Nữ cán bộ tiêu biểu ngành đường bộ: 'Tôi còn phải học hỏi, phấn đấu rất nhiều'

'Công việc sổ sách tài chính chịu áp lực lớn, nhưng tôi nghĩ, những nữ công nhân ngành GTVT lao động trực tiếp còn vất vả hơn. Hằng ngày, các chị dầm mưa dãi nắng trên công trình, tuyến đường chịu bao thiệt thòi, gian khổ mà vẫn chu toàn công việc, chăm lo gia đình. So với các chị, tôi còn phải học hỏi, phấn đấu rất nhiều'.

Chị Thân Thị Thanh Hằng luôn không ngừng nỗ lực học tập, nâng cao chuyên môn

Chị Thân Thị Thanh Hằng luôn không ngừng nỗ lực học tập, nâng cao chuyên môn

Đó là chia sẻ của chị Thân Thị Thanh Hằng, Phó trưởng phòng Kế hoạch - tài chính (Khu Quản lý đường bộ (QLĐB) III, Cục Đường bộ Việt Nam. Chị Hằng là một trong những nữ cán bộ ngành Đường bộ điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua "Giỏi việc nước, đảm việc nhà" và làm theo lời Bác giai đoạn 2018 -2023.

Không ngừng học hỏi để trưởng thành

Nói về hành trình gắn bó với ngành Giao thông đường bộ, chị Hằng kể, năm 2001, tốt nghiệp đại học, cơ duyên đưa lối chị về công tác tại Khu QLĐB V (sau là Cục QLĐB III và nay là Khu QLĐB III, Cục Đường bộ Việt Nam). Xuất phát điểm từ nhân viên kế toán, sau 22 năm công tác, giờ đây chị đảm nhận chức vụ Phó trưởng phòng Kế hoạch - tài chính, kiêm Kế toán trưởng Khu QLĐB III.

Chị chia sẻ: "22 năm gắn bó ở Khu QLĐB III, thời gian không quá dài, nhưng đủ để khẳng định bản thân và cảm nhận được môi trường công tác, làm việc, sự gắn kết, đùm bọc, "tương thân, tương ái" giữa mọi người trong cơ quan".

"Thời gian đầu khi vào làm việc, lúc đó, tuổi trẻ cùng bao ý nghĩ "bay bổng", cũng muốn tìm được công việc tốt hơn, thu nhập cao hơn, nhưng rồi cứ xoáy vào công việc, sự quan tâm, dìu dắt của các anh chị đi trước, khiến ý nghĩ đó cũng biến mất lúc nào không hay!", chị cười hiền.

"Tôi có thời gian công tác ở Khu QLĐB III không dài, nhưng qua công tác điều hành, chỉ đạo, tôi nhận thấy chị Hằng có chuyên môn vững, làm việc rất trách nhiệm, tham mưu tốt cho lãnh đạo Khu QLĐB III trong công tác tài chính, quản lý tài sản, quyết toán", ông Nguyễn Thanh Hoài, Giám đốc Ban QLDA 85 - nguyên Giám đốc Khu QLĐB III giai đoạn 2021-2023 nói.

Chị Hằng cho biết, trước yêu cầu nhiệm vụ của một cơ quan quản lý đường bộ, công tác tài chính-kế toán ở Khu QLĐB III ngày càng có khối lượng công việc lớn. Với nhiệm vụ được giao, Phòng Kế hoạch - tài chính không chỉ đảm nhận công tác quản lý tài chính, tài sản của Khu QLĐB III mà còn phải chỉ đạo, kiểm tra công tác tài chính-kế toán của các đơn vị trực thuộc. Bên cạnh đó, Khu QLĐB III hiện nay còn phải thực hiện công tác theo dõi, hạch toán kế toán, xử lý tài sản kết cấu hạ tầng, giao thông đường bộ đối với các tài sản Cục Đường bộ Việt Nam ủy quyền cho các Sở GTVT khu vực quản lý.

"Khối lượng công việc lớn, nhưng liên quan đến quy định, chính sách pháp luật nên không cho phép xảy ra sai sót. Bởi một khi sai sót trong công tác quản lý tài sản nhà nước, kinh phí sự nghiệp kinh tế đường bộ và các quy định chính sách liên quan là rất hệ trọng", chị Hằng nói.

Chị Hằng (đứng thứ 2 bên phải ảnh) luôn tích cực tham gia các hoạt động Công đoàn

Chị Hằng (đứng thứ 2 bên phải ảnh) luôn tích cực tham gia các hoạt động Công đoàn

"Còn nhiều người xứng đáng vinh dự này"

Theo chị Hằng, những sai sót vì việc chung thì cấp trên, cơ quan quản lý có thể chia sẻ, thấu hiểu, nhưng sợ nhất là những sai sót xuất phát từ lợi ích cá nhân. Điều đó rất nguy hại, không chỉ đối với bản thân, mà còn gây ảnh hưởng đến uy tín cơ quan, tập thể.

Đúc kết bài học từ những vụ việc sai sót trong công tác tài chính-kế toán xảy ra trong thời gian qua ở các cơ quan, đơn vị sự nghiệp nhà nước, trong đó có những vụ việc được cơ quan điều tra khởi tố, xử lý, chị Hằng nhìn nhận: Một trong những nguyên nhân dẫn đến hành vi sai phạm trong công tác tài chính-kế toán là thiếu hiểu biết các quy định pháp luật, chính sách. Người phụ trách, thực hiện thiếu kiến thức chuyên môn hoặc lợi dụng vị trí việc làm để thực hiện sai phạm vì lợi ích cá nhân.

"Hiện nay, các quy định pháp luật, chính sách liên tục có sự điều chỉnh, thay đổi. Điều đó đòi hỏi người phụ trách công việc phải không ngừng cập nhật, nghiên cứu, tìm hiểu", chị Hằng nói và chia sẻ: "Tôi luôn sợ làm sai, tham mưu sai. Nếu mình hiểu sai, nhận thức chưa đúng nội dung các quy định, chính sách mà tham mưu với cấp trên ký duyệt thì hậu quả khó lường".

"Trong suốt 22 năm làm việc, tôi chưa bao giờ nghĩ làm việc để đạt chức vụ này hay danh hiệu khác. Tôi làm việc trước hết để lo cuộc sống gia đình như bao người lao động chân chính khác. Công việc gắn với hồ sơ, sổ sách chịu áp lực lớn, nhưng tôi nghĩ, những nữ công nhân ngành GTVT lao động trực tiếp còn vất vả hơn. Hằng ngày, các chị dầm mưa dãi nắng trên công trình, tuyến đường chịu bao thiệt thòi, gian khổ mà vẫn chu toàn công việc, chăm lo gia đình. So với các chị, tôi còn phải học hỏi, phấn đấu rất nhiều", chị bày tỏ.

Ông Cao Xuân Giao, nguyên Cục trưởng Cục QLĐB III (Cục Đường bộ Việt Nam) nhìn nhận: "Khi tôi về công tác ở Cục QLĐB III, qua thực tế thực hiện công tác tham mưu, giải quyết công việc, chị Hằng đã khẳng định được kiến thức chuyên môn giỏi, có thể nói là chắc chắn, vững vàng. Không chỉ là người có chuyên môn, chị Hằng luôn sống chan hòa với mọi người, là một người tốt bụng, luôn cầu thị, chịu khó học hỏi".

Ông Thân Trọng Hà, Chủ tịch Công đoàn Khu QLĐB III chia sẻ: "Xuyên suốt trong thời gian vừa qua, chị Hằng luôn tích cực tham gia các hoạt động Công đoàn, chủ động trong triển khai phong trào nữ công. Đặc biệt, tích cực phối hợp xây dựng, triển khai kế hoạch trong phong trào nữ công, vận động chị em thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn; đồng thời tham mưu thực hiện tốt bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động".

Đại Thắng

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/nu-can-bo-tieu-bieu-nganh-duong-bo-toi-con-phai-hoc-hoi-phan-dau-rat-nhieu-183230720144127748.htm