Nữ chiến sĩ an ninh của những sự kiện đặc biệt
Bề bộn với nhiệm vụ được phân công, sớm nhất là 23h và muộn nhất là 3h sáng hôm sau, chị trở về nhà rồi lại tất tả lên đường... Lúc đi, hai con thơ còn say giấc, khi trở về thì đã quá nửa đêm. Song, vất vả nhất vẫn là những thời điểm cả anh và chị cùng được phân công tham gia vào các kế hoạch lớn của đơn vị...
Đêm về khuya, Hà Nội chìm trong giấc ngủ yên bình. Bỏ lại sau lưng những ồn ã, tất tả của cuộc sống đô thị xô bồ, náo nhiệt, Hà Nội về đêm tĩnh lặng đến nao lòng...
Kéo mạnh tay ga, Trung tá Nguyễn Thị Hoàng Vân, cán bộ Phòng 1, Cục An ninh đối ngoại, Bộ Công an, muốn lao nhanh về tổ ấm của mình. Chị nhớ đến bữa cơm gia đình đầm ấm, chiếc bánh mỳ lót dạ thay cho bữa tối lúc 22h chẳng thấm tháp là bao...
Bề bộn với nhiệm vụ được phân công, sớm nhất là 23h và muộn nhất là 3h sáng hôm sau, chị trở về nhà rồi lại tất tả lên đường... Lúc đi, hai con thơ còn say giấc, khi trở về thì đã quá nửa đêm. Song, vất vả nhất vẫn là những thời điểm cả anh và chị cùng được phân công tham gia vào các kế hoạch lớn của đơn vị. Những lúc đó, hai con nhỏ đều phải nhờ đến sự giúp đỡ của người thân trong gia đình...
1. Lần này, Trung tá Nguyễn Thị Hoàng Vân được giao nhiệm vụ tham gia tổ công tác đặc biệt của Cục An ninh đối ngoại, triển khai đề án đảm bảo an ninh, an toàn Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần 2 tại Việt Nam. Từng tham dự không ít sự kiện quốc tế và khu vực diễn ra tại Việt Nam, song tính chất đặc biệt của nhiệm vụ được phân công lần này khiến chị không khỏi lo lắng.
“Lãnh đạo Đảng, Nhà nước xác định cuộc gặp gỡ giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên để giải quyết vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên cũng như chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un là sự kiện chính trị đặc biệt, mang tầm vóc quốc tế, thu hút sự quan tâm của toàn thế giới..., điều đó đặt ra những khó khăn, thách thức đối với công tác an ninh của Việt Nam”, Trung tá Nguyễn Thị Hoàng Vân cho biết.
Vì thế, áp lực đặt ra đối với chị và đồng đội là rất lớn. Có những lúc vừa đặt lưng, chị lại choàng tỉnh giấc khi một ý tưởng mới bất ngờ ập đến. Chưa một nhiệm vụ nào mà chị cảm thấy lo lắng đến thế. Bởi sự kiện này không chỉ góp phần vào thành tích chung của lực lượng an ninh đối ngoại mà còn góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Vào thời điểm đó, chị và các thành viên của tổ công tác còn phải đối mặt với những khó khăn khác. Đó là toàn bộ chương trình hoạt động của đoàn công tác không được thông báo trước. Các dữ liệu cần thiết nhất như địa điểm ăn nghỉ và các tuyến đường di chuyển như thế nào thì chỉ đến lúc gần diễn ra sự kiện mới được biết. Có rất ít thời gian để chuẩn bị nhưng yêu cầu đặt ra cho công tác bảo đảm an ninh hết sức nặng nề, đòi hỏi phải triển khai trên quy mô rộng và cường độ hoạt động lớn.
Theo nhiệm vụ được phân công, Trung tá Nguyễn Thị Hoàng Vân phải xây dựng các phương án để khi có thông báo chính thức thì sẽ không bị động trong việc thực hiện. “Để xây dựng kế hoạch, tôi và đồng đội đã tham mưu cho lãnh đạo Cục An ninh đối ngoại tổ chức các đoàn công tác đến các địa phương, khảo sát tình hình. Những chi tiết nhỏ nhất có thể xảy ra cũng được tổ công tác đặt ra để xử lý...
Điển hình là phương án đón, tiễn và di chuyển của đoàn Chủ tịch Triều Tiên bằng đường sắt và đường bộ trên đoạn đường 174 km, qua 4 tỉnh, thành phố với địa hình phức tạp, đây là vấn đề rất mới trong công tác đối ngoại”, Trung tá Vân chia sẻ.
Từ kết quả khảo sát, chị và các cán bộ trong tổ công tác đặc biệt đã chủ động tham mưu cho lãnh đạo các cấp xây dựng đề án đảm bảo an ninh hội nghị. Trong đó, đã huy động tất cả các lực lượng; có sự phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng cho từng thành phần tham gia kế hoạch. Kế đó là việc chuẩn bị tài liệu phục vụ lãnh đạo Bộ dự họp Bộ Chính trị, họp Chính phủ; tài liệu phục vụ họp các đơn vị, địa phương có liên quan.
Trong những ngày đó, tổ công tác đặc biệt, trong đó có Trung tá Vân thường xuyên liên hệ, phối hợp với các đầu mối trong và ngoài ngành, nhất là Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng. Từ đó điều phối công tác các đơn vị, địa phương theo nhiệm vụ được phân công và xử lý những tình huống đột xuất, phát sinh trong quá trình triển khai các kế hoạch.
Trung tá Nguyễn Thị Hoàng Vân nhớ lại: Trong những ngày hai nhà lãnh đạo có mặt ở Việt Nam, đơn vị duy trì chế độ thông tin, báo cáo ngày. Vào những ngày cao điểm diễn ra sự kiện tại Hà Nội, đã thực hiện chế độ báo cáo 3 lần/ngày. Nội dung báo cáo của tổ công tác đã phản ánh đầy đủ tình hình liên quan đến hội nghị và đề nghị của hai đoàn Mỹ, Triều Tiên; công tác bảo đảm an ninh và công tác đã triển khai của lực lượng công an.
Phương án là vậy nhưng vẫn có những vấn đề phát sinh đặt ra, Trung tá Vân cho biết: “Kế hoạch dù chuẩn bị kỹ lưỡng đến đâu cũng có những phát sinh. Trong quá trình triển khai kế hoạch, có rất nhiều tình huống liên quan đến công tác đảm bảo an ninh của hai đoàn. Tôi đã chủ động tham mưu với lãnh đạo các cấp điều chỉnh, bổ sung kế hoạch, kịp thời giải quyết các tình huống đột xuất, được lãnh đạo các cấp đánh giá cao. Với thành tích này, Trung tá Nguyễn Thị Hoàng Vân đã được lãnh đạo Bộ Công an tặng bằng khen.
2. Công tác trinh sát đối với một cán bộ nam giới vốn đã vất vả. Với người phụ nữ còn phải đảm nhận thiên chức làm vợ, làm mẹ thì còn khó khăn hơn nhiều... Nhưng trong những năm qua, với nhiệm vụ nắm tình hình, tham mưu, tổ chức đấu tranh có hiệu quả với hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia của các thế lực thù địch và gần đây được điều động về Phòng 1, làm công tác tham mưu, người nữ cán bộ ấy đã phát huy năng lực của mình.
Chị chủ động nắm bắt thông tin, tham mưu cho lãnh đạo đơn vị xây dựng, triển khai và trực tiếp tham gia nhiều nhiệm vụ hết sức quan trọng. Như đề án “Đảm bảo an ninh đối với một số hội nhập tiểu vùng; đề án cấp Chính phủ và kế hoạch “Đảm bảo an ninh, an toàn Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN 2018”...
Để có thể tham mưu cho lãnh đạo đơn vị, trước mỗi chủ trương được giao, chị phải bỏ nhiều công sức đọc và nghiên cứu tài liệu, rồi tổng hợp, phân tích tình hình để tham mưu với lãnh đạo cục, xây dựng các kế hoạch. Cái khó nhất của chị và đồng đội là trong điều kiện hội nhập phải làm sao vừa đáp ứng được yêu cầu ngoại giao nhưng vẫn phải đảm bảo công tác an ninh.
Một trong những thành tích nổi bật nhất của Trung tá Nguyễn Thị Hoàng Vân trong những năm qua là tham mưu, đề xuất xây dựng thực hiện đề án cấp Bộ Công an về “Đảm bảo an ninh quốc gia khi Cộng đồng ASEAN hình thành và phát triển”.
Trung tá Vân nhớ lại: Nhận thức được tầm quan trọng và vai trò của hội nhập quốc tế, nhất là tham gia cơ chế ASEAN nên ngay sau khi Cộng đồng ASEAN chính thức thành lập, tôi đã tham mưu với lãnh đạo xây dựng đề án cấp bộ về lĩnh vực này. Nội dung đề án đã đánh giá toàn diện những thuận lợi, khó khăn của Việt Nam... Từ đó, nêu lên những vấn đề đặt ra đối với công tác công an và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị trực thuộc Bộ Công an.
“Nội dung đề án sau đó được quán triệt tới cán bộ, chiến sỹ trong toàn lực lượng công an để có nhận thức toàn diện về Cộng đồng ASEAN và nhiệm vụ đặt ra đối với công tác công an”, Trung tá Vân cho biết. Hằng năm, chị đều tham mưu cho lãnh đạo các cấp xây dựng kế hoạch cụ thể, triển khai đề án, gắn với kế hoạch công tác công an tham gia ASEAN phù hợp với đặc thù của từng thời điểm. Định kỳ hằng năm đều có báo cáo sơ kết kết quả triển khai thực hiện Đề án được lãnh đạo các cấp đánh giá cao và được lãnh đạo Bộ phê duyệt, tặng bằng khen sơ kết 2 năm thực hiện đề án.
Hoàn thành xuất sắc vai trò Thường trực Nhóm giúp việc Tiểu ban An ninh và Y tế Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN); chủ trì xây dựng và phối hợp với các đơn vị triển khai đề án cấp Chính phủ và các kế hoạch “Bảo đảm an ninh, an toàn Hội nghị WEF ASEAN 2018”... cũng là những thành tích của Trung tá Nguyễn Thị Hoàng Vân. Chị nhớ lại: Đây là sự kiện đối ngoại lớn nhất của Việt Nam trong năm 2018, có đặc thù riêng là Chính phủ Việt Nam và WEF đồng chủ trì. Do đó, trong quá trình tổ chức phải có sự thống nhất giữa hai bên, trong đó có công tác bảo đảm an ninh, an toàn hội nghị.
Các giải pháp góp phần hiệu quả những nhiệm vụ được giao trong hội nghị này là tham mưu thành lập và đảm bảo đầy đủ các lực lượng tham gia Tiểu ban An ninh và Y tế Hội nghị WEF ASEAN; nghiên cứu, đánh giá tình hình tác động đến an ninh, an toàn hội nghị. Từ đó, đề xuất các công tác trọng tâm của Tiểu ban An ninh và Y tế để báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ. Trong quá trình chuẩn bị và triển khai các mặt công tác, cũng phải điều chỉnh một số nội dung trong đề án bảo đảm an ninh, an toàn cho phù hợp.
Có một kỷ niệm mà Trung tá Nguyễn Thị Hoàng Vân ấn tượng mãi. Chị kể lại: Tại Hội nghị WEF ASEAN có sự kiện tổ chức hàng nghìn đại biểu. Gần đến ngày diễn ra, hội nghị có số lượng đại biểu tăng đột biến (trước khi sự kiện diễn ra đã có gần 600 trường hợp rà soát, giải quyết cấp thẻ). Đây là điều chưa có tiền lệ vì thông thường danh sách đã dược nắm vững trước đó.
Trong tình huống đó, chị đã chủ động đề xuất lãnh đạo Tiểu ban An ninh và Y tế bổ sung phương án bảo vệ hợp lý, bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối cho các hoạt động của hội nghị. Đồng thời đã phối hợp với các lực lượng rà soát đại biểu và cấp thẻ tại chỗ. Tại các chốt an ninh, kiểm soát người, phương tiện ra vào, chị đã có sáng kiến bổ sung tình nguyện viên tiếng Anh để hướng dẫn khách quốc tế các thủ tục an ninh cần thiết.
Trong quá trình phối hợp với WEF, chị luôn tham mưu với lãnh đạo Tiểu ban An ninh và Y tế, quán triệt nguyên tắc vừa bảo đảm chủ quyền, sự chủ động của nước chủ nhà, vừa đáp ứng các yêu cầu theo đề nghị của WEF. Kết thúc hội nghị, chị đã tập hợp báo cáo kết quả công tác của Tiểu ban An ninh và Y tế, được lãnh đạo các cấp và phía WEF đánh giá cao. Với thành tích này, Trung tá Nguyễn Thị Hoàng Vân vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen.
3. Cùng với công tác chuyên môn, Trung tá Nguyễn Thị Hoàng Vân còn tích cực tham gia, đi đầu trong các hoạt động của hội phụ nữ, hoạt động tình nghĩa của Bộ Công an và của các đơn vị tổ chức. Với những thành tích, kết quả đã đạt được trong công tác, chiến đấu, chị đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen và nhiều bằng khen về thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác...
Chị đang được đề nghị tặng danh hiệu Chiến sỹ Thi đua toàn lực lượng Công an nhân dân năm 2019. 4 năm liên tiếp (2014-2018), chị đạt danh hiệu Chiến sỹ Thi đua cơ sở và được Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tặng Kỷ niệm chương “Vì sự phát triển của phụ nữ Việt Nam”.
Song, phần thưởng lớn nhất đối với người nữ trung tá say nghề, nhạy bén với công việc lại chính là được đóng góp công sức và trí tuệ nhỏ bé của chị, cùng đồng đội thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo an ninh quốc gia, phục vụ quá trình hội nhập.
Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/phong-su/nu-chien-si-an-ninh-cua-nhung-su-kien-dac-biet-553505/