Nữ Bộ trưởng chia sẻ về việc lần đầu vượt mục tiêu tinh giản biên chế
Tính đến hết năm 2021, biên chế công chức giảm 10,01%, biên chế sự nghiệp giảm 11,67%. Đây là lần đầu tiên cả nước hoàn thành vượt mục tiêu tinh giản biên chế Bộ Chính trị đề ra.
“Những con số này có ý nghĩa lớn và tạo ra hiệu quả kinh tế rất rõ rệt”, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà chia sẻ về kết quả tinh giản hơn 27.500 biên chế trong cuộc trao đổi với Zing nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Đây vốn dĩ là vấn đề nan giải đã nhiều lần được đặt ra, song việc triển khai thực hiện luôn gặp nhiều trắc trở.
Lần đầu tiên vượt mục tiêu tinh giản biên chế
- Nội vụ là ngành quản lý Nhà nước đa ngành, đa lĩnh vực, công việc rất khó và nhạy cảm. Với cương vị nữ bộ trưởng đầu tiên trong lịch sử ngành, bà muốn chia sẻ điều gì sau một năm đảm đương trọng trách lớn lao này?
- Các thế hệ lãnh đạo, cán bộ đi trước của ngành nội vụ đã tạo dựng được một nền tảng rất cơ bản và khá vững chắc để chúng tôi có thể tiếp tục phát triển trong chặng đường tới.
Còn nhớ khi tôi mới về Bộ Nội vụ, người tiền nhiệm của tôi là nguyên Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đã chia sẻ và giúp đỡ tôi rất nhiều trong việc tiếp cận công việc. Nắm giữ cương vị Bộ trưởng Nội vụ, tôi cũng đã đặt ra những ưu tiên hành động như hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và hoàn thiện cơ chế phân cấp, phân quyền trong quản lý Nhà nước ở các lĩnh vực.
Trải qua một năm đầy khó khăn, thách thức, ngành nội vụ đã nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ được giao đúng với những ưu tiên, định hướng đã đặt ra đầu nhiệm kỳ.
Đó là tập trung tham mưu về xây dựng và hoàn thiện thể chế; tiếp tục hoàn thiện sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; nâng cao chất lượng công tác quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu giảm biên chế.
Song bên cạnh đó, vẫn còn nhiều tồn tại, khó khăn cần được khắc phục, nhất là việc xây dựng, hoàn thiện thể chế các lĩnh vực quản lý Nhà nước của ngành nội vụ.
Việc sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; đổi mới chế độ công vụ, công chức và tinh giản biên chế gắn cơ cấu lại và nâng cao chất lượng ngũ cán bộ công chức, viên chức… cũng còn nhiều hạn chế, có mặt chưa đáp ứng yêu cầu.
- Xây dựng bộ máy tinh gọn và tinh giản biên chế là những nhiệm vụ đầy khó khăn và trải qua nhiều nhiệm kỳ, những mục tiêu này luôn được đặt ra song kết quả đạt được không như kỳ vọng. Kết quả đạt được trong việc thực hiện các mục tiêu này năm qua như thế nào, thưa Bộ trưởng?
- Trong năm 2021, Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Chính phủ triển khai sắp xếp cơ cấu tổ chức bên trong của các bộ, ngành theo hướng tinh gọn, giảm cấp trung gian, khắc phục chồng chéo gắn với xây dựng Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Đối với xây dựng chính quyền địa phương, trong năm 2021, Bộ đã chỉ đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết liệt thực hiện sắp xếp tinh gọn bộ máy gắn với tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là sắp xếp lại tổ chức bộ máy bên trong các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện. Kết quả đã giảm được 7 sở, giảm 1.140 phòng thuộc sở và 208 chi cục cùng 451 phòng thuộc UBND cấp huyện.
Bộ Nội vụ cũng đã tham mưu cho Chính phủ trình Ủy ban TVQH xem xét, sắp xếp, thành lập, nhập, chia, điều chỉnh một số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Năm 2021, Ủy ban TVQH đã ban hành 10 Nghị quyết về địa giới, hành chính nhưng không tăng số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, giảm được 4 đơn vị hành chính cấp xã tại thành phố Huế. Kết quả giai đoạn 2019-2021 đã giảm được 8 huyện và 561 xã.
Về tổ chức bộ máy, quản lý biên chế, tinh giản biên chế, đây là lần đầu tiên cả nước hoàn thành vượt mục tiêu tinh giản biên chế (10%) mà Bộ Chính trị đề ra tại Nghị quyết số 39 của Trung ương. Theo đó, tính đến hết năm 2021, biên chế công chức giảm 10,01% (27.504 người); biên chế sự nghiệp giảm 11,67% (236.366 người).
Cán bộ, công chức cấp xã giảm 8,94% (20.883 người) và số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố giảm 49,25% (423.872 người). Những con số này có ý nghĩa lớn và tạo ra hiệu quả kinh tế rất rõ rệt.
Giải thoát “gánh nặng” chứng chỉ ngoại ngữ cho công chức, viên chức
- Dự hội nghị tổng kết ngành nội vụ, Thủ tướng Phạm Minh Chính có một phát biểu rất thú vị: “Tôi đọc hồ sơ anh nào cũng có chứng chỉ tiếng Anh cả, nhưng khi hỏi ‘Có khỏe không’ thì lại trả lời ‘Quê ở chỗ này’”, để nói về sự máy móc và hình thức của chứng chỉ ngoại ngữ. Gánh nặng chứng chỉ cũng từng được nhiều ĐBQH ví như “giấy phép con” và chất vấn Bộ trưởng Nội vụ qua nhiều kỳ họp Quốc hội, nhưng nay đã được Bộ Nội vụ quyết tâm thực hiện. Việc này có ý nghĩa như thế nào, thưa bà?
- Quan điểm của Thủ tướng là phải “học thật, thi thật, nhân tài thật”. Theo đó, cán bộ, công chức phải làm việc thực chất, không phô trương, hình thức. Vì vậy, người đứng đầu Chính phủ rất quan tâm đến nội dung này và yêu cầu Bộ Nội vụ rà soát, mạnh dạn đưa ra đề xuất.
Tuy nhiên, việc tổng hợp, rà soát tất cả chứng chỉ đối với đội ngũ công chức, viên chức trong toàn hệ thống là khối lượng công việc lớn, đòi hỏi cẩn trọng và khách quan trong việc phân tích, đánh giá, nhận định để đưa ra đề xuất.
Thực tế, trong suốt thời gian dài, có rất nhiều tiếng kêu của viên chức về bất cập của việc yêu cầu các chứng chỉ. Được Thủ tướng giao nhiệm vụ rà soát toàn bộ quy định về chứng chỉ đối với đội ngũ công chức, viên chức, Bộ Nội vụ cũng nhận thấy những hạn chế nhất định.
Bộ Nội vụ đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 89 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; đã cắt giảm những chứng chỉ không phù hợp (cụ thể là chứng chỉ ngoại ngữ của 74 ngạch công chức và 155 chức danh nghề nghiệp viên chức; chứng chỉ tin học của 74 ngạch công chức và 142 chức danh nghề nghiệp viên chức; giảm 61/64 chứng chỉ ngạch công chức; giảm 89/145 chứng chỉ chức danh nghề nghiệp).
"Phải quyết tâm cắt giảm những chứng chỉ không phù hợp để vừa giảm gánh nặng với công chức, viên chức; vừa đổi mới phương thức quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ".
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà
Bãi bỏ quy định chứng chỉ là một việc làm không dễ và khó tránh khỏi việc khiến nhiều người tâm tư, vì khi cắt giảm các loại chứng chỉ bồi dưỡng với công chức, viên chức sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cấp các loại văn bằng, chứng chỉ.
Nhưng vấn đề này lại tác động trực tiếp đến hàng triệu người và liên quan đến phương thức quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức. Vì vậy, phải quyết tâm cắt giảm những chứng chỉ không phù hợp, không cần thiết để một mặt vừa giảm gánh nặng đối với công chức, viên chức; mặt khác đổi mới phương thức quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức đi vào thực chất, khoa học hơn.
Dù cắt giảm một số loại chứng chỉ, yêu cầu về nâng cao năng lực, trình độ đối với công chức, viên chức không thay đổi mà theo hướng thực chất hơn, phục vụ trực tiếp công việc, đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm.
- Với nhiều kết quả ấn tượng đạt được trong năm 2021, áp lực đặt ra cho năm 2022 sẽ không hề nhỏ. Bộ trưởng sẽ ưu tiên trọng tâm gì cho hoạt động của ngành trong năm mới?
- Năm 2022, Bộ Nội vụ đề ra mục tiêu “khắc phục những điểm nghẽn, vượt qua thách thức, khơi thông nguồn lực, tranh thủ thời cơ”. Trong đó, chúng tôi sẽ tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm mà Thủ tướng giao.
Đầu tiên là nâng cao chất lượng công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, trong đó khẩn trương thể chế hóa chủ trương của Đảng về khuyến khích, bảo vệ tổ chức, cá nhân dám đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; hoàn thiện cơ chế phân cấp, phân quyền, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan.
Việc này nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp, giao thoa, bỏ sót nhiệm vụ giữa cơ quan, tổ chức, gắn với cá thể hóa trách nhiệm cá nhân và kiểm soát quyền lực chặt chẽ.
Hai là đổi mới và hoàn thiện cơ chế quản lý cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong hệ thống chính trị và xây dựng cơ chế liên thông cán bộ, công chức cấp xã với cấp huyện, cấp tỉnh; khẩn trương hoàn thiện việc xây dựng vị trí việc làm của cả hệ thống hành chính từ Trung ương đến cấp xã.
Năm 2022, Bộ Nội vụ đề ra mục tiêu “khắc phục những điểm nghẽn, vượt qua thách thức, khơi thông nguồn lực, tranh thủ thời cơ”.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà
Cùng với đó là cơ cấu, sắp xếp lại đội ngũ theo vị trí việc làm và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tham mưu phối hợp, xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách phát hiện, thu hút và trọng dụng nhân tài cho nền công vụ.
Nhiệm vụ thứ ba là tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2022-2025 theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; xây dựng và hoàn thiện Đề án “Mô hình tổ chức chính quyền đô thị trực thuộc cấp tỉnh”.
Bốn là triển khai hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính đến năm 2030, tập trung cải cách thủ tục hành chính một cách quyết liệt.
Nhiệm vụ thứ năm, Bộ sẽ đổi mới mạnh mẽ, thực chất công tác thi đua, khen thưởng và đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành nội vụ nhằm tận dụng tối đa tài nguyên số phục vụ công tác quản lý Nhà nước của ngành.
Cuối cùng, toàn ngành nội vụ sẽ thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng trên các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; kiên quyết đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của ngành nội vụ diễn ra hôm 12/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu nhiều ấn tượng với kết quả của ngành. Ông ghi nhận Bộ Nội vụ đã đổi mới rất nhanh và bám sát thực tiễn, tập trung xây dựng thể chế, tham mưu cho công tác bầu cử với vai trò là cơ quan chủ chốt.
Quán triệt ngành nội vụ phải chống tham nhũng, tiêu cực, đặc biệt tham nhũng chính sách trong quá trình điều hành, Thủ tướng lưu ý không được để tình trạng chạy chọt xảy ra trong công tác cán bộ, tổ chức bộ máy.
Với nhận định bộ máy còn cồng kềnh, người đứng đầu Chính phủ động viên Bộ Nội vụ quyết tâm tham mưu tinh gọn bộ máy trong năm 2022, dù đây là công việc khó khăn và nhạy cảm. Ông gợi ý xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí, quy trình từ tổ chức bộ máy cho đến con người và căn cứ vào đó để thực hiện.