dược, lương thực, thực phẩm đối với nam từ 90 kg đến 1 tạ, nữ gùi từ 60 - 70 kg. Dù thiếu thốn trăm bề nhưng nghĩ đến độc lập, tự do của dân tộc ai cũng quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Băng rừng, lội suối đêm ngày, đối mặt với nhiều rủi ro, nguy hiểm như thú rừng, quân địch mai phục… song bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ, anh em chúng tôi vẫn vui vẻ lên đường với khẩu hiệu “Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”.

Có những lúc thấy bóng dáng địch từ xa, chúng tôi tìm nơi ẩn nấp an toàn, ngồi im lặng hàng tiếng đồng hồ mặc cho muỗi, vắt rừng bu bám đầy người mà không ai dám cựa quậy, cứ ngồi yên cho đến khuya mới tiếp tục lên đường đến địa điểm giao hàng. Năm 1968, địch cướp nhiều kho lương thực của người dân nên nạn đói xảy ra. Bộ đội chúng tôi phải tiết kiệm từng hạt gạo, bình thường mỗi ngày 1 người ăn từ 2 - 3 lon gạo mới đủ sức gùi cõng đạn dược, lương thực, thực phẩm… nhưng lúc đó vì không đủ gạo, mọi người phải giảm xuống một nửa khẩu phần của mình. Những nắm cơm vắt giắt ở lưng nếu không may gặp mưa thì ướt hết, đi qua những cánh rừng vừa đối phó với địch, chúng tôi vừa tìm hái những loại trái cây, lá rừng ăn thay cơm để có sức gùi cõng. Đói khổ là thế nhưng chưa một ai than phiền. Mỗi lần giao hàng xong cho đồng đội, với cây đàn ta lư trong tay, chúng tôi lại dành ít phút văn nghệ giải trí, hát những bài dân ca Pa Kô cho đỡ nhớ nhà, nhớ bản làng”.

 Chăm sóc cháu là niềm vui mỗi ngày của bà Kăn Chòng

Chăm sóc cháu là niềm vui mỗi ngày của bà Kăn Chòng

Trai gái người Pa Kô ở quê Kăn Chòng thời đó thường được gia đình dựng vợ, gả chồng rất sớm. Một lòng theo cách mạng nên 26 tuổi bà vẫn chưa có một mối tình nào trong khi đó bạn bè cùng trang lứa đã lập gia đình, con cái đề huề. Cho đến năm 1970, bà phải lòng người đồng đội mới chuyển đến đơn vị của mình là ông Hồ Văn Nòng, quê ở thôn Trứp, xã Tù Muồi, huyện Hướng Hóa (nay thuộc huyện Mường Noòng, Lào). Biết được tình yêu đẹp của cặp đôi bộ đội Trường Sơn này, đơn vị tạo điều kiện, đứng ra tổ chức cưới, chúc phúc cho hai người tại Lao Bảo. Sau ngày cưới, vợ chồng Kăn Chòng cùng quyết tâm dốc sức cùng đơn vị làm tốt nhiệm vụ sản xuất, chiến đấu. Mãi đến sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975 cặp đôi bộ đội Trường Sơn này mới thực sự về chung một nhà và hạnh phúc vì được đón chào đứa con đầu lòng.

Tấm gương sáng trong thời bình

Hòa bình lập lại, bà Kăn Chòng được bố trí công tác tại Bệnh viện Bắc Hướng Hóa (nay là Trung tâm Y tế Hướng Hóa). Năm 1983, bà nghỉ hưu theo chế độ và sinh sống ở bản Pa Nho, khối 6, thị trấn Khe Sanh. Từ đó đến nay, bà luôn phát huy tinh thần cách mạng, giáo dục con cháu phải biết khắc phục khó khăn, vươn lên trong học tập cũng như lao động, sống có ích cho bản thân và xã hội.

Bà Kăn Chòng sống dựa vào đồng lương hưu ít ỏi, các con của bà chủ yếu làm nương rẫy nên điều kiện sống của gia đình hiện gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bà vẫn lạc quan yêu đời, yêu cuộc sống. Những lúc gia đình đông đủ hoặc bạn bè, người dân trong khối đến chơi nhà, bà thường kể cho họ nghe những kỉ niệm đẹp mà mình và đồng đội trải qua trong thời chống Mỹ cứu nước, trong đó có những đồng đội của bà đã anh dũng hi sinh khi đang tiếp lương, tải đạn. Thông qua những câu chuyện của mình, bà nhắn nhủ con cháu, thế hệ trẻ rằng, thật hạnh phúc khi được sống trong một đất nước hòa bình, được tạo mọi điều kiện để học tập, lao động, vậy nên cần phải ra sức rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, phát huy tinh thần cách mạng của những người đi trước, cống hiến trí lực góp sức thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương, xứng đáng là chủ nhân tương lai của quê hương, đất nước. Ông Hồ Ta Đăng, Phó Ban liên lạc Bộ đội Trường Sơn huyện Hướng Hóa, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh khối 6, cho biết: “Bà Kăn Chòng là người có uy tín ở khối 6. Bà sống giản dị, khiêm tốn, tích cực đi đầu trong mọi hoạt động, phong trào thi đua của địa phương. Vì thế, người dân trong khối thường có câu cửa miệng rằng: “Việc gì khó có Kăn Chòng”.

Kô Kăn Sương

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=140341