Nữ chiến sĩ bồng súng đi bên Quân kỳ trong lễ duyệt binh Quốc khánh đầu tiên khi đất nước thống nhất
Mỗi năm đến dịp lễ Quốc khánh, chị Dư Thị Thanh Xuân lại nhớ về những ngày tháng hè-thu năm 1975 vinh dự được chọn tham dự lễ duyệt binh chào mừng Quốc khánh đầu tiên khi đất nước thống nhất, như chị và bạn bè vẫn gọi là một thời chói lọi, vinh dự và tự hào.
Ngày 30/4/1975, đất nước hoàn toàn thống nhất thì đầu tháng 5, các đơn vị, lực lượng, cơ quan, bộ ngành đã tập trung để tập duyệt binh. Khối nữ phòng không không quân gồm 10 hàng, mỗi hàng 20 chiến sĩ, 2 người khối trưởng, 3 chiến sĩ tổ quân kỳ và 20 chiến sĩ dự bị, tổng cộng 225 người từ khắp các đơn vị tụ hội, đủ cả các thế hệ nhập ngũ các năm 1971, 1972, 1973, 1974, 1975.
Tiêu chuẩn lựa chọn hàng quân rất rõ ràng. Trước tiên là theo chiều cao. Mỗi hàng đảm bảo một chiều cao tiêu chuẩn, căng dây, nhóm các chiến sĩ có chiều cao đó đứng vào, ai cao hơn dây hoặc thấp hơn dây một chút cũng "out" luôn. Rồi tất cả xếp hàng, lần lượt kéo quần lên quá gối, ai chân vòng kiềng cũng không được tham gia duyệt binh. Sau đó là đến gương mặt để lựa chọn những chiến sĩ đứng hàng đầu và 2 đường biên, đảm bảo đội ngũ ai cũng trẻ trung, rạng ngời.
Hà Nội hè-thu năm 1975 nắng rực. 4 tháng liền gắn với đường băng sân bay Bạch Mai miệt mài tập đội hình đội ngũ cả ngày, nóng ở đường băng hắt lên cháy da, trông chiến sĩ nào cũng đen sạm. Đầu đội mũ cát có quai kéo qua hàm lộ rõ 1 đường da trắng trên gương mặt nâu bóng. Có một câu chuyện vui, chị Thanh Xuân hồi đó được làm mối cho 1 anh hơn cả chục tuổi, gặp chị có ý chê chị đen, xấu. Hơn 1 năm sau gặp lại, anh ấy kinh ngạc vì nước da trắng của cô gái xinh xắn, dịu dàng. Anh rất muốn đến với chị nhưng lúc đó chị đã có người thương.
Yêu cầu mỗi bước diễu binh phải 75cm. Với các nữ chiến sĩ vóc dáng bé nhỏ, chiều cao từ 1,49m đến 1,58m để bước được như thế phải cố gắng rướn thẳng người, sải chân thẳng thật dài về phía trước. Vì vậy chỉ cần tập một lúc là mỏi nhừ. Đất nước vừa qua chiến tranh quá nghèo, cơ thể mọi người gày, thiếu chất nên 4 tháng tập luyện đó thực sự căng như dây đàn. Trong người ngứa, nóng, mồ hôi, thậm chí bị kiến hay muỗi đốt thì vẫn phải tỏ ra như không, cười tươi tập đi, tập đứng, không được lau, gãi. Mặc dù chế độ ăn uống đã được ưu tiên, lại có lương khô ăn nhẹ, nhất là miếng lương khô 702 có viên tăng lực mà vẫn có nhiều nữ chiến sĩ ngất trong buổi tập.
Rồi cũng đến ngày tổng duyệt cuối tháng 8. Lăng Bác vừa khánh thành ngày 29/8/1975 để kịp cho lễ duyệt binh. Tổng duyệt làm 1 buổi, chiều tập trung duyệt đến đêm, vừa để đường phố vắng, vừa mát. Hôm đó mặc trang phục như buổi lễ chính, thửa riêng cho từng người.
2h sáng ngày 2/9/1975, tất cả tập trung chuẩn bị cho lễ duyệt binh đặc biệt. Đội hình các khối xếp dài, ra hết đường Hùng Vương tách ra làm 2 thành khối vuông 10 hàng, mỗi hàng 10 người, 1 hướng đi Đội Cấn, 1 hướng Đinh Tiên Hoàng rồi tập trung lại ở công viên Bách thảo. Lúc tiến vào lễ đài cảm xúc thật khó tả cứ ùa về. Lúc tập thì nhanh mỏi thế, sao lúc tiến qua lễ đài lại nhanh hết vậy, không biết mệt. Chỉ có mấy phút đi qua Lăng Bác mà như đi trên mây, lòng sung sướng, người cứ như bay lên.
10 năm sau, em gái của chị Thanh Xuân là chị Dư Thị Thu Bích cũng được chọn tham gia lễ duyệt binh chào mừng Quốc khánh. Đối với chị em chị Xuân và tất cả những người có mặt trong các sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước, đó là tuổi trẻ lớn lên cùng đất nước, là những kỷ niệm theo ta suốt cuộc đời, thật quí và trân trọng.