Nữ CEO doanh nghiệp công nghệ: Nữ tính là ưu thế nhưng vẫn tự mình làm 'mái che mưa'!
Nam giới làm CEO sẽ có nhiều thuận lợi, nhưng một nữ CEO không hẳn chỉ có những khó khăn mà cũng có những thuận lợi riêng, bởi cái 'yếu', nữ tính của phụ nữ chính là điểm mạnh để họ xử lý công việc một cách trơn tru. Cũng vì thế, cơ hội luôn rộng mở cho phụ nữ trong ngành vốn được mặc định là 'của đàn ông'.
Đó là suy nghĩ của Trang Đào - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vay Mượn – Đơn vị thành viên của Tập đoàn Công nghệ NextTech. Điều hành hoạt động của start-up trong lĩnh vực vay tiêu dùng tín chấp không gặp mặt đầu tiên tại Việt Nam, trên tay Trang Đào luôn là chiếc điện thoại và thường trực trong đầu là công việc.
8x đời cuối nhưng đã qua những thất bại không nhớ nổi số lần
Tại NextTech, Trang Đào đi lên từ một nhân viên Marketing 6 năm trước, trải qua các vị trí từ Trưởng phòng Marketing, lên trưởng dự án của Thanh toán online, rồi CMO của Vimo và đến giờ là CEO của Vay Mượn. Kèm theo vài năm trước đó làm một số sản phẩm start up khác, Trang Đào thừa nhận bản thân đã nhiều lần “bầm dập” với những thất bại không nhớ nổi số lần.
“Tôi đã từng trải qua những khó khăn khi sản phẩm làm ra bị thất bại. Nhưng, sau lần thất bại đó, tôi lại được tin tưởng giao cho cơ hội để làm những sản phẩm khác và tính đến nay, tôi tự cảm thấy mình đã đạt được những mục tiêu mà mình đề ra”, nữ CEO 8x đời cuối nói.
Chị nhận mình là người sống đơn giản, không quá quan tâm đến mọi người nói gi hay nghĩ gì về mình, nhưng điều góp phần giúp chị thực hiện được những kế hoạch đề ra chính là sự quyết tâm và cố gắng. Một khi đã nhận lời thì chắc chắn sẽ làm đến nơi đến chốn.
Trang Đào đánh giá, thách thức trong ngành công nghệ là chung cho cả nam và nữ, không phải cho riêng giới nào. Cùng với đó, môi trường kinh doanh nhiều thay đổi, sức ép cạnh tranh trên thị trường toàn cầu ngày càng cao, yêu cầu về sản phẩm ngày càng khắt khe thì việc không ngừng học hỏi để quy trình tinh gọn hơn, sản phẩm thân thiện với người dùng hơn, lao động năng suất cao hơn trở thành điều tất yếu.
“Vấn đề là bạn phải đủ cầu tiến, kiến thức, có quyết tâm và sự kiên trì học hỏi, nếu không thì dù là đàn ông hay phụ nữ, bạn cũng sẽ bị bỏ lại”, Trang Đào cho biết.
Trang Đào gửi gắm tới các chị em đang làm start-up rằng, trước mỗi lần thất bại, không nên suy nghĩ quá nhiều, hãy giảm suy nghĩ tiêu cực để hướng về phía trước.
Xuất thân vốn không phải dân công nghệ, lại làm việc không đúng chuyên ngành Trang Đào phải cố gắng gấp hai, ba lần người khác để điều hành một doanh nghiệp công nghệ. Từ khi ra trường, để bước ngang sang lĩnh vực không liên quan gì đến quá trình mình được đào tạo, Trang Đào đã phải học thêm rất nhiều, tự học thường xuyên và liên tục.
Một năm chị phải đi học khoảng hai, ba lần và chị luôn cho rằng mình rất may mắn khi làm ở NextTech, được các lãnh đạo tạo điều kiện tối đa cho đi học, thậm chí được hỗ trợ toàn phần hoặc một phần chi phí. “Nhờ đó, tôi cứ tự tin để đi học, tự tin update kiến thức thôi”, Trang Đào nói.
Cái “yếu” của phái nữ chính là điểm mạnh
Sau khi nhận lời làm start-up Vay Mượn một cách chóng vánh – chỉ sau một đêm suy nghĩ, “trong khoảng 6 tháng đầu, tôi chỉ ngủ 4 - 5 giờ mỗi ngày, sụt đi 3 kg, thậm chí không có thời gian để mệt mỏi. Đến thời điểm hiện tại, tôi không dám nhìn vào những bức ảnh phờ phạc của mình giai đoạn ấy. Tuy nhiên, đó là quãng thời gian mà tôi tự hào, bởi được làm công việc mà mình đam mê”, CEO Vay Mượn nhớ lại.
Có gần chục năm gắn bó công việc liên quan mật thiết đến công nghệ và 4 năm “đứng mũi chịu sào” Vay Mượn, Trang Đào luôn cho rằng nam giới làm CEO sẽ có nhiều thuận lợi, nhưng một nữ CEO không hẳn chỉ có những khó khăn mà cũng có những thuận lợi riêng, bởi cái “yếu”, nữ tính của phụ nữ chính là điểm mạnh để họ xử lý công việc một cách trơn tru.
Khách hàng, đối tác trong lĩnh vực công nghệ chủ yếu là nam, nên trong quá trình đàm phán, thuyết phục, hợp tác, một CEO nữ có thiên hướng mang lại sự mềm mại cho mối quan hệ, không đẩy cuộc trao đổi, đàm phán đi vào thế gay go, quyết liệt.
Không những thế, về đối nội, CEO nữ thường hiểu nhân viên hơn, quan tâm tới đời sống tinh thần cũng như văn hóa nội bộ của công ty nhiều hơn. Hiện, Vay Mượn chỉ mới 2 năm tuổi đời nhưng có văn hóa nội bộ riêng, có đời sống văn hóa đặc trưng, trở thành một thể thống nhất từ trên xuống dưới.
Đứng trước câu hỏi “Hạnh phúc nhất khi nào?”, Trang Đào không cần thời gian suy nghĩ: “Khi mọi người xung quanh đều hạnh phúc. Mà lúc nào tôi cũng cảm thấy hạnh phúc, cảm thấy vui. Đa số, đến 90%”.
Không khí Ngày Phụ nữ Việt Nam ở Vay Mượn.
Tuy nhiên, chị thừa nhận mình sống nội tâm, ít khi chia sẻ khó khăn với mọi người, bởi suy nghĩ thường trực: “”Bản thân là mái che mưa cho chính mình”, nên khi khó khăn thì thường tự giải quyết. Đến khi bần cùng lắm, khi không thể giải quyết được, Trang Đào mới tham vấn 1, 2 người mà chị cảm thấy rất tin tưởng. Đó có thể là “người thầy” ở công ty cũ, vừa giúp chị trải lòng, vừa cho chị kinh nghiệm mà lại không ảnh hưởng tới công việc hiện tại.
Dù có khó khăn cũng không phiền đến người thân, bởi với Trang Đào, gia đình là cái gì đó rất riêng, nên chị rất ít khi chia sẻ ra bên ngoài và ngược lại, chị hầu như không chia sẻ về công việc với gia đình. Kết thúc một ngày làm việc, trở về nhà, áp lực công việc sẽ ở ngoài cửa, dù đặc thù công việc của một start-up là luôn bất chấp thời gian.
Câu chuyện trên chỉ là một trong vô vàn những câu chuyện thành công của phái đẹp trong ngành CNTT. Phụ nữ trước đây có thể bị đánh giá thấp hơn nam giới trong lĩnh vực công nghệ, nhưng những gì họ thể hiện từng ngày chứng minh quan điểm “phụ nữ không phù hợp với ngành CNTT” là hoàn toàn sai lầm. Các chị em giờ đây không còn sự tự ti, mà sẵn sàng đứng lên để thực hiện ước mơ của chính bản thân mình và thành công đang chờ ở phía trước!