Nữ chiến sĩ trên thao trường
'Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu', với tinh thần đó, các nữ chiến sĩ ngày đêm hăng say huấn luyện, quyết tâm trở thành những người lính Cụ Hồ 'vừa hồng, vừa chuyên'.
Ngày đầu làm cô bộ đội
11 giờ trưa, trời nắng gắt đổ xuống thao trường Trường Quân sự Quân khu 7 như thử sức các nữ chiến sĩ mới. Không còn được che kín mặt mỗi khi ra đường, hơi nóng ban trưa làm cho khuôn mặt bắt nắng của các nữ chiến sĩ đỏ như gấc. Trung sĩ Nguyễn Thế Tài, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 9, cho biết, công tác huấn luyện tân binh nam vốn đã khó, với nữ chiến sĩ càng khó hơn. Người chỉ huy không chỉ rèn từng động tác, mà phải nắm bắt tâm lý để giúp chiến sĩ mới vượt qua trở ngại của những ngày đầu bước vào quân ngũ.
Nữ chiến sĩ Nguyễn Thị Hải Anh (tỉnh Quảng Ninh) tâm sự: “Vào lính đặc công là phải chấp nhận khổ luyện, vất vả. Em không sợ gian khó trong huấn luyện, mà ngại trời nắng nóng quá thôi”. Hải Anh cho biết thêm, bố mẹ lo lắng khi biết con gái vào binh chủng Đặc công, sợ con sẽ gặp nhiều gian khổ, nơi đóng quân xa nhà nên sẽ nhớ nhà. Để bố mẹ an tâm, Hải Anh thường trò chuyện với bố, nói rằng ngoài những giờ trên thao trường, tối đến Hải Anh sẽ ôn lại những động tác trong đầu để vừa nhanh tiến bộ vừa đỡ nhớ bố mẹ và các em ở nhà.
Nữ chiến sĩ Lê Thị Huyền Anh (quê Hà Tĩnh, thuộc quân chủng Phòng không - Không quân) kể, ngày đầu vào quân ngũ, Huyền Anh không ngại những gian khó trên thao trường mà chỉ lo lắng xếp chăn màn không được vuông vức theo đúng quy định. Để theo kịp đồng đội, từ 4 giờ 20 sáng, khi đồng đội đang còn yên giấc, Huyền Anh đã dậy để tập xếp chăn màn. Sau 2 tuần nỗ lực, Huyền Anh đã vượt qua nỗi lo ban đầu, chăn màn được xếp gọn gàng trong sự thán phục của đồng đội.
“Chiến sĩ của Quân đoàn 4, đơn vị chủ lực của Bộ Quốc phòng, phải sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ bất cứ lúc nào. Để hoàn thành nhiệm vụ sau này, chúng em phải bắt đầu từ những ngày khổ luyện trên thao trường”, nữ chiến sĩ Trần Thị Trà My chia sẻ. Đồng đội của Trà My cũng nhận xét, chiến sĩ trẻ Trà My tuy nhỏ nhắn nhưng trên thao trường lại nhanh nhẹn, rắn rỏi. Trà My không chỉ giúp đỡ đồng đội trong huấn luyện trên thao trường, mà còn động viên đồng đội khi gặp chuyện buồn.
Cháy lên ngọn lửa tình nguyện
Thiếu tá Dương Ngọc Toán, Trợ lý tuyên huấn, Phòng Chính trị, Trường Chính trị Quân khu 7, thông tin, phần lớn các nữ chiến sĩ trước khi vào quân ngũ đều đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng. Điều đặc biệt, 100% nữ chiến sĩ đều viết đơn tình nguyện tham gia nhập ngũ. Yêu cầu đối với nữ chiến sĩ trong quân đội là không chỉ sức khỏe tốt, bắn súng giỏi mà còn phải có trình độ, nghiệp vụ chuyên môn giỏi.
Thử thách đầu tiên đối với nữ chiến sĩ là ngồi nghe chỉ huy quán triệt, phổ biến các chỉ thị, nghị quyết, quy định của Quân đội, Quân khu 7 và nhà trường. Tuy những con chữ khô khan, nhưng các chiến sĩ phải nắm chắc nội dung đến từng dấu chấm, phẩy. Thiếu tá Dương Ngọc Toán cho biết, bên cạnh những bài huấn luyện giữa nắng gió thao trường về điều lệnh đội ngũ, võ chiến đấu tay không, bắn súng, ném lựu đạn, nữ chiến sĩ cũng phải học tập 10 lời thề danh dự quân nhân, 12 điều kỷ luật khi quan hệ với nhân dân và 15 bài hát quy định của Quân đội, bài truyền thống của đơn vị....
Nữ chiến sĩ đặc công Nguyễn Thị Hải Anh kể: “Em đã thức nhiều đêm để viết đơn tình nguyện đi bộ đội. Nay mong ước làm người lính Cụ Hồ đã thành hiện thực, nên khó khăn bao nhiêu em cũng quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ”. Còn nữ chiến sĩ Phòng không - Không quân Lê Thị Huyền Anh tâm sự, ngày còn nhỏ, trong tim em đã in đậm hình ảnh những chiến sĩ của các đoàn văn công biểu diễn dưới khói bom. Mơ ước cứ lớn dần lên, nên sau khi tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, em viết đơn xin vào quân đội.
Không riêng Lê Thị Huỳnh Anh, Nguyễn Thị Hải Anh, Trần Thị Trà My…, mà tất cả 99 nữ chiến sĩ đều mang trong tim ngọn lửa tình nguyện, hăng say học tập, huấn luyện để trở thành người lính Cụ Hồ “vừa hồng, vừa chuyên”.
Thượng tá Phạm Văn Hồng, Chính trị viên, Tiểu đoàn 5, Trường Quân sự Quân khu 7, nhận xét, cùng với công tác huấn luyện, các hoạt động giáo dục chính trị, vui chơi giải trí đã tạo sự chuyển biến rõ nét trong suy nghĩ, hành động, thói quen sinh hoạt của nữ chiến sĩ. Các nữ chiến sĩ mới ngày nào còn bỡ ngỡ, nay đã trưởng thành, cứng cáp trong tư thế, tác phong của người lính Cụ Hồ.
Thời gian nhập ngũ chưa lâu, nhưng các nữ chiến sĩ đã cứng cáp trong màu áo xanh người lính Cụ Hồ. Thượng tá Phạm Văn Hồng, Chính trị viên, Tiểu đoàn 5, Trường Quân sự Quân khu 7, chia sẻ, công tác tiếp nhận, huấn luyện nữ chiến sĩ đảm bảo chặt chẽ và chú trọng giáo dục, động viên tư tưởng chiến sĩ mới. Chỉ huy đơn vị phải nắm chắc các mối quan hệ xã hội, sức khỏe, học vấn, hoàn cảnh gia đình của từng nữ chiến sĩ để động viên, chia sẻ và có biện pháp giải quyết cụ thể, kịp thời. Nhờ sự sâu sát đó mà 99 chiến sĩ mới đều an tâm công tác, hăng say huấn luyện.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nu-chien-si-tren-thao-truong-post681242.html