Nụ cười tỏa rạng ở bản người Mông

Trời còn mờ sáng, khi con gà trống vừa cất tiếng gáy, trong ngôi nhà nhỏ ở bản người Mông, xã Mồ Dề (Mù Cang Chải, Yên Bái) chị Hảng Thị Xúa, vợ Thiếu tá Mùa A Lồng (công tác tại Ban CHQS huyện Mù Cang Chải) đã mang một gùi rau về nấu cám cho lợn.

Chị Xúa có hai người con, con gái lớn là Mùa Thị Chu đang học lớp 10 Trường THPT Mù Cang Chải. Trường cách nhà hơn 10km nên Chu ở nội trú, cuối tuần mới về thăm nhà. Con trai út là Mùa A Hồng hiện là học sinh lớp 8 Trường Tiểu học và Trung học cơ sở thị trấn Mù Cang Chải. Một buổi A Hồng đến trường, một buổi giúp mẹ việc nhà.

Ở lớp 8 Trường Tiểu học và Trung học cơ sở thị trấn Mù Cang Chải, chỉ có mình A Hồng là con bộ đội nên cậu bé hãnh diện lắm. Bây giờ thì A Hồng đã hiểu phần nào về công việc của bố, rằng tại sao bố lại ít được ở nhà với mẹ con cậu, ít có thời gian kèm cặp anh em cậu học bài mỗi tối... A Hồng tự giác học tập, giúp mẹ việc nhà nhiều hơn. A Hồng nói với mẹ, thành tích học tập của mình chính là món quà tặng bố.

Thiếu tá Mùa A Lồng-chồng chị Xúa đến nay đã có 22 năm khoác lên mình màu xanh áo lính. Ngày ấy, khi có giấy gọi khám tuyển nghĩa vụ quân sự của xã, anh Lồng phấn khởi lên đường tòng quân bởi ước mơ đã trở thành hiện thực. Anh Lồng bảo: "Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã ấn tượng với hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ qua các bài học. Trong tôi thầm mơ ước sau này mình cũng được vào quân ngũ".

Thiếu tá Mùa A Lồng tranh thủ hướng dẫn con học bài.

Thiếu tá Mùa A Lồng tranh thủ hướng dẫn con học bài.

Theo thời gian, trải qua nhiều đơn vị công tác, dù ở vị trí nào, anh Lồng cũng cố gắng hoàn thành nhiệm vụ mà cấp trên giao. Tháng 12-2017, anh được điều động về nhận nhiệm vụ tại Ban CHQS huyện Mù Cang Chải. Trên cương vị là trợ lý chính trị, anh Lồng không nhớ hết mình đã có bao nhiêu chuyến đi tuyên truyền và hỗ trợ người dân ở các vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Mỗi chuyến công tác luôn gắn với rất nhiều kỷ niệm. Chuyển về công tác tại Ban CHQS huyện Mù Cang Chải cũng là điều kiện để anh Lồng được gần gia đình, có điều kiện lo cho các con nhiều hơn.

Kể về chuyện tình cảm của mình, chị Xúa bảo, thích anh Lồng ngay từ lần gặp đầu tiên. Ngày đó, anh Lồng công tác tại Bộ CHQS tỉnh Yên Bái. Anh cùng đồng đội đến bản người Mông giúp dân thu hoạch lúa. Nhìn bàn tay thoăn thoắt gặt lúa như múa của anh Lồng, chị Xúa phục lắm. Vậy là không ngần ngại, chị Xúa “bắn” tín hiệu với anh Lồng. Dần dần anh Lồng cũng thấy thích chị Xúa lúc nào không biết. Anh bảo, thích chị ở sự mộc mạc, hiền lành, chịu thương, chịu khó.

Sau gần một năm tìm hiểu, hạnh phúc đã đơm hoa khi đám cưới của anh chị diễn ra trong sự chúc phúc của hai bên gia đình, người thân và đồng đội. Đám cưới của anh chị diễn ra theo phong tục của người Mông. Họ hàng người thân đến đông lắm, ăn cỗ trọn vẹn một ngày theo nếp sống mới. Đặc biệt, lần đầu tiên bản người Mông ở xã Mồ Dề “bắt” được chú rể là bộ đội. Cả bản ai cũng phấn khởi, vui mừng, hỉ hả lắm.

Hồi yêu nhau, chị Xúa đã quen với việc anh Lồng không thường xuyên ở gần do yêu cầu nhiệm vụ. Vì vậy, ngay từ khi yêu rồi đến khi cưới, chị đã xác định mình sẽ là hậu phương vững chắc để anh yên tâm công tác. Mùa Thị Chu và Mùa A Hồng chính là nhân chứng cho tình yêu và hạnh phúc của gia đình anh chị. Mỗi dịp gia đình sum họp, chị Xúa luôn dành cho anh những tình cảm ấm áp nhất, còn anh Lồng lại “tranh thủ” giành làm hết việc nhà như để bù đắp cho vợ và các con khoảng thời gian xa cách. Nụ cười và hạnh phúc luôn tỏa rạng trong ngôi nhà nhỏ ở bản người Mông.

Bài và ảnh: MINH GIANG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/quoc-phong-toan-dan/nu-cuoi-toa-rang-o-ban-nguoi-mong-719306