Nữ cầu thủ vụt tắt giấc mơ ở tuổi 18 vì bạo bệnh
Ở tuổi 18 với đầy hoài bão, ước mơ nhưng căn bệnh quái ác ập đến lấy đi của nữ tuyển thủ trẻ Trần Thị Hạnh tất cả.
Thay vì ước mơ được chơi bóng, được khoác áo đội tuyển quốc gia, Hạnh giờ chỉ muốn được sống và có một công việc nhẹ nhàng để đỡ đần bố mẹ.
Trần Thị Hạnh bên những kỷ vật khi còn thi đấu bóng đá Ảnh: Thanh Xuân
Dang dở giấc mơ ở tuổi 18
Giữa cái nắng tháng 7 oi ả, trong căn nhà nhỏ đơn sơ ở thôn An Ninh, xã An Thuận, huyện Bình Lục, Hà Nam, Hạnh ngồi một mình trên giường, tay cầm những kỷ vật khi còn đá bóng.
Nước mắt em trào ra, môi mím chặt nhưng rồi cũng rất nhanh chóng, em gạt đi hai dòng lệ và kể về cuộc đời mình, về căn bệnh quái ác Lupus ban đỏ khiến em phải từ bỏ giấc mơ chơi bóng chuyên nghiệp.
Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Hà Nam giàu truyền thống bóng đá nữ, năm lớp 6, Hạnh xin bố mẹ theo tập bóng đá sau khi vượt qua kỳ sát hạch của các thầy ở Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ Hà Nam.
Là con út trong gia đình có bốn chị em, bố mẹ Hạnh ban đầu nhất quyết không cho con chạy theo trái bóng vì sợ con vất vả, nhưng vì thấy quyết tâm cháy bỏng trong mắt con gái, họ dần đồng ý.
“Thực sự lúc đó em không nghĩ quá nhiều, chỉ muốn được thử sức mình ở môi trường mới. Ngoài ra, nếu chơi tốt, đây sẽ là một nghề giúp em ổn định cuộc sống và giúp đỡ phần nào cho bố mẹ. Vậy là, em xách balo xuống thành phố Phủ Lý cùng các thầy bắt đầu cuộc sống mới”, Hạnh kể.
Những ngày đầu rất khó khăn với cô gái sinh năm 2003 bởi cường độ tập luyện cao cộng với việc chưa từng học qua bóng đá khiến cô cảm thấy nản lòng.
Nhưng mỗi lúc như vậy, Hạnh lại nhớ về bố mẹ và bấm bụng cố gắng. Rồi cô gái trẻ dần thích nghi và tiến bộ nhanh chóng, được thi đấu cho các đội trẻ CLB Phong Phú Hà Nam, đội trẻ quốc gia.
Dấu ấn lớn nhất của Hạnh là tấm HCĐ giải U16 nữ Đông Nam Á năm 2019. Năm 2020, em được đôn lên tập luyện cùng đội 1 Phong Phú Hà Nam.
Chơi ở vị trí trung vệ, sở hữu thể hình ổn cùng tinh thần máu lửa, Hạnh là niềm hi vọng của bóng đá Hà Nam nói riêng, bóng đá nữ Việt Nam nói chung.
Nhưng giữa con đường sự nghiệp thênh thang ấy, một cú sốc lớn ập đến khiến cô gái quê Bình Lục không thể bước tiếp. Khi đang ở Bình Dương tham dự Giải bóng đá nữ vô địch quốc gia 2020, em lên cơn sốt triền miên, toàn thân nổi nhiều nốt đỏ.
“
Lúc bình thường thì em không đau hay khó chịu gì. Nhưng những cơn đau đầu, đau bụng hành hạ em thường xuyên. Chúng đến bất chợt, có khi là vào ban đêm khiến em không thể chợp mắt, đau đến muốn khóc. Nhưng em cố gắng chịu đựng một mình, không kêu than vì bố mẹ phải nghỉ ngơi để hôm sau đi làm.
Trần Thị Hạnh
”
“Em đi khám thì bác sĩ chỉ nói là dị ứng và sốt. Nhưng em rất mệt, mệt đến mức không còn sức lực gì nữa, có lúc sốt tới 42, 43 độ. Đêm trước khi bay ra Hà Nội, em thấy mình gần như không cảm giác gì, sốt liên tục. Em gọi về cho bố nói rằng nếu tới 7h sáng hôm sau mà không thấy con gọi thì con đã chết rồi bố nhé…”, nói đến đây, nước mắt Hạnh lại trào ra.
Về phần gia đình, ông Trần Văn Bích sau cú điện thoại của con thì cả đêm thao thức. Sáng sớm hôm sau, ông vay tiền để thuê xe lên Hà Nội đón con ở sân bay rồi cõng con lên xe đưa thẳng tới Bệnh viện Bạch Mai.
“Ở đây hai ngày các bác sĩ mới xác định được em nó bị Lupus ban đỏ. Nghe bác sĩ nói về căn bệnh quái ác không thể chữa khỏi, chân tay tôi như rụng rời. Nhưng tôi nghĩ mình phải nghị lực để làm chỗ dựa cho con, lo cho con chứ giờ mà tôi cũng gục thì con biết trông vào ai”, ông Bích tâm sự.
Điều trị tích cực tại bệnh viện một thời gian, Hạnh qua cơn hiểm nghèo và được bác sĩ cho về nhà tiếp tục điều trị theo phác đồ. Mỗi tháng em phải lên bệnh viện thăm khám và lấy thuốc một lần. Con đường bóng đá chuyên nghiệp của cô gái trẻ vùng chiêm trũng cũng chính thức khép lại.
Nói về cô học trò nhỏ, HLV Phạm Văn Hải của CLB Phong Phú Hà Nam chia sẻ: “Dù mới lên đội 1 nhưng ý thức tập luyện, tác phong của em rất chuyên nghiệp. Em cũng có tiềm năng và đang phát triển tốt ở vị trí trung vệ. Tôi đã có hướng để em trở thành trụ cột của đội trong tương lai nhưng không ngờ số phận của em lại không may mắn”.
“Em sẽ nỗ lực để không là gánh nặng cho bố mẹ”
Trần Thị Hạnh (thứ hai từ phải, hàng trên) trong màu áo U16 Việt Nam. Ảnh: VFF
Nói về cuộc sống hiện tại, Hạnh cho biết em chỉ làm được một số việc vặt như nấu cơm, quét nhà giúp đỡ bố mẹ chứ không thể vận động mạnh.
“Em chưa bao giờ hình dung cuộc sống sẽ thành ra thế này. Em từng mơ ước được chơi bóng chuyên nghiệp, đá giải quốc gia và khoác áo đội tuyển cùng các chị Tuyết Dung, Huỳnh Như. Em thấy trống vắng lắm, vì thiếu bóng đá, nhớ mùi cỏ sân, mùi nắng trong các buổi tập. Hơn tất cả, bóng đá em đã xác định là nghề sẽ nuôi sống mình, để mình giúp bố mẹ đỡ vất vả nhưng giờ em lại thành gánh nặng của gia đình”, nữ cầu thủ nói với gương mặt rầu rĩ.
Được biết, ngoài bệnh Lupus ban đỏ, Hạnh còn đang phải điều trị bệnh trào ngược dạ dày, viêm tụy, viêm cầu thận. Mỗi lần đi khám, lấy thuốc đều hết trên dưới 8 triệu đồng. Số tiền này với một gia đình làm nông nghiệp mà nói không hề đơn giản.
“Em từng nghe thấy bố mẹ to tiếng vì sắp tới ngày lấy thuốc mà chưa lo đủ tiền cho em. Bố mẹ em cũng lớn tuổi rồi, sức khỏe không còn nhiều mà hàng ngày đều phải đi xây, đi phụ hồ để lo cho em…”, Hạnh buồn rầu.
Nói là vậy nhưng Hạnh khẳng định, cô sẽ không từ bỏ cuộc chiến với bệnh tật để tiếp tục sống tốt từng ngày.
“Với em, bóng đá là cuộc sống. Nhưng nếu mình không may mắn thì mình phải nỗ lực từng ngày để sống một cuộc sống khác. Có thể chặng đường này khép lại nhưng chặng đường khác sẽ mở ra. Em sẽ bước tiếp thật lạc quan và mạnh mẽ”, Hạnh nói.
Cựu tuyển thủ U16 quốc gia cho biết thêm, trước mắt sức khỏe chưa ổn định nên em chỉ tập trung vào điều trị. Em hi vọng hợp thầy, hợp thuốc, mọi thứ được cải thiện. Tới khi đó, em sẽ đi học may để phụ giúp bố mẹ. “Công việc này không đòi hỏi quá nhiều sức lực, lại không phải ra nắng nên em nghĩ nó phù hợp với em”, Hạnh nói.
Ông Trần Văn Bích thì bộc bạch, vợ chồng ông có tất cả bốn người con, các anh chị của Hạnh đều đã lập gia đình nhưng kinh tế bình thường nên việc chạy chữa cho con gái út vẫn phải trông chủ yếu vào bố mẹ.
“Tôi đi xây được 240 nghìn đồng/ngày, nhà tôi phụ thì được 220 nghìn. Số tiền này trước đây cũng gọi là đủ ăn, dành dụm để xây căn nhà nhỏ, mọi thứ không quá khó khăn. Nhưng giờ em nó như vậy, vợ chồng tôi đi làm gần như chỉ đủ tiền thuốc men. Tôi luôn động viên con phải cố gắng vui vẻ, tinh thần tốt thì thuốc mới có hiệu quả, mọi thứ đã có bố mẹ cáng đáng. Với vợ chồng tôi, thôi thì chỉ mong ông trời phú cho sức khỏe, để đi làm được mà lo cho con chứ chẳng dám mơ ước gì cao sang”, ông Bích tâm sự.