Nữ công nhân khốn khó trăm bề

Đời sống nữ công nhân ở các KCN-KCX trên địa bàn TP Đà Nẵng còn nhiều khó khăn khi tiền lương không đủ trang trải, thường xuyên phải tăng ca

Nhiều nữ công nhân (CN) đã đề xuất chính quyền cần quan tâm hơn nữa để xây dựng nhiều khu vui chơi, nhà trẻ tại các KCX-KCN. Ngoài ra, mức lương tối thiểu hiện nay với phần lớn nữ CN đều không đủ trang trải chi phí sinh hoạt. Đó là nỗi lòng của nữ CN các KCX-KCN TP Đà Nẵng tại buổi đối thoại do Tổng LĐLĐ Việt Nam, Hội LHPN Việt Nam cùng UBND TP Đà Nẵng tổ chức sáng 24-11 ở TP Đà Nẵng.

"Mẹ đi làm, con không biết gửi đâu"

Nỗi khổ nêu trên là của CN Nguyễn Thị Thêu, Công ty TNHH Việt Nam Kanzaki - KCN Hòa Khánh (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng). Từ thực tiễn đời sống của bản thân cùng với các đồng nghiệp thì khó khăn lớn nhất hiện nay của họ là chỗ gửi con khi đi làm. "Lập gia đình, sinh con rồi đi làm sau 6 tháng nghỉ sinh, đó là khoảng thời gian mà chúng tôi khó khăn nhất. Nếu gia đình không có ông bà thì các cháu sẽ đi về đâu bởi các trường mầm non công lập chỉ nhận trẻ từ 18 tháng tuổi" - chị Thêu nói.

Nữ công nhân ở các KCN-KCX TP Đà Nẵng bày tỏ nỗi niềm tại diễn đàn

Nữ công nhân ở các KCN-KCX TP Đà Nẵng bày tỏ nỗi niềm tại diễn đàn

Theo nữ CN này, chưa kể các công ty còn thường xuyên tổ chức tăng ca, làm thêm. Thứ bảy và chủ nhật vẫn phải đi làm thì những đứa trẻ không biết phải gửi chỗ nào. Chị Thêu cho biết các trường tư thục đắt đỏ mà lương CN thì thấp, buộc lòng phải gửi con vào những nhóm trẻ tự phát. Ở đó, kinh nghiệm của người giữ trẻ chủ yếu là mày mò, không qua đào tạo nên ba mẹ không yên tâm. "Lương vợ chồng tôi 1 tháng khoảng 10 triệu đồng, ngoài chi phí thuê trọ, tiền gửi con hằng tháng, phải chắt bóp lắm mới dư được khoản tiền nhỏ phòng khi đau ốm" - chị Thêu bộc bạch. Ngoài ra, nữ CN này còn chia sẻ có những hôm con đau ốm nhưng chị và nhiều CN khác vẫn phải nén lòng gửi nhà trẻ bởi nếu xin nghỉ một hôm thì có thể bị cắt phụ cấp nguyên tháng.

Còn chị Vũ Thị Kim Thanh, CN Công ty TNHH Sento Việt Nam - KCN Hòa Khánh, thì cho rằng phần lớn các nữ CN đều không có kinh nghiệm, kiến thức trong việc chăm sóc con cái. "Thời gian phần lớn dành cho việc đi làm, rồi đến tăng ca, thậm chí mang thai cũng ít có thời gian nghỉ ngơi" - chị Thanh nói và đề xuất cơ quan chức năng tổ chức các buổi tuyên truyền tập huấn về kinh nghiệm chăm sóc và nuôi dạy con cái cho nữ CN.

Mong được an cư

Một trong những băn khoăn mà các nữ CN gửi gắm tại diễn đàn là vấn đề nhà ở xã hội. Họ kiến nghị nhà nước và các ngành liên quan cần mở rộng nhiều dự án, tạo điều kiện cho CN được tiếp cận với nhà ở xã hội. Theo các nữ CN, cuộc sống nhà trọ khó khăn trăm bề khiến đời sống của họ vô cùng bấp bênh. Một phần phải bỏ tiền thuê trọ; phần khác phải sống chật chội, ẩm thấp, không ổn định.

Bà Đinh Thị Thanh Hà, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Đà Nẵng, cho biết việc xây dựng nhà ở xã hội, trường mầm non tại khu vực các KCN dành cho CN lao động thời gian qua được lãnh đạo TP hết sức quan tâm. Một số dự án đã triển khai và đi vào hoạt động. Bà Hà nhấn mạnh: "TP sẽ tiếp tục thu hút các nhà đầu tư tham gia các dự án được TP quy hoạch để đáp ứng nhu cầu ổn định cuộc sống cho CN".

Còn theo đại diện Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng, đơn vị đang cùng với Sở Xây dựng và các ngành tham mưu TP phê duyệt số lượng các căn hộ ưu tiên cho CN tại các KCN trên địa bàn. Cụ thể, hiện tại, TP Đà Nẵng có 2 dự án nhà ở xã hội cho CN gồm dự án khu chung cư KCN Hòa Khánh tại quận Liên Chiểu quy mô 2.000 căn hộ. Chủ đầu tư dự án này đang tổ chức bán và cho thuê nhà ở xã hội giai đoạn 1. KCN Hòa Cầm đang xây dựng dự án nhà ở cho CN quy mô 8 block nhà 5 tầng, dự kiến giải quyết chỗ ở cho hơn 1.600 CN. Cả 2 dự án trên đều đã bao gồm các tiện ích như khu vui chơi, trường mầm non... để phục vụ tốt nhất cho đời sống CN.

Cực chẳng đã mới tăng ca

Ông Trần Văn Thuật, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, thừa nhận hiện nay, lương của đa số CN còn thấp, có trường hợp chưa đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu. Trong khi đó, các CN phải nuôi con nhỏ thì luôn tiêu tốn khoản tiền khá lớn so với tiền lương. "Vừa qua, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã quyết định tăng lương tối thiểu. Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đã làm việc với Chính phủ về mức lương tối thiểu, trong đó có đối chiếu với mức sống tối thiểu nhằm bảo đảm tốt nhất đời sống cho CN. Việc làm thêm giờ là phù hợp với sự phát triển và mong muốn của NLĐ để tăng thu nhập. Tuy nhiên, đối với NLĐ thì việc tăng ca là cực chẳng đã" - ông Thuật bày tỏ.

Bài và ảnh: BÍCH VÂN

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/nu-cong-nhan-khon-kho-tram-be-20191124205952752.htm