Nữ cầu thủ Afghanistan: 'Taliban không muốn phụ nữ giống như tôi'

Từ Đan Mạch, ngôi sao bóng đá Nadia Nadim đang cố gắng hỗ trợ, đấu tranh cho phụ nữ ở quê nhà Afghanistan.

Hình ảnh những chiếc máy bay cuối cùng của Mỹ rời khỏi Afghanistan và Taliban tiếp quản thủ đô Kabul vào tháng 8 đã khơi dậy những “ký ức sống động” trong trí nhớ của cầu thủ Nadia Nadim.

Khi chứng kiến lịch sử tái diễn, cô cảm thấy “rất buồn và bối rối”.

“Ban đầu, tôi không thực sự hiểu chuyện gì đang xảy ra. Cảm giác như thể deja vu vậy", ngôi sao 33 tuổi nói với CNN.

"Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mọi chuyện sẽ tái diễn. Điều này khiến tôi buồn bực và tức giận. Tôi không nghĩ chúng xứng đáng để làm vây. Tôi không chấp nhận rằng một nhóm khủng bố nên nắm giữ nhiều quyền lực như thế”, cô chia sẻ thêm.

 Nadia Nadim tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 về Giáo dục và Phát triển tại Pháp năm 2019. Ảnh: AP.

Nadia Nadim tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 về Giáo dục và Phát triển tại Pháp năm 2019. Ảnh: AP.

Tuổi thơ ám ảnh

Trong suốt 16 năm sự nghiệp của mình, Nadim liên tục gặt hái nhiều thành công và đại diện cho đội tuyển bóng đá nữ Đan Mạch kể từ năm 2009.

Tháng 6, cô ký hợp đồng với CLB NWSL Racing Louisville sau 2 năm gắn bó với Paris Saint-Germain - nơi cô góp phần giành chức vô địch đầu tiên của đội bóng, phá vỡ chuỗi chiến thắng liên tục 14 năm của Lyon.

Tuy nhiên, những thành tựu của Nadim xuất phát từ những bất hạnh tuổi thơ. Năm cô 11 tuổi, cha cô bị Taliban sát hại. Bởi vậy, cô buộc phải sơ tán khỏi quê hương Afghanistan cùng mẹ và 4 chị em gái. Họ trốn sang Pakistan, trước khi định cư tại một trại tị nạn ở Đan Mạch.

“Mẹ tôi bán tất cả những gì bà ấy có. Chúng tôi tìm đến một kẻ buôn người giúp đưa chúng tôi đến Pakistan. Và từ Pakistan, với hộ chiếu giả, chúng tôi được chuyển tới Italy rồi đến Đan Mạch”, Nadim kể lại.

“Tôi luôn nói rằng có lẽ số phận của mình được an bài từ trước bởi trại tị nạn Đan Mạch năm ấy nằm ngay cạnh những sân bóng tuyệt vời và một câu lạc bộ bóng đá”, cô nói.

 Nadim gặt hái nhiều thành công trong 16 năm sự nghiệp bóng đá. Ảnh: SPG.

Nadim gặt hái nhiều thành công trong 16 năm sự nghiệp bóng đá. Ảnh: SPG.

Nadim vẫn nhớ khoảnh khắc cô “phải lòng” bóng đá. Lúc đó, cô chứng kiến một số cô gái đang chơi môn thể thao này mà không bị cấm đoán.

“Đó là lần đầu tiên tôi thấy nữ giới thực sự được chơi đá bóng ở trường học. Ngay lập tức, tôi yêu trò chơi này. Kể từ đó, tôi gần như không rời chân khỏi trái bóng”, nữ cầu thủ chia sẻ.

Nỗi run sợ của các nữ VĐV

Nadim thấy câu chuyện của mình được phản ánh thông qua hành trình chạy trốn khỏi đất nước để tìm nơi ẩn náu khác của nhiều nữ vận động viên Afghanistan.

Trong đó, Haley Carter, cựu trợ lý huấn luyện viên đội tuyển bóng đá nữ quốc gia Afghanistan, kết hợp với Khalida Popal, cựu đội trưởng của đội, để sơ tán 86 vận động viên, quan chức và thành viên gia đình khỏi đất nước, đến nơi trú ẩn an toàn.

Ở một sự kiện tương tự, 41 người Afghanistan đã sơ tán thành công đến UAE vào ngày 6/9, bao gồm 25 thành viên đội đua xe đạp nữ Afghanistan. Sau đó, họ sẽ chuẩn bị bay tới Canada để tị nạn. Họ lo sợ rằng bản thân có thể bị Taliban đối xử tồi tệ nếu ở lại đất nước.

 Taliban cố gắng ngăn chặn cuộc biểu tình của phụ nữ Afghanistan tại thủ đô Kabul hôm 8/9. Ảnh: Shutterstock.

Taliban cố gắng ngăn chặn cuộc biểu tình của phụ nữ Afghanistan tại thủ đô Kabul hôm 8/9. Ảnh: Shutterstock.

Nỗi run sợ của những nữ vận động viên Afghanistan là có lý do. Đầu tháng 9, Ahmadullah Wasiq, Phó trưởng Ủy ban Văn hóa Taliban, nói với SBS News của Australia rằng chơi thể thao đối với phụ nữ là không thích hợp và không cần thiết.

“Tôi nghĩ phụ nữ không nên được phép chơi cricket. Trong khi chơi môn thể thao này, họ có thể gặp phải tình huống không được che mặt và cơ thể. Hồi giáo không cho phép phụ nữ được nhìn thấy theo cách này”, ông Wasiq nói.

Khi Taliban nắm quyền từ năm 1996-2001, phụ nữ bị cấm đi học và làm việc. Mãi đến sau năm 2001, khi nhóm khủng bố này bị giải tán, nữ giới mới được tự do đến trường và tìm việc làm.

Lần này, khi Taliban lại trở lại nắm quyền, nhiều nhà phê bình, bao gồm cầu thủ Nadim, nghi ngờ rằng liệu Taliban có trung thành với tuyên bố của họ về việc mở ra một chế độ hiện đại và “bao gồm” cả phụ nữ hay không.

Tính đến 7/9, vẫn chưa có phụ nữ nào được nêu tên trong chính phủ lâm thời của Taliban. Điều này đồng nghĩa rằng hiện Afghanistan gia nhập danh sách hàng chục quốc gia không có phụ nữ nắm giữ các vai trò chính phủ cấp cao.

 Nadim hiện học tập để trở thành bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ ở Đại học Aarhus. Ảnh: Diego Souto/Quality Sport Images.

Nadim hiện học tập để trở thành bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ ở Đại học Aarhus. Ảnh: Diego Souto/Quality Sport Images.

Nadim hiện liên minh cùng vận động viên Olympic Friba Rezayee, người đồng hương với cô, và Khalida Popal, cựu đội trưởng đội bóng đá nữ quốc gia Afghanistan.

Họ từng trao đổi với CNN Sport hồi tháng 8 về mối đe dọa đối với quyền phụ nữ khi Taliban nắm quyền ở Afghanistan.

“Chúng tôi sẽ vượt qua điều này. Nếu không có gì thay đổi, chúng tôi sẽ trở thành nhóm phản kháng. Chúng tôi sẽ đấu tranh cho quyền lợi của mình dù thế nào đi chăng nữa”, Rezayee nói.

Về phần mình, Nadim quyết tâm trở thành “ngọn hải đăng” dẫn lối cho những phụ nữ trẻ ở Afghanistan.

“Tôi chính là bức tranh thể hiện những gì mà Taliban không muốn nữ giới Afghanistan trở thành. Tôi sử dụng tiếng nói của mình, tôi muốn sự bình đẳng và có đầy đủ quyền như nam giới. Tôi thể hiện bản thân cả trên lẫn ngoài sân cỏ. Tôi nghĩ đó là một số giá trị mà Taliban không muốn phụ nữ có được”, cô chia sẻ.

Ánh Dương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nu-cau-thu-afghanistan-taliban-khong-muon-phu-nu-giong-nhu-toi-post1262433.html