Nữ cán bộ sâu sát, hỗ trợ tích cực cho học viên

Chị Nguyễn Thị Thu Thủy, cán bộ phòng giáo dục hòa nhập cộng đồng, cơ sở cai nghiện ma túy số 7 Hà Nội cho biết, với ưu điểm là cán bộ nữ nên nhiều học viên nam đã chia sẻ chuyện thầm kín với mình mà không dám nói cho gia đình. Từ đó, chị kết hợp với cán bộ quản lý đưa ra hướng tư vấn tốt nhất cho học viên.

Trao đổi với PV, chị Nguyễn Thị Thu Thủy, SN 1987, trú tại Cổ Đông, Sơn Tây, Hà Nội, cán bộ phòng giáo dục - hòa nhập cộng đồng, cơ sở cai nghiện ma túy số 7 Hà Nội cho biết, chị công tác cơ sở cai nghiện ma túy số 7 từ tháng 11-2011, thời điểm đầu chị gặp nhiều khó khăn vì thực tế khác xa với suy nghĩ trước khi vào cơ sở. Tuy nhiên, qua thời gian tìm hiểu, học hỏi, được ban lãnh đạo cơ sở và các đồng nghiệp giúp đỡ, giờ đây chị Thủy đã tự tin đứng giảng bài cho học viên, chia sẻ những bài học bổ ích giúp học viên có kiến thức để tự cai nghiện ma túy và có kỹ năng phòng tránh tái nghiện ma túy.

Kể lại câu chuyện tại cơ sở, chị Thủy thông tin thêm, năm 2012, chị tham gia vào công tác giáo dục và thời điểm đầu đứng lớp, trước rất nhiều học viên nam, có người lớn tuổi và cả trẻ tuổi khiến chị bỡ ngỡ, có chút hồi hộp, lo lắng. Tuy nhiên, chị đã bình tĩnh lại và tập trung truyền tải những kiến thức theo chương trình.

Ngoài ra, tại cơ sở cai nghiện ma túy số 7 Hà Nội, ban lãnh đạo cơ sở có quan điểm giáo dục theo hướng mở, thân thiện với học viên, đôi khi không phải giáo dục bình thường theo sách vở, khuôn sáo mà cán bộ quản lý chia sẻ cuộc sống hàng ngày với học viên, chia sẻ giá trị gia đình, giá trị hạnh phúc, giá trị yêu thương với học viên. Qua cách tiếp cận như vậy khiến học viên cảm nhận được và chia sẻ rất nhiều về thời gian cai nghiện, quan điểm sống, tình yêu,… xã hội bên ngoài. Thậm chí, có câu chuyện tế nhị học viên không chia sẻ được với gia đình thì vào cơ sở, học viên chia sẻ với cán bộ.

Chị Thủy trao đổi với PV

Chị Thủy trao đổi với PV

Theo chị Thủy, để học viên tin tưởng và cán bộ giúp đỡ được học viên nhiều nhất chính là sự linh hoạt trong cách quản lý cũng như nắm bắt tâm tư của học viên từ đó, học viên tin tưởng và chia sẻ nhiều câu chuyện thầm kín hơn. Với đặc thù là cán bộ nữ quản lý học viên nam nên sẽ có những thế mạnh và những góc thầm kín học viên nam ngại chia sẻ với các thầy. Chị Thủy đón nhận những tâm tư, câu chuyện của học viên để rồi kết hợp với cán bộ nam đưa ra những cách giải quyết tốt nhất, tư vấn tốt nhất cho học viên.

Trong quá trình dạy học viên, khi đã giảng xong bài, chị Thủy luôn hỏi học viên có hiểu hay không? Có phần nào cần giải thích thêm không và phần lớn là mọi người đều hiểu vấn đề. Trong một số bài giảng, có học viên chưa hiểu đã đưa ra câu hỏi để chị giải thích thêm nhưng cũng có những lúc học viên đưa ra câu hỏi khó, ngoài tầm hiểu biết của bản thân thì chị Thủy tiếp thu về tham khảo đồng nghiệp, tìm trong các văn bản pháp luật. Sau đó, đến tiết học sau, chị Thủy sẽ trả lời học viên tường tận, kiến thức đầy đủ nhất.

Bên cạnh việc dạy cho học viên các kiến thức theo chương trình, Phòng giáo dục hòa nhập cộng đồng còn tham gia giảng dạy ở lớp xóa mù với những học viên chưa biết chữ, hoặc tái mù. Khi học viên vào cơ sở cai nghiện ma túy số 7 không biết chữ thì cơ sở sẽ mở lớp để dạy xóa mù cho học viên. Ngoài thời gian dạy xóa mù trên lớp, thầy cô giáo tại cơ sở còn giao bài tập cho các học viên về tự học, rèn luyện chữ viết, nếu có bài nào khó có thể hỏi bạn cùng phòng. Trường hợp nào học viên kém quá thì cán thầy cô giáo sẽ kết hợp với cán bộ quản lý trực tiếp xuống tận phòng để kiểm tra và hướng dẫn bài học. Sau khi hoàn thành chương trình sẽ mời Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì vào cấp giấy chứng nhận học hết chương trình xóa mù với người lớn.

Công việc tại cơ sở có những đặc thù riêng, nhiều khi phải ở lại nhiều ngày nhưng nhờ sự thông cảm hỗ trợ của bố mẹ và chồng đã giúp chị an tâm công tác. Khi ở cơ sở, mỗi lần nhớ con chị thường gọi video về nói chuyện với con, gia đình. Hậu phương vững chắc đó đã giúp chị yên tâm công tác, tập trung giúp những học viên ở nơi đây nhận thức ra sai lầm, có những kỹ năng phòng ngừa tái nghiện để trở lại cộng đồng, giúp ích cho người thân và xã hội.

Công Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nu-can-bo-sau-sat-ho-tro-tich-cuc-cho-hoc-vien-210686.html