Nữ chỉ huy đội bay chiến đấu đầu tiên của Singapore
Cô gái trẻ hy vọng rằng phụ nữ hoàn toàn có thể nhận một vị trí trong quân đội hoặc bất kỳ ngành nào là thế mạnh với nam giới.
Lee Mei Yi (37 tuổi) đã thu hút sự chú ý của truyền thông và công chúng khi cô trở thành nữ chỉ huy đầu tiên của đội bay chiến đấu thuộc Lực lượng Không quân Cộng hòa Singapore (RSAF).
Trước đó, vị trí này chỉ giành cho nam giới. Việc một phụ nữ chỉ huy phi đội F-16 tại Lễ diễu hành mừng Quốc khánh năm nay khiến nhiều người bất ngờ và tò mò hơn.
Lee Mei Yi là người hiểu rất rõ tầm quan trọng và ý nghĩa của việc trở thành chỉ huy nữ đầu tiên của đội bay F-16. Dù giới tính không phải yếu tố quyết định khi trở thành một phi công chiến đấu, các ứng viên nữ trong lĩnh vực này còn rất ít.
"Bằng cách kể câu chuyện của mình, tôi hy vọng sẽ giúp những người phụ nữ khác nhận thấy rằng họ có quyền khát khao, để có thể nhận một vị trí trong quân đội hoặc bất kỳ ngành nào do nam giới thống trị", phi công 37 tuổi nói với CNA.
Hành trình chinh phục bầu trời
Bố mẹ Lee mô tả cô là một người "bướng bỉnh và nóng tính", trong khi nữ chỉ hủy tự nhận mình là người khá "cứng đầu".
"Tôi thích sự thử thách và thích làm những điều khác biệt. Tôi luôn xác định mình sẽ đi du học để mở rộng tầm nhìn, vươn ra khỏi bên ngoài Singapore", cô Lee chia sẻ.
Và giấc mơ của cô cuối cùng cũng thành hiện thực. Sau khi tốt nghiệp đại học, cô nhận học bổng SAF để theo ngành Kinh tế và Khoa học Chính trị tại Mỹ. Mặc dù vậy, cô Lee lại rẽ sang con đường khác mà chính bản thân cô cũng không ngờ tới.
Cuộc gặp gỡ tình cờ với Poh Li San, một nữ phi công của RSAF (hiện là phó chủ tịch của Tập đoàn Sân bay Changi), trong quá trình "Huấn luyện Quân sự Cơ bản" đã thôi thúc Lee theo đuổi nghề này.
Sau khóa huấn luyện, chỉ có Lee quyết định ở lại quân đội. Cô đã nhận được Học bổng khen thưởng SAF dành cho Phụ nữ và bay đến Chicago, nơi cô hoàn thành bằng Nghiên cứu Quốc tế. Cô đã mất 3 năm để trải qua việc huấn luyện ở Australia, Pháp và Mỹ. Sau đó, Lee trở về Singapore và được đưa vào Phi đội 145 với tư cách là một phi công cơ sở.
Hành trình trở thành phi công chiến đấu không hề dễ dàng. Chỉ những người có năng khiếu về hàng không quân sự mới được đưa vào danh sách đào tạo thêm. Tất cả ứng viên, cả nam lẫn nữ, đều phải đạt các tiêu chí khắt khe về sức khỏe.
Ban đầu, Lee cũng không nghĩ mình sẽ được theo ngành quân sự vì cô bị cận thị. Mặc dù vậy, cô đã quyết tâm thực hiện hoài bão đời mình bằng việc làm phẫu thuật mắt để đạt tiêu chuẩn. Năm 30 tuổi, Lee đã là nữ phi công chiến đấu cấp cao nhất trong lực lượng không quân Singapore.
Truyền cảm hứng cho nữ giới
Khi được hỏi liệu có phải Top Gun, bộ phim hành động Mỹ nói về các phi công hải quân, đã tác động đến việc đến lựa chọn nghề nghiệp, Lee nói rằng cô được truyền cảm hứng từ một tác phẩm khác.
Cô Lee chia sẻ: "Lúc đó, tôi rất ám ảnh với Buffy The Vampire Slayer. Bộ phim không liên quan gì đến phi công, nhưng nó thể hiện hình tượng phụ nữ rất mạnh mẽ. Ở một mức độ nào đó, bộ phim thôi thúc tôi theo đuổi sự nghiệp này".
Công việc của Lee với tư cách sĩ quan chỉ huy là đảm bảo phi đội thực hiện đúng các yêu cầu được đề ra. Ví dụ, mỗi hoạt động thực hành là một bài kiểm tra việc thực hiện các thao tác của hồ sơ trong giới hạn an toàn.
"Bạn phải có tầm nhìn và phải truyền đạt điều đó. Chỉ huy là người đặt ra các cột mốc để đội đạt được. Những người trong phi đội máy bay chiến đấu thường có hiệu suất làm việc cao. Chỉ cần giải thích ý định làm điều gì đó, họ sẽ dễ dàng hoàn thành công việc mà không cần phải nhắc lại nhiều", cô bày tỏ về công việc của mình.
Lee nói với CNA Women rằng giới tính không phải là yếu tố quan trọng khi nói đến vai trò lãnh đạo trong quân đội.
Nữ chỉ huy cho rằng có một số phẩm chất rất quan trọng mà mỗi người cần có được đó là sự kiên cường, khôn ngoan để chuẩn bị cho những điều bất ngờ, và tất nhiên có kiến thức sâu sắc về hồ sơ liên quan đến một nhiệm vụ cụ thể.
Lee bày tỏ sự hy vọng sẽ ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia lĩnh vực này. Tính đến năm nay, SAF (Lực lượng vũ trang Singapore) có hơn 1.600 nữ quân nhân, chiếm khoảng 8% lực lượng chính quy của mình. Kể từ năm 2015, hơn 500 phụ nữ được đào tạo và triển khai trong các vai trò tình nguyện viên khác nhau tại Quân đoàn Tình nguyện SAF.
"Tôi hy vọng trong tương lai, việc phụ nữ làm phi công sẽ trở nên phổ biến đến mức không cần phải tuyên bố bất kỳ ai là người đầu tiên làm điều gì đó. Sẽ chẳng có gì là kỳ lạ đến mức phải ngạc nhiên như bây giờ", Lee bày tỏ.