Nữ cầu thủ Kim Thanh: Giỏi việc nước, đảm việc nhà

Ngày trở về nước sau hành trình lịch sử ở World Cup nữ 2023, đứng trước giới truyền thông, thủ môn Trần Thị Kim Thanh từ chối nhận những lời khen về mình. Vì theo cô, mỗi thành viên của đội tuyển nữ Việt Nam đều đóng góp vào sứ mệnh lịch sử bóng đá nước nhà.

Tỏa sáng ở sân khấu World Cup

Lần đầu đến với ngày hội lớn, các “cô gái kim cương” của bóng đá nữ Việt Nam khó tránh những bỡ ngỡ, đặc biệt khi phải đương đầu với những đội tuyển mạnh hàng đầu thế giới, đó là đương kim vô địch Mỹ, á quân Hà Lan hay một Bồ Đào Nha hùng mạnh đến từ châu Âu.

Theo thống kê từ Whoscored, sau 3 trận đấu ở vòng bảng World Cup nữ 2023, Kim Thanh có đến 18 lần cản phá thành công và 80 lần ngăn chặn cơ hội ghi bàn khác từ các đối thủ. Màn trình diễn xuất ấy đã chiếm trọn tình cảm người hâm mộ thế giới. FIFA dành một bài viết trân trọng với tiêu đề: “Giờ cổ động viên Mỹ đã biết đến Kim Thanh là ai!”.

“Sao Thanh sao bắt hay thế?”. Nhận được câu hỏi của chúng tôi, Thanh nhanh nhảu đáp: Đấu trường World Cup không có chỗ cho sợ sệt, nếu mang tâm lý sợ hãi thì nên chọn cách ở nhà. “Dầm mưa, dãi nắng” qua biết bao giải đấu để đoạt được tấm vé đến với ngày hội lớn, nên bóng đá nữ Việt Nam cần những cầu thủ kiên cường, nhiệt huyết và giàu khát vọng vươn lên như Kim Thanh cho hành trình bước ra biển lớn, để có thể biến những kỳ World Cup tiếp theo thành hiện thực.

Thủ môn Trần Thị Kim Thanh đã tạo nên dấu ấn lịch sử trong lần đầu dự World Cup cùng bóng đá nữ Việt Nam

Thủ môn Trần Thị Kim Thanh đã tạo nên dấu ấn lịch sử trong lần đầu dự World Cup cùng bóng đá nữ Việt Nam

Nổi tiếng ở World Cup nữ 2023, song Kim Thanh đón nhận mọi thứ một cách nhẹ nhàng. Bởi cô luôn mang tâm thế cố gắng thi đấu hết sức, để không phụ lòng mong đợi của người hâm mộ. Nhiệm vụ của Kim Thanh đơn thuần là bảo vệ vững chắc khung thành, và rằng: “Đấy không chỉ là đam mê, mà còn là trách nhiệm của tôi với Tổ quốc, với lá cờ đỏ sao vàng in trên ngực áo thi đấu”.

“Tôi từng được nhận câu hỏi: Có bị ngợp với sự nổi tiếng có được từ giải đấu này không? Ngày nào thi đấu tốt, được mọi người khen, thì bản thân đón nhận bằng niềm hạnh phúc và kèm theo một lời cảm ơn đến mọi người đã quan tâm, ủng hộ. Đúng là tôi vui thật, song niềm vui ấy chỉ kéo dài đến hết ngày thi đấu. Sang hôm sau, tôi trở về với sự tập trung cao nhất để chuẩn bị cho những trận đấu tiếp theo”, Kim Thanh trải lòng.

Một câu trả lời giản dị, khiêm nhường từ Kim Thanh đã giải thích vì sao cô luôn được đồng đội yêu quý, nhận trọn niềm tin tuyệt đối từ HLV Mai Đức Chung ở đội tuyển nữ Việt Nam lẫn HLV Đoàn Thị Kim Chi tại CLB chủ quản nữ TPHCM.

Lan tỏa nét đẹp truyền thống

Trở về Long An sau hành trình lịch sử ở New Zealand, Kim Thanh tìm lại cảm giác bình yên bên những bữa cơm ấm cúng cùng gia đình, được xuống bếp để học thêm các món ngon mẹ nấu. Nữ thủ môn nở nụ cười tươi và tự tin trả lời nấu ăn, khi nhận được câu hỏi: Sở trường của Thanh là gì? Kim Thanh tự tin không phải vì cô là một đầu bếp giỏi, mà bởi: “Chưa bao giờ thấy đồng đội bỏ bữa ăn mà tôi nấu”.

Những chuyến tập huấn hay thi đấu lâu ngày, Thanh khó tránh cảnh thèm món ăn Việt Nam, nên cô được chọn trở thành “đầu bếp chính”, cung cấp nguồn dinh dưỡng cho toàn đội. Và cũng từ những công việc chiên, xào hay hấp những món ăn, mà cô gái người Long An tìm thấy sự thoải mái sau mỗi trận cầu căng thẳng.

Thời gian rảnh, Kim Thanh thường lên mạng để tìm thêm những công thức nấu ăn ngon, hay nhờ mẹ tư vấn qua điện thoại. Cô cũng khuyên các đồng đội nên học tập nấu ăn, bởi không chỉ đảm bảo được sức khỏe, mà còn gìn giữ những nét đẹp truyền thống của phụ nữ Việt. Thanh biết nấu ăn là nhờ mẹ chỉ dạy, từ những món đơn giản nhất như cá kho tiêu... Mẹ cùng cha và hai anh em trai trong gia đình chính là những cổ động viên đặc biệt, luôn âm thầm ở sau động viên, tiếp lửa cho Thanh khi đến với nghề.

“Ban đầu, cha ủng hộ tôi lên TPHCM học bóng đá, còn mẹ thì chưa. Những ngày đầu ở Trung tâm Thể dục Thể thao Tao Đàn (quận 1, TPHCM), tôi đã khóc rất nhiều. Cha cũng thường đón đứa con gái về nhà. Sau đó, tôi thích ứng được. Hạnh phúc của cha mẹ là thấy con sống được với nghề và tự chăm sóc tốt cho mình”, cô xúc động kể. Và cũng chính vì thế, mỗi một trận đấu hay giải đấu nào thì Thanh luôn không ngừng cố gắng, nỗ lực hơn nữa, để không chỉ giữ vững phong độ, giành thêm nhiều thành tích cao, mà còn làm cho gia đình tự hào.

Sau World Cup nữ 2023, bóng đá nữ Việt Nam vẫn còn khiêm nhường so với bóng nữ thế giới. Song ý chí, tinh thần quả cảm của các “cô gái kim cương” luôn rực cháy ẩn trong chiếc áo đấu in quốc kỳ Tổ quốc. Kim Thanh, cùng nhiều vận động viên thể thao khác, chính là biểu tượng vươn lên của người phụ nữ Việt Nam thời hội nhập, nhưng vẫn luôn ý thức gìn giữ và lan tỏa nét đẹp truyền thống.

Trần Thị Kim Thanh sinh trưởng từ vùng quê nghèo thuộc xã Tân Mỹ (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An). Hồi nhỏ, cô bé nhỏ nhắn đã ra đồng gặt lúa với bố mẹ, hay cùng đám bạn trong thôn mò cua bắt ốc.

Có lẽ nhờ đó đã tạo nên cho Kim Thanh có đôi bàn tay rắn chắc cùng sự phản xạ nhanh nhẹn khi bước chân vào “nghiệp” quần đùi áo số ở tuổi 14. Và trong mắt Thanh, các nữ cầu thủ nếu biết trân quý, luôn mang trong mình khát sẽ tìm thấy được con đường hạnh phúc ở phía trước.

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nu-cau-thu-kim-thanh-gioi-viec-nuoc-dam-viec-nha-post710583.html