Nụ cười của A Biu

Khách gõ nhẹ vào dàn chiêng trước ngôi nhà của ông A Biu. Tiếng chiêng báo hiệu cho mọi người biết họ sắp bước vào thế giới văn hóa Bahnar được gìn giữ gần như nguyên bản ở làng Plei Klech (xã Ngọk Bay, thành phố Kon Tum).

Chân dung A Biu (NAG Đinh Dũng)

Chân dung A Biu (NAG Đinh Dũng)

Nhà của ông A Biu bây giờ vẫn là ngôi nhà sàn kiểu nhà Bahnar, hàng cột hiên trang trí hoa văn đậm nét Bahnar, song cửa sổ đẽo gọt cầu kỳ, gầm sàn bày đồ dệt thổ cẩm, măng khô, mật ong rừng... Trước nhà là một khoảng sân có cây nêu, treo đầy cồng chiêng, trống và có cả đàn T’rưng, nơi ông và nhiều lớp con cháu thường trình diễn mỗi khi khách tới tham quan. Chủ nhà thật sự đam mê, tâm huyết với những giá trị văn hóa dân tộc đậm chất Tây Nguyên.

Vài chục phút sau cuộc điện thoại, A Biu về trên con “chiến mã” win 100 màu đỏ đã dùng nhiều năm. Đó là người đàn ông 65 tuổi, dáng cao gầy, rắn chắc, mái tóc dài rủ qua vai, khuôn mặt thiện cảm bởi nước da nâu sạm nắng gió cao nguyên, đôi mắt tinh anh của người sống nhiều ở rừng cùng nụ cười chúm chím. A Biu tay bắt mặt mừng với tôi như đón người thân lâu ngày về gặp.

Vít nhẹ cần rượu, A Biu thủng thẳng kể về cuộc đời mình. Với A Biu, văn hóa Bahnar vốn là cái gì mông lung lắm, A Biu không biết nữa. Chỉ biết rằng, cái tiếng của A Biu là tiếng Bahnar, cách sống của A Biu cũng là Bahnar, cái tay đánh chiêng, cái tay cầm dùi đánh đàn T’rưng, cái chân đi khắp vùng, cái mắt cái bụng tìm về nhạc cụ, tất cả đều là Bahnar hết. Tôi chỉ cười, bảo A Biu rằng, tất cả đều là văn hóa đấy. A Biu cũng cười, vẫn nụ cười chúm chím.

A Biu được công nhận là nghệ sĩ ưu tú

A Biu được công nhận là nghệ sĩ ưu tú

Gần nửa thế kỷ rồi, A Biu chưa một lần ngơi nghỉ. 5 tuổi đã được theo cha đi nhiều lễ hội, nghe cha đánh cồng chiêng, tiếng chiêng lẫn cả vào trong giấc ngủ, lẫn cả vào những chiều lên rẫy, lẫn cả trong khao khát như chàng chiến binh đi tìm nữ thần mặt trời ở tuổi 17. Mấy mươi năm qua, chẳng ai còn nhớ bước chân A Biu đã đi lang thang những đâu để tìm chiêng, đàn, trống, tượng gỗ... rải rác trong cộng đồng Bahnar.

A Biu bên dàn chiêng quý của mình

A Biu bên dàn chiêng quý của mình

Giờ A Biu còn 7 bộ chiêng, tất cả đều là chiêng quý có tuổi đời hàng trăm năm. Có những chiếc chiêng đổi bằng vài con bò, vài con trâu. Chừng đó đủ để mọi người biết được công tìm và giữ những bộ chiêng ấy giữa thời kỳ “chảy máy cồng chiêng” của lão tóc dài này lớn lao biết nhường nào. A Biu khoe với tôi cái chiêng lớn nhất, vẫn còn đượm vô số vết máu con trâu cúng Yàng trong mùa lễ hội, vẫn còn hằn hàng trăm vết búa chỉnh chiêng gõ vào để chiêng này mang linh hồn của dân làng gửi đến cho thần linh. Đó là một chiếc chiêng trong bộ chiêng quý có tên là Klang Brông (chiêng Đại Bàng), một trong “Tứ đại kỳ chiêng” của người Bahnar. Bộ chiêng này có 12 chiếc. Trong đó, chiêng cái hay còn gọi là chiêng mẹ, dày và nặng khoảng 12kg, được gò đồng với vân nổi khắc trên mặt chiêng giống cánh chim đại bàng đang xòe rộng, đánh một tiếng nghe rung đều, âm vang khắp không gian buôn làng.

Không chỉ chiêng, A Biu còn miệt mài với dân ca, những khan, những thổ cẩm, những nhạc cụ khác như đàn T’rưng, trống... để giữ gìn nguyên vẹn hồn cốt Bahnar. A Biu bảo, giữ không chỉ cho mình, cho làng, mà cho con cháu đời sau, cho cả người Bahnar ở khắp vùng cao nguyên này.

A Biu chỉnh chiêng

A Biu chỉnh chiêng

Lâu rồi, người ta đã quên A Biu từng là một thầy giáo. Bao mùa trăng, A Biu lặn lội qua từng con suối, qua từng sườn đồi để tìm lũ trẻ dạy học. Hơn 15 năm làm thầy giáo, không biết bao lần A Biu thổn thức khi thấy lũ trẻ chờ đến lớp... Nay A Biu về làng nhưng vẫn đi dạy, dạy cho lũ trẻ trong vùng biết cái trống, cái chiêng, biết cầm dùi từ lúc vừa 5 tuổi, biết chơi T’rưng khi còn bé. A Biu còn thường xuyên được mời tới các trường văn hóa nghệ thuật của Gia Lai, Đắk Lắk để dạy cồng chiêng. A Biu đi các làng, dạy cho thanh niên cách chỉnh chiêng. Mỗi lần dạy, hoặc đi chỉnh chiêng, A Biu được trả công bằng tiền, nhưng không lấy, chỉ mong người làng giữ được “lửa chiêng” trong cái bụng Bahnar mà thôi.

Cuối tháng 11-2019, A Biu được Nhà nước công nhận là nghệ sĩ ưu tú. Người làng nườm nượp đổ đến nhà A Biu để chúc mừng. A Biu đứng giữa sân nhà, mang cái chiêng quý nhất ra chơi, mang cái bụng mình ra giãi bày bằng những ting tong của T’rưng. A Biu cất giọng trầm ấm hát bằng tiếng mẹ đẻ. Mấy đứa trẻ lớp 2, lớp 3 lạ lùng, tò mò chăm chú nghe. Có lẽ, lần đầu chúng thấy ông trong hình ảnh một người nghệ sĩ phiêu lãng như thế. Dân làng ngồi yên lặng nghe ông hát...

Giờ đây, nhà của A Biu có một đội chiêng hàng chục người, với những màn biểu diễn hằng tuần, hằng tháng ở khắp nơi. Đặc biệt, từ ngày bắt nhịp cuộc sống hiện đại, A Biu mở du lịch homestay ngay chính ngôi nhà sàn của mình, để cho nhiều người thấy cái hay, cái đặc sắc của văn hóa Bahnar, lan truyền hồn cốt Bahnar trong cộng đồng. Chẳng mất nhiều công sức và thời gian, ngôi nhà và khuôn viên của ông biến thành một làng Bahnar thu nhỏ với đầy đủ những cung bậc cảm xúc, đầy đủ những chiêng, trống, đàn, tượng, thổ cẩm, ẩm thực và con người Bahnar hiện hữu. Nhiều du khách trong và ngoài nước đến đây rất thích thú với những vật dụng A Biu sưu tầm được. Họ cùng ngắm cổ vật, thưởng thức những điệu múa, những bài hát hát dân ca tha thiết hòa cùng âm thanh rộn ràng của cồng chiêng, thưởng thức những ngụm rượu cần nồng nàn giữa núi rừng Tây Nguyên.

Nụ cười chúm chím đặc trưng, đầy mãn nguyện luôn hiện hữu trên môi A Biu, người gìn giữ và lan tỏa hồn cốt văn hóa Bahnar.

Tiêu Dao - Anh Dũng

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nu-cuo-i-cu-a-a-biu-587979.html