Nụ cười đã nở bên những 'căn nhà 22'

Hơn 5 tháng, có hơn 900 căn nhà được sửa chữa, xây mới với ăm ắp niềm vui, tiếng cười. Chỉ thị số 22-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh trong 2 năm 2024-2025 (gọi tắt là Chỉ thị 22 - PV) đã và đang lan tỏa khắp xóm thôn, đường ngõ, tiếp tục khơi dậy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái trong mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân, để không còn ai bị bỏ lại phía sau.

Cán bộ MTTQ huyện Hoằng Hóa và xã Hoằng Lưu đến thăm, động viên gia đình thương binh Lường Thị Lý ở thôn Phú Vinh. Ảnh: Đỗ Đức

Cán bộ MTTQ huyện Hoằng Hóa và xã Hoằng Lưu đến thăm, động viên gia đình thương binh Lường Thị Lý ở thôn Phú Vinh. Ảnh: Đỗ Đức

Niềm vui đã về

Ở thôn 3, xã Hoằng Thành (Hoằng Hóa), ngôi nhà của bà Lương Thị Hường (69 tuổi) lụp xụp, nằm lọt thỏm giữa những ngôi nhà cao tầng. Căn nhà chỉ rộng chừng hơn 10m2, do được xây từ hơn 30 năm trước, lại ít khi được tu sửa nên tường vách tả tơi, nắng xuyên mái ngói. Lúc chúng tôi đến, trên nền nhà vẫn còn một đám nền ướt sũng ngay phía đầu giường ngủ, là dấu tích còn lại của trận mưa đêm hôm trước. Bên trong cái được gọi là “căn nhà” ấy nồng nặc đủ thứ mùi, nào là mùi nước mắm, mùi bùn hoai,... Còn phía sân, tuy đã được lát gạch, nhưng do thấp hơn ngõ, ngõ thấp hơn mặt đường nên, dù mưa tạnh ráo, nắng đã lên, nhưng bà vẫn phải trải tấm bạt để phơi ít lúa vừa mới thu hoạch.

Người dân thôn 3 đều biết, bà Lương Thị Hường thuộc diện nghèo bền vững. Khi khỏe mạnh bà đã nghèo, lúc già yếu lại càng nghèo thêm. Bởi chồng mất sớm, khi người con gái duy nhất chưa đầy 10 tuổi. Bà ở vậy nuôi con từ ấy. Cô con gái sinh năm 1990, được bà nuôi ăn học đầy đủ, giờ đã lập gia đình cách nhà chừng 5 cây số, nhưng cũng chẳng dư dật để bớt một vài đồng phụ giúp mẹ. Bà Hường nói với gương mặt khắc khổ: “Chồng nó chẳng làm được gì nhiều, nên nó cũng khổ như tôi. Một mình cáng đáng cả gia đình 4 miệng ăn”.

Một mình đơn thân, ngoài 12 thước ruộng, bà Hường cũng chẳng thể làm được công việc nặng nhọc để kiếm kế sinh nhai vì thường xuyên đau ốm. Lúc khỏe mạnh, bà lại xách cái xe cà tàng, chằng buộc theo những bì, làn ngược lên TP Thanh Hóa, rồi rong ruổi khắp trong làng, ngoài xã thu mua đồng nát. Hôm nhiều bà lãi 50 nghìn đồng, còn ngày ít chỉ được chừng vài nghìn đồng, có ngày chẳng thu được gì. Trên chiếc xe ấy, người ta vẫn thường thấy bà quắc thêm một cái túi nilon ở phía ghi-đông, chứa đủ các loại thuốc nhỏ mắt, dầu xoa... để tiện điều trị bệnh. “Giờ tôi chẳng đi xa được, mắt mũi nhìn chẳng rõ nữa, sợ xe cộ lắm. Mình nghèo mãi rồi, nếu có chết thì cũng mong được chết trong ngôi nhà của mình”, bà Hường rầu rĩ.

Cán bộ MTTQ huyện Hoằng Hóa và xã Hoằng Thành đến thăm, động viên gia đình bà Lương Thị Hường ở thôn 3.

Cán bộ MTTQ huyện Hoằng Hóa và xã Hoằng Thành đến thăm, động viên gia đình bà Lương Thị Hường ở thôn 3.

Cuộc sống đắp đổi qua ngày cũng chỉ đủ ăn, nên căn nhà cao ráo là cả một ước mơ xa xỉ mà đến trong mơ bà chẳng bao giờ thấy được. Vậy nên, ngày cán bộ huyện, xã về thực tế ngôi nhà, thăm hỏi, động viên và có quyết định hỗ trợ làm nhà, bà mừng chảy nước mắt. “Nhờ có Đảng, Nhà nước quan tâm giúp đỡ, tôi sẽ cố gắng làm căn nhà mới. Được 80 triệu đồng hỗ trợ của Nhà nước, cộng với số tiền tích cóp được, sang tháng 11 này, tôi sẽ làm căn nhà khoảng 90 triệu đồng. Tuy không to đẹp, nhưng nó sẽ cao ráo, trời mưa không bị dột ướt, cũng không phải bì bõm vì ngập nữa”, bà Hường lấy tay quệt nước mắt.

Ngồi cạnh tôi, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Hoằng Thành Lê Văn Quang cũng rơm rớm. Ông bảo, Chỉ thị 22 ra đời rất kịp thời. Trong 2 năm 2024-2025, xã Hoằng Thành sẽ có 4 hộ có hoàn cảnh như gia đình bà Hường được hỗ trợ xây mới nhà cửa. Các hộ mừng rơi nước mắt. Xã Hoằng Thành sẽ tiếp tục vận động bà con lối xóm, anh em dòng họ chung tay hỗ trợ tiền của và ngày công để các hộ làm nhà mới.

Cách cổng chùa Trào Âm không xa, hoàn cảnh của đôi vợ chồng già Lương Quốc Đạt (73 tuổi) và thương binh 41% Lường Thị Lý (74 tuổi) ở thôn Nghĩa Phú, xã Hoằng Lưu (Hoằng Hóa) cũng dễ khiến người ta thương cảm. Ở cái tuổi gần đất xa trời, đau ốm liên miên lúc trái gió trở trời, nhưng hai ông bà vẫn phải nai lưng đánh vật mưu sinh với hơn 6 sào đất nông nghiệp. Hết vụ lúa rồi đến ngô, khoai,... chẳng khi nào ông bà để cho đất nghỉ. Quần quật lam lũ là thế, lại có thêm chế độ, chính sách của Nhà nước cho vợ là thương binh, nhưng chưa bao giờ ông Đạt được gọi là đủ đầy. Mà minh chứng là căn nhà ông bà ở chẳng ai dám gọi là nhà. Nó thụp xuống, thấp hơn mặt đường thấy rõ, hễ trời mưa to, nước lại chảy vào xăm xắp nền nhà. Xung quanh tường vách xiêu vẹo, trên nóc đủ thứ màu xanh đỏ của bạt che chắn. Thế nhưng chưa một trận mưa lớn nào ông bà không bị ướt.

Ông bà Lý có đận 3 người con, nhưng chẳng ai khá khẩm gì. Người con trai đầu đi làm ăn tận TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, dù lập gia đình, có con trai lớn học lớp 12 nhưng đến giờ vẫn phải còn ở trọ. Còn người con gái út theo chồng vào tỉnh Quảng Nam, nhưng chồng mất sớm, thân lại bị tai nạn giao thông dẫn đến chấn thương sọ não nên cũng chẳng thể lao động như người bình thường. Dăm bữa nửa tháng, ông bà lại phải góp nhóp ít đồng gửi vào cho cháu ngoại ăn học. Chỉ duy nhất người con gái thứ 2 lấy chồng làng, nhưng cuộc sống giật gấu vá vai, chẳng thể hỗ trợ bố mẹ đẻ.

Hôm cán bộ xã đến nhà thông báo quyết định của huyện hỗ trợ làm nhà, ông bà vui lắm. Một cán bộ MTTQ xã Hoằng Lưu đi cùng nói với tôi: “Hôm ấy ông bà chỉ ngồi khóc. Chúng tôi cũng khóc theo vì cảm động, thương ông bà”. Rồi niềm vui nhân đôi, anh em, con cháu dòng họ Lương, bà con trong xã người cho gạch, người giúp vận chuyển xi măng, sắt thép, người giúp công, đến giờ căn nhà của ông bà đã gần hoàn thiện phần móng. Đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ tới, ông bà sẽ được ở trong ngôi nhà mới.

Bà Lường Thị Lý bộc bạch: “Được Đảng, Nhà nước các cấp quan tâm hỗ trợ, tôi không biết nói gì hơn ngoài sự biết ơn. Vợ chồng tôi sẽ tiếp tục sống gương mẫu, giáo dục con cháu tình yêu quê hương, đất nước, hăng say lao động để phát triển kinh tế gia đình, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp hơn”.

Vợ chồng thương binh Lường Thị Lý giới thiệu căn nhà đang xây dựng từ nguồn hỗ trợ của Chỉ thị 22.

Vợ chồng thương binh Lường Thị Lý giới thiệu căn nhà đang xây dựng từ nguồn hỗ trợ của Chỉ thị 22.

Gia đình bà Hường, ông Đạt - bà Lý là 2 trong số 61 hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở sẽ được hỗ trợ xây dựng nhà mới trong năm nay theo tinh thần Chỉ thị 22 ở huyện Hoằng Hóa. Theo kế hoạch, trong 2 năm 2024-2025, trên địa bàn huyện sẽ có 159 nhà được làm mới, hoặc sửa chữa, trong đó có 47 hộ nghèo, 22 hộ có thành viên là người có công với cách mạng, 90 hộ còn khó khăn về nhà ở.

Thực hiện Chỉ thị 22 trong lúc các xã, thị trấn và Nhân dân đang tập trung ủng hộ, tạo điều kiện tổ chức hội trại hè cho các cháu thiếu niên, nhi đồng, rồi XDNTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và nhiều cuộc vận động khác, nhưng xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa chính trị - xã hội và tính nhân văn sâu sắc, Huyện ủy Hoằng Hóa đã triển khai bài bản, khoa học các giải pháp, thu hút sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị và Nhân dân. Đồng chí Trịnh Thị Quế, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Hoằng Hóa cho biết, bằng việc tổ chức đa dạng, linh hoạt các hình thức tuyên truyền, vận động, tính đến ngày 10/10/2024, huyện Hoằng Hóa đã tiếp nhận trên 11 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở.

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Quan tâm chăm lo cuộc sống Nhân dân, đặt an toàn sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết; người dân là chủ thể, trung tâm của mọi chính sách luôn là chủ trương nhất quán, xuyên suốt từ nhiều nhiệm kỳ qua của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa. Dẫu rằng vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng sau khi hoàn thành chủ trương hỗ trợ đồng bào sinh sống trên sông lên bờ ổn định cuộc sống, ngày 30/3/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Chỉ thị số 22-CT/TU về Cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh trong 2 năm 2024-2025. Mà mục tiêu của chủ trương nhân văn này là tiếp tục huy động sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng xã hội, cùng với nguồn lực của Nhà nước phấn đấu đến ngày 30/9/2025 có ít nhất 5.000 hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở.

Về công khai minh bạch số tiền đã vận động ở các cấp, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lại Thế Nguyên đề nghị: Đối với số tiền Ban Chỉ đạo tỉnh quản lý, sử dụng sau khi phân bổ sẽ công khai trên Báo Thanh Hóa, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; công khai trên trang thông tin điện tử của Ủy ban MTTQ và Ban Dân vận Tỉnh ủy. Số tiền do huyện quản lý phải minh bạch, công khai trên hệ thống truyền thanh huyện, công khai tại trụ sở UBND huyện, UBND các xã. Đối với số tiền cấp xã thu được cũng phải công khai trên loa truyền thanh của xã, công khai tại trụ sở UBND xã và công khai tại nhà văn hóa các thôn, bản. Đặc biệt, vấn đề quản lý chi tiêu đối với Cuộc vận động này phải thực hiện theo đúng Thông tư 41 và hướng dẫn của Sở Tài chính.

Xem việc thực hiện Chỉ thị 22 là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa chính trị - xã hội to lớn và tính nhân văn sâu sắc, là mệnh lệnh của lương tri và trách nhiệm, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ trong tỉnh đã khẩn trương vào cuộc với sự bài bản trong cách thức tổ chức tuyên truyền, vận động, đã khơi dậy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, “tương thân, tương ái” trong mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Ngoài vận động cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và Nhân dân trên địa bàn, các huyện, thị, thành phố trong tỉnh đã kêu gọi tinh thần chung tay hỗ trợ của doanh nghiệp, hội đồng hương, con em đang sinh sống, lập nghiệp ở mọi miền đất nước, các tổ chức từ thiện, nhà hảo tâm. Đồng thời vận động anh em, gia đình, dòng họ, bà con lối xóm, đoàn thể tại địa phương hỗ trợ tiền của, ngày công, giúp đỡ các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở xây mới, hoặc sửa chữa nhà... Vậy nên, mới chỉ hơn 5 tháng kể từ ngày phát động trên phạm vi toàn tỉnh, việc thực hiện Chỉ thị 22 đã nhanh chóng trở thành phong trào rộng lớn, len lỏi khắp các phố thôn, đường ngõ, thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia ủng hộ, không để ai bị bỏ lại phía sau. Và kết quả ấy đã thể hiện phần nào ở nguồn tiền quyên góp ủng hộ tính đến ngày 8/10/2024, khi toàn tỉnh đã tiếp nhận trên 220,299 tỷ đồng ủng hộ. Trong đó, cấp huyện và xã tiếp nhận 165,182 tỷ đồng.

Chỉ thị 22 là một chính sách nhân văn, hướng về người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau, nhưng để đảm bảo đến đúng đối tượng lại chẳng dễ dàng gì. Bởi vậy, cấp ủy, chính quyền ở nhiều nơi, cán bộ lãnh đạo quản lý đã trực tiếp về cơ sở chỉ đạo công tác bình xét để đảm bảo công khai, dân chủ và minh bạch. Như tại xã Thành Trực (Thạch Thành), danh sách hộ nghèo, hộ gặp khó khăn cần được hỗ trợ về nhà ở được tổ chức rà soát, bình xét công khai, dân chủ và minh bạch, qua nhiều khâu, nhiều bước. Sau khi hoàn thành việc rà soát theo các tiêu chí, các thôn đã tổ chức họp dân cư tiến hành bình xét và thống nhất danh sách các hộ nghèo cần được hỗ trợ. Sau đó, danh sách này được xã xem xét, quyết định dựa trên nhiều nguồn thông tin và công khai để người dân được biết.

Hay ở huyện Hoằng Hóa, sau khi nhận được danh sách đề nghị của các xã, thị trấn, Huyện ủy Hoằng Hóa đã phân công các đồng chí Thường vụ Huyện ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện làm tổ trưởng tổ chức rà soát, trực tiếp về cơ sở thực tế tình hình và thăm hỏi, động viên Nhân dân. Đồng thời trực tiếp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để địa phương triển khai Chỉ thị 22 theo đúng kế hoạch, tiến độ đã đề ra.

Tinh thần quyết liệt, quyết tâm thực hiện thành công chính sách nhân văn ấy sẽ còn tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ. Tinh thần ấy tiếp tục khẳng định chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng là quan tâm, chăm lo cuộc sống của Nhân dân, đặt an toàn sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết; người dân là chủ thể, trung tâm của mọi chính sách. Và tôi đã thấy nụ cười tươi như chất chứa cả giấc mơ và nỗi niềm bên những căn nhà được xây mới, sửa chữa từ Chỉ thị 22...

Tính đến ngày 8/10/2024, toàn tỉnh đã có 799 ngôi nhà được khởi công xây mới, 123 căn nhà đang thực hiện sửa chữa từ Chỉ thị 22. Những địa phương được đánh giá có kết quả tích cực, khả quan nhất là TP Thanh Hóa xây dựng mới 72 nhà, sửa chữa 44 nhà; huyện Thạch Thành xây dựng mới 111 nhà; huyện Thường Xuân xây dựng mới 200 nhà, sửa chữa 18 nhà...

Mang theo tinh thần khẩn trương và trách nhiệm cao nhất, ngày 9/10/2024, Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa đã làm việc với Ban Chỉ đạo Cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh trong 2 năm 2024-2025 để đánh giá tiến độ thực hiện và cho ý kiến về phân bổ kinh phí triển khai thực hiện Cuộc vận động và triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới. Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị này, đồng chí Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị, ngay sau hội nghị này các đồng chí Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo các huyện, nhất là các huyện miền núi được thụ hưởng các Chương trình Mục tiêu quốc gia và nhận tiền hỗ trợ của Ban Chỉ đạo tỉnh phải khẩn trương xây dựng kế hoạch khởi công, ra quân làm nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách ở huyện mình. Từ cấp huyện đến cấp xã phải xây dựng kế hoạch chi tiết thể hiện được việc huy động lực lượng tại chỗ và phối hợp với lực lượng công an, quân sự và biên phòng trong việc hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách. Phải quyết tâm giải ngân hết số vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia đã có và của tỉnh phân bổ cho các hộ để đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 tất cả các hộ theo danh sách được phân bổ kỳ này phải có nhà mới...

Đỗ Đức

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/nu-cuoi-da-no-ben-nhung-can-nha-22-227277.htm